Hình minh hoạ. Tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ USS Mustin đi cùng tàu chiến của lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc diễn tập ở Biển Đông hôm 21/4/2015 |
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp quốc Kelly Craft vào ngày 1/6 gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteres công thư bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông với lý do yêu sách của Bắc Kinh không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo nội dung trong bức công thư được đăng tải và lan truyền rộng rãi, hành động này của Hoa Kỳ nhằm đáp lại công hàm ký hiệu CML/14/2019 của phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc gửi cho Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa hôm 12 tháng 12 năm 2019.
Trong đó, Washington D.C. cho rằng nội dung công hàm vừa nêu của Bắc Kinh nêu ra những yêu sách quá mức không phù hợp với luật quốc tế được phản ánh trong Công ước về Luật Biển năm 1982.
Hoa Kỳ đánh giá những yêu sách đó mang mục đích can thiệp phi pháp vào quyền và tự do của Nhà Trắng cũng như tất cả những nước khác.
Đồng thời, nội dung công thư mà Đại sứ Kelly Craft vừa đệ trình lên Liên Hiệp Quốc cũng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết hồi năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại La Haye xử vụ Manila kiện Bắc Kinh. Phán quyết cho rằng không có cấu trúc nào của Trung Quốc ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Trao đổi với RFA tối 3/6, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore cho rằng truyền thông Việt Nam khi loan tin đã sử dụng không chính xác giữa công thư và công hàm. Ông giải thích:
“Chưa phải công hàm, chỉ là công thư. Công thư chỉ cần đại sứ của Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Ký gửi cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Còn công hàm phải cấp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ gửi cho Liên Hiệp Quốc.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp vẫn đánh giá rằng dù là công thư hay công hàm thì động thái này của Hoa Kỳ cũng đem lại ý nghĩa quan trọng:
“Bản thân của nó là Hoa Kỳ quan tâm đến việc bảo đảm, khẳng định lợi ích của Hoa Kỳ ở Biển Đông và khẳng định một lần nữa việc Trung Quốc hiện nay đang tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp ở Biển Đông là không đúng. Nhằm kêu gọi sự chú ý của Liên Hiệp Quốc để dẫn đến các bước thủ tục, các bước xử lý làm sao để ngăn chặn Trung Quốc không tiến xa hơn trong hành động phi pháp này.”
Theo Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, việc Hoa Kỳ gửi văn bản đến Liên Hiệp Quốc để phản đối hành động phi lý và phi pháp ở Biển Đông của Trung Quốc là điều hết sức bất ngờ đối tất cả những nhà quan sát và quan tâm đến Biển Đông.
“Đây là lần đầu Mỹ có thái độ kiên quyết và rõ ràng nhất trong quan điểm của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông. Mặc dù trong đó Mỹ không đụng chạm đến việc đứng về phía bên nào trong việc tranh chấp chủ quyền, nhưng vấn đề tuân thủ Luật Biển Liên Hiệp Quốc 1982 và kết quả phán xét của Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập theo Phụ lục 7 của Luật Biển Liên Hiệp Quốc 1982 trong vụ kiện của Phiippine thì phải nói rằng công hàm của Mỹ đã nêu rất rõ về tính cách pháp lý về vấn đề Biển Đông.”
Trung Quốc hiện đang có nhiều tranh cãi về chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông khi đơn phương vẽ ra ‘đường lưỡi bò’ chiếm 95% diện tích Biển Đông, bao gồm lãnh hải các nước Philippine, Malaysia, Brunei, và Việt Nam.
Vì vậy, dưới góc nhìn cá nhân, Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông tại Việt Nam nhận định:
“Đây có lẽ là thông điệp quan trọng Hoa Kỳ muốn gởi đến Trung Quốc cũng như các nước ASEAN có liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông là thái độ của Hoa Kỳ đứng về phía các nước ASEAN trong trường hợp này và chống lại những yêu sách quá đáng của Trung Quốc. Có thể Hoa Kỳ sẽ gia tăng sức ép trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế như ta đã thấy. Ngoài ra còn những sức ép chiến lược, có thể Hoa Kỳ tăng cường những cuộc tuần tra trên khu vực này.”
