Mùa Phật Đản lần thứ 2564 năm
nay (2020) đến với nhân loại toàn cầu khi biển lửa của cơn Đại dịch Covid-19 vẫn
đang còn hoành hành khốc liệt. Xin cầu nguyện Hồng ân Tam Bảo tiếp hiện năng lượng
lành cứu độ quần sanh sớm thoát cơn dịch bệnh.
Đạo Phật Việt Nam (ĐPVN) cũng
đang đối diện với một tình thế mới: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(GHPGVNTN) đón nhận tin vui: Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ được tôn cử thay thế Hòa
thượng Thích Quảng Độ vừa mới viên tịch, vào vị thế lãnh đạo tối cao GHPGVNTN
(Đệ Lục Tăng thống GHPGVNTN).
Đối với Phật tử thế hệ Chiến
tranh Việt Nam – một thế hệ đang lão hóa, tính từ niên kỷ 60 trở lên – thì khái
niệm Tăng Thống và Giáo Hội là biểu tượng của giáo quyền và giáo phẩm; đặc biệt
là trong bối cảnh tôn giáo, chính trị và xã hội đầy tương tranh và phân hóa diễn
tiến trong khung cảnh đất nước, chế độ thay chủ đổi ngôi với trùng trùng tác động
phát khởi bên trong và ý đồ xâm lấn, can thiệp từ bên ngoài.
GHPGVNTN chính thức ra đời từ
năm 1964 đến nay đã 56 năm với 10 năm sóng gió và chao đảo trong khung cảnh miền
Nam chiến tranh và 45 năm thăng trầm do tình hình đất nước đổi thay; hàng ngũ
tu sĩ, cư sĩ, Phật tử và thiện hữu chia rẽ trầm trọng dưới cán dù thống nhất.
Sau năm 1975, GHPGVNTN trong nước
đã phải gian truân tự cứu mình tồn tại trong một chế độ chính trị chủ trương
không tôn giáo hay bất đắc dĩ phải phương tiện hóa tôn giáo như một đoàn thể quần
chúng hỗ trợ chính quyền trong một hệ thống quản lý các đoàn thể quần chúng do
Đảng CSVN lãnh đạo gọi là Mặt trận Tổ quốc.
Trong khi đó, GHPGVNTN ngoài nước
cũng phải tự chuyển mình cho phù hợp với các khuynh hướng văn hóa, xã hội và
tâm lý đa nguyên, đa diện tùy theo nơi mình cư trú. Và sau 45 năm chuyển mình
theo thực tế đề đáp ứng nhu cầu của hoàn cảnh mới và giữ mình còn tồn tại, ĐPVN
cũng như mọi tổ chức, đoàn thể khác phải đương đầu và đối diện với thực tế yêu
cầu của Thời Đại Mới: Tiến trình đổi mới, chấn chỉnh hay chấn hưng để điều chỉnh
cho phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh không nhân nhượng của Thời Đại Mới không
còn là một sự lựa chọn “tùy nghi” mà là một sự xác quyết phải dấn thân cho phù
hợp với định luật tiến hóa khách quan và tự nhiên. Tinh thần nệ cổ, bảo thủ, cố
chấp đồng nghĩa với trốn chạy thực tế và vô hiệu hóa chính mình. Ngược lại,
khuynh hướng cấp tiến vội vàng, bất chấp, đổi mới không có sự kế thừa truyền thống
cũng sẽ là một sự cực đoan nghịch chiều vọng động đưa đến tác dụng phá hủy hơn
là xây dựng.
Theo sát từng bước đi thăng trầm
– có lúc bừng lên như tiếng gầm sư tử hống; có lúc im lặng sấm sét như lắng xuống
lòng đại dương – của ĐPVN, người Phật tử có tín tâm không thối chuyển có thể khẳng
định rằng: GHPGVNTN đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình với Dân tộc và Đạo
pháp. Vai trò của một Giáo hội trong lòng một tôn giáo lớn như ĐPVN mang sứ mệnh
hộ pháp, hoằng pháp và góp phần xây dựng đất nước, phát huy văn hóa, giáo dục
đáng tôn quý trong một khung cảnh không gian và thời gian giới hạn nào đó. Một
khi sứ mệnh đã hoàn thành hay không còn tác dụng tích cực khả thi nữa thì phải
khép lại hay chuyển hóa theo chiều hướng thuận hợp với hoàn cảnh, không còn lý
do kéo dài và tồn tại như một quần thể tượng đài trưng bày nơi công cộng. Tự bản
chất, Giáo Hội không phải là một Giáo Phái hay Bộ Phái đặc thù như giáo phái
Nguyên Thủy, giáo phái Phát Triển hoặc như Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ ngày
xưa. Giáo hội là một tổ chức điều hành quản lý nhân sự, đề ra kế sách, ứng dụng
phương tiện và phát huy hoạt động theo yêu cầu của tình thế nên nó chỉ có qiá
trị quy ước theo thời gian và không gian.
