Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 5 tháng 6 năm 2020

    18 chính trị gia từ 9 cơ quan lập pháp hôm nay thành lập Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), theo tờ Time.


    IPAC gồm 18 nhà lập pháp, trong đó có Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio và Robert Menendez. Các thành viên khác đến từ Úc, Canada, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Nghị viện châu Âu.

    IPAC cho biết, liên minh có nhiệm vụ tăng cường hợp tác giữa các nhà lập pháp có cùng chí hướng để hoạch định chính sách liên quan đến Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm sau: Bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, duy trì và bảo hộ các quyền con người, thúc đẩy công bằng thương mại, phát triển các chiến lược an ninh bổ sung.

    Thủ tướng Singapore nói Trung Quốc không thể thay thế Mỹ
    Tờ Bloomberg đưa tin, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 4/6 nói rằng sức mạnh quân sự Trung Quốc không giúp nước này thay vai trò an ninh của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

    “Dù sở hữu sức mạnh quân sự ngày càng lớn, Trung Quốc sẽ không thể thay thế vai trò của Mỹ trong khu vực”, ông Lý cho biết trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs hôm 4/6.

    Ông Lý cũng cho rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông khiến các quốc gia trong khu vực “luôn coi sự hiện diện của hải quân Trung Quốc là âm mưu thúc đẩy những tuyên bố đó”.

    Tổng thống Philippines đe dọa giết tội phạm ma túy


    Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay lặp lại lời đe dọa sẽ giết tội phạm ma túy, sau khi cảnh sát Philippines thu giữ 756 kg ma túy đá, theo Reuters.

    Lô hàng vừa bị thu giữ có giá thị trường là 5,1 tỷ peso (khoảng 102,22 triệu USD). Đây là lô hàng có giá trị lớn nhất bị thu giữ kể từ khi ông Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy vào năm 2016.

    “Nếu các người hủy hoại đất nước của tôi bằng cách phân phối 5,1 tỷ peso shabu, tôi sẽ giết các người”, Tổng thống Duterte nói. Shabu là cách gọi ma túy tại Philippines.

    Ông Duterte không đề cập chi tiết nguồn gốc lô hàng nhưng cảnh báo Philippines đang trở thành một trung tâm vận chuyển cho những băng đảng ma túy Mexico. Tổng thống Philippines cũng vội vã lăng mạ các nhóm nhân quyền vì chỉ trích chiến dịch chống ma tuý của ông.

    Triều Tiên tuyên bố ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông


    Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã gặp đại sứ Trung Quốc để bày tỏ sự ủng hộ đối với các chính sách của Trung Quốc tại Hồng Kông.

    Cũng theo kênh thông tấn này, đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên Li Jinjun bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ của Triều Tiên.

    Động thái trên của Triều Tiên diễn ra sau khi Bắc Kinh thông qua nghị quyết dự luật an ninh quốc gia mòn đối với Hồng Kông. Nhiều nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông và các chính trị gia trên thế giới phản đối luật này, cho rằng nó sẽ làm xói mòn các quyền tự do của đặc khu.

    Trang web của Nga nhấn mạnh Đài Loan là một quốc gia độc lập

    Coronavirus Control, trang web của Nga cung cấp thông tin về đại dịch viêm phổi Vũ Hán trên thế giới, đang liệt kê Đài Loan là một quốc gia và Hồng Kông, Ma Cao là các thực thể tách biệt với Đại lục, theo bản tin tối 4/6 của Taiwan News.

    Tại mục tin về Đài Loan, trang web này đăng cờ Đài Loan kèm dòng tiêu đề “Virus corona hôm nay tại nước Đài Loan”. Đối với Hồng Kông và Ma Cao, họ cũng liệt kê hai vùng lãnh thổ này tách biệt với Trung Quốc với các tiêu đề “Virus corona hôm nay tại Hồng Kông” và “Virus corona hôm nay tại Ma Cao”.

    Taiwan News cho hay, một điều thú vị là các nhân viên điều hành trang web của Nga đã đưa từ “quốc gia” phía trước “Đài Loan” trong mục tin về hòn đảo này. Các nước còn lại trên trang web này chỉ xuất hiện với nguyên tên nước, ví dụ như mục tin dành cho Nga, được viết đơn giản là “Virus corona hôm nay ở Nga”.

    Người Hồng Kông tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn


    Bất chấp lệnh cấm của chính quyền, hàng ngàn người Hồng Kông đã tập trung tại công viên Victoria tại Vịnh Causeway vào tối thứ Năm để tưởng nhớ các nạn nhân của thảm sát Thiên An Môn cách đây 31 năm (4/6/1989 – 4/6/2020), Washington Post đưa tin.

    Trước đó, viện cớ chống dịch viêm phổi Vũ Hán, chính quyền Hồng Kông đã cấm người dân tổ chức sự kiện này. Nhiều người tham gia sự kiện lo sợ rằng nếu Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, đây có thể là lần cuối cùng họ được tham gia tưởng niệm những người đã hy sinh vì kêu gọi dân chủ và tự do cho Trung Quốc tại Thiên An Môn.

    Reuters đưa tin, cảnh sát đã xịt hơi cay vào đám đông những người cầm nến tưởng niệm nạn nhân của thảm sát Thiên An Môn. Một phụ nữ 70 tuổi cho rằng hành động của cảnh sát Hồng Kông là vô lý, vì “chúng tôi chỉ tưởng nhớ những người đã mất vào ngày 4/6, những sinh viên bị giết chết. Chúng tôi làm gì sai? Suốt 30 năm qua chúng tôi đã đến đây một cách hòa bình và chính đáng”.

    Iran: Số người nhiễm mới Covid-19 tăng cao kỷ lục

    BBC dẫn tin từ Bộ Y tế Iran hôm thứ Tư cho biết, Iran ghi nhận thêm 3.574 ca nhiễm virus Vũ Hán và 59 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 và tử vong ở quốc gia Trung Đông này lên lần lượt là 164.270 và 8071. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Iran có số người nhiễm mới nCoV vượt quá 3.000, làm dấy lên lo ngại về đợt sóng dịch thứ hai.

    Số ca nhiễm mới hôm thứ Tư là con số kỷ lục, trước đó, số người nhiễm bệnh mới cao nhất trong một ngày được ghi nhận ở Iran là 3.186 vào ngày 30/3.

    Trước tình hình này, Tổng thống Iran tuyên bố rằng lệnh phong tỏa có thể được nối lại nếu người dân không tuân thủ các quy định về cách ly và vệ sinh.

    Bộ trưởng kinh doanh Anh âm tính với nCov

    Bộ trưởng kinh doanh của chính phủ Anh, Alok Sharma, nói rằng ông có kết quả âm tính với virus Vũ Hán, một ngày sau khi ông có biểu hiện giống như nhiễm Covid-19 trong cuộc họp với các nghị viên, theo Reuters.

    “Kết quả thử nghiệm Covid-19 của tôi là âm tính”, ông Sharma thông báo trên Twitter. “Rất cảm ơn tất cả mọi người vì những tin nhắn đầy thiện ý trong 24 giờ qua và tôi cũng xin cảm ơn các nhà chức trách và nghị sĩ quốc hội vì đã hỗ trợ tôi trong ngày hôm qua”.

    Mỹ xem xét dỡ lệnh cấm với hàng không Trung Quốc
    Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ có thể cho phép một số chuyến bay chở khách của Trung Quốc được nối lại, sau khi Bắc Kinh hôm 4/6 thông báo dỡ lệnh cấm đối với các hãng hàng không Mỹ, Reuters dẫn tin các quan chức chính phủ và hàng không Mỹ cho biết.

    Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ hôm 3/6 thông báo cấm máy bay chở khách Trung Quốc từ 16/ 6, đáp trả động thái của Bắc Kinh không cho phép hãng hàng không Mỹ nối lại chuyến bay đến nước này.

    Tỷ phú và ngôi sao bóng đá Trung Quốc tuyên bố thành lập ‘Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới’

    tối ngày 3/6, có ít nhất 5 chiếc máy bay, bay theo vòng tròn quanh thành phố Hudson ở bang Iowa, Hoa Kỳ, mang theo thông điệp “Chúc mừng Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới”.

    Sau đó, Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới được tuyên bố thành lập vào ngày 4/6 theo giờ Bắc Kinh. Ông Hác Hải Đông (Hao Haidong) – cựu ngôi sao bóng đá Trung Quốc đã tuyên đọc tuyên ngôn “Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới” phiên bản tiếng Trung.

    Vậy, “Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới” này rốt cuộc là gì?


    Truyền thông nước ngoài đưa tin, đây là buổi lễ tuyên ngôn kiến lập “Nhà nước Liên bang mới của Trung Quốc” do tỷ phú Quách Văn Quý hiện đang sống lưu vong tại Mỹ khởi xướng. Trong buổi lễ, cựu cố vấn chiến lược Nhà Trắng Steve Bannon đọc bản tuyên ngôn bằng tiếng Anh, trong khi cựu ngôi sao bóng đá Trung Quốc Hác Hạo Đông đọc bản tuyên ngôn bằng tiếng Trung. Hác Hạo Đông đã liệt kê hết thảy những tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sau khi thành lập chính quyền, và tuyên bố thành lập Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới, đồng thời nói rõ cương lĩnh lập quốc.

    Buổi lễ được phát sóng lúc 7 giờ tối theo giờ New York. Người khởi xướng và thực hiện bản tuyên bố này bao gồm: Kyle Bas – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư của Quỹ đầu tư Hayman Capital Management có trụ sở ở Dallas (Mỹ), Steve Bannon – chiến lược gia trưởng và cố vấn cấp cao nhất của Tổng thống Trump, và ông Quách Văn Quý – tỷ phú Trung Quốc hiện đang sống lưu vong tại Mỹ.

    Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan vào ngày tưởng niệm Thiên An Môn


    àu khu trục Mỹ USS Russell hôm 4/6 đã đi qua eo biển Đài Loan, đúng dịp kỷ niệm 31 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn.

    “Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Russell lớp Arleigh Burke (DDG 59) đi qua eo biển Đài Loan. Chiến hạm này được biên chế cho Hạm đội 7 nhằm hỗ trợ an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ thông báo trên Facebook vào đầu ngày 5/6.

    Bộ Quốc Phòng Đài Loan ngày 5/6 xác nhận tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển và hướng về phía Nam. Cơ quan này cho biết tàu chiến Mỹ thực hiện “nhiệm vụ thông thường” và không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

    Tàu chiến USS Russell đi qua eo biển Đài Loan đúng dịp kỷ niệm 31 năm kể từ ngày quân đội Trung Quốc đàn áp đẫm máu hàng ngàn thanh niên ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, chỉ vì họ kêu gọi tự do dân chủ. Cũng trong hôm 4/6, Nhà Trắng ra thông cáo kêu gọi chính phủ Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, thực hiện các cam kết của mình đối với Hồng Kông và chấm dứt đàn áp các dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo.

    Úc và Ấn Độ ký kết thỏa thuận về việc cùng sử dụng căn cứ quân sự


    Ấn Độ và Úc vào hôm nay 04/06/2020 đã ký một thỏa thuận cho phép hai bên sử dụng căn cứ quân sự của nhau vào việc hỗ trợ hậu cần. Hai bên đồng thời đồng ý tăng cường hợp tác ở vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương trong bối cảnh quan hệ của hai nước với Trung Quốc đang có dấu hiệu căng thẳng

    Thỏa thuận liên quan đến việc “hỗ trợ hậu cần song phương - Mutual Logistics Support” đã được thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đồng nhiệm Úc Scott Morrison ký kết trong một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến.

    Thông cáo công bố sau cuộc họp nêu rõ: “Hai bên đồng ý tiếp tục thắt chặt và mở rộng hợp tác quốc phòng qua việc tăng cường quy mô và tính phức tạp các cuộc tập trận song phương và các hoạt động khác nhằm phát triển những hướng mới đối phó với những thách thức về an ninh mà hai bên cùng chia sẻ”.

