Header Ads

  • Breaking News

    Chữa khỏi COVID-19, ‘giấc mộng xa vời?’

    Mặc dù các nhà khoa học và thị trường chứng khoán vui mừng khi chính phủ Mỹ chấp thuận cho dùng thuốc Remdesivir để trị COVID-19, nhưng một liệu pháp chữa khỏi hẳn căn bệnh đã cướp mạng sống của hơn 470,000 người (tính đến 23 Tháng Sáu) trên thế giới vẫn còn xa vời, và có thể không bao giờ đạt được.
    Chữa khỏi COVID-19, ‘giấc mộng xa vời?’
    Hàng trăm thứ thuốc đang được các nhà khoa học khắp thế giới đua nhau nghiên cứu, nhưng theo Bác Sĩ Carlos del Rio, giáo sư khoa bệnh truyền nhiễm tại Đại Học Emory Rollins về Sức Khỏe Công Cộng (Emory University Rollins School of Public Health), thì “hiện nay, tôi không nhìn thấy ai tới đích.”

    Các nhà khoa học đã có hơn 1,250 cuộc nghiên cứu về COVID-19. Các công ty dược đã đầu tư hàng tỷ đô la để tìm thuốc trị và chủng ngừa hầu chấm dứt bệnh dịch.

    Vừa qua Bác Sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị Ứng và Truyền Nhiễm Quốc Gia (National Institute of Allergy and Infectious Diseases), đã cẩn trọng khi thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng thuốc Remdesivir. Ông lưu ý rằng đây không phải là một tuyệt tác. Dù rằng Remdesivir đã giúp bệnh nhân nằm viện vì COVID-19 bình phục nhanh hơn, nó vẫn chưa chứng tỏ khả năng cứu được mạng sống.

    “Thuốc này đang mở ra nhiều cơ hội,” ông Fauci nói. “Có nhiều công ty và nhà đầu tư tham gia vào, công việc sẽ tốt hơn.”

    Trong những thử nghiệm lâm sàng tương lai, các nhà nghiên cứu dự định sẽ kết hợp Remdesivir với những loại thuốc khác để cải thiện kết quả.

    Các bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 nói rằng họ đang tham dự một trận chiến trên nhiều mặt là “đánh nhau với một con virus tàn phá nội tạng con người, gây ra những cục máu đông chết người và một phản ứng thái quá của hệ thống miễn nhiễm gọi là ‘trận bão tế bào cytokine.’”

    Với nhiều phần cơ thể bị tấn công cùng lúc, các nhà khoa học nói, cải thiện tỷ lệ sống còn đòi hỏi một trận đánh đa diện và cần nhiều loại thuốc. Song song thuốc thử nghiệm tấn công virus, những thuốc khác nhắm vào việc bảo vệ hệ miễn nhiễm khỏi bị tổn thương cùng lúc.

    “Có rất nhiều phần của bệnh cần điều trị, và tất cả đòi hỏi những liệu pháp khác nhau, theo Bác Sĩ Lewis Kaplan, chủ tịch Hội Dược Phẩm Chăm Sóc Sức Khỏe Đặc Biệt (Society of Critical Care Medicine).

    Các tiếp cận kỹ thuật cao gồm có sử dụng tế bào gốc, tế bào “chữ T” và kháng thể để vô hiệu hóa virus Corona.

    Các nhà khoa học cũng nhìn lại những thuốc hiện có để có thể dùng trị COVID-19. Các thuốc này gồm có thuốc trị cúm, trị phong thấp, các miếng dán estrogen dùng cho mãn kinh và ngay cả thuốc ợ chua. Nếu các thuốc này chứng tỏ có hiệu quả, bác sĩ có thể sử dụng chúng nhanh hơn vì họ đã quen thuộc và biết rõ những phản ứng phụ cùng độ an toàn của thuốc.

    Một số bác sĩ hoài nghi rằng thuốc trị ợ chua và đổ mồ hôi trộm không có công hiệu trị bệnh chết người như COVID-19.

