Một hội nghị quan trọng bậc nhất
trước Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đang được nhóm họp tại Hà
Nội để trình phương hướng công tác nhân sự Trung ương đảng khóa tới,
theo báo chí chính thống nhà nước.
Việc lựa chọn nhân sự tại Đại hội 13 được cho là sẽ không phức tạp như trước Đại hội 12 |
Sáng
11/5/2020, Hội nghị Trung ương 12 (khóa XII) của BCH Trung ương ĐCSVN
(dự kiến nhóm từ ngày 11 đến ngày 14/5) chính thức khai mạc với Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chủ trì, phát biểu khai mạc, và Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc,
báo Nhân dân đưa tin.
“Tại
Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bàn và quyết định các vấn
đề: phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII;
phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân
dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; Tiêu chuẩn, tiêu chí, số lượng và việc
phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.
“Cũng
tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về Báo cáo kiểm
điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; Báo cáo
những công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội
nghị Trung ương 11 (tháng 10-2019) đến nay; Báo cáo công tác kiểm tra,
giám sát và kỷ luật trong Đảng năm 2019; bàn và quyết định một số vấn đề
quan trọng khác,” vẫn theo tờ báo là cơ quan ngôn luận của ĐCSVN.
Cũng
hôm 11/05, Báo điện tử của ĐCSVN trích dẫn phát biểu khai mạc và chỉ
đạo hội nghị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, theo đó
nói:
“Tôi
đề nghị mỗi đồng chí Uỷ viên Trung ương cần nhận thức đầy đủ vị trí, ý
nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích,
làm sâu sắc các nội dung trên. Cần lưu ý, nhấn mạnh thêm vấn đề gì,
những khâu nào? Phải chăng, về tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh
phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp
của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc; có phẩm chất đạo đức và
lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham
vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong
Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm?
“Trong
công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh phải có tinh thần
trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng,
gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của
Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên
hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ
hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", chạy chức, chạy quyền...”
Phương án tứ trụ?
Mô
hình bộ máy quyền lực và các phương án nhân sự lãnh đạo cao cấp ngay
trước và trong dịp Hội nghị Trung ương 12 diễn ra là một chủ đề được
quan tâm trong giới quan sát và phân tích chính trị Việt Nam.
Hôm
08/5, trên trang Nghiên cứu Quốc tế, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên
cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á Iseas Yusof Ishak của Singapore đưa
ra một số nhận định:
“Việc quay lại mô hình 'tứ trụ' cũng có khả năng được Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng nhiệm kỳ mới ủng hộ…
“Số
lượng ủy viên Bộ Chính trị tiếp theo vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên,
con số này nhiều khả năng nằm trong khoảng từ 15 đến 19 như tại các kỳ
đại hội gần đây…
“Nếu
xét việc Đảng nhấn mạnh việc quy hoạch nhân sự cấp chiến lược trong
thời gian gần đây, Đảng có thể sẽ muốn bầu tối đa 19 ủy viên Bộ Chính
trị để có được một lực lượng nhân sự cấp chiến lược lớn hơn, qua đó có
nhiều lựa chọn hơn cho các vị trí lãnh đạo trong tương lai…”
Về các ứng viên cho bốn vị trí lãnh đạo cao cấp nhất của đảng, nhà nước và chính quyền, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nhận định:
“Như
đã nói, theo truyền thống, ứng viên cho vị trí tổng bí thư thường được
chọn trong số bốn chính trị gia hàng đầu của nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên,
Thường trực Ban Bí thư cũng có thể là một ứng viên đủ điều kiện…
“Do
giới hạn nhiệm kỳ cũng như tuổi cao và sức khỏe yếu, ông Nguyễn Phú
Trọng sẽ nghỉ hưu tại đại hội tiếp theo. Do đó, ba ứng viên thay thế cho
ông sẽ là ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Trần Quốc
Vượng. Vì cả ba đã quá 65 tuổi vào tháng 9/2020, người được chọn nắm
ghế tổng bí thư sẽ được miễn giới hạn tuổi tác, còn hai người còn lại sẽ
phải nghỉ hưu…”
Ông Nguyễn Xuân Phúc được cho là ứng cử viên sáng giá nếu vẫn duy trì mô hình Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước. |
Về
các phương án được phân tích, dự đoán như một tham khảo cho các “ghế”
còn lại là thủ tướng chính phủ, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, nhà
nghiên cứu từ Viện Iseas của Singapore nêu tiếp nhận định của mình:
“Trong
số sáu ủy viên Bộ Chính trị còn lại hiện nay, chỉ có ông Vương Đình Huệ
và ông Phạm Bình Minh là phó thủ tướng. Tuy nhiên, do ông Minh chủ yếu
phụ trách các vấn đề đối ngoại, ông Huệ, người giám sát các vấn đề kinh
tế và tài chính và từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ 2011-2016,
trở thành ứng viên mạnh nhất cho vị trí [thủ tướng] này…
“Đối
với vị trí chủ tịch nước, các ứng cử viên chính bao gồm ông Phạm Bình
Minh, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, ông Phạm Bình Minh,
một nhà ngoại giao kỳ cựu có trình độ tiếng Anh tốt, dường như là ứng
viên nổi bật nhất. Vì chủ tịch nước sẽ phải tham gia vào nhiều hoạt động
đối ngoại, bao gồm các chuyến thăm song phương và tham dự các sự kiện
đa phương, ông Minh sẽ có lợi thế đáng kể so với hai ứng cử viên còn
lại…
“Đối
với vị trí chủ tịch quốc hội, ngoại trừ ông Võ Văn Thưởng, người có
tuổi đời còn khá trẻ có thể là một bất lợi đối với ông, các ủy viên Bộ
Chính trị còn lại (Phạm Bình Minh, Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Trương Thị
Mai, Nguyễn Văn Bình) đều có cơ hội khá cân bằng để được xem xét cho vị
trí này.”
Khó khăn, chưa rõ?
Hôm
11/5 từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ nêu bình luận
nhanh với BBC về quan điểm trên của nhà nghiên cứu từ Singapore:
“Quan sát này dựa trên tiêu chuẩn và độ tuổi... với các danh sách dài đưa ra.
“Nhưng theo tôi, vẫn còn một khoảng cách xa với thực tế, Đại hội 13 này khá thực sự khó khăn và khó đoán.”
Từ
Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, thành viên Nghiên cứu của Viện IISS,
think tank về Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và nhà quan sát chính trị
Việt Nam, bình luận với BBC về Hội nghị Trung ương 12 đang nhóm họp:
“Đây
là Hội nghị quan trọng nhất khóa về nhân sự, nó làm cụ thể số lượng Ủy
viên Ban chấp hành Trung ương đảng, số lượng Ủy viên Bộ Chính trị, lên
danh sách cụ thể các bí thư tỉnh ủy, các trưởng ban đảng, quốc hội, nhà
nước, nó cũng làm luôn khung nhân sự cho Quốc hội, cho hội đồng nhân dân
cấp tỉnh và các quy định bầu cử Đại hội 13, bầu cử Quốc hội...
“Ngoài
ra, sẽ không có hội nghị trung ương nào khác cho chủ đề nhân sự nữa,
tất nhiên, nếu lần này chưa xong, sẽ có Hội nghị 12B, tức là để tiếp tục
"làm nhân sự"."
Về
vấn đề nhân sự cho Đại hội đảng tới đây, ông Hà Hoàng Hợp, người cũng
đồng thời làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Iseas, Singapore với
tư cách nhà nghiên cứu cao cấp khách mời, nói:
“Theo
tôi, không có gì mới vì nhiều người nói rồi và tứ trụ chứ không phải
tam trụ, như tôi cũng đã nói với BBC từ khi ông Nguyễn Phú Trọng tạm
nhận chức chủ tịch nước.
“Về bốn ứng viên cho tứ trụ, nhiều người nói với cơ sở quyết định 90 và 214, bà Trương Thị Mai khó làm Chủ tịch Quốc hội.
“Cách đây nhiều tháng tôi cũng đã nói với BBC là ghế chủ tịch nước chưa có dự kiến ứng viên, ngay bây giờ cũng chưa có.
“Ông
Phạm Bình Minh đủ tiêu chuẩn theo Quyết định 214 để ứng cử các chức vụ
chủ tịch nước, thủ tướng, và chủ tịch quốc hội, ông ấy chỉ chưa đủ tiêu
chuẩn ứng cử Tổng bí thư thôi. Tuy nhiên, có vẻ chức chủ tịch nước khá
thích hợp với ông này.
“Bởi
vì ông Minh đã làm hai khóa bộ trưởng rồi, thì không thể tiếp tục làm
Bộ trưởng Ngoại giao nữa. Nhưng ứng cử chức chủ tịch, với ông Minh theo
các mối quan hệ nội bộ, có thể lại không thuận lợi.
“Ở
trên tôi nói là theo Quyết định 214 (và 90), ở đây về quan hệ nội bộ
tức là về hành vi, nhiều người có thể không muốn như vậy và muốn khác
đi, nhưng vì thế vẫn có chức phó thủ tướng phụ trách đối ngoại cho ông
ấy, giống như bên Trung Quốc, người ta có chức vụ của ông Dương Khiết
Trì, đó là một khả năng sắp xếp.
“Theo
tôi, khó nhất là chức tổng bí thư, ông Trọng giới thiệu ông Vượng hai
lần đều chưa thành công, Bộ Chính trị chưa tán thành. Bây giờ sẽ phải
họp để giới thiệu lại, tức là bỏ phiếu cho vài ứng viên.
“Đúng
ra lúc này có các ứng viên sơ bộ là các ông, bà: Nguyễn Xuân Phúc,
Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng và Phạm Minh Chính. Có một số đông,
chưa rõ bao nhiêu phần trăm ủng hộ ông Phúc.
“Bây
giờ ông Trọng không thể phát biểu như trước đây rằng ứng viên vị trí
này phải là người miền Bắc. Cũng có một tỷ lệ cao được cảm nhận, chưa rõ
bao nhiêu, muốn ủng hộ bà Ngân.
“Nhưng
tóm lại, dự đoán thì cứ dự đoán, song cuối cùng do thủ tục đề cử chưa
xảy ra, nên chưa rõ cụ thể,” nhà phân tích chính trị này nói với BBC
News Tiếng Việt trên quan điểm cá nhân.
(BBC)
Không có nhận xét nào