Ông Johnson nói Anh sẽ ‘thay đổi lịch sử’ visa vì người Hồng Kông
Trong thông điệp trực tiếp đầu tiên gửi đến vùng lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh, ông Johnson nói rằng “nhiều người ở Hồng Kông lo sợ đường sống của họ bị đe doạ” kể từ khi Quốc hội Trung Quốc đề xuất luật an ninh vào cuối tháng trước.
“Nước Anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì mối quan hệ sâu sắc về lịch sử và tình hữu nghị của chúng tôi với người dân Hồng Kông”, ông Johnson nói.
Mỹ – Brazil cùng nghiên cứu thuốc sốt rét để điều trị Covid
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã thảo luận về việc Mỹ – Brazil cùng nghiên cứu sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để điều trị Covid-19, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Ba, theo Reuters.
Ông Trump và ông Bolsonaro “đánh giá cao về sự hợp tác lâu dài về các vấn đề sức khỏe giữa hai nước”. Nhà Trắng cho biết, hai vị lãnh đạo đã thảo luận về việc Mỹ hỗ trợ Brazil 2 triệu liều thuốc hydroxychloroquine và việc nghiên cứu để có thể đánh giá thêm về sự an toàn và hiệu quả của loại thuốc này cho cả điều trị dự phòng và điều trị sớm virus Vũ Hán.
Cùng nhiễm nCoV, người gốc Anh tử vong ít hơn người nhập cư
Người gốc Phi và gốc Á ở Anh có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều so với người Anh bản địa sau khi cùng bị nhiễm virus Vũ Hán, một nghiên cứu đưa ra kết luận. Nghiên cứu này đã củng cố thêm nhận định của những báo cáo trước đây rằng các nhóm dân tộc thiểu số ở Anh có nguy cơ tử vong cao hơn dân Anh gốc khi bị nhiễm Covid-19, theo SBS News.
Cụ thể, báo cáo khoa học này chỉ ra rằng nhóm người gốc Bangladesh có nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với người Anh da trắng. Nhóm sắc dân gốc Hoa, Ấn Độ, Pakistan hoặc người châu Á khác và những người gốc Caribbean hay gốc Phi có nguy cơ tử vong cao hơn người Anh da trắng từ 10% đến 50%.
Dòng người di cư tới Mỹ bị chặn lại ở Honduras
Dòng người tới từ châu Phi, Cuba và Haiti trên đường tới Mỹ đã bị chặn lại ở Honduras khi nước này đóng cửa biên giới để chống dịch viêm phổi Vũ Hán, các quan chức di trú cho biết, theo bản tin hôm thứ Ba của Reuters.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy, người di cư đeo khẩu trang đang đi dọc theo đường cao tốc ở miền nam Honduras. Một nhà hoạt động ở thị trấn mà nhóm người di cư mới rời khỏi cho biết 102 người đã bắt đầu hành trình tới Mỹ vào buổi sáng, trong đó có hàng chục người Cuba. Lizandro Vallecillo, phát ngôn viên của cơ quan di trú quốc gia nói rằng ông đếm được 50 người từ hình ảnh trên truyền hình.
Jimmy Aguilera, một nhà hoạt động ở Choluteca, Honduras, thông tin cảnh sát đã chặn họ lại tại một con đường ở một thị trấn có tên El Marillal. “Họ đang yêu cầu được đi tiếp”, ông nói.
Mỹ: Người biểu tình cướp phá, quân đội có thể vào cuộc
Hôm thứ Ba, Tổng thống Trump nói rằng có thể sẽ sử dụng quân đội để ngăn chặn người biểu tình khi chính quyền các địa phương không kiểm soát được việc nhiều người lợi dụng biểu tình về cái chết của một người Mỹ gốc Phi để quậy phá và hôi của, theo SBS News.
Ông Trump cho rằng quân đội nên tham gia bảo vệ an ninh ở thành phố New York trong bối cảnh 5 sĩ quan cảnh sát ở những vùng khác đã bị người biểu tình bắn và đánh bị thương.
Người biểu tình đã đập vỡ cửa sổ để cướp đồ tại các cửa hàng ở thành phố New York vào cuối ngày thứ Hai và đốt cháy một trung tâm thương mại ở Los Angeles. Những video chia sẻ trên internet cũng cho thấy nhiều người biểu tình phá phách tài sán công và tư trên đường phố.
Trang ABC7 đưa tin, cảnh sát nói rằng một người đàn ông 31 tuổi mặc đồng phục, mang theo súng trường tấn công đã cố gắng trà trộn vào đội Vệ binh Quốc gia ở trung tâm thành phố Los Angeles (ảnh: Chụp màn hình video ABC7).
Tại thời điểm bị bắt, người đàn ông gốc Hoa này được trang bị đầy đủ vũ khí như một Vệ binh Quốc gia thực sự, với một khẩu súng trường không có số sê-ri.
