Header Ads

  • Breaking News

    Ls Lê Ngọc Luân - Kết quả vụ Hồ Duy Hải, thấy gì ở hai chữ: Công lý!

    17/17 vị Thẩm phán Tối cao đã ra phán quyết không huỷ án điều tra và khẳng định “có vi phạm tố tụng nhưng không thay đổi bản chất vụ án”. Nghĩa là 17 vị Thẩm phán khẳng định Hồ Duy Hải chính là hung thủ giết hai cô gái. Nhìn từ góc độ pháp lý và đạo lý của phán quyết này, chúng ta thấy gì, cá nhân tôi thấy kinh khủng bởi các lý do sau:
    Ls Lê Ngọc Luân - Kết quả vụ Hồ Duy Hải, thấy gì ở hai chữ: Công lý!
    1) Quyết định của Hội đồng TPTANDTC khẳng định có vi phạm tố tụng và theo đánh giá của rất nhiều học giả pháp luật Hình sự phân tích “vi phạm tố tụng này” là đặc biệt nghiêm trọng, nhưng với nhận định “không làm thay đổi bản chất vụ án” thì phán quyết vẫn đưa ra như thường.

    Điều này tạo ra một tiền lệ cực kỳ tai hại, đó là cơ quan tiến hành tố tụng dù có điều tra sai nhưng sau đó chỉ cần lập luận không thay đổi bản chất vụ án thì phán quyết số phận của một con người vẫn được đưa ra. Dù đó là một sinh mệnh con người đang kêu oan.

    2) Phán quyết trên đi ngược lại chế định đặc biệt quan trọng trong luật hình sự, đó là nguyên tắc “suy đoán vô tội” được quy định rõ tại Điều 31 của Đạo luật tối cao là Hiến pháp và Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Mà nguyên tắc này nhằm tránh “oan sai”. Vậy quy định này ban hành có ý nghĩa thực tiễn thế nào đây?

    3) Gần 13 năm ròng rã kêu oan của người Mẹ già và có lẽ trời động lòng nên đứa con của mình hai lần thoát chết thần kỳ trước ngưỡng cửa thi hành án TỬ HÌNH. Đây không phải là mê tín mà phải có tâm linh gì đó rất thiêng liêng.

    Toàn bộ xã hội, những người yêu công lý hiểu được nghiệt ngã khốn cùng của oan sai nên đã “kêu gào, la hét” với hi vọng rằng “dù Hải có là hung thủ thì cũng phải được xem xét lại cẩn trọng”. Sự gào thét này không cảm tính mà ở đó có cả sự phân tích pháp lý rất rõ ràng nhưng với lập luận “có sai phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất” và thế là:

    “Mạng sống của một con người giờ đây như ngàn cân treo sợi tóc”. Sự gào thét, la hét trôi vào hư không. Đau đớn quá!

    4) Những Điều tra viên, Kiểm sát viên đã thừa nhận sai sót “có dấu vân tay không phải của hung thủ cũng không sao, chưa thực hiện đầy đủ việc đối chiếu cũng không sao, tự mua thớt, dao làm vật tương đồng gây án cũng không sao, rút tài liệu ra khỏi hồ sơ cũng không sao…”.

    Có thể sau khi về cơ quan họ sẽ bị “kỷ luật hành chính nội bộ, điều chuyển công tác…” thế là xong. Tiền lệ sẽ thế nào đây, ai có thể cho tôi biết được không?

    5)… Còn còn nhiều lắm, tôi muốn viết nhiều nữa nhưng không lòng quá đau đớn không viết thêm được nữa.

    P/S: Còn cách nào để thay đổi Phán Quyết của Hội đồng TPTANDTC hay không. Theo luật vẫn còn (1%) với điều kiện, chúng ta phải mạnh mẽ, không buông xuông và cần phải đứng lên… Tôi sẽ có bài phân tích vấn đề này trên góc độ pháp lý vào ngày mai.

    Không biết, mẹ của Hồ Duy Hải giờ đang ở đâu, có còn nước mắt để khóc cho đứa con của mình? KHÔNG vì nước mắt đã cạn.

    Chắc chỉ có TRỜI XANH mà thôi!