Đã có sự suy diễn quá đà và
đánh giá nhầm lẫn giữa ĐPVN và các giáo hội tùy thuộc hay trực thuộc. Xin kính
mời quý độc giả xem lại ý kiến minh họa cho vấn đề nầy qua bài viết “Phật Giáo
Việt Nam Thống Nhất Sẽ Về Đâu…” cùng một người viết:
Gần đến ngày Phật Đản năm nay,
hai tháng sau ngày Hòa thượng Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN Thích Quảng Độ viên tịch,
trên các trang mạng online, nguồn tin Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (từ đây, người viết
xin được dùng tôn xưng bằng danh hiệu ưu ái và trân quý nhất mà đại chúng đã
dành cho Thầy là “Thầy Tuệ Sỹ”) được Hòa thượng Thích Quảng Độ ủy thác thay thế
mình đứng đầu vào vị trí lãnh đạo, điều hành GHPGVNTN đã được thông báo và phát
tán rộng rãi.
Việc kẻ sĩ lên đường hay danh
tăng xuống núi thường vẫn mang vẻ đẹp bi tráng của Kinh Kha sang Tần. Sự dấn
thân, nếu thật sự có được, của Thầy Tuệ Sỹ cho công cuộc xây dựng và chấn hưng
đạo Phật trong lúc nầy quả thật là tôn quý. Nhưng dấn thân đề vào nơi “gió cát”
Trường Sơn trong hiện trạng GHPGVNTN đang “mắc cạn” chưa tìm ra lối thoát
Nếu cần phải nói đến một vị
danh tăng Phật giáo Việt Nam còn đang tại thế được trân trọng và yêu quý, nếu
không muốn nói là được kính ngưỡng nhất giữa thời hiện đại, thì có lẽ khó có một
nhân vật nào ngang tầm với Thầy Tuệ Sỹ về các mặt tài hoa thi ca, quảng bác triết
lý và uyên thâm kinh điển Phật học. Bên cạnh đó, công hạnh tu trì từ thuở ấu
thơ và nội lực phản kháng cường quyền, không khoan nhượng bất công của Thầy đã
tạo tác một nhà tu như một nhân vật huyền thoại với Giấc Mơ Trường Sơn đầy lãng
mạn tri thức nhưng cũng không kém phần uy dũng của một “chí lớn chưa thành”!
Dân tộc – Đạo pháp – Chủ nghĩa
Xã hội
Tháng 11 năm 1963, sau cuộc Đấu
Tranh Phật Giáo đòi quyền bình đẳng tôn giáo góp phần đưa tới sự sụp đổ của triều
đại Ngô Đình, vô hình chung, ĐPVN sau bao nhiên gian nan khổ ải và hy sinh, bước
đầu tạm được coi như an định về quyền bình đẳng tôn giáo trong một xã hội nhân
văn có kỷ cương và Hiến pháp VNCH. Quá trình đấu tranh của ĐPVN là một sự kết hợp
chung sức, chung lòng của hơn 10 giáo phái, giáo hội, bộ phái… Phật giáo. Bởi vậy,
một cơ chế thống nhất ĐPVN là khát vọng và nhu cầu tiên khởi cho tiến trình xây
dựng đạo Phật và sự thành hình GHPGVNTN là một “đáp án” tuyệt vời cho khát vọng
chân chính đã có từ lâu đời. Nhưng thực tế thường ít khi thuận dòng như mộng ước
bởi ước mơ quá cao xa sẽ dễ lung lay và trở thành hoang tưởng như Giấc Mơ Trường
Sơn mà thiếu diệu dụng sẽ biến thành Giấc Mộng Đêm Hè!
Có chăng thực và mơ bất toại
nguyện, nên chỉ nửa năm sau ngày thành lập, cơ chế GHPGVNTN đã bắt đầu có dấu
hiệu phân hóa do tác động từ nhiều phía, nhiều mặt vừa khách quan, vừa chủ
quan.
Sau 12 năm (1963 – 1975),
GHPGVNTN gần như được đồng hóa với ĐPVN. Ngay sau ngày 30-4-1975, khi cơ chế
chính trị và chính quyền Việt Nam đổi thay, chính quyền CSVN và GHPGVNTN đã tức
khắc bị đặt vào thế tương khắc: Một thế lực tôn giáo đã từng làm lung lay chế độ
chính trị miền Nam và sự sụp đổ của Ngô triều phải đối mặt với một chế độ chính
trị đạt trên nền tảng Duy vật Biện chứng chủ trương bài trừ tôn giáo. Nhiếu Tu
sĩ và Phật tử đã bày tỏ thái độ bất phục tùng, phản kháng tân chế độ và kết quả
bị đàn áp, tù đày, kết án tử hình… đã thấy rõ.
Nhưng sau 1975, tôn giáo nói
chung và ĐPVN nói riêng, mặc dầu bị xem “là tiếng thở dài của chúng sanh bị áp
bức, là thuốc phiện của nhân dân” theo tinh thần Karl Marx; nhưng lại bị buộc
vào thế “sứ giả vận động quần chúng có lợi thế nhất” theo sách lược chính trị của
Lenin. Cho nên biến ĐPVN thành một đoàn thể tôn giáo trong “vòng tay” của Mặt
Trận Tổ Quốc dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của đảng CSVN, biến tôn
giáo thành công cụ của Nhà Nước là con đường mòn của tất cả các thể chế Cộng Sản,
không có ngoại lệ. Từ 1917 tại Nga, 1948 tại Trung Cộng và tại Việt Nam từ
1975… thì tôn giáo là một dcông cụ “mềm” của chính trị và quân sự. Phật giáo Việt
Nam sau 5 năm đầy đe dọa, áp lực, thuyết phục, vận động từ phía Chính quyền, Mặt
trận TQ, ban Tôn giáo và các nhân vật thời danh cũng như ẩn danh của phía chính
quyền CSVN đối mặt với hàng chư tăng ni, giáo phẩm, cư sĩ Phật tử GHPGVNTN đầy
trăn trở, né tránh, kiên trì, minh giải, chối từ của hàng giáo phẩm, cư sĩ và
Phật tử thì cuối cùng cũng phải chấm dứt đường tu tự quản. Buông tay hay bị loại
trừ là con đường một chiều không có sự chọn lựa.
Không một người Phật tử thuần
thành nào lại vô tình, ngây thơ, nông nỗi đến độ tự nguyện cúi đầu, khom lưng,
nghiêng cánh chui vào cái lồng đã lỗi thời gọi là “Mặt trận Tổ quốc” để đặt tôn
giáo thiêng liêng và cao cả hơn hai nghìn năm của mình ngang tầm với các đoàn
thể thiếu nhi, bô lão, phụ nữ, thanh niên… cả!
Nhưng trước cận cảnh phải “sống
còn” – muốn tu thì cũng cần phải có cái thân mạng giả tướng nầy hiện hữu trước
đã – buộc phải ứng xử theo cách Hàn Tín… ngày xưa, hay “giả dại qua ải” ngày
nay để khỏi bị tiêu diệt nên một số chư tăng ni phải “cũng đành” hy sinh phương
danh công hạnh, ra hợp tác với nhà cầm quyền thành lập ra Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam (GHPGVN) vào ngày 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. GHPGVN đứng đầu là một
vị “Pháp chủ” với một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ hàng địa phương đến trung
ương theo mô thức hành chánh hàng dọc Trung ương Tập quyền của xã hội đời thường.
Từ khởi đầu của GHPGVN, đại
chúng Phật tử cũng như quần chúng, nhất là chư Tăng, Cư sĩ và đại chúng Phật tử
thầm lặng đều im lặng lắng nghe và quan sát. Hầu hết đều bị cú sốc tâm lý khi
thấy cái giáo hội mới lập ra đã tự “quốc doanh hóa” chính mình một cách lộ liễu,
bất chấp thể hiện cụ thể qua lối hành xử, ứng dụng tôn giáo thiếu vắng những
giá trị tâm linh, tư tưởng thâm sâu.
Thật khó mà chia sẻ và ủng hộ
cung cách tiếp cận với tư tưởng Phật giáo bằng đường lối hô khẩu hiệu đại ngôn
và áp đặt của phong trào Cải Cách Ruộng Đất thời 1950. Sự thể hiện cách nghĩ
thô thiển và cách nói kiêu mạn của thế lực đương quyền trước tiên là khẩu hiệu
tiêu đề gọi là “phương châm” của GHPGVN, rằng: Dân tộc – Đạo pháp – Chủ nghĩa
Xã hội (!) Đưa một chủ nghĩa chính trị nhất thời vào làm tiêu đề cho một tôn
giáo có truyền thống mấy nghìn năm như thế là một sự biểu hiện quá vụng về và
thô thiển văn hóa ứng xử trong quá trình vận động tôn giáo của các quan chức
Nhà Nước chuyên trách về lĩnh vực tôn giáo.
Hàng vạn Tăng Ni không còn sự
chọn lựa nào để có thể tiếp tục con đường tu hành là “muốn qua sông phải cậy
trông lái đò”! Sự im lặng ẩn nhẫn để giữ gìn cho thân tâm được tồn tại nơi chốn
cửa Thiền của hàng vạn Tăng Ni trong nước trong suốt 40 năm qua và hiện nay
không phải là một sự chọn lựa (bởi không có quyền chọn lựa) mà là một thái độ sống,
một lối ứng xử gần với bản năng sinh tồn và bản nguyện hóa giải của người con
Phật.
Theo số liệu công bố, “sau 38
năm hoạt động với 8 kỳ Đại hội, GHPGVN có 63 Ban Trị sự trên 63 tỉnh thành. Tính
đến tháng 6 năm 2019, cả nước có 55.941 Tăng Ni; 19.166 tự viện với hơn 24 triệu
Phật tử”.
Trên quan điểm Nhất Nguyên luận của đạo Phật thì con số chỉ là phương tiện hình tướng; tự nó không nói lên được sự thịnh suy của tinh thần giải thoát. Thời A Dục Vương ở Ấn Độ (268-232 trước Tây lịch), Phật giáo được suy tôn thành quốc giáo, hàng vạn tăng chúng và chùa viện được nhà vua cúng dường, dựng lên rầm rộ khắp nước. Thời Lương Vũ Đế Trung Quốc (464-549) đã có hàng vạn tăng chúng và chùa chiền được vua quan cả nước hộ trì Tam Bảo. Việt Nam thời Lý (1009-1225) Trần (1225-1400), Phật giáo là đời sống tinh thần của vua quan và dân chúng. Nhưng Quốc sư Vạn Hạnh đã nói về sự thịnh suy của đạo Phật và con người trước khi thị tịch, rằng: “Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” (Thịnh suy như váng sương mong manh hiện trên đầu cỏ).
Trên quan điểm Nhất Nguyên luận của đạo Phật thì con số chỉ là phương tiện hình tướng; tự nó không nói lên được sự thịnh suy của tinh thần giải thoát. Thời A Dục Vương ở Ấn Độ (268-232 trước Tây lịch), Phật giáo được suy tôn thành quốc giáo, hàng vạn tăng chúng và chùa viện được nhà vua cúng dường, dựng lên rầm rộ khắp nước. Thời Lương Vũ Đế Trung Quốc (464-549) đã có hàng vạn tăng chúng và chùa chiền được vua quan cả nước hộ trì Tam Bảo. Việt Nam thời Lý (1009-1225) Trần (1225-1400), Phật giáo là đời sống tinh thần của vua quan và dân chúng. Nhưng Quốc sư Vạn Hạnh đã nói về sự thịnh suy của đạo Phật và con người trước khi thị tịch, rằng: “Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” (Thịnh suy như váng sương mong manh hiện trên đầu cỏ).
Phật giáo Ấn Độ điêu tàn cuối
triều đại A Dục Vương vì giới tu hành dựa dẫm và hưởng thụ trên uy quyền thế tục.
Phật giáo Trung Quốc suy đồi cuối triều đại Lương Vũ Đế vì hàng tu sĩ xuống cấp
do sống xa hoa, đoạ lạc trên quyền hành và vật chất. Phật giáo Việt Nam thoái
trào sau thời kỳ cực thịnh ở triều đại Lý Trần. Nguyên nhân Phật giáo điêu linh
cũng là do tăng chúng thời đại nầy “Kinh doanh hóa” vào đời sống quý tộc để
xưng danh, báo hiệu, dính mắc vào đường thế tục, ham chùa to tượng lớn mà xao
lãng chuyện tu hành…
Trở lại với thực trạng cận đại
Việt nam, từ năm 1981 trở về sau, GHPGVNTN mặc nhiên hay minh nhiên bị áp lực
chính quyền đưa ra khỏi vòng pháp luật. Trong một hoàn cảnh mới, không một tôn
giáo nào đủ sức tồn tại ở thế đối kháng với nhà cầm quyền trong nước là điều
quá hiển nhiên. Vô hình chung, GHPGVNTN trở thành một “hội kín” sinh hoạt trong
nước. Đồng thời, Nhà Nước Việt Nam không để lỡ cơ hội sử dụng GHPGVNTN như một
phương tiện đắc dụng trong sách lược “chia để trị” và quảng cáo tinh thần “tự
do tôn giáo” trong suốt gần 40 năm qua.
Tình trạng sinh hoạt thuận thời
mà nghịch lý của GHPGVNTN trong nước là đóng vai trò “lưu vong tại chỗ” (Văn
phòng Trung ương Viện Hóa Đạo) để lãnh đạo cho khối quần chúng Phật tử ngoài nước.
Mọi sinh hoạt Phật giáo công nhiên và cụ thể đều thật sự đang ở ngoài nước (Văn
phòng 2 Viện Hóa Đạo). Và trong khoảng thời gian gần 40 năm ấy, không thiếu những
nhóm “BUÔN VUA” đã đem xảo thuật lợi dụng danh nghĩa của Tăng Thống và Văn
Phòng Trung Ương (nhất cử, nhất động đều nằm trong tầm soi kính hiển vi và khả
năng ứng xử tức thời của hệ thống quyền lực Nhà Nước) để làm trung gian. Cảnh
suy đồi kiểu “vua Lê, chúa Trịnh” đã gây phân hóa, chia rẽ ngày một nghiêm trọng
trong hàng giáo phẩm và các tổ chức, bộ phái Phật giáo tại Hải Ngoại. Có thể sẽ
không có cảnh bạo loạn hành chánh nào ly kỳ hơn hàng Cư Sỹ ở nước ngoài làm “cố
vấn tối cao” cho hàng giáo phẩm GHPGVNTN trong nước để tạo ra những “Giáo Chỉ”,
“Pháp lệnh”… để suy cử, cách chức, chỉ định nhân sự… trái với lý thường và lẽ đạo,
gây hoang mang và chia rẽ ngày càng nghiêm trọng cho ĐPVN trên toàn thế giới.
Các giáo hội, Tăng Đoàn, Nhóm
Phái Phật giáo đã tăng số lượng một cách bất thường trong thời gian qua cũng vì
những “đơn vị tự quản” – mỗi đơn vị chùa viện hành xử như một giáo hội độc lập
– dưới danh nghĩa GHPGVNTN trong khi thực chất là một đơn vị tách rời, độc lập,
tự quản lý địa bàn, quần chúng, tiền bạc, cơ sở vật chất và luôn cả nghi thức
kinh tụng tùy tiện. Có một sự phỏng theo mô thức các Hội Thánh Tin Lành như tại
Hoa Kỳ hoàn toàn không ứng dụng được với ĐPVN.
Trong khoảng vài thập niên trở
lại và cho đến bây giờ, có thể nói là GHPGVNTN đang rơi vào tình trạng khủng hoảng
lãnh đạo nghiêm trọng vì hoàn cảnh đặc biệt, đã đành, nhưng chủ yếu là do sự vắng
bóng của một hình thức tổ chức hợp lý, hợp tình, hợp đạo. Đây là sự khủng hoảng
gốc rể làm nẩy mầm sự phân hóa do khuynh hướng bảo thủ, gắn kết với tinh thần
cá nhân chủ nghĩa thời đại mới ở phương Tây và tâm lý độc tôn (vị ngã, chấp
ngã, trụ trì, thượng thủ, pháp chủ…) của lãnh đạo và quần chúng trực hệ. Đồng
thời, nguyên do trực tiếp ngự trị trên tất cả là thiếu mất một tinh thần quản
lý, sinh hoạt dân chủ đích thực và lành mạnh, rộng khắp để tôn cử hay chọn lựa
ra một cơ chế nhân sự lãnh đạo hợp với yêu cầu thời đại và đáp ứng được nhu cầu
tu học thiết thực.
