Header Ads

  • Breaking News

    Bản tin Biển Đông cập nhật ngày 25 tháng 6 năm 2020


    Tin tức nổi bật


    Cục Hải sự Quảng Tây ngày 19/6 ra cảnh báo hàng hải số 0021 cho biết từ ngày 22-24/6 tại Vịnh Bắc Bộ, tàu kéo “Dầu khí Hải dương 671” kéo theo giàn khoan “Dầu khí Hải dương 944” di chuyển từ vị trí có tọa độ 20-49.05N/108-42.88E đến vị trí có tọa độ 20-49.10N/108-47.77E; tổng chiều dài tàu kéo và giàn khoan 400m, chiều rộng 35m, tốc độ 4 knot.


    Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông


    Nhật báo Trường Giang (Hồ Bắc Trung Quốc) ngày 20/6 cho biết Cục Hải sự Quảng Đông ngày 21/6 sẽ tiếp nhận tàu tuần tra “Hải tuần” trọng tải 2.300 tấn từ tập đoàn đóng tàu Vũ Hán. Tàu có chiều dài 73,3 mét, rộng 14 mét, cao 6,2 mét, chiều cao mớn nước 4m, lượng giãn nước khoảng 2.300 tấn, có thể duy trì hoạt động liên tục trong 40 ngày. Đây là tàu tác nghiệp có hệ thống trang thiết bị tiên tiến nhất, tính năng ưu việt nhất trong hệ thống hải sự của Trung Quốc.

    Cục Hải Sự Quảng Đông ngày 22/6 ra cảnh báo hàng hải số 0123 và 0124 cho biết: từ ngày 22/6 đến ngày 22/8 tại “Nam Hải” (Biển Đông), các giàn khoan “Dầu khí Hải dương 943” và “SINOOCEAN AUSPICIOUS” tác nghiệp tại 2 giếng khoan là HZ26-6-7 và HZ26-6-6d, trong vùng biển có bán kính 1 hải lý với các điểm có tọa độ lần lượt là 21-15-22.76N/115-18-42.02E và 21-12-30.09N/115-18-31.59E.


    Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

    Tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) của Mỹ cùng 02 tàu tập trận lớp Kashima (TV-3508) và lớp Shimayuki (TV-3513) của Nhật Bản ngày 23/6 đã tiến hành diễn tập trận khi đi qua Biển Đông. Mục đích nhằm tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến giữa hai lực lượng và khẳng định tầm quan trọng của hoạt động trao đổi thông tin và phối hợp tác chiến.

    Trung Quốc ngày 24/6 ra 2 cảnh báo hàng hải về hoạt động quân sự và dầu khí tại Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông: (1) Cảnh báo hàng hải số 0057 của Cục Hải sự Dương Phố (Hải Nam): Từ 09h30 ngày 29/6 đến 16h00 ngày 2/7 tại Vịnh Bắc Bộ, tiến hành huấn luyện bắn đạn thật trong vùng biển nối liền bởi các điểm có tọa độ lần lượt là: (i) 19-48.00N/108-40.00E; (ii) 19-48.00N/108-46.00E; (iii) 19-42.00N/108-46.00E; (iv) 19-42.00N/108-40.00E. (2) Cảnh báo hàng hải số 0058 của Cục Hải sự Tam Á (Hải Nam): Từ 0h00 ngày 27/6 đến 24h00 ngày 10/8 tại “Nam Hải” (Biển Đông), giàn khoan “Lam Kình 01” tiến hành tác nghiệp khoan giếng tại vị trí có tọa độ 17-20.75N 110-28.59E.

    + Chính trị - Ngoại giao:


    Dahnil Anzar Simanjuntak, Người phát ngôn BQP Indonesia, ngày 18/6 khẳng định Indonesia sẽ không chọn đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc sau những căng thẳng trên Biển Đông. Indonesia không có hiệp ước quốc phòng với bất kỳ nước nào và bất kỳ khu vực nào. Indonesia có quan hệ kinh tế mạnh với Trung Quốc nhưng điều đó không ràng buộc hành xử của Indonesia đối với Mỹ hay Trung Quốc.

    Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno LP Marsudi ngày 18/6 trong cuộc họp báo tại Jakarta khẳng định: “Lập trường của Indonesia rất rõ ràng, dựa trên UNCLOS 1982, Indonesia không có yêu sách biển chồng lấn với Trung Quốc. Do đó, không có lý do gì để tiến hành đàm phán”.

    Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 19/6 có bài phát biểu về “Europe and China Challenge” tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Copenhagen Democracy, khẳng định Trung Quốc không chỉ là “quốc gia bất hảo” (rogue actor) với các nước láng giềng và cảnh báo Châu Âu về nguy cơ Trung Quốc ở cấp độ toàn cầu. Bài phát biểu dẫn lại hàng loạt các hành động gần đây của Trung Quốc với Hồng Kong, Ấn Độ, Biển Đông. Châu Âu, Mỹ và nhiều khu vực khác đều đang phải đối mặt với thách thức này, phải rất cảnh giác và có các cách thức khác nhau để đối phó. Ông Pompeo hi vọng sẽ có nhiều tuyên bố công khai và hành động của Châu Âu về “thách thức Trung Quốc” và Mỹ sẽ ủng hộ Châu Âu trong những nỗ lực này.

    Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink ngày 22/6 tại một sự kiện được tổ chức bởi USAID tại TP.HCM đã phát biểu Mỹ sẽ ủng hộ các công ty năng lượng tham gia khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Theo Đại sứ Kritenbrink, Trung Quốc dường như đã tận dụng Covid-19 để thúc đẩy các yêu sách trên biển, đây không chỉ vấn đề liên quan đến lãnh thổ mà còn là tài nguyên năng lượng và nghề cá, việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện các hành vi gây hấn, ngăn không cho các nước như Việt Nam phát triển các quyền hợp pháp của họ với tài nguyên trên biển là không hợp lý.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 22/6 trả lời câu hỏi của phóng viên Nhật Bản liên quan vấn đề Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông, cho rằng: “nước nào cũng có quyền thiết lập ADIZ và căn cứ vào mức độ đe dọa an ninh trên không để quyết định việc có thiết lập ADIZ hay không. Trung Quốc sẽ căn cứ vào mức độ đe dọa an ninh mà Trung Quốc phải đối mặt tại các vùng biển liên quan ở “Nam Hải” (Biển Đông), đồng thời cân nhắc những yếu tố liên quan”.

    Thủ hiến bang Sarawak Abang Johari ngày 22/6 cho biết bang này đang chuẩn bị khai trương chi cục Cảnh sát biển riêng của bang (SCG). Chức năng chính của SCG là thực thi pháp luật về nghề cá, chống tàu cá nước ngoài cũng như tàu cá nội địa đánh bắt trái phép trong vùng biển của Malaysia. SCG sẽ đóng mới 3 tàu tuần tra, phối hợp hoạt động chặt chẽ với Cơ quan thực thi pháp luật Malaysia (MMEA), cảnh sát và cơ quan hữu quan trong thực thi nhiệm vụ.

    Bộ trưởng Ngoại giao Singapore ngày 22/6 nhấn mạnh chính sách ngoại giao hậu COVID-19 của Singapore sẽ tập trung vào các hướng chính để thích nghi với thực trạng mới gồm: (i) tái thiết vị thế, khẳng định tầm quan trọng đối với thế giới và tạo không gian kinh tế và chính trị; (ii) xây dựng hình ảnh trở thành một đất nước thành công, nhất quán và đáng tin; (iii) ủng hộ các quyền lợi hợp pháp và bảo vệ luật pháp quốc tế; củng cố và xây dựng hệ thống đa phương dựa trên luật lê. Các đường hướng đối ngoại này được đưa ra trong bối cảnh thế giới hậu covid trở nên nguy hiểm, chia rẽ và gián đoạn hơn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: các mối đe dọa xuyên quốc gia trong dài hạn, trong đó có Covid-19, các khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt cùng các căng thẳng khu vực, tiêu biểu như Biển Đông căng thẳng và khó đoán.

    Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng ngày 23/6 trong buổi họp báo về Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 đã cho biết dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thứ trưởng chia sẻ thêm rằng các nước lớn có những quan điểm khác nhau, đặt ra những vấn đề có thể gây chia rẽ trong quan điểm giữa các nước và nguy cơ phải chọn bên. Tuy vậy, “ASEAN hay các nước thành viên của ASEAN đã xác định ASEAN sẽ không chọn bên mà lựa chọn lợi ích của ASEAN” và giữ vững vai trò trung tâm.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 23/6 lần đầu tiên điện đàm Thủ tướng Malaysia Muhyiddin. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, tự do và an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông, đặc biệt không để ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - thương mại; nhất trí cùng nỗ lực giữ gìn đoàn kết và lập trường chung của ASEAN, thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

    Chỉ huy Không quân Thái Bình Dương của Mỹ Charles Brown Jr. ngày 24/6 cảnh báo về khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông; cho rằng việc thành lập ADIZ có thể đi ngược lại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và cản trở tự do hàng hải và hàng không, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trong khu vực.

    Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tại họp báo thường kỳ ngày 24/6, phản ứng trước phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng lãnh đạo cơ quan quốc phòng Mỹ đã bất chấp sự thật, thổi phồng cái gọi là “mối đe dọa Trung Quốc”, chia rẽ quan hệ các nước trong khu vực, bôi nhọ những nỗ lực phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc. Trung Quốc hết sức bất bình và kiên quyết phản đối cách làm này. NFN đánh giá mặc dù hiện nay, dưới sự nỗ lực của các nước trong khu vực, tình hình “Nam Hải” (Biển Đông) và Đông Hải (Biển Hoa Đông) về tổng thể ổn định, nhưng Mỹ, một nước bên ngoài, tìm cách đưa tàu chiến và máy bay tới vùng biển này nhằm làm suy yếu chủ quyền các nước và phá hoại quy tắc quốc tế.

    Tổng giám đốc Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) Mohd Zubil Mat Som ngày 24/6 cho biết MMEA sẽ hành động mạnh hơn với tàu cá Việt Nam đánh bắt trong vùng biển của Malaysia do số lượng tàu cá VN xuất hiện nhiều hơn, bất kể Covid-19. Từ 19/3/2020, MMEA phát hiện tới 88 trường hợp. MMEA sẽ bắn cảnh báo đối với các tàu cá Việt Nam hành xử nguy hiểm đòi trốn thoát hoặc không tuân theo chỉ dẫn của MMEA.

    Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 24/6 tại buổi họp trực tuyến trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 26/6 cho biết đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC sẽ sớm được tiếp tục tổ chức, bày tỏ niềm tin COC sẽ góp phần tạo ra môi trường thuận lợi ở Biển Đông. Bà cũng thể hiện lo ngại đối với “sự đối đầu giữa các cường quốc ở Biển Đông”, vì vậy ASEAN cần tiếp tục gửi thông điệp tới các bên, kêu gọi duy trì hòa bình và ổn định.

    Trung Quốc ngày 24/6 ra 02 cảnh báo hàng hải: (1) Cảnh báo hàng hải số 0057 của Cục Hải sự Dương Phố (Hải Nam): Từ 09h30 ngày 29/6 đến 16h00 ngày 2/7 tại Vịnh Bắc Bộ, tiến hành huấn luyện bắn đạn thật trong vùng biển nối liền bởi các điểm có tọa độ lần lượt là: (i) 19-48.00N/108-40.00E; (ii) 19-48.00N/108-46.00E; (iii) 19-42.00N/108-46.00E; (iv) 19-42.00N/108-40.00E; (2) Cảnh báo hàng hải số 0058 của Cục Hải sự Tam Á (Hải Nam): Từ 0h00 ngày 27/6 đến 24h00 ngày 10/8 tại “Nam Hải” (Biển Đông), giàn khoan “Lam Kình 01” tiến hành tác nghiệp khoan giếng tại vị trí có tọa độ 17-20.75N 110-28.59E.

    Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

    Tờ The Sydney Morning Herald, Úc, ngày 25/6 đưa tin cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói Trung Quốc mong Úc sẽ "ngoan ngoãn" trước những chính sách ngoại giao hung hăng của mình, coi Úc như quốc gia yếu hơn chứ không phải ngang hàng. Cho rằng Trung Quốc đã phát triển các đảo ở Biển Đông tới mức các nước Đông Nam Á, Mỹ, Nhật Bản đều không thể phi quân sự hóa chúng. Đánh giá hành động của Trung Quốc tạo thành “sự đã rồi” là trái với luật pháp quốc tế.

