Bà Nguyễn Thị Loan sau khi có
phán quyết bác kháng nghị, y án tử hình đối với Hồ Duy Hải, chiều 8/5. (Ảnh: Lê
Hoàng/FB báo sạch)
Không đồng tình với kết luận y
án đối với Hồ Duy Hải, mẹ của tử tù tiếp tục gửi đơn cầu cứu đến Ủy ban Tư pháp
Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Sáng 10/5, gia đình bà Nguyễn
Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) đã có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện KSND Tối cao và
Ông Lê Thanh Vân – Đại biểu Quốc Hội.
Trong lá đơn, mẹ của bị án Hồ
Duy Hải khẩn thiết đề nghị chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc
hội với hi vọng quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ được xem xét
lại, theo Trithucvn.
Nội dung đơn như sau:
ĐƠN KÊU CỨU KHẨN CẤP
Kính gửi: Bà LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
(Đồng kính gửi: Bà Lê Hiền Đức, Công dân Liêm Chính của Tổ chức Minh bạch
Quốc tế năm 2008)
Tôi tên là NGUYỄN THỊ LOAN, sinh năm 1963, là mẹ của tử tù Hồ Duy Hải –
người đã bị kết án tử hình về tội giết người, cướp của đã qua cả ba cấp sơ thẩm,
phúc thẩm và giám đốc thẩm.
Địa chỉ: ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Thưa bà, trước hết tôi thay mặt gia đình hai bên nội ngoại xin gửi tới
bà lời chào kính trọng và lời tri ân sâu sắc về tất cả những gì bà đã làm cho
con trai tôi là cháu Hồ Duy Hải mà bà đã gặp ở trại giam cách đây đã 5 năm.
5 năm trước, trong chuyến công tác đặc biệt với tư cách Trưởng đoàn
giám sát của Quốc hội về “tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về
hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động
tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” tôi đã được bà mời gặp mặt để bà
tìm hiểu về quá trình trưởng thành của cháu Hồ Duy Hải từ nhỏ đến khi bị bắt tạm
giam. Năm năm đã trôi qua, tôi chưa có dịp nào được gặp lại bà, nhưng hình ảnh
một người phụ nữ cương nghị và nguyên tắc trong công việc, cùng sự cảm thông
chia sẻ từ trái tim người phụ nữ nhân hậu với một người mẹ khổ đau của một tử
tù mãi còn ghi khắc trong trái tim tôi.
Thưa bà, Bản Báo cáo Kết quả Nghiên cứu vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử
hình về tội “Giết người” và tội “Cướp tài sản” tại tỉnh Long An, ký ngày
10/2/2015 gửi Quốc hội cho Kết luận: “Việc Tòa án hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là
chưa đủ cơ sở vững chắc, có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm”.
Ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2020 vừa qua, phiên tòa Giám đốc thẩm diễn ra
tại Tòa án Nhân dân Tối cao ở số 48, phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà
Nội, Hội đồng thẩm phán đã bác quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND
tối cao. Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã công bố quyết định giám
đốc thẩm về việc giữ nguyên bản án đối với Hồ Duy Hải, theo đó, bản án sẽ tiếp
tục được thi hành và Hồ Duy Hải buộc phải chấp hành hình phạt.
Thưa bà, sau khi nghe được kết quả này, dư luận nhân dân cả nước, đặc
biệt là giới luật sư và các nhà bình luận đã phẫn nộ bức xúc; và tôi cùng gia
đình thì hoàn toàn suy sụp.
Tôi làm đơn này, một lần nữa khẩn thiết kính đề nghị Bà, với cương vị
công tác và quyền hạn của mình có kiến nghị đến các cấp thẩm quyền và báo cáo với
Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa
án Nhân dân Tối cao, và đề nghị xem xét các tình tiết quan trọng của vụ án do
Luật sư Trần Hồng Phong đưa ra nhưng Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao
không xem xét nghiêm túc và khách quan.
Thưa bà, tôi xin gửi tới Bà tình cảm tri ân sâu sắc và bày tỏ niềm hy vọng
về những cố gắng tiếp theo của Bà vì sự Thượng tôn Pháp luật và Đức Hiếu sinh của
một người phụ nữ!
Xin gửi tới Bà lời kính chào trân trọng!
Người làm đơn
Nguyễn Thị Loan
Cơ hội xem xét lại quyết định?
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng
vẫn còn cơ hội xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao theo
điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự, nếu phát hiện quyết định này có vi phạm pháp
luật nghiêm trọng, theo báo Tuổi trẻ.
Cụ thể, điều 404 quy định:
"Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì chánh án Tòa án nhân
dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để
xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao."
Tuy nhiên, theo quy định tại điều
404, nếu xem xét lại bản án thì vẫn do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao xem xét.
Trong khi, ngày 8/5, Chánh án
TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (chủ tọa) cùng các thành viên trong Hội đồng thẩm
phán đã giơ tay biểu quyết, tuyên y án tử tù Hồ Duy Hải.
Các đại biểu Quốc hội lên tiếng
Tiến sĩ luật Lê Thanh Vân, đại
biểu Quốc hội, kiến nghị Quốc hội giám sát tối cao vụ án Hồ Duy Hải bởi cho rằng
không đơn giản là xem xét tính mạng một con người, theo Vnexpress.
Ông Vân nói: "Tôi đã thực
hiện quyền giám sát, đã kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét đưa hoạt động giám
sát của Quốc hội đối với hoạt động của toà án thông qua vụ án. Tôi sẽ kiên trì
bảo vệ quan điểm đấy để xúc tiến sớm hoạt động giám sát, đáp ứng sự mong mỏi của
người dân hiện nay."
Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình
Nhưỡng cho rằng: “Khi Chánh án TAND Tối cao từng là Viện trưởng Viện KSND Tối
cao, là người trực tiếp không kháng nghị vụ việc, mà bây giờ lại ngồi ghế chủ tọa
để xét xử thì đương nhiên xã hội, người dân, cử tri có quyền nghi ngờ tính công
minh, thiên vị, vô tư của Chánh án TAND Tối cao; nghi ngờ việc mang tính định
kiến tư pháp vào ghế chủ tọa”.
Nguồn : https://www.ntdvn.com/
Không có nhận xét nào