Ngày 22/5/2020 ‘Tổ công tác đặc biệt’
và đề án thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), được
quyết định thành lập với mục đích vừa nêu. Chính phủ Hà Nội đã nhận thức
tầm quan trọng của vấn đề. Tuy nhiên, nếu chỉ quan niệm đó là cơ hội để
thu hút FDI, thì có lẽ chưa xứng tầm với cơ hội thay đổi để phát triển
hiện nay.
Hình minh hoạ. Người dân đi qua tấm biển kỷ niệm 130 năm ngày sinh Hồ Chí Minh trên đường phố Hà Nội hôm 19/5/2020 |
Đại
dịch COVID-19 đang gây ra cuộc khủng khoảng kép nghiêm trọng về y tế và
kinh tế cho thế giới. Đây là ‘một biến cố lớn’ chưa từng có từ trăm năm
nay, sẽ định hình lại ‘trật tự thế giới’, trong đó sự đối đầu của các
chế độ khác biệt về hệ tư tưởng là một đặc trưng quan trọng. Hiệu ứng
lan toả của nó đến mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, cộng hưởng với
các yếu tố trong nước trước thềm Đại hội 13 của Đảng Cộng sản mở ra cơ
hội phát triển.
Trong
giai đoạn gần đây nước ta cũng từng có những cơ hội lớn bị bỏ lỡ, bởi
vì thiếu những chính sách cải cách cần thiết vượt qua ý thức hệ XHCN
giáo điều.
Bối cảnh thay đổi
Đặc
điểm bao trùm xu hướng phát triển thế giới từ đầu thế kỷ 20 đến nay là
sự đối đầu liên tục giữa hai ý thức hệ: chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa
cộng sản. Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng 10 Nga năm 1917 là ‘biến cố’
đã sản sinh ra nhà nước xã hội chủ nghĩa, mô hình Xô – Viết, mở đầu xu
hướng này. Chiến tranh thế giới II (1939 -1945) đã kết thúc sự tồn vong
của chủ nghĩa phát xít, nhưng cũng là lúc khởi đầu cuộc chiến tranh lạnh
kéo dài gần 50 năm giữa hai hệ thống đối nghịch về hệ tư tưởng.
Sau
khi mô hình Xô-Viết sụp đổ ở Đông Âu năm 1991, mặc dù còn có những biến
thể kiểu như mô hình Trung Quốc, nhưng thế giới đã chứng kiến giai đoạn
toàn cầu hoá mạnh mẽ, tưởng như, làm mờ dần và có thể xoá đi sự khác
biệt ý thức hệ để cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra xu
hướng này vẫn tiếp diễn. Sự khác biệt chế độ chính trị không những không
mất đi mà âm ỉ, và dần bùng lên thành đám cháy ngày càng dữ dội.
Điều
kỳ diệu tăng trưởng nhanh của mô hình Trung Quốc dần tan biến. Chính
quyền Bắc Kinh bị cáo buộc cạnh tranh kinh tế không công bằng, Tổng
thống Mỹ Donald Trump đã phát động cuộc thương chiến từ năm 2018, và
nhanh chóng leo thang sang các lĩnh vực khác, từ sở hữu trí tuệ, công
nghệ cao đến các vấn đề nhân quyền, tôn giáo và tham vọng địa chính trị…
Sự đối đầu ý thức hệ dường như trong mọi vấn đề quan hệ song phương Mỹ -
Trung.
Đại
dịch COVID-19 bộc lộ bản chất chuyên quyền chế độ toàn trị ở Trung
Quốc, như ‘giọt nước tràn ly, làm căng thẳng mâu thuẫn giữa hai cường
quốc kinh tế, làm thay đổi bối cảnh phát triển cho các quốc gia trên thế
giới.
Quá
trình phát triển của Việt Nam, quốc gia có chế độ với ý thức hệ tương
đồng với Trung Quốc, bị chi phối mạnh mẽ trong bối cảnh nêu trên, trong
đó đã từng có các cơ hội bị bỏ lỡ.
Hai cơ hội bỏ lỡ
Hai
cơ hội quan trọng mà Việt Nam đã bỏ lỡ được các nhà nghiên cứu chỉ ra
là thời cơ sau năm 1975 ngay sau khi đất nước không còn chia cắt về mặt
địa lý và sau chính sách ‘đổi mới’ đất nước, lấy mốc từ Đại hội Đảng
Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 năm 1986.
Trước
hết, sau năm 1975 đất nước không còn chia cắt về mặt địa lý và hoà bình
là cơ hội to lớn để phát triển. Dân tộc Việt Nam có một khát vọng mạnh
mẽ hướng tới tương lai thịnh vượng. Mặc dù, sau chiến tranh đất nước còn
nghèo và lạc hậu, nhưng có niềm tin lớn về tiềm năng con người, ý chí
vượt khó của người dân, năng lực lãnh đạo của những người cầm quyền,
được thử thách trong chiến tranh …
Tuy
nhiên, như hệ quả của xu hướng phát triển chung, ‘Bên thắng cuộc’ đã áp
đặt luật chơi. Đồng thời với việc khắc phục hậu quả của chiến tranh,
‘thể chế XHCN’ đã thiết lập trên cả nước, từ hành chính đến nền kinh tế
kế hoạch hoá tập trung. Đối với miền Nam các chính sách đổi tiền, cải
tạo công thương, quốc hữu hoá ruộng đất… đã xoá đi các nền tảng và các
quan hệ thị trường, tuy giới hạn trong điều kiện thời chiến, nhưng đã
kết nối rộng rãi với các nước tư bản tiên tiến. Hậu quả nặng nề để lại
là tình trạng kiệt quệ về kinh tế trong suốt hơn hơn một thập kỷ sau.
Cơ
hội quan trọng thứ hai xuất hiện vào thập niên 1990 trong bối cảnh hệ
thống XHCN ở Đông Âu sụp đổ hoàn toàn và quá trình toàn cầu hoá. Các
nước tiên tiến và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) nối
lại viện trợ, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập Hiệp hội các quốc
gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… Nhiều yếu
tố hội tụ tạo cơ hội cho Việt Nam hội nhập với kinh tế thị trường khu
vực và thế giới.
Đây
là ‘cơ hội thị trường’. Nó được khởi đầu bằng việc xoá bỏ cơ chế bao
cấp, nới rộng quyền tự do kinh tế cho người dân và doanh nghiệp. Cơ hội
này đã giúp Việt Nam đạt tốc độ tăng GDP cao trên 7% trong khoảng một
thập kỷ, tạo nên hình ảnh ‘con hổ mới’ ở Đông Nam Á.
Tuy
nhiên, ‘sự bứt phá’ bị cản lại bởi chính sách sai lầm, duy ý chí. Với
mục tiêu tăng trưởng nhanh các nguồn lực đã tập trung cho các tập đoàn,
tổng công ty nhà nước, coi đó là trụ cột của nền kinh tế, kiểu cheabol
của Hàn Quốc. Sự khác biệt về tính chất sở hữu, tư nhân và nhà nước,
cộng với quản lý yếu kém khiến mô hình này sụp đổ.
Việc
vận dụng giáo điều ý thức hệ XHCN trong chính sách kinh tế hướng thị
trường là căn nguyên sai lầm. Hậu quả là tốc độ tăng trưởng giảm sút và
bất ổn thể chế, khoảng cách tụt hậu kinh tế đã nới rộng so với các nước
trong khu vực.
Cơ hội thay đổi
Cơ
hội phát triển và cơ hội thay đổi trong bối cảnh COVID-19 là chủ đề
nóng hiện nay. Do tính chất đối đầu ý thức hệ có thể gọi đây là ‘cơ hội
thoát Trung’ đối với nhiều nước trên thế giới và Việt Nam.
Đại
dịch này chính là lúc Việt Nam cần đánh giá lại việc áp dụng mô hình
Trung Quốc trong thời gian qua. Trước hết, cần làm rõ sự phụ thuộc vào
kinh tế Trung Quốc, tình trạng thâm hụt thương mại nghiệm trọng và kéo
dài, các dự án đầu tư kém chất lượng, nhất là trong các lĩnh vực trọng
yếu như năng lượng và giao thông… Truyền thông nhà nước dường như công
khai hơn với loại tin tức này, thậm chí đưa tin trong kỳ họp đang diễn
ra của Quốc Hội khoá XIV về việc doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng dưới
nhiều hình thức để kiểm soát các dự án bất động sản có vị trí ‘nhạy cảm’
đối với an ninh quốc gia…
Việc
đánh giá toàn diện hiệu quả và tác động của các chính sách cũng trở nên
cần thiết. Chính sách với ‘sáng kiến’ Chính phủ kiến tạo, liệu có khác
biệt với chính sách thực dụng do Đặng Tiểu Bình khởi xướng từ đầu những
năm 1990. Nó đang thúc đẩy tăng trưởng, nhưng liệu đích đến có thể là
chủ nghĩa tư bản thân hữu, như thực tế hiện nay ở Trung Quốc. Dự luật
‘Đặc khu hành chính – kinh tế’ như biện pháp đột phá, đã không được Quốc
hội thông qua trước sự phản đối của dân chúng… Dư luận đang cho rằng,
việc thành lập Khu kinh tế Vân Đồn, biến tướng của đặc khu, là lách
luật...
Cơ
hội thay đổi này đặt cơ sở cho một chính sách thu hút đầu tư nước ngoài
từ sự di chuyển của chuỗi cung từ Trung Quốc. GS Trần Văn Thọ, thành
viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã đề xuất một
‘Chiến lược phát triển Việt Nam sau đại dịch’, khái quát về tái cấu trúc
nền kinh tế và chuẩn bị các điều kiện cơ sở hạ tầng, cải cách hành
chính…
Cuối
cùng, làn sóng thoát Trung hiện nay của các quốc gia khiến Việt Nam cân
nhắc những đề xuất nâng cấp quan hệ với Mỹ trong chính sách đảm bảo tự
do hàng hải ở Biển Đông và tham gia ‘Tứ giác kim cương mở rộng’ bao gồm
bốn nước Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ với Hàn Quốc, New Zeland và Việt Nam. Nên
coi đây cơ hội để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trước sự
đe doạ của chính quyền Bắc Kinh.
Thách thức chủ yếu
Cải
cách thể chế chính trị trên nền tảng ý thức hệ lạc hậu là thách thức
chủ yếu đối với cơ hội phát triển. Liệu một lần nữa Việt Nam sẽ lại bỏ
lỡ cơ hội thay đổi để phát triển?
Những
kết quả ‘về cơ bản khống chế’ COVID-19 được nhấn mạnh là nhờ ưu thế của
chế độ, vốn được thể hiện trong trạng thái ‘thời chiến’, nhưng đó cũng
chính là lực cản phát triển cho kinh tế thị trường trong điều kiện bình
thường.
Chế
độ đảng cộng sản toàn trị luôn đặt sự tồn vong là ưu tiên trong mọi
tình huống. Từ bản chất của nó phương châm cải cách ‘tiệm tiến’ được xác
định như sự đề phòng rủi ro. Thực tế cho thấy những chính sách đột phá
thường chỉ xảy ra khi chế độ ‘bị dồn vào chân tường’, và hy vọng ‘mong
manh’ đặt ở những ‘vị vua anh minh’. Liệu Đại hội 13 có lựa chọn được
những lãnh đạo đủ tầm để nắm bắt cơ hội thay đổi để phát triển?
TS. Phạm Quý Thọ
(RFA)
Không có nhận xét nào