Header Ads

  • Breaking News

    Biểu tình Mỹ, Hong Kong, Thiên An Môn và bài học chung với VN?

    Chính tự do và nhân quyền về lâu về dài sẽ mang lại sự thịnh vượng và phát triển bền vững của quốc gia, một nhà hoạt động xã hội dân sự từ Mỹ nói với BBC News Tiếng Việt trong dịp đánh dấu hơn ba thập niên sự kiện Thiên An Môn xảy ra ở Trung Quốc và trong bối cảnh các làn sóng biểu tình đang diễn ra ở Mỹ , cũng như bất ổn Hong Kong thời điểm này.
    Biểu tình Mỹ, Hong Kong, Thiên An Môn và bài học chung với VN?

    "Có ý kiến hỏi làm sao cân bằng được vấn đề ổn định xã hội để phát triển kinh tế và các quyền dân sự, tôi cho rằng ổn định kinh tế luôn luôn phải đi sau vấn đề nhân quyền," nhà hoạt động Nancy Hạnh Vy Nguyễn từ California, Hoa Kỳ, người từng có mặt ở Hong Kong trong các cuộc biểu tình dân chủ năm 2019, nêu quan điểm tại một thảo luận trực tuyến của BBC hôm 04/6/2020.

    "Bởi vì con người khi sinh ra đã có quyền được biểu đạt và những quyền mà không cần phải có chính phủ nào trao cho mình, cái đó gọi là nhân quyền.

    "Tức là không cần chính phủ đó cho phép mình, thì mình mới có cái quyền đó. Đó là những quyền căn bản, trong đó có quyền tự do biểu đạt…

    "Chính quyền phải bảo vệ quyền căn bản của con người trước khi đảm bảo ổn định kinh tế, bởi vì ổn định xã hội để phát triển kinh tế nó phải đi sau và nhất là đối với quan điểm của Tây Phương là tự do về tiền bạc, phát triển thịnh vượng phải dựa trên căn bản tự do về con người."

    Đi tiếp những bước đi?


    Từ Paris, Pháp, nhà hoạt báo tự do và nhà hoạt động công đoàn độc lập Tường An nói với BBC:

    "Ở Việt Nam, tôi nghĩ bài học rút ra là cho nhà nước nhiều hơn là cho người dân, bởi vì người dân có rút được bài học thì cũng không áp dụng được.

    "Cho nên bài học rút ra là quyền của mọi người là nhân quyền phải được tôn trọng, và một trong những quyền quan trọng nhất là quyền tự do biểu đạt. Ở các nước dân chủ, tự do, quyền biểu đạt đó được thể hiện dưới nhiều hình thức như là viết báo, làm báo, xuất bản sách…

    "Và một trong những quyền đó cũng là quyền biểu tình, quyền được thành lập những nghiệp đoàn độc lập v.v…, nhà nước Việt Nam hiện giờ đã ký kết hai hiệp thương là CPTPP và EVFTA rồi, hiệp định EVFTA đang được Quốc hội Việt Nam thông qua trong kỳ họp thứ 9 khóa XIV này.

    "Và họ cũng đã thông qua hai Công ước là công ước 105 và Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chỉ còn một bước ngắn nữa thôi mà họ cũng đã sửa đổi Luật Lao động rồi, để được quyền thành lập các tổ chức đại diện người lao động, thì với những bước ngắn ấy, Việt Nam nếu muốn hội nhập thực sự với thế giới, ngang bằng với thế giới, thì nên đi thêm một bước nữa.

    "Đó là công nhận cho người dân được quyền thành lập những nghiệp đoàn độc lập đúng nghĩa của nó, tôi nói đúng nghĩa vì sẽ có những 'nghiệp đoàn độc lập' mà không thực sự độc lập, và hơn nữa Việt Nam cần phải cho người dân có những quyền tự do biểu đạt như là công dân của các nước khác, thì Việt Nam mới có thể hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu."