Truyền thông ABC7 đưa tin, người đàn ông Trung Quốc 31 tuổi, Gregory Hoàng đã đi Uber đến trung tâm thành phố Los Angeles vào tối thứ Hai. Lúc đó anh ta mặc trang phục giống với đồng phục của Vệ binh Quốc gia và mang theo một khẩu súng trường, trà trộn vào Vệ binh Quốc gia.
Sau đó, một số thành viên khác của lực lượng Vệ binh Quốc gia đã chú ý đến anh ta và gọi cho các quan chức của Sở Cảnh sát Los Angeles. Hoàng đã bị cảnh sát bắt giữ lúc 1h30 sáng thứ Ba theo giờ Hoa Kỳ.
Cảnh sát thành phố Los Angeles Drake Madison cho biết Hoàng “được trang bị đầy đủ” giống như một người lính thuộc Vệ binh Quốc gia vào thời điểm đó và đã bị bắt vì nghi ngờ sở hữu vũ khí gây chết người. Cảnh sát hiện đang điều tra ý định của anh ta.
Một nguồn tin cho biết Hoàng là cựu thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia. Súng trường của anh ta là “súng ma” – một vũ khí tự chế không có số sê-ri.
Hiện tại, Huang đang bị giam giữ với số tiền bảo lãnh 50.000 USD.
để ĐCS Trung Quốc xóa nhòa ký ức về Thiên An Môn
Hoa Kỳ tưởng niệm thảm sát ‘Lục Tứ’, không
Hôm thứ Ba (2/6), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã có buổi gặp mặt những người sống sót trong Phong trào vận động Dân chủ Trung Quốc 4/6/1989. Vào dịp kỷ niệm 31 năm sự kiện 4/6, trên mạng Twitter, ông Pompeo một lần nữa lên án sự đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các hoạt động dân chủ. Ngoài ra, vào ngày 4/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng sẽ tổ chức trực tuyến tưởng niệm sự kiện này.
Theo lịch trình công khai của Bộ Ngoại giao, vào 2h30 chiều thứ Ba (2/6), ông Pompeo đã có cuộc gặp gỡ những người sống sót sau sự kiện “Lục Tứ”.
Trên Twitter, ông Pompeo chỉ trích chính quyền Hong Kong lần đầu tiên sau 30 năm không phê chuẩn tổ chức sự kiện ‘đêm thắp nến tưởng niệm ngày 4/6" hàng năm. Ông nói: "Nếu có bất kỳ nghi ngờ gì về ý đồ của Bắc Kinh, thì đó chính là không cho người dân Hong Kong lên tiếng và lựa chọn, khiến họ giống như người Trung Quốc đại lục. Cái gọi là ‘hai chế độ’ đã hoàn toàn kết thúc".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Morgan Ortagus đã đăng lại tweet của ông Pompeo hôm 2/6 và viết: “Chúng tôi thúc giục chính quyền Hong Kong cho phép người dân được ôn hòa tưởng niệm các nạn nhân của ĐCSTQ. #TiananmenVigil (thắp nến cho nạn nhân Thiên An Môn).
Cảnh giác với Trung Quốc nên Philippines muốn 'giữ chân' quân đội Mỹ
Philippines tiếp tục ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này, trước "các diễn biến chính trị mới" trong khu vực, ám chỉ các động thái của Trung Quốc.
Ngày 2/6 vừa qua, Philippines bất ngờ tuyên bố sẽ tiếp tục "Hiệp định về thăm viếng" (VFA) ký với Mỹ, thay đổi hẳn lập trường trước đó. Lý do chính thức được Philippines đưa ra là "do tình hình chính trị khu vực", nhưng giới quan sát cho rằng yếu tố Trung Quốc mới là lý do thực sự khiến Philippines thay đổi.
Viết trên Twitter ngày 2/6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin xác nhận Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định đình chỉ tiến trình hủy thỏa thuận quân sự quan trọng với Mỹ. Thông báo được gởi đến Đại sứ quán Mỹ tại Manila ngày 1/6 đã nhận được sự hoan nghênh từ Washington.
"Chúng tôi hoan nghênh quyết định của chính phủ Philippines. Quan hệ đồng minh lâu dài giữa hai nước đem lại lợi ích cho cả hai. Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác quốc phòng và an ninh với Philippines", Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh trong thông cáo ngày 2/6.
Trong diễn biến liên quan, ngày 2/6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ khẳng định yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là “không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
George Floyd : 60.000 người tuần hành ở Houston, biểu tình tiếp diễn tại Mỹ
Phong trào biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát vẫn tiếp diễn tại Hoa Kỳ, dù có những nhóm quá khích lạm dụng cướp phá, dù phải đối đầu với cảnh sát cũng như lời đe dọa gởi quân đội đến của tổng thống Donald Trump.
Chín ngày sau cái chết của George Floyd ở Minneapolis, hôm qua 02/06/2020 tại Houston, nơi sinh trưởng của người da đen xấu số này, cuộc tuần hành tưởng niệm tập hợp đến 60.000 người, do thân nhân của nạn nhân vụ bạo lực cảnh sát dẫn đầu.
Nhiều người biểu tình mặc áo thun có in hình George Floyd, với câu « Tôi không thở được ». Trong đám đông đi bộ hoặc cưỡi ngựa, có những người Mỹ gốc Phi và cả người gốc Mỹ la-tinh, gốc Á …
Một thanh niên nói : « Tôi thực sự ngạc nhiên và cũng hết sức cảm động khi thấy nhiều người tham gia như thế : người da màu, gốc gác từ châu Mỹ la-tinh, châu Á. Thật vui khi một thành phố đa văn hóa như Houston tỏ ra đoàn kết.
Nhiều cảnh sát trưởng cũng tuần hành với đám đông, các cảnh sát giơ cao ngón tay ra dấu ủng hộ, cảnh sát trưởng Houston quỳ gối cùng với người biểu tình. Ngay cả Will Hurd, dân biểu Cộng Hòa người da đen duy nhất cũng hiện diện trong đoàn biểu tình.
Khi đến nơi, trước tòa thị chính, hàng ngàn người lắng nghe người anh của George Floyd phát biểu. Anh Philonise Floyd nói : « Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có nhiều người như thế đến đây vì em tôi. Tôi sẽ không có mặt tại đây nếu không có các bạn, mà ngồi nhà với cú sốc. Tôi cảm thấy bị tổn thương, tôi yêu mến em tôi ».
Biểu tình chống bạo hành cảnh sát và kỳ thị chủng tộc lan ra nhiều nơi trên thế giới
Biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát và chống kỳ thị bùng lên tại hơn một trăm thành phố nước Mỹ, một tuần sau cái chết của George Floyd, công dân Mỹ da đen. Nhưng không chỉ ở Mỹ, nhiều nơi tại châu Âu và trên thế giới, dân chúng cũng xuống đường.
Đầu giờ tối hôm qua, 02/06/2020, tại Paris, khoảng 20.000 người tập hợp trước Tòa án Paris tại Porte de Clichy, theo lời kêu gọi của một hiệp hội ủng hộ gia đình người thanh niên da đen Adama Traoré, 24 tuổi, qua đời năm 2016, sau khi bị cảnh sát câu lưu.
Theo AFP, cuộc tập hợp diễn ra bất chấp lệnh cấm của sở Cảnh Sát Paris. Tại Pháp, đối với nhiều người, vụ Adama Traoré được coi là một « biểu tượng » cho nạn bạo lực cảnh sát. Trong số những người biểu tình, có nhiều thanh niên và thành viên phong trào « Áo Vàng ».
Theo sở Cảnh Sát Paris, đụng độ xảy ra vào khoảng sau 21 giờ. Cảnh sát giải tán đoàn biểu tình bằng lựu đạn cay. 18 người bị câu lưu bên lề cuộc tuần hành.
Theo Le Monde, biểu tình diễn ra tại Anh, Đức, Ailen, Canada, Úc, New Zealand, Syria hay Brazil… Tại Luân Đôn, hàng nghìn người xuống đường hôm Chủ Nhật xung quanh công viên Trafalgar Square, trung tâm thủ đô, giương cao khẩu hiệu « Không có công lý, không có hòa bình ! », hay « Màu da không phải là tội phạm »...
Cũng ngày Chủ Nhật, 10.000 người tuần hành tại Canada ở trung tâm thành phố Montréal, thủ phủ bang Québec, để bày tỏ sự ủng hộ với phong trào phản đối bạo lực cảnh sát, chống kỳ thị tại Mỹ.
Tại Ailen, hôm thứ Hai, 01/06, hơn 5.000 người xuống đường tuần hành ủng hộ phong trào chống kỳ thị chủng tộc « Black Lives Matter » (tạm dịch là : Mạng sống của người da đen cũng đáng giá).
Hôm nay, theo AFP, giáo hoàng Phanxicô lên án mọi hình thức kỳ thị chủng tộc đều « không thể chấp nhận được ». Tuy nhiên, người đứng đầu giáo hội Công giáo cũng đồng thời chỉ trích các phản ứng bạo lực trong những ngày tiếp theo cái chết của George Floyd. Ngài nhấn mạnh là các phản ứng bạo lực như vậy sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp.
Truyền thông Trung Quốc tăng cường đưa tin về biểu tình ở Mỹ
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như hân hoan về nhiều ngày biểu tình hỗn loạn ở Mỹ và nêu bật việc Tổng thống Trump đe dọa sử dụng binh sĩ để trấn áp, theo Reuters.
Suốt nhiều ngày qua, truyền thông Trung Quốc đã tăng cường đưa tin về các cuộc biểu tình sau vụ ông George Floyd thiệt mạng trong khi bị cảnh sát Minnesota bắt giữ, nêu lên sự tương phản với việc các chính trị gia Mỹ ủng hộ các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong.
Năm ngoái, các cuộc biểu tình đôi khi bạo lực ở Hong Kong đã dẫn tới việc Bắc Kinh tháng trước thông báo sẽ áp đặt dự luật an ninh quốc gia đối với cựu thuộc địa của Anh này.
Hu Xijin, biên tập viên của Global Times, một ấn bản theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa của tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng Hoa Kỳ đánh dấu ngày kỷ niệm vụ Thiên An Môn “theo một cách độc đáo”.
“Quân đội Mỹ đã được triển khai tới các thành phố và cảnh sát đã nổ súng. Mỹ đã chứng minh tầm quan trọng của việc Trung Quốc phải khôi phục trật tự năm 1989. Nhưng khi đó, việc phá hoại trật tự của Trung Quốc tệ hơn nhiều so với Mỹ ngày nay”, ông Hu viết bằng tiếng Anh trên Twitter.
Ngày 4/6 đánh dấu vụ binh sĩ Trung Quốc bắn vào các sinh viên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 mà các nhóm nhân quyền và nhân chứng nói là đã làm hàng nghìn người chết.
Sự kiện này thường ít được kỷ niệm công khai ở đại lục và truyền thông nhà nước Trung Quốc hiếm khi nhắc tới.
Đầu tuần này, ông Trump thề sẽ sử dụng quân đội nếu tình trạng bạo lực ở Mỹ không được ngăn chặn.
Yuan Zeng, giảng viên về truyền thông của Đại học Leeds, nhận định với Reuters rằng “truyền thông nhà nước Trung Quốc sử dụng tình hình bất ổn ở Mỹ để biện minh cho hành động của Trung Quốc đối với Luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong và để đáp trả lời chỉ trích của Hoa Kỳ”.
Trung Quốc lâu nay đã bị Hoa Kỳ và các nước khác chỉ trích về nhân quyền, trong đó có việc đối xử với người Tây Tạng và người Hồi giáo Uighur.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh thúc đẩy tự do tôn giáo trên toàn cầu
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký một sắc lệnh hành pháp hôm 2/6 nhằm nêu bật quyền tự do tôn giáo trong các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
“Tự do tín ngưỡng, quyền tự do đầu tiên của Hoa Kỳ, là một vấn đề cấp bách liên quan đến đạo đức và an ninh quốc gia. Tự do tín ngưỡng cho tất cả mọi người trên toàn thế giới là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ sẽ tôn trọng và thúc đẩy mạnh mẽ quyền tự do này”, sắc lệnh tuyên bố.
Trong vòng sáu tháng kể từ ngày ký sắc lệnh, Ngoại trưởng Mỹ, cùng các nhà quản lý Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), sẽ “soạn thảo một kế hoạch nhằm ưu tiên quyền tự do tôn giáo quốc tế trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như trong các chương trình hỗ trợ nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ và USAID”.
Sắc lệnh mới cũng sẽ phân bổ ít nhất 50 triệu USD mỗi năm cho các chương trình thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế.
Bộ Tài chính Mỹ cũng có thể xem xét áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân liên quan đến đàn áp tôn giáo bằng cách thực thi Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky, bên cạnh các biện pháp khác. Đạo luật này cho phép chính phủ Mỹ áp lệnh cấm phát hành thị thực (visa) và phong tỏa tài sản những cá nhân vi phạm nhân quyền và các quan chức tham nhũng trên toàn thế giới.
The Hill đưa tin, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh này sau khi ông và Đệ nhất phu nhân Melania Trump thăm Nhà thờ Tân giáo Thánh John Paul II ở thủ đô Washington vào chiều thứ Ba.
Tháng 9/2019, Tổng thống Trump đã kêu gọi các nước chấm dứt đàn áp tôn giáo trên toàn cầu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) ở New York. Theo The Epoch Times, ông là nhà lãnh đạo đầu tiên khởi xướng một cuộc thảo luận như vậy tại cuộc họp cấp cao của UNGA.
Ông đã kêu gọi các chính phủ ngừng đàn áp người dân của họ, phóng thích các tù nhân lương tâm, loại bỏ các đạo luật hạn chế tôn giáo và bảo vệ những người bị áp bức.
Trong báo cáo thường niên công bố hồi tháng 4, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã xác định 14 quốc gia thuộc diện đặc biệt quan ngại gồm Myanmar, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Bắc Triều Tiên và Syria.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào