Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Cư Trinh: Công thần khai quốc, dẹp yên bờ cõi Phương Nam bằng tư tưởng Nho Gia - Kỳ 2

    Trong cuộc đời mình, dù cầm quân hay làm quan cai trị, Nguyễn Cư Trinh đều để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng dân bản xứ vì tấm lòng thương dân của mình.
    Nguyễn Cư Trinh: Công thần khai quốc, dẹp yên bờ cõi Phương Nam bằng tư tưởng Nho Gia - Kỳ 2

    Nguyễn Cư Trinh là một danh nhân hiếm hoi có thể xuất tướng võ, nhập tướng văn, vừa có tài cầm quân đánh dẹp biên thùy, vừa giỏi kinh bang tế thế quản trị miền Nam. Với pháp độ của Nho giáo chính tông và đạo đức cao thượng của một kẻ sĩ quân tử, ông đã lập nền móng cai trị vững chắc, làm cho vùng đất Phương Nam buổi đầu vốn trù phú nhưng vô cùng phức tạp sớm được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam một cách hưng thịnh và trường tồn...

    Đánh dẹp phản loạn, vỗ yên dân chúng

    Mạnh Tử có câu: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”

    Tạm dịch: “Dân là quý, kế đến xã tắc, quân là khinh”.

    Theo quan điểm Nho gia chính tông thì bậc trị nước phải luôn lấy dân làm gốc, gốc có vững thì nước mới bền. Vì thế mà quan lại phong kiến ngày xưa, vốn được trao cho trọng trách là “dân chi phụ mẫu” thì càng phải cư xử cho đúng nghĩa vụ của mình, để đem lại sự ấm no an lạc cho dân chúng. Không làm được điều này thì sự học và thành tựu của bản thân coi như chưa đạt.

    Trong cuộc đời mình, dù cầm quân hay làm quan cai trị, Nguyễn Cư Trinh đều để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng dân bản xứ vì tấm lòng thương dân của mình. Ân đức của ông không chỉ ở dân mà còn thấm đến cả giặc cướp phản loạn, làm cho họ yên lòng mà quy phục.

    Đại Nam liệt truyện chép như sau:

    “Năm Canh Ngọ (1750), mùa xuân, được thăng Tuần phủ Quảng Ngãi. Bấy giờ Quảng Ngãi có Man Thạch Bích thường quấy ngoài biên, quan quân đánh mãi không xong. Trinh đến, viết thư phủ dụ, chúng cũng không ra. Ông bàn tiến đánh, nhiều người cho rằng hiểm trở xa xôi và lam sơn chướng khí ngăn trở. Trinh bèn viết truyện Sãi vãi bằng quốc âm đặt làm lời vấn đáp để khuyên bảo. Rồi tiến quân, giặc Man lẩn trốn, tan tác. Trinh sợ ta đem quân về, chúng lại tụ họp, bèn chiếm đóng chỗ sào huyệt địch lập trại lũy, lập đồn điền, đặt điếm canh, giả vờ làm kế ở lâu. Giặc Man sợ, đến cửa quân xin hàng. Trinh vỗ về, yên ủi, cho chúng về, rồi kéo quân rút lui. Tin thắng trận đến tai chúa, chúa ban khen.”

    Một quân tử Nho gia chân chính luôn xem trọng nhân dân, người làm quan chân chính phải thương dân như con. Nguyễn Cư Trinh đã luôn cư xử theo tiêu chuẩn của một bậc dân chi phụ mẫu như thế trong suốt cuộc đời làm quan của mình. Lịch sử còn chép lại việc ông có lần tự tay mình dâng biểu lên Chúa về tình trạng khốn cùng của dân chúng, để xin bãi bỏ một số chính sách bất công làm tổn hại sức dân. Nhưng tiếc là Chúa đã không phản hồi. Vì thế mà ông xin từ chức về quê, nhưng Chúa không chấp nhận mà chuyển làm vị trí khác gần biên giới khá phức tạp. Tuy vậy ông đến nơi nhậm chức vẫn làm tốt nhiệm vụ, lo tăng cường phòng thủ càng nghiêm ngặt hơn.

    Đại Nam liệt truyện chép như sau:

    “Năm Tân Mùi (1751), mùa đông, Trinh dâng thư trình bày tình trạng đau khổ của dân: "Dân là gốc nước, gốc không bền thì nước chẳng yên. Ngày bình thường không lấy ân kết dân, thì lúc có việc trông cậy nương tựa vào đâu? Tôi trộm lo: Dân gian chất chứa tệ hại đã nhiều nếu cứ để yên nếp thường, giữ lối cũ, không tùy nghi thêm bớt, thiết lập kỷ cương thì một đạo còn không thể làm được nữa là một nước. Nay có ba việc hại dân là cấp lương lính, nuôi voi và nộp tiền án phí. Còn các nhũng lệ khác không thể đếm xiết!" Nhân đó Trinh điều trần bốn điều tệ hại đã lâu:

    Các viên phủ huyện có chức vụ cai trị dân gần đây không đôn đốc làm việc ấy, chỉ sai khám xét kiện cáo. Xin từ nay, các thuế lệ như sai dư điền tô, nhất thiết giao cho Tri huyện thu biên, giao lên doanh Quảng Nam để nộp cho đỡ phiền nhiễu.

    Các viên phủ huyện từ trước đến giờ thường kiếm lợi ở những việc sai bắt tra xét (những người can phạm) để lấy bổng lộc tiền tài, của dân càng hao, phong tục trong dân càng bạc. Nay xin liệu cấp cho lương thường xuyên, thăng giáng tuỳ theo từng viên chức thanh liêm hay tham ô, siêng năng hay lười biếng.

    Lậu đinh có hai loại: có kẻ trốn tránh sưu thuế mà lang thang, có kẻ đói rét thân mà xiêu tán. Nay không chia đẳng hạng, tất cả đều liệt vào sổ đinh, bắt đóng thuế thân, họ tất sợ hãi mà tản mát, lén lút ở núi rừng, dân ở lại phải gánh đậy bồi thường, thì sao chịu nổi! Nay xin xét số lậu đinh, ai còn có nghề làm ăn thì thu thuế như lệ, ai đói rét khốn khó thì cho miễn thuế, tùy cách vỗ về để hạng cùng dân được sống lại.

    Nên để cho dân yên tĩnh, không nên làm động, động thì dễ loạn, tĩnh thì dễ trị. Nay bắt dân săn bắn ở núi rừng, kiếm gà, lùng ngựa, không thể tất đức ý (triều đình) quấy rối nhân dân địa phương. Lũ giả mạo đi đến đâu làm náo động đến đó, người đều than oán. Xin từ nay hễ sai người đi làm việc phải có giấy tờ đóng dấu, trình quan địa phương xem xét. Kẻ nào nhiễu dân thì bắt trị tội, may ra lòng dân yên tĩnh, khỏi dao động.

    Sớ này dâng lên, chúa không trả lời. Trinh cố từ chức. Chúa bèn triệu về rồi đổi làm Ký lục doanh Bố Chính. Trinh đến trị sở rồi đặt thêm đồn lũy, nghiêm việc phòng thủ. Chúa Trịnh đưa thư xin mượn đường đi Trấn Ninh đánh Lê Duy Mật. Trinh viết thư từ chối. Họ Trịnh đã biết ta phòng bị, bèn thôi.”

    Binh uy bình Chân Lạp, thu phục dân Côn Man

    Miền Nam trù phú không phải là được dựng nên chỉ trong một ngày, mà qua mấy trăm năm khói lửa với sự đóng góp của nhiều dân tộc anh em. Ngoài người Hoa vốn được sự ủng hộ và rất được ưu ái của các chúa Nguyễn, không thể không nhắc đến một nhóm lưu dân mà bản thân họ cũng đã phải chịu nhiều hy sinh đau khổ để trấn giữ vùng đất biên cương trong bước đường mở cõi của Đại Việt. Đó chính là nhóm dân Chăm Pa di cư vào miền Nam sinh sống, còn được gọi là dân Côn Man để phân biệt với những người Chăm Pa vẫn sống ở miền Trung.

    Côn Man (Hán Việt: 崑蠻) là một danh từ chỉ nhóm người Chăm Pa cư ngụ tại đất Chân Lạp xưa. Theo Đại Nam Thực lục Tiền biên, bản chữ Hán quyển 10 phần 16, tên Côn Man 崑蠻 được dùng vì: "... nhiều người Chăm thuộc nhóm bộ lạc tù trưởng Thuận Thành đã di cư sang nước Chân Lạp, gọi là Côn Man, với tên khác là Vô Tỳ Man...".

    Trong tiến trình Nam tiến từ những năm cuối thế kỷ XVII, vương quốc Chăm Pa đã dần biến mất cho đến năm 1697, khi chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Bình Thuận và Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý miền Nam năm 1698 thì vùng đất Chăm còn lại (Phan Rang trở về đông), đã trở thành phiên thuộc của chúa Nguyễn và mối quan hệ giữa chúa Nguyễn và chúa Chăm là mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương.

    Trong giai đoạn giao thoa đó, một số lớn người Chăm đã lần lượt di cư sang Chân Lạp vì Chân Lạp gần gũi với họ hơn về phương diện văn hóa và họ không muốn bị cai trị bởi chính quyền chúa Nguyễn. Triều đình Chân Lạp lúc này dưới triều quốc vương Nặc Thu đã sắp xếp cho nhóm di dân mới này định cư tại Lo-vek (phủ La Bích), gần khu vực Biển Hồ ngày nay. Nhưng sau đó, thời triều quốc vương Nặc Nguyên, người Côn Man thường xuyên bị triều đình Chân Lạp hiếp đáp và quấy nhiễu.

    Dù họ di cư vì muốn tìm sự bình an, vì sự tương đồng văn hóa và không muốn sống cùng người Việt, nhưng trớ trêu thay người Chăm trên đất Chân Lạp phải sống một cuộc sống còn lao khổ hơn nhiều và đoàn quân đánh dẹp đem lại cuộc sống mới cho họ lại đến từ triều đình người Việt. Năm 1753, với lý do bảo vệ người Côn Man bị ức hiếp, chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát quyết định chinh phạt Chân Lạp.

    Cuộc chinh phạt này bắt đầu từ năm 1753 và kết thúc vào năm 1756 dẫn đến việc thất trận, trốn chạy và dâng hai phủ Tầm Lôi và Lôi Lạp tạ tội với triều Việt của vua Nặc Nguyên.

    Đại Nam Liệt Truyện còn chép chiến công này như sau:
    “Năm Quý Dậu (1753) mùa đông, Nặc Nguyên nước Chân Lạp xâm lấn Côn Man. Chúa muốn đánh nước Chân Lạp, bèn sai Cai đội Thiện Chính (không nhớ họ) làm Thống suất, Trinh làm Tham mưu, điều khiển tướng sĩ năm doanh đi đánh Chân Lạp. Quân tiến đóng ở Bến Nghé, thiết lập doanh trại lựa chọn sĩ tốt, làm nhiều kho tàng để làm kế khai thác.

    Năm Giáp Tuất (1754) mùa hạ, Trinh cùng Thiện Chính chia đường mà tiến. Trinh đi đến đâu, giặc đều tan chạy đến đó; qua Tân Lộ ra Đại giang, cùng quân Thiện Chính hội ở đồn Lô Yêm. Bấy giờ bốn phủ là Soi Rạp (Lôi Lạp), Tầm Bôn, Cầu Nam và Nam Vang đều hàng.

    Ta bèn chiêu phủ Côn Man để làm thanh thế.

    Năm Ất Hợi (1755), mùa xuân, Thống suất Thiện Chính về đồn Mỹ Tho, dân Côn Man đi theo, đến đất Vô Tà Ân, bị Chân Lạp đánh úp. Thiện Chính vì rừng tràm ngăn trở không đi cứu được. Trinh đem quân tùy tùng đến cứu hơn 5000 đàn ông đàn bà Côn Man hộ tống về đóng ở chân núi Bà Đen. Trinh nhân đó hặc tâu Thiện Chính làm mất cơ ngơi, bỏ dân chúng mới quy phục. Chúa bèn giáng Thiện Chính xuống làm Cai đội, và cho Trương Phước Du lên thay. Trinh cùng Phước Du dùng người Côn Man làm hướng đạo, đi đánh Cầu Nam, Nam Vang. Nặc Nguyên chạy sang Hà Tiên, xin dâng đất hai phủ Tầm Bôn và Soi Rạp (Lôi Lạp), để bù vào lệ cống bỏ thiếu trong ba năm trước.”


    Minh Bảo.

    https://www.ntdvn.com/

    Không có nhận xét nào