Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc-Đài Loan: Biết đánh không thắng, Bắc Kinh dùng chiến thuật vây thành

    Thứ Ba 20/05/2020, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Chính sách bàn thay thép của Bắc Kinh tại Hồng Kông làm dân Đài Loan khiếp đảm. Tháng Giêng năm nay, 57% cử tri hải đảo dồn phiếu cho nhà lãnh đạo bất khuất, một gáo nước lạnh cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

    Quân đội Đài Loan chờ đón tổng thống Thái Anh Văn tại căn cứ Tainan, miền nam Đài Loan ngày 09/04/2020.
    Song song với đòn ngầm trả thù qua Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Bắc Kinh lại dọa dùng vũ lực đánh Đài Loan. Theo giới phân tích, Trung Quốc chưa thể ra tay.

    Tuyên thệ và các hải vụ bình thường trong eo biển Đài Loan

    Một tuần trước khi tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai, và trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, hải quân Mỹ cho khu trục hạm USS McCampell đi ngang eo biển Đài Loan, bất chấp thái độ giận dữ của Bắc Kinh. Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ sáu khu trục hạm Mỹ vào vùng và đối với USS McCampell thì đây là hải vụ thứ hai, mỗi khi chiến đấu cơ Hoa lục hù dọa hải đảo đồng minh.

    Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, hải vụ "bình thường" này nhằm biểu dương quyết tâm của Hoa Kỳ luôn luôn ủng hộ nền dân chủ non trẻ trong giai đoạn nhạy cảm chính trị và quân sự. Trước đó hai hôm, Trung Quốc đưa máy bay trinh sát Y8 xâm nhập vùng nhân diện phòng không của Đài Loan.

    Chiến thắng của bà Thái Anh Văn, đánh bại đối thủ Quốc Dân đảng, tái đắc cử vẻ vang, là một thất bại chính trị nặng nề của lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Chính sách bàn tay thép của Bắc Kinh tại Hồng Kông đã làm cho cử tri Đài Loan kinh hoàng. Tưởng tượng phải sống trong vòng tay kềm kẹp của chế độ Hoa lục theo tuyên truyền "vận mệnh tương quan", 57% cử tri đã chọn Thái Anh Văn và lý tưởng tự do dân chủ.

    Hai thử thách, hai chiến thắng

    Đại dịch siêu vi corona xảy đến, lúc đầu cũng làm Đài Loan khiếp vía. Nhưng chính quyền Thái Anh Văn trong hoàn cảnh đơn độc, đã nhanh chóng chận đứng vận tốc siêu vi, không cần phong tỏa hàng chục triệu dân như Trung Quốc.

    Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc không ngừng cô lập Đài Loan và gây áp lực không cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới làm bổn phận của cơ quan Liên Hiệp Quốc khi thế giới bị đại dịch. Vì sao lời báo động của Đài Loan phát hiện ca "siêu vi truyền từ người sang người" gửi Tổ Chức Y Tế Thế Giới ngày 31/12/2019 không được trả lời ? Một tuần sau, Tổ Chức Y Tế Thế Giới, vẫn theo luận điểm trấn an củaTrung Quốc, khẳng định "rủi ro rất nhỏ".

    Chuyên gia Pháp Mathieu Duchâtel, viện nghiên cứu chiến lược Montaigne, nhận định : Qua đại dịch Covid-19, Đài Loan trở thành "bài toán nát óc" của Trung Quốc, "quy chế" từ trước đến nay của Hồng Kông.

    Tổng thống Thái Anh Văn không bỏ lở cơ hội để tuyên cáo với thiên hạ : Đài Loan một mình "chiến thắng đại dịch đến từ Vũ Hán". Theo chương trình nghi lễ nhậm chức, bà Thái Anh Văn đọc diễn văn từ Dinh Tổng Thống, chỉ cách một địa điểm biểu tượng khác có 200 mét, đó là đài tưởng niệm thống chế Tưởng Giới Thạch. Năm 1949, trước đoàn quân chiến thắng của Mao, họ Tưởng và Quốc Dân đảng bỏ đại lục, rút ra hải đảo Đài Loan.

    Bầu cử rồi đại dịch, chính trị rồi đến y tế, đó là hai thử thách chiến lược của bà Thái Anh Văn. Tổng thống Đài Loan chiến thắng cả hai mặt trận này. Trong khi đó, Quốc Dân đảng, trớ trêu thay, với lập trường thân đảng Cộng sản Trung Quốc, bị thua đậm phải giữ thái độ khiêm tốn. Thấy rõ dã tâm của Bắc Kinh, lãnh tụ Quốc Dân đảng ủng hộ chính phủ Thái Anh Văn, kêu gọi Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho Đài Loan tái hội nhập, ít nhất là trong quy chế quan sát viên.

    Nhưng theo giới phân tích, không nên hy vọng Trung Quốc sẽ hòa hoãn. Trái lại, Bắc Kinh sẽ chọn thái độ cứng rắn hơn. Vì sao ?

    Theo nhận định của chuyên gia Kesley Broderick, của Eurasia Group, do "Quốc Dân đảng bị mất ảnh hưởng ở Đài Loan, chế độ Bắc Kinh sẽ thay đổi chính sách, sẽ cứng rắn hơn, cách tiếp cận sẽ thô bạo hơn".

    Đại dịch viruscorona còn làm cho quan hệ địa chính trị căng thẳng thêm bởi vì Trung Quốc bị chạm tự ái. Vào lúc Bắc Kinh lên gân, phô diễn cơ bắp của một đại quốc hồi sinh, thì bị các nước Tây phương, từ Mỹ cho đến cường quốc bậc trung như nước Úc, lên án che giấu sự thật để cho đại dịch lây nhiễm toàn cầu.

    Cảm thấy tự hào dân tộc bị tổn thương, trong những tuần qua, trên các mạng xã hội ở Hoa lục, xuất hiện nhiều lời kêu gọi "Giải Phóng Quân", nhân cơ hội hai hàng không mẫu hạm Mỹ ở Thái Bình Dương bị tê liệt vì siêu vi, tấn công Đài Loan.

    Không phải chỉ có "dư luận viên năm xu", mà nhiều nhân vật có chức vụ lớn bé cũng tham gia. Mã Hiểu Quang (Ma Xiao Guang), phát ngôn viên Văn Phòng Đài Loan Sự Vụ của Hoa lục đe dọa : Đài Loan đừng xem thường quyết tâm của 1,4 tỷ người Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

    Giáo sư Điền Phi Long (Tian Fei Long), đại học Bắc Kinh, trong một bài viết trên mạng Guancha.com cũng cho là "đã đến lúc dùng vũ lực vì chính sách hòa bình đã thất bại".

    Mặt trận thứ hai và chiến thuật cờ vây của Mãn Thanh

    Hốt hoảng, tướng không quân Kiều Lương (Qiao Lang), một nhà quân sự có uy tín, đang nghỉ hưu, phải vội lên tiếng cảnh tỉnh những con diều hâu Trung Quốc : Không nên đánh vì đánh sẽ không thắng.

    Tiếp theo đó, sử gia Đặng Đào (Deng Tao), tìm cách hạ nhiệt với đề xuất dùng thế cờ vây (cờ gô), chiến thuật mà triều đình Mãn Thanh thi hành trong suốt 20 năm, để chinh phục hải đảo.

    Theo mưu kế này, để đánh chiếm mục tiêu có địa thế hiểm trở và được phòng thủ vững chắc, Trung Quốc cần chuẩn bị lực lượng để mở mặt trận thứ hai theo thế lưỡng diện giáp công. Lực lượng này gồm nhảy dù và hàng không mẫu hạm Sơn Đông, bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2019.

    Trước khi kế hoạch tấn công hoàn tất, dự kiến vào năm 2025, Trung Quốc sẽ bao vây hải đảo và cố tránh những thái độ khinh xuất gây xung đột vũ trang.

    Năm năm cũng là thời gian tương đối không dài để chủ tịch Tập Cận Bình có thể ước mơ làm hoàng đế mãn đời và cấm ngọn cờ đỏ 5 sao vàng lên hải đảo bất trị.

    Tuy nhiên, theo dự báo của giới chuyên gia tây phương, như Kerry Brown, đại học King's College, Luân Đôn, với làn sóng dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc, căng thẳng hai bờ eo biển sẽ leo thang.

    Một tính toán sai lầm có thể đưa đến xung đột vũ trang là nguy cơ có thật, chuyên gia Pháp Mathieu Duchâtel, trích dẫn bên trên, cảnh báo.

    Phía Trung Quốc, Bắc Kinh lo ngại không khí chiến tranh lạnh mới với Mỹ sẽ tạo cơ hội cho Đài Loan chọn giải pháp tự vệ của kẻ yếu: tuyên bố độc lập, đặt Trung Quốc trước chuyện đã rồi. Về phần Đài Bắc, cho đến nay bà Thái Anh Văn từ chối vượt qua làn ranh đỏ. Nhưng giải pháp "độc lập" ngày càng được giới trẻ yêu thích vì bảo đảm đời sống tự do và dân chủ.

    Trong cuộc đọ sức này, ba yếu tố thuận lợi cho thành công - thiên thời, địa lợi, nhân hòa - ở trong tay phe nào ?

    (Nguồn : Le Figaro, Reuters)

    (RFI)

    Không có nhận xét nào