Có thể nhắc một loạt các hành động
hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông gần đây, từ việc đâm chìm tàu cá
của ngư dân Việt Nam gần Hoàng Sa, rồi cho thành lập chính quyền cấp khu
ở cái gọi là "Tây Sa" (Hoàng Sa) và "Nam Sa" (Trường Sa), cho đến việc
đặt tên cho 80 thực thể nằm rải rác ở Biển Đông.
Nhà giàn của Việt Nam ở Trường Sa |
Đặc
biệt gần đây, rất quan tâm khi báo South China Morning Post hé lộ Trung
Quốc có thể tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển
Đông .
Tất
cả các hành động đó của Trung Quốc đã khiến khu vực Biển Đông trở thành
"chảo dầu châu Á", có nguy cơ "bùng nổ" bất cứ lúc nào.
Cuộc chiến công hàm
Trong
bối cảnh đó, cuộc chiến pháp lý lại Biển Đông lại càng "nóng" hơn bao
giờ hết, sau khi Hoa Kỳ lần đầu tiên chính thức gửi công hàm lên Liên
Hợp Quốc, phản đối các yêu sách biển quá đáng, trái với luật biển quốc
tế của Trung Quốc vào ngày 1/6//2020.
Mặc
dù công hàm này được gửi từ 1/6/2020 nhưng công chúng chỉ biết đến khi
đích thân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đích thân đưa tin này kèm theo link
trên tài khoản Twitter của mình.
Trong công hàm này, phía Hoa Kỳ phản đối các vấn đề như sau trong yêu sách của Trung Quốc:
Thứ
nhất, Hoa Kỳ phản đối yêu sách "quyền lịch sử" ở Biển Đông của Trung
Quốc, bởi vì các quy định về các vùng biển của mỗi một quốc gia ven biển
được quy định rõ trong Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS). Và bất cứ
quyền nào của Trung Quốc, nếu có, đều không thể vượt lên trên UNCLOS mà
Trung Quốc là một thành viên. Trước đó, Trung Quốc đã đưa ra giải thích
là họ có "quyền lịch sử" đối với toàn bộ các vùng nước và các thực thể
bên trong "đường lưỡi bò". "Đường lưỡi bò" tai tiếng này đã bị công kích
dữ dội trên toàn thế giới, đặc biệt Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng
tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã chính thức bác bỏ "quyền
lịch sử" của Trung Quốc ở đây.
Thứ
hai, Hoa Kỳ phản đối việc Trung Quốc tự ý áp dụng đường cơ sở thẳng bao
quanh các cấu trúc trên Biển Đông , cụ thể là Trung Quốc năm 1996 đã tự
ý tuyên bố một đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa, trong khi
việc vạch đường cơ sở thẳng như vậy chỉ có thể được áp dụng trong
trường hợp quốc gia quần đảo như Indonesia hoặc Philippines. Mà Trung
Quốc không phải là quốc gia quần đảo, thêm nữa, các cấu trúc tại Biển
Đông đều không đáp ứng được yêu cầu là "đảo". Cho nên việc đơn phương
tuyên bố đường cơ sở của Trung Quốc như ở Hoàng Sa là trái với luật biển
quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.
Thứ
ba, trong các yêu sách của Trung Quốc, họ hay nhập nhèm tuyên bố rằng,
tất cả các cấu trúc tại Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Nam Hải Chư Đảo
đều là đảo, do đó đều có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa kèm
theo, và do Trung Quốc có chủ quyền trên tất cả các cấu trúc này, nên họ
cũng có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng nước và đáy
biển, lòng đất dưới đáy biển ở đây. Như đã nêu ở trên, không có cấu trúc
nào ở Biển Đông có thể đáp ứng yêu cầu là "đảo" theo điều 121 UNCLOS
cho nên không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được. Thêm
nữa, nhiều cấu trúc trên Biển Đông chỉ là bãi ngầm luôn chìm dưới mặt
nước biển cũng như các cấu trúc lúc chìm lúc nổi, theo nguyên tắc "đất
thống trị biển" của luật biển quốc tế thì các cấu trúc dạng này không
thể là đối tượng để yêu sách chủ quyền được, càng không thể nói chuyện
có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được. Với yêu sách như vậy,
Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng tới luật biển quốc tế.