    Tuyên bố chung về tầm nhìn trên vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương

    Một tuyên bố chung về tầm nhìn chung của hai quốc gia về hợp tác hàng hải ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương nêu rõ : "Ấn Độ và Úc có mối quan tâm lâu dài đối với một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, cởi mở", không loại trừ bất kỳ nước nào và vận hành trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế.

    Hai bên đã khẳng định cùng quan tâm đến việc " bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

    Theo giới quan sát, tuyên bố về hợp tác hàng hải Ấn Độ-Úc đã gián tiếp đề cập đến Trung Quốc và các hành động quyết đoán của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông.

    Trung Quốc phản đối Mỹ về Biển Đông

    Liên quan đến Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vào hôm qua, 03/06, đã tiếp tục nhắc lại các luận điểm về "chủ quyền lãnh thổ lịch sử" của Bắc Kinh ở Biển Đông.

    Đây là phản ứng của Trung Quốc chống lại việc Mỹ vừa gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.

    Covid-19 : The Lancet rút lại nghiên cứu về hydroxychloroquine

    Sau khi kết quả một nghiên cứu được công bố trên The Lancet hôm 22/05, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đình chỉ thử nghiệm lâm sàng về việc dùng hydroxychloroquine trị bệnh Covid-19. REUTERS/George Frey

    Hôm qua, 04/06/2020, tạp chí y khoa của Anh Quốc, The Lancet, cuối cùng đã rút lại nghiên cứu về việc sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để trị Covid-19, một nghiên cứu đã bị các nhà khoa học cả thế giới chỉ trích nặng nề.

    The Lancet đã quyết định như trên sau khi 3 trong số 4 tác giả rút tên ra khỏi nghiên cứu này, với lý do họ « không thể tiếp tục bảo đảm cho tính xác thực của các nguồn dữ liệu ban đầu». Cơ sở dữ liệu này thuộc về công ty Surgisphere mà sở hữu chủ là tiến sĩ Sapan Desai, một trong bốn đồng tác giả nghiên cứu, nhưng 3 tác giả kia lại không được tiếp cận.

    Ngày 22/05, The Lancet đã đăng một nghiên cứu với kết luận rằng thuốc hydroxychloroquine không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho các bệnh nhân nhiễm virus corona, thậm chí có thể gây tử vong. Tuy nhiều công trình nghiên cứu khác, quy mô nhỏ hơn, cũng đã đi đến kết luận tương tự, nhưng do được đăng trên một tạp chí y khoa rất có uy tín, công trình nghiên cứu nói trên đã có tác động rất lớn, đến mức Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã quyết định đình chỉ các cuộc thử nghiệm lâm sàng về việc dùng hydroxychloroquine trị bệnh Covid-19.

    Biên giới Việt-Campuchia: Campuchia triệu tập Đại sứ Việt Nam
    Bộ Ngoại giao Campuchia vừa triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh liên quan tới vụ tranh chấp đang tiếp diễn ở khu vực chưa được phân định biên giới chính thức giữa hai nước, sát biên giới tỉnh An Giang của Việt Nam với tỉnh Kandal của Campuchia.

    Trang mạng cambodianess.com cho biết Bộ Ngoại giao Campuchia hôm 2/6 yêu cầu Đại sứ Vũ Quang Minh rút binh sĩ Việt Nam về và phá dỡ các lều trại đã được dựng gần biên giới Campuchia.

    Bộ Ngoại giao Campuchia nói hiện vẫn còn một số lều trại của Việt Nam bên trong khu vực biên giới tỉnh Kandal. Bộ Ngoại giao cho biết ngày 1/6, Quốc Vụ Khanh Eath Sophea đã triệu tập Đại sứ Vũ Quang Minh để thảo luận về vấn đề này.

    Báo Khmer Times trích dẫn tuyên bố của Quốc Vụ Khanh Sophea:

    “Chúng tôi đã yêu cầu Việt Nam tháo dỡ tất cả các lều trại đó trong thời gian sớm nhất, đồng thời tiếp tục duy trì hiện trạng trong khu vực cho đến khi các ủy ban biên giới của hai nước giải quyết xong việc phân định biên giới tại khu vực đó.”
    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào