Dịch bệnh Covid-19 càng làm cho mối
quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bội phần căng thẳng. Dù có trong tay
nhiều lá chủ bài, nhưng đế chế Trung Hoa này cũng còn nhiều điểm yếu, và
chưa thể sớm « xưng bá, xưng hùng » trong nay mai.
Công an Trung Quốc đeo khẩu trang và kính bảo hộ đi phía bên ngoài Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, ngày 01/05/2020. |
Sau
nhiều năm « ẩn mình chờ thời » như lời khuyên của Đặng Tiểu Bình, Trung
Quốc trong hai thập niên gần đây dần lộ rõ tham vọng bành trướng thế
lực. Tham vọng này của Bắc Kinh được làm sáng tỏ hơn trong bài trả lời
phỏng vấn của tướng Kiều Lương (Qiao Liang) dành cho tạp chí Bauhinia,
tuần san chính thức của Trung Quốc tại Hồng Kông.
Theo
ông Kiều Lương, siêu cường Hoa Kỳ đang hồi thoái trào. Nước Mỹ tuy có «
công nghệ cao, đồng đô la mạnh, nhiều đạo quân » nhưng cả ba yếu tố này
lại thiếu sự hỗ trợ của ngành công nghiệp sản xuất. Dịch Covid-19 là
bằng chứng hiển nhiên cho khiếm khuyết này của nước Mỹ. Là quốc gia có
nhiều bằng sáng chế để chế tạo máy trợ thở, nhưng Hoa Kỳ lại không có
khả năng sản xuất lấy một chiếc máy nào.
Việc
tổng thống Mỹ và một số lãnh đạo phương Tây hô hào tái dịch chuyển sản
xuất công nghiệp về trong nước, với ông Kiều Lương cũng chỉ là một mẹo
lừa. Tái dịch chuyển sản xuất chỉ dẫn đến nguy cơ làm suy yếu hơn nữa
thế độc quyền của đồng đô la Mỹ. Từ những nhận định này, ông Kiều Lương
cho rằng thời kỳ thoái trào của Mỹ và phương Tây đã điểm, Trung Quốc «
hồi sinh » và sẽ vươn lên thành một cường quốc đi đầu trong lĩnh vực
công nghệ tối tân nhất mà vẫn bảo vệ được ngành công nghiệp sản xuất.
Chỉ
có điều như ghi nhận của hai nhà nghiên cứu Laurent Gayard, thuộc CERU
(Trung tâm đào tạo và nghiên cứu các trường đại học) và Waldemar
Brun-Theremin, giám đốc và nhà sáng lập Turgot Asset Management, trên Le
Figaro, sự « hồi sinh » này của Trung Quốc khiến các nước láng giềng lo
sợ. Chính sách bành trướng và các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đẩy các
nước trong khu vực lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, ít nhiều cũng
gây tốn kém cho Trung Quốc.
Dịch
Covid-19 bùng nổ từ Vũ Hán, Trung Quốc làm dấy lên các lời chỉ trích về
cách xử lý dịch bệnh của Trung Quốc gây thiệt hại nhân mạng và kinh tế
cho nhiều nước trên thế giới. Và nhất là chiến dịch « quyền lực mềm y tế
» rầm rộ của Bắc Kinh tạo ra một sự phản cảm ở Hoa Kỳ và nhiều nước
phương Tây.
Ở
trong nước, sản xuất đình trệ, xuất khẩu tụt giảm, khiến tăng trưởng
kinh tế sụt giảm. Để cứu nguy cho nền kinh tế, Bắc Kinh giờ phải tập
trung vào khuyến khích phát triển tiêu thụ nội địa thay vì chỉ ưu tiên
cho các doanh nghiệp lớn để xuất khẩu như trước đây, gây thiệt hại cho
người tiêu dùng trong nước. Hệ quả trong trước mắt là nguồn thu ngoại tệ
có nguy cơ bị giảm và các tham vọng địa chính trị bên ngoài cũng có thể
bị tác động theo, nhất là đối với dự án Con Đường Tơ Lụa Mới.
Cuối
cùng hai chuyên gia này còn nhấn mạnh rằng dịch bệnh Covid-19 thúc đẩy
nhanh hơn nữa một tiến trình đã diễn ra trong cuộc chiến thương mại với
Mỹ. Bất kể các phân tích của tướng Kiều Lương là gì, hiện tượng tái dịch
chuyển cơ cấu sản xuất sang các nước có giá nhân công thấp đang diễn
ra, chí ít là tại châu Á, do chi phí sản xuất tại Trung Quốc bắt đầu
tăng lên.
Điều
này có nghĩa là đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sẽ giảm dần, trong khi
Bắc Kinh rất cần đến các đầu tư nước ngoài và việc mở cửa thị trường
tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài có tính chất quyết định để tài
trợ cho việc phát triển của Trung Quốc và để vượt qua những căng thẳng
xã hội nội bộ ngày càng lớn cũng như phải đối mặt với một môi trường địa
chính trị thù nghịch ngày càng mạnh mẽ.
Hai
chuyên gia kết luận : Trong bối cảnh này, quốc gia « kín đáo » của Đặng
Tiểu Bình sẽ phải còn ẩn mình thêm một thời gian nữa để chờ thời.
(RFI)
Không có nhận xét nào