Đồng quan điểm vừa nêu, Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng hành động này của Mỹ đã khích lệ tinh thần đấu tranh của các nước Đông Nam Á cụ thể là Philippine, Malaysia, Indonesia, Việt Nam vững niềm tin đấu tranh với Trung Quốc bằng biện pháp pháp lý, bằng biện pháp hòa bình khi mà Trung Quốc đang đặt khu vực Đông Nam Á trên miệng hố chiến tranh lẫn chạy đua vũ trang trên khu vực Biển Đông.
“Theo nhận xét của tôi đây là kết quả của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như Mỹ muốn khẳng định lại vai trò của mình ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương trong một thời kì mà các chính phủ tiền nhiệm đã để cho nơi này trở thành một khu vực khoảng trống quyền lực khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt.”
Việt Nam hiện đang có vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vào ngày 28/5 vừa qua, trả lời trong cuộc họp báo thường kì liên quan đến thông tin Trung Quốc trồng rau ở Hoàng Sa, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động tại các quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
Theo Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, tình hình căng thẳng Biển Đông giữa Hà Nội và Bắc Kinh tuy đã diễn ra lâu nay, nhưng trong sáu tháng đầu năm 2020 giữa Việt Nam và Trung Quốc có những va chạm ở một tính chất khác so với năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Chúng ta thấy ràng 6 tháng đầu năm 2020 Việt Nam đã mạnh mẽ hơn khi đề cập đến vấn đề Trung Quốc trên Biển Đông. Báo chí Việt Nam đã được chỉ thẳng mặt người đang xâm lược, gây rối, đe dọa hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á chính là Trung Quốc chứ không còn là nước ngoài, nước lạ, hay các thế lực trên thế giới… nào nữa.”
Dẫu vậy, đối với những sức ép từ Trung Quốc đối với các nước ASEAN nói chung hay Việt Nam nói riêng, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng tình hình sẽ ngày càng căng thẳng hơn:
“Đối với tất cả những hành vi mà quân sự hóa của Trung Quốc trên khu vực Hoàng Sa và Trường Sa thì không ai, kể cả Hoa Kỳ có thể bắt Trung Quốc xóa bỏ nó được nếu không sử dụng chiến tranh.”
Báo điện tử Quân đội nhân dân vào ngày 1/6 loan tin cho hay Đại tướng Ngô Xuân Lịch trong cuộc họp giao ban của Bộ Quốc phòng tại Hà Nội đã nhấn mạnh rằng trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị đề cao cảnh giác cách mạng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu chặt chẽ và sát thực tiễn.
Báo trong nước mới đây dẫn nguồn in từ Mỹ cho hay Hoa Kỳ sẽ bàn giao tàu tuần tra USCGC John Midgett lớp Hamilton thứ hai cho Cảnh sát biển Việt Nam vào cuối năm 2020.
Do đó, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng trước những diễn biến như vừa nêu, Việt Nam chắc chắn hoan nghênh công thư đó của đại diện Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc.
“Việt Nam chưa bao giờ có tuyên bố như thế nhưng lần này tuyên bố rất rõ ràng và nó là chỉ dấu trọng cho việc người Việt Nam nhận thức đầy đủ và đúng đắn các quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Mặc dù tiếp tục muốn đối thoại để xử lý theo phương pháp hòa bình nhưng nếu phía Trung Quốc để xảy ra những tính toán sai lầm dẫn đến tấn công hay chiến tranh thì Việt Nam cũng sẵn sàng đáp trả để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.”
Nhà quan sát Đinh Kim Phúc đánh giá rằng thái độ hiện nay của nhà nước cũng như đảng cộng sản Việt Nam là giọt nước cuối cùng trong mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và trái banh đang nằm trên chân Trung Quốc.
“Việt Nam luôn tuyên bố hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, Việt Nam không mưu đồ chiến tranh và không phát động chiến tranh. Nhưng với truyền thống của nhân dân Việt Nam hàng ngàn đời thì nếu kẻ thù buộc nhân dân Việt Nam phải ôm cây sung thì Việt Nam sẵn sàng đánh trả xâm lược Trung Quốc nếu họ đánh Việt Nam một lần nữa.”
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong ngày 1/6 viết rõ trên tài khoản twitter cá nhân rằng “Hôm nay, Hoa Kỳ phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông tại Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi bác bỏ những yêu sách phi pháp và nguy hiểm này. Các nước thành viên đoàn kết tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do trên biển.”
(RFA)
Không có nhận xét nào