    Bác Sĩ Steven Nissen, chủ tịch khoa tim mạch tại Cleveland Clinic, nói ông sợ rằng cường điệu hóa các thuốc chưa được chứng minh tính hiệu nghiệm sẽ chỉ làm hại bệnh nhân, dù rằng tạm thời chúng làm tăng giá trị công ty trên thị trường chứng khoán. Bệnh nhân đòi được chữa trị bằng thuốc ợ chua hoặc thuốc sốt rét trong giai đoạn còn nghiên cứu có thể bị hại vì phản ứng phụ.

    Những người tích trữ thuốc, hy vọng để tự chữa khỏi COVID-19, có thể đã làm những bệnh nhân khác không có thuốc cần dùng. Một số người có thể từ chối tham gia thử nghiệm lâm sàng vì họ sợ phải dùng thuốc giả.

    “Vội vã dồn mọi thứ trị liệu vào một nghiên cứu là không thận trọng,” ông Nissen nói. “Điều này không phải là liệu pháp thuốc men tốt mà là một hành động tuyệt vọng.”

    “Tôi không nghĩ chúng ta muốn loại bỏ bất cứ điều gì có vẻ không bình thường,” theo Bác Sĩ Walid Gellad, giám đốc Trung Tâm Chính Sách và Quy Định Dược Đại Học Pittsburg (Center for Pharmaceutical Policy and Prescribing at the University of Pittsburg).

    Thuốc kháng virus lên ngôi

    Thuốc kháng virus như Remdesivir có mục đích ngăn ngừa virus nhân rộng, theo Bác Sĩ Peter Hotez, giáo sư Đại Học Y khoa Baylor ở Houston.

    Điều này không phải lúc nào cũng đúng. Một cuộc nghiên cứu nhỏ của Trung Quốc về Remdesivir, đăng trong tạp chí Lancet tháng vừa qua, thấy rằng thuốc không hiệu quả với những người bệnh COVID-19 nặng. Trước đây Remdesivir đã thất bại khi thử nghiệm chữa bệnh Ebola.

    Các thuốc kháng virus có vẻ giúp ích trong thời kỳ nhiễm bệnh sơ khởi, khi mà tất cả tổn thương cho bệnh nhân là do chính nó gây ra, chứ không phải do hệ miễn nhiễm, ông Hotez nói.

    Remdisivir cho đến nay chỉ là một trong nhiều loại kháng virus đang được thử nghiệm chống COVID-19.

    Các nhà nghiên cứu quốc tế đang nghiên cứu về thuốc kháng virus Favipiravir, dùng để trị cúm.

    Thuốc trị sốt rét Chloroquine và Hydroxychloroquine, đã được Tổng Thống Donald Trump đề cao, cũng có tính chất kháng virus. Mặc dù Cơ Quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép dùng thuốc này trong trường hợp khẩn cấp để trị COVID-19, nhưng về sau khuyến cáo rằng thuốc có thể gây biến chứng nguy hiểm về tim.

    Một cuộc nghiên cứu trong tạp chí Y Khoa New England cũng thấy không có lợi gì khi sử dụng hai loại thuốc dùng để trị HIV (một kết hợp của Lopinavir và Ritonavir, được bán dưới tên Kaletra) cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng tại bệnh viện.

    Áp chế hệ miễn nhiễm

    Một trong những liệu pháp gây phấn khởi cũng là một liệu pháp lâu đời nhất đó là sử dụng kháng thể trong máu những người sống sót sau khi nhiễm COVID-19.

    Hệ miễn nhiễm sản xuất kháng thể khi cơ thể chống trả những xâm nhập từ bên ngoài như virus và vi trùng, giúp cơ thể nhận biết và vô hiệu hóa chúng. Kháng thể cũng nhận biết và vô hiệu hóa virus khi người đó lại bị xâm nhập.