Thứ
tư, Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS trong vụ
Philippines kiện Trung Quốc là một thiết chế hợp pháp của UNCLOS, do đó,
Phán quyết năm 2016 của Toà này có giá trị chung thẩm và ràng buộc pháp
lý với Trung Quốc và Philippines. Trong Phán quyết 2016 này, tất cả các
vấn đề nêu trên về "quyền lịch sử", đường cơ sở thẳng, các cấu trúc là
"đảo" hay không đều được Toà Trọng tài giải thích rõ ràng. Là một thành
viên của UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ phải tuân thủ Phán quyết 2016
này, Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng và chấp hành Phán quyết 2016.
Trước
đó, ngày 6/3/2020 Philippines đã gửi công hàm lên LHQ; Việt Nam gửi
công hàm lên LHQ ngày 30/3/2020; Indonesia gửi công hàm lên LHQ ngày
26/5/2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ảnh ngày 20/5 |
Không
hẹn mà gặp, trong lập trường của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Hoa
Kỳ cũng như Malaysia (cho dù Malaysia chưa đưa ra quan điểm chính thức,
nhưng với việc Đệ trình thềm lục địa mở rộng ngày 12/12/2019 cũng cho
thấy Malaysia thể hiện sự tôn trọng Phán quyết 2016) đều có chung quan
điểm giống nhau trong việc phản đối các yêu sách của Trung Quốc trên
Biển Đông như đã nêu trên.
Đặc
biệt, nội dung phản đối trong công hàm của Hoa Kỳ ngày 1/6/2020 với
công hàm của Việt Nam ngày 30/3/2020 có hầu hết các điểm chung, trên cả 4
vấn đề đã nêu.
Thông điệp từ Hoa Kỳ
Nhiều
người đặt câu hỏi Hoa Kỳ chọn thời điểm này để lần đầu gửi công hàm lên
LHQ phản đối các yêu sách của Trung Quốc với thông điệp gì?
Đặt
trong bối cảnh sự cạnh tranh quyết liệt giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và
quan hệ ngày càng xấu đi của cả hai bên cùng với việc Trung Quốc gia
tăng các hành động hung hăng, ức hiếp các quốc gia khác trên Biển Đông .
Ta
có thể thấy công hàm vào thời điểm này của Hoa Kỳ như một "liều thuốc"
trợ giúp tinh thần cho các quốc gia ASEAN đang bị Trung Quốc bắt nạt, đe
doạ trên Biển Đông . Ngoài ra, thông điệp của Hoa Kỳ lúc này được hiểu
là Hoa Kỳ ủng hộ và sát cánh các quốc gia ASEAN chống lại các yêu sách
biển phi lý cũng như các hành động khiêu khích từ Trung Quốc.
Công
hàm này từ phía Mỹ có thể được hiểu như là sự khích lệ các bên, nếu các
bên có các hành động hoặc yêu sách phù hợp với luật pháp quốc tế thì
Hoa Kỳ sẵn sàng ủng hộ.
Một
vấn đề quan trọng tiếp theo là bên cạnh các tuyên bố mang tính pháp lý
của các quốc gia liên quan như đã nêu trên thì các quốc gia liên quan
cần phải làm gì để luật pháp quốc tế trong đó có Phán quyết 2016 được
tôn trọng và áp dụng trong thực tế?
Chính sách nào đối với Biển Đông?
Trong thực tế, mỗi một quốc gia ASEAN liên quan đến tranh chấp Biển Đông đều có một chính sách của riêng mình.
Tuy
nhiên, ngay cả chính quyền Philippines đương nhiệm của Tổng thống
Duterte - vốn nổi tiếng thất thường và "thân Trung Quốc" vẫn tiếp tục
viện dẫn Phán quyết 2016. Cho dù ông Duterte nhiều lần tuyên bố "gác
lại" Phán quyết 2016 để giành những lợi ích kinh tế từ Trung Quốc nhưng
việc viện dẫn Phán quyết 2016 cho thấy Phán quyết 2016 là một phần quan
trọng của luật biển quốc tế và UNCLOS.
Indonesia
thì cương quyết bảo vệ lợi ích quốc gia của mình tới cùng nhưng cũng
sẵn sàng "xuống thang" trong việc đối đầu với Trung Quốc trên biển.
Malaysia
thì kiên trì "chính sách ngoại giao im lặng". Mặc dù không lớn tiếng
chỉ trích Trung Quốc nhưng Malaysia cũng kiên quyết bảo vệ các lợi ích
biển của mình.
Việt
Nam cũng là một quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông .
Thời gian vừa qua, Việt Nam là một trong các quốc gia chịu nhiều quấy
rối nhất từ Trung Quốc trên Biển Đông .
Chính
sách của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông thời gian vừa qua thể hiện
"dĩ bất biến ứng vạn biến". "Bất biến" ở đây là tập trung giữ vững những
gì đang có, tức là bảo vệ vững chắc 21 cấu trúc tại Trường Sa mà Việt
Nam đang kiểm soát, đồng thời phải bảo vệ bằng được vùng đặc quyền kinh
tế và thềm lục địa của mình, vì theo UNCLOS, Việt Nam đương nhiên được
hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển ấy. "Vạn
biến" có nghĩa là Việt Nam có thể phải sử dụng nhiều biện pháp và nguồn
lực khác nhau để bảo vệ lợi ích trên biển của quốc gia và dân tộc.
Liệu Việt Nam có quyết tâm?
Mặc dù Việt Nam vẫn giữ vững "tất cả những gì đang có", nhưng cũng có những vấn đề nhất định trong chính sách về Biển Đông .
Nếu
như trong năm 2014, Việt Nam đã rất thành công trong việc sử dụng biện
pháp hoà bình, dùng sức ép ngoại giao và công luận quốc tế buộc Trung
Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển thuộc EEZ của
Việt Nam.
Nhưng
với những bước lùi khi phải rút khỏi việc thăm dò tại lô 136.03 với mỏ
Cá Kiếm Nâu hồi năm 2017, rồi rút khỏi lô 07.03 tại mỏ Cá Rồng Đỏ năm
2018 đã khiến cho uy thế của Việt Nam giảm đi một cách đáng kể. Và Trung
Quốc vốn rất giỏi trong việc tạo sức ép đối với các quốc gia khác, đã
tận dụng cơ hội để "đe doạ", gia tăng sức ép đối với Việt Nam trên nhiều
lĩnh vực.
Thông tin mới nhất cho biết, hiện nay Chính phủ Việt Nam đang xem xét khả năng khai thác trở lại lô 06-01.
Quyết định có khai thác trở lại hay không sẽ được quyết định trong nay mai.
Đây
là mỏ khí có trữ lượng khá lớn, khoảng 9,5 triệu m3 khí xuất về bờ nếu
khai thác thành công. Mỏ này nằm tại bể Nam Côn Sơn, hoàn toàn nằm sâu
trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không phải là
nằm trong vùng tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, năm 2019,
Trung Quốc đã cho đoàn tàu hải cảnh của họ cùng với tàu Hải Dương Địa
Chất 8 quấy rối liên tục tại khu vực mỏ này hơn 100 ngày. Người Phát
ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lớn tiếng tuyên bố đây là vùng thuộc
Bãi Tư Chính, là vùng tranh chấp với "đường lưỡi bò" của Trung Quốc,
trong khi mỏ này nằm trên Bể Nam Côn Sơn, cách Bãi Tư Chính khá xa.
Chính
sức ép và đe doạ từ Trung Quốc đã ảnh hưởng đến việc quyết định có khai
thác trở lại lô 06-01 hay không của Chính phủ Việt Nam. Cho dù về luật
pháp quốc tế, Việt Nam hoàn toàn vững tâm có đầy đủ cơ sở pháp lý để
khai thác mỏ này.
Trong
một phát biểu mới đây của bà Bonnie Glaser - chuyên gia từ Hoa Kỳ, bà
ta cho rằng cần một quyết định chính trị để Việt Nam có thể kiện Trung
Quốc như Philippines đã làm.
Và có lẽ, việc quyết định khai thác trở lại hay không lô 06-01 cũng đang cần một quyết tâm chính trị của lãnh đạo Việt Nam.
Một mặt, điều này sẽ mở đường rất quan trọng cho việc khai thác dầu khí sau này của Việt Nam.
Khi
các mỏ dần khí gần bờ đã khai thác cạn kiệt, còn các mỏ tuy giàu trữ
lượng nhưng nằm xa bờ và luôn bị Trung Quốc đe doạ gây sức ép phải rút.
Mặt
khác đây cũng là dịp Việt Nam có thể thể hiện với cộng đồng quốc tế và
ASEAN về việc Việt Nam có giữ vững lập tường dựa trên UNCLOS để quyết
tâm bảo vệ các lợi ích biển của mình hay không?
Hoàng Việt
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, Đại học Luật TP.HCM.
(BBC)
Không có nhận xét nào