Giấc Mơ Trường Sơn và Giấc Mộng
Đêm Hè
Như đã trình bày và phân tích ở
trên: Tại hải ngoại hiện đang có đến hơn 25 đơn vị Chùa viện đạo Phật địa
phương gốc Việt sinh hoạt như những giáo hội độc lập dưới thế hiệu “Bàng Danh”
của GHPGVNTN (ví như: GHPGVNTN Trung Mỹ, GHPGVNTN Bắc Phi, GHPGVNTN Nam Âu… chẳng
hạn). Nếu không có một sự chấn chỉnh (chưa dám nói đến đại sự chấn hưng) hợp lý
trong lúc nầy thì ĐPVN dẫu có chờ đến hội Long Hoa Thống Nhất Kỳ 2, thêm 40 năm
nữa cũng chỉ là một “Giấc Mộng Đêm Hè”!
Thầy Tuệ Sỹ là một biểu tượng
quý hiếm của bậc thiền sư tôn túc. Hơn nửa thế kỷ qua, Thầy đã xuất hiện như
bóng phượng hoàng, như Giấc Mơ Trường Sơn kỳ vĩ giữa cung trời thi ca văn nghệ
triết học của ĐPVN và trong tâm thức của người Phật tử nhưng Thầy chưa thể hiện
bản lĩnh lãnh đạo trước thời cuộc đầy rẫy gian ngoan và bạo loạn như thời hiện
đại.
Lịch sử nhân văn đã trưng dẫn
những thiên tài văn học, nghệ thuật minh triết như Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên,
Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát… thường không có chỗ đứng trong môi trường chính trị –
thế giới của những bàn tay bẩn – thì sự xuất hiện của Thầy Tuệ Sỹ trong khung cảnh
suối nguồn cuồng lưu, ảo ảnh như hiện nay sẽ đưa Thầy về đâu giữa muôn trùng “mờ
mờ nhân ảnh như người đi đêm” ?
Hơn năm trăm năm trước, thiên
tài văn học William Shakespeare đã vẽ ra một tình trạng bế tắc của thế giới thực
dụng trong tình người, tình yêu và chỗ dựa tinh thần khi định hướng mơ hồ, xa rời
thực tế trong “Giấc Mộng Đêm Hè” (A Midsummer Night’s Dream). Trong bối cảnh
đó, con người, thần tiên và yêu quái dẫm đạp lên nhau. Kết luận: Tình yêu, giấc
mơ, thực tại và ảo tưởng có những luật lệ riêng của nó mà kẻ đứng ngoài không
hiểu được.
Hôm nay là Ngày Phật Đản 2564
(2020), trong hoàn cảnh phải cách ly tại chỗ để tránh lây nhiễm vì bệnh dịch Cô
Vy đang áp dụng trên toàn thế giới trong các tuần qua, đã có nhiều chùa viện cử
hành lễ Phật Đản qua phương tiện và khung cảnh chưa từng thấy trước đây: Đó là
những lễ hội “online”. Ngồi trước màn hình điện thoại thông minh hay vi tính, cảm
giác mỗi người sẽ ra sao khi có nghe, có thấy, có cảm nhận… nhưng hoàn toàn thiếu
mất một nguồn năng lượng trực cảm và hòa quyện luân lưu của đại chúng. Ngôi
chùa Online không thay thế được ngôi chùa tự tại. Thân kính mời ghé lại Ngôi
Chùa Tự Tại của cùng người viết:
Xin chấp tay nguyện cầu cho Giấc
Mơ Trường Sơn không bị chướng duyên biến thành Giác Mộng Đêm Hè trong tâm thức
của mỗi người, trong dự phóng của mỗi giấc mơ, trong từng niềm tin của mỗi ngày
đang tới và trong thực tại của Đạo Phật Việt Nam.
Sacramento, ngày Phật Đản 2564
(7-5-2020)
Trần Kiêm Đoàn
Nguồn :
https://khoahocnet.com/2020/05/09/
Không có nhận xét nào