    Các bác sĩ hy vọng những bệnh nhân đã có kháng thể của virus Corona sẽ trở nên miễn dịch, ít ra vài năm, mặc dù điều này chưa được minh xác.

    Các nhà khoa học phát triển được loại “huyết tương dưỡng” này đang nghiên cứu xem những người sống sót sau khi nhiễm COVID-19 có thể chia sẻ sự miễn dịch này cho người khác bằng huyết tương có chứa kháng thể của họ hay không? Bác Sĩ Shmuel Shoham nói. Ông là phó giáo sư y khoa tại Đại Học Y Khoa Johns Hopkins.

    Ngoài việc điều trị những người đã nhiễm bệnh, huyết tương này còn có thể ngừa bệnh cho những người gần gũi bệnh nhân, chẳng hạn như nhân viên chăm sóc sức khỏe…

    Kháng thể hiến tặng và bất cứ miễn dịch nào mà họ có thể cung cấp, không có tính chất vĩnh viễn, theo Bác Sĩ William Schaffner, giáo sư tại Trung Tâm Y Khoa Đại Học Vanderbilt.

    Cơ thể tiêu diệt những kháng thể già nua như một phần của công việc bảo dưỡng định kỳ, ông nói. Thông thường, một nửa những kháng thể hiến tặng bị tiêu hủy trong vòng ba tuần.

    Sử dụng huyết tương dưỡng đã có từ hơn một thế kỷ. Người ta đã dùng nó trong đại dịch cúm năm 1918 và cũng đã thấy có cải thiện sống sót trong thời kỳ dịch H1N1 năm 2009-2010.

    Nhưng hiện nay các bác sĩ chưa biết huyết tương dưỡng có giúp ích cho những người bị bệnh COVID-19 hay không.

    Nói chung, huyết tương dưỡng có nhiều hy vọng trong việc ngăn ngừa bệnh hơn là trị bệnh. Có thể ít hy vọng giúp ích cho người đang nằm ở khu chăm sóc đặc biệt ICU.

    Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu sử dụng huyết tương đóng gói sẵn, gọi là “huyết cầu tố miễn dịch (intravenous immonoglobulin) tiêm qua tĩnh mạch bệnh nhân COVID-19.

    Sản phẩm này, gọi tắt là IVIG, được lấy từ những người hiến tặng mạnh khỏe trong cộng đồng và đã được dùng từ lâu để giúp những người có hệ miễn dịch yếu chống trả nhiễm trùng. Các bệnh viện lưu trữ loại huyết tương này và đã dùng nó để điều trị bệnh nhân COVID-19.

    Mặc dù kháng thể trong các gói IVIG đóng sẵn không đặc biệt nhắm vào virus Corona, các nhà nghiên cứu hy vọng chúng sẽ làm giảm được phản ứng của hệ miễn nhiễm.

    Trong một dạng thứ ba của liệu pháp miễn nhiễm, các nhà nghiên cứu đang cố gắng nhận dạng kháng thể riêng biệt quan trọng trong việc vô hiệu hóa virus Corona, rồi sản xuất chúng thành thuốc gọi lạ kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies). Kháng thể đơn dòng đã được dùng để trị một số bệnh lý ung thư, thấp khớp…

    “Khi chúng tôi cho người ta một kháng thể, ngay lập tức họ được miễn nhiễm về loại virus riêng biệt đó,” theo Bác Sĩ James Crowe, giám đốc Trung Tâm Chủng Ngừa Vanderbilt. “Hy vọng có được kháng thể sẵn sàng để thử nghiệm lâm sàng trong vài tháng tới. Chúng tôi chuyển hệ thống miễn nhiễm từ người này sang người khác.”

    “Lý tưởng nhất là sẽ phát triển được kháng thể đơn dòng thật mạnh hay một kháng thể pha trộn dùng cho bệnh nhân COVID-19,” ông Crowe nói. “Nhưng sản xuất những thuốc này có thể phức tạp, đắt tiền, và đòi hỏi thời gian.”