    Góc nhìn quốc tế

    + Trung Quốc:

    Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc ngày 23/6, công bố “Báo cáo sức mạnh quân sự Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương 2020” cho rằng từ năm 2017, chiến lược an ninh Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ bắt đầu có nhiều thay đổi lớn, dẫn đến những ảnh hưởng quan trọng đối với tình hình an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; nhận định Mỹ thúc đẩy Chiến lược Ấn - Thái chủ yếu dựa vào lực lượng quân sự của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với 375 nghìn quân, chiếm 60% số lượng tàu chiến hải quân, 55% lục quân và 2/3 lính thủy đánh bộ của quân đội Mỹ. Báo cáo cho rằng quan hệ quân sự Trung - Mỹ có liên quan mật thiết tới quan hệ và hợp tác an ninh hai nước và nhận định Trung - Mỹ là hai nước lớn quân sự ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là nền kinh tế lớn số 1, số 2 thế giới, sự phát triển của quan hệ quân sự có ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

    + Đông Nam Á:

    Ahmad Almaududy Amri ngày 18/6 trên Modern Diplomacy cho rằng các Công hàm vừa qua một lần nữa thể hiện Indonesia kiên trì phản đối các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông với lập luận không chỉ dựa trên luật pháp quốc tế và phù hợp với các công hàm được đệ trình trước đó lên Liên hợp quốc vào năm 2010, mà còn đề cập Phán quyết Tòa trọng tài giữa Trung Quốc và Philippines. Về việc Bắc Kinh vẫn duy trì tuyên bố chủ quyền đơn phương dựa theo lịch sử, vốn đã bị Tòa bác bỏ, Amri cho rằng hiện nay Trung Quốc phải chứng minh rằng các yêu sách biển dựa trên luật quốc tế, hoặc phải tiến tới tìm ra các lập luận pháp lý mới để phù hợp với các cấu trúc pháp lý quốc tế hiện hành liên quan đến tranh chấp Biển Đông, bao gồm phán quyết của Tòa Trọng tài.

    Mateusz Chatys, Trung tâm Nghiên cứu Châu Á, Trường ĐH Lodz, ngày 22/6 trên trang 9DashLine cho rằng, việc Indonesia viện dẫn Phán quyết không chỉ là hành động ủng hộ cho các bên có tranh chấp lãnh thổ mà còn là dấu hiệu cho thấy Indonesia sẵn sàng sử dụng nhiều công cụ để đối phó nếu Trung Quốc tiếp tục khiêu khích chủ quyền của nước này. Việc đẩy nhanh quá trình hợp nhất theo Bộ Tứ (Quad) với sự hỗ trợ của các nước như Việt Nam, Malaysia và Indonesia sẽ ngày càng tăng cường khả năng chống lại các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.

    Tri Vo, ĐH George Washington 23/06, cho rằng Campuchia cần phải cải thiện quan hệ với các nước láng giềng và phương Tây, cùng lên án hành động xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Tác giả nhận định quan hệ gần gũi giữa Campuchia và Trung Quốc đã phương hại đối với những nỗ lực của ASEAN ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông. Để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, Campuchia phải đa dạng hoá quan hệ, đồng thời cần (1) nhượng bộ phương Tây về nhân quyền, cho phép các đảng đối lập cơ hội tham gia quản lý nhà nước; (2) hoà dịu với các nước láng giềng, ủng hộ các nguyện vọng chung của ASEAN hoặc không ngăn cản ASEAN hành động chung phản đối Trung Quốc xâm lược khu vực.

    Ahmad Ibrahim Almutaqqi, Giám đốc Chương trình nghiên cứu ASEAN thuộc Trung tâm Habibie (Indonesia), ngày 23/6 cho rằng Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 được tổ chức vào ngày 26/6 tới là sự kiện quan trọng, có nhiều ý nghĩa đối với ASEAN trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành và an ninh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Đây là dịp để ASEAN và các quốc gia thành viên, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trong năm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên, thể hiện tầm quan trọng của mình trong việc ứng phó và định hình sự phát triển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    + Châu Âu – Mỹ:

    Michèle A. Flournoy, Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách giai đoạn 2009 – 2012, ngày 18/6 đánh giá việc Trung Quốc ngày càng tự tin vào năng lực và nghi ngờ sức mạnh của Mỹ gây nguy cơ bùng nổ xung đột giữa 2 siêu cường. Để ngăn chặn xung đột tiềm tàng, Mỹ cần tái thiết lập sức mạnh răn đe: (1) chú trọng tới các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, hệ thống không người lái; (2) tăng cường tính thích ứng của các lực lượng tuyến đầu; (3) phát triển các khái niệm tác chiến mới. Bên cạnh sức mạnh cứng, Mỹ cần: (1) khẳng định cam kết với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như triển khai thêm lực lượng tới khu vực, diễn tập với các đồng minh…; (2) chú trọng các lĩnh vực cạnh tranh khác với Trung Quốc như công nghệ, chính trị, ý thức hệ; (3) tận dụng lợi thế từ mạng lưới đồng minh và đối tác trong khu vực; (4) tái khởi động Đối thoại chiến lược cấp cao với Trung Quốc như Chính quyền Richard Nixon từng làm.

    Báo Thanh niên ngày 20/6 dẫn lời chuyên gia cho rằng Mỹ đang đẩy mạnh ngoại giao pháo hạm, tăng cường sức mạnh răn đe với Trung Quốc. Cựu Đại tá Carl O. Schuster, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương: “Việc Mỹ điều động 3 tàu sân bay hoạt động ở Thái Bình Dương ẩn chứa nhiều thông điệp. Về chiến lược, động thái trên là bước tiếp theo để tăng cường sức mạnh quân sự. Về chiến thuật, việc bổ sung tàu sân bay giúp hải quân Mỹ duy trì khả năng thực hành trực tiếp và liên tục ở khu vực này”. Chuyên gia Timothy R. Heath, Viện RAND cho rằng Covid-19 không hạn chế thực lực của hải quân Mỹ.

    Kris Osborn, biên tập viên quân sự Tờ National Interest, ngày 22/6 đánh giá các tàu sân bay Mỹ tiếp tục duy trì ưu thế sức mạnh trước Trung Quốc, bởi: (1) tầm bắn của các tên lửa diệt hạm của Trung Quốc chưa tạo ra mối đe dọa, trừ khi có hệ thống dẫn hướng chính xác và khả năng đánh trúng mục tiêu đang di chuyển; (2) tàu sân bay Mỹ tiếp tục cải tiến hệ thống phòng thủ nhiều lớp, đồng thời được các tàu khu trục, tàu tuần dương, vũ khí giám sát trên không bảo vệ; (3) hệ thống phòng thủ trên tàu của Mỹ gồm các vũ khí laser hiện đại và hệ thống vô hiệu hóa tên lửa; (4) triển khai máy bay tiếp liệu tối tân MQ-25 Stingray, tăng cường sức mạnh của các tiêm kích trên tàu sân bay như F-35C và F/A-18 Super Hornet.

    + Các nước khác:

    Tiến sĩ Dmitri Mosyako, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ngày 20/6 tại Hội thảo trực tuyến “Xung đột ở Biển Đông – những thách thức và mối đe dọa hiện nay” ở Moscow đánh giá chính sách đối ngoại của Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của ASEAN trên thế giới. Việt Nam kiên trì đường lối giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, luôn ủng hộ việc sớm hoàn thành và thực thi COC. Việt Nam coi trọng việc hợp tác với các đối tác Châu Á và các nước khác, qua đó giúp giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông.

    Học giả David Brewster, Học viện An ninh Quốc gia, Đại học Quốc gia Úc, ngày 22/6 khuyến nghị Úc nên ủng hộ lập trường của Ấn Độ về vấn đề Himalaya nếu muốn có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ. Cuộc đối đầu giữa Ấn, Trung ở biên giới là một phần trong chiến lược toàn diện của Trung Quốc, bao gồm các hành động quyết liệt tại Biển Đông, Senkaku và cuộc tấn công mạng đối với Úc. Dù Úc nên tránh bị lôi kéo vào tranh chấp lãnh thổ, Chính phủ nên bày tỏ quan điểm ủng hộ các đối tác chủ chốt trước sự bắt nạt giống như khi Úc cần sự giúp đỡ./.

    http://nghiencuubiendong.vn/

    Không có nhận xét nào