    Về vấn đề biểu tình ở Việt Nam, bà Tường An nhân dịp này nói:

    "Có bạn theo dõi chương trình nhắc đến luật biểu tình, thì tôi nghĩ Quốc hôi Việt Nam mà đang họp hiện giờ đây, vẫn còn nợ người dân Việt Nam một đạo luật, đó chính là Luật Biểu tình."

    Nhân quyền và thịnh vượng

    Về quan hệ giữa tự do và thịnh vượng, nhà hoạt động Nancy Hạnh Vy Nguyễn từ California nêu quan điểm:

    "Tôi chỉ muốn nói thêm là tự do mang lại thịnh vượng, chính quyền Việt Nam có vẻ là tương đối không thân thiện lắm với những khái niệm tự do, dân chủ.

    "Tuy nhiên những quốc gia tôn trọng quyền tự do và dân chủ thì trước mắt hơi khó khăn trong vấn đề bảo vệ ổn định.

    "Song về đường dài, chúng ta đều thấy đó là những quốc gia rất là tiến bộ, rất thịnh vượng, có đời sống kinh tế, đời sống cá nhân rất là phong phú.

    "Người dân phát triển, con người được tiếp cận với những kiến thức lớn của thế giới, của nhân loại. Thành ra, nếu Việt Nam muốn phát triển, thì Việt Nam nên cho con người Việt Nam nhiều hơn nữa các quyền tự do.

    "Có một bạn Việt Nam ở Nhật Bản nói với tôi là người Việt Nam mình được tự do, muốn đi đâu thì đi, nói như vậy, nhất là ở người trẻ, là khi chúng ta không dám đi ra khỏi khuôn khổ 'tự do' của nhà nước - tự do 'trong khuôn khổ' hay tự do theo định nghĩa 'xã hội chủ nghĩa'.

    "Nhưng nếu chính quyền cho người dân thêm những quyền tự do để họ biểu đạt nói những điều chính quyền có thể chưa muốn vào thời điểm hiện tại, thì về lâu về dài, nó chỉ đem lại tự do, nhân quyền và thịnh vượng mà đi đôi với nhau mà thôi."

    Cuối Facebook tin bởi BBC News Tiếng Việt

    Tự do phải tự lo?

    Từ Hà Nội, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội dân sự, nêu nhận xét ngay tại thảo luận:

    "Tôi vừa nghe ý kiến về sự tự do vừa rồi, tôi nghĩ rằng nhà nước sẽ không bao giờ cho chúng ta tự do đâu.

    "Mà nếu như những ai khát khao tự do, khát khao được nhận những quyền của mình thì phải đấu tranh.

    "Vấn đề ở đây là bài học chúng ta phải tìm cách đấu tranh như thế nào để tạo ra sức mạnh của tập thể, tạo ra sự đồng lòng thì mới có thể thay đổi, chứ cũng không thể trông chờ vào ai.

    "Không thể trông chờ bất kỳ một thế lực ngoại bang hay là một lực lượng nào, mà phải là có sự đồng lòng của tất cả nhân dân."

    Nhân dịp đánh dấu 31 năm sự kiện Thiên An Môn xảy ra ở Trung Quốc, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng bình luận thêm:

    "Sự kiện Thiên An Môn luôn là một chỉ dấu, một sự kiện mà những người hoạt động ở Việt Nam nhắc nhở nhau, chia sẻ với nhau để có thể hiểu rõ và có thể tìm ra những biện pháp để có thể hoạt động được, đấu tranh để thay đổi một xã hội tốt đẹp hơn…

    "… Những sự kiện đang xảy ra ở Mỹ hay ở Hong Kong, thì giới hoạt động xã hội ở Việt Nam đang quan sát rất kỹ lưỡng. Tôi nghĩ tất cả những sự kiện đó, mặc dù có thể có những điều hay hay dở, thì đó đều là những bài học," nhà hoạt động xã hội dân sự nói với BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội.

    https://www.bbc.com/

    Không có nhận xét nào