    “Làm hai kháng thể sẽ phức tạp gấp đôi làm một kháng thể,” ông Crowe nói. “Một kháng thể pha trộn có thể được chuộng hơn, nhưng việc pha trộn khó thực hiện nhanh chóng.”

    Làm dịu hệ miễn nhiễm


    Trong nhiều trường hợp COVID-19, hệ miễn nhiễm vô hiệu hóa virus Corona và người bệnh khỏi bệnh không cần đi nhà thương.

    Vì nhiều lý do mà bác sĩ cũng không hiểu được hoàn toàn, hệ miễn nhiễm của vài bệnh nhân COVID-19 trở nên hiếu động tối đa, tấn công không những virus mà cả tế bào của chính bệnh nhân.

    Một “cơn bão tế bào cytokine” mà hệ miễn nhiễm ồ ạt tuôn ra những chất hóa học gây viêm, còn tệ hại hơn virus.

    Trong nỗ lực làm dịu hệ miễn nhiễm, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm loại thuốc áp chế miễn nhiễm, gồm có kháng thể đơn dòng đã được dùng để trị các bệnh về hệ miễn nhiễm như thấp khớp, theo lời Bác Sĩ Amesh Adalja, một học giả thâm niên của Trung Tâm An Toàn Sức Khỏe Johns Hopkins (Johns Hopkins Center for Health Security).

    Công ty chăm sóc sức khỏe khổng lồ Roche đang làm một cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn về thuốc Actemra của họ với hy vọng ngăn ngừa những cơn bão tế bào cytokine, làm nội tạng bệnh nhân suy thoái và gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết gọi là sepsis. Actemra là thuốc làm giảm interleukin 6, một hóa chất gây viêm trong một số bệnh nhân COVID-19.

    Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu những thuốc tương tự, Anakinra và Siltuximab.

    Một loại thuốc khác chống phản ứng của hệ miễn nhiễm từ Regeneron và Sanofi, tên là Kevzara, cho kết quả không khả quan trong thử nghiệm lâm sàng. Nhà sản xuất có ý định tiếp tục nghiên cứu vì thuốc có thể giúp ích cho vài loại bệnh nhân khác.

    Bác Sĩ Anar Yukhayev, bác sĩ sản khoa ở New York, người đã vào bệnh viện vì COVID-19 ngày 16 Tháng Ba, đồng ý tham gia thử nghiệm lâm sàng Kevzara.

    “Tôi thở rất khó khăn đến tuyệt vọng và bằng lòng thử bất cứ thứ gì có thể giúp tôi,” Bác Sĩ Yukhayev 31 tuổi, điều trị ở Trung Tâm Y Khoa Do Thái Long Island (Long Island Jewish Medical Center), nói.

    Sau 36 giờ được cho thuốc, trong khi nằm điều trị ở khu chăm sóc đặc biệt, các triệu chứng của ông bắt đầu cải thiện. Ông có khả năng không dùng máy thở. Các bác sĩ không cho biết ông được cho thuốc Kevzara hoặc là một liều thuốc giả, nhưng chất men enzymes trong gan tăng lên, dấu hiệu của gan đang phản ứng. Enzymes cao trong gan được biết là một phản ứng phụ của Kevzara.

    Bác Sĩ Yukhayev hoàn toàn bình phục và đi làm toàn thời gian trở lại hôm 13 Tháng Tư. Ông hiến tặng huyết tương của mình cho các nhà nghiên cứu.

    Cho đến khi thuốc chủng và những loại thuốc điều trị được công nhận, cách tốt nhất để ngừa nhiễm virus Corona là giãn cách xã hội, Bác Sĩ Adalja nói.

    “Giãn cách xã hội là một biện pháp mạnh nhưng bây giờ chúng ta chỉ có thế thôi.” [kn]

    (*) Bài viết này do KaiserHealth News, một chương trình xã luận độc lập của Kaiser Family Foundation, xuất bản.

    https://www.nguoi-viet.com/

    Không có nhận xét nào