    Hội đồng thẩm phán y án tử hình đối với Hồ Duy Hải
    RFA
    2020-05-08




    Photo: RFA

    Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam vào ngày 8 tháng 5 tuyên giữ nguyên bản án tử hình đối với anh Hồ Duy Hải tại phiên xử theo thủ tục giám đốc thẩm bắt đầu từ ngày 6 tháng 5 vừa qua.

    Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin cho biết Hội đồng Thẩm phán gồm 17 người thống nhất bác kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao, giữ nguyên bản án mà hai tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên đối với anh Hồ Duy Hải.

    Tin dẫn tuyên bố của Hội Đồng Thẩm Phán rằng vào những thời điểm quan trọng, anh Hồ Duy Hải luôn nhận tội. Hội đồng này cho rằng hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án anh Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là có căn cứ, không oan sai. Tội giết người bị xử tử hình và tội cướp tài sản bị tuyên 5 năm tù là đúng pháp luật.

    Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thừa nhận dù quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.

    Luật sư của anh Hồ Duy Hải trong nhiều năm qua từng trưng ra những chứng cứ cho thấy những bất hợp lý trong quá trình điều tra như con dao và cái thớt gây án được mua từ chợ về để làm vật chứng; rồi dấu vân tay tại hiện trường không khớp, chưa xác định được; hai nghi phạm khác trong vụ án mạng không được điều tra làm rõ…

    Vụ giết hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An tại nơi làm việc xảy ra hồi ngày 13 tháng 1 năm 2008. Ngay sau đó, thanh niên Hồ Duy Hải, sinh năm 1985, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh “giết người, cướp tài sản” tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

    Hơn 12 năm qua, bản thân Hồ Duy Hải và gia đình đã kêu oan. Thân nhân tử tù này nộp đơn đến các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương và đại biểu quốc hội.

    Ủy ban Tư pháp của Quốc hội từng kêu gọi Chính quyền tỉnh Long An điều tra lại vụ án vì cho rằng việc xét xử vụ án đã không diễn ra đúng các trình tự pháp luật, và thiếu bằng chứng.

    Năm 2014, TAND tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, Văn phòng Chủ tịch nước yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét kỹ lại vụ án này.

    Hồi cuối tháng 11 năm 2019, Viện KSND Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị xóa bỏ toàn bộ các bản án trước đó đối với tử tù Hồ Duy Hải để điều tra lại.

    Trước đó vào cuối tháng 10 năm 2019, Tổng thư ký Ân xá quốc tế Nauy - John Peder Egenaes đã ký tên và gửi thư đính kèm cùng với chữ ký của hơn 25.500 người quan tâm đến Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, kêu gọi hủy án tử hình cho Hồ Duy Hải; đồng thời kêu gọi một quy trình tái xét xử công bằng cho Hồ Duy Hải.

    Nguồn : https://www.rfa.org/vietnamese/

    Hội đồng thẩm phán bác kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải (8-5-2020)

    08/05/2020

    Cuối cùng, Hội đồng thẩm phán có chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị? —Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị“.

    TTO – Sau 3 ngày làm việc, chiều nay 8-5, HĐXX giám đốc thẩm kỳ án Hồ Duy Hải đưa ra phán quyết.




    Toàn cảnh phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải – Ảnh: GIANG LONG

    Đúng 15h35, đại diện Hội đồng thẩm phán bắt đầu đọc bản án. Ông Nguyễn Trí Tuệ, phó chánh án TAND tối cao công bố bản án.

    Hội đồng thẩm phán nhận định quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng không có căn cứ khẳng định Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên căn cứ lời khai của nhiều người, trong đó có lời khai của Hải về việc đến Bưu điện Cầu Voi dựng xe bên ngoài. Nhân chứng Đinh Vũ Thường cũng cho hay nhìn thấy chiếc xe này khi đến bưu điện để gọi điện về Cà Mau.

    Như vậy lời khai của Hải về việc sử dụng xe máy để đến hiện trường là phù hợp. Anh Thường còn khai nhìn thấy thanh niên ngồi trong bưu điện để tóc hai mái. Lời khai của Hải phù hợp với lời khai của một số người làm chứng về đặc điểm nhận dạng mái tóc của Hải, trước khi gây án Hải để tóc dài.

    Anh Thường cũng khai nhìn thấy thanh niên trong bưu điện mặc áo ngắn tay. Hải cũng khai mặc áo ngắn tay, sau khi gây án đã mang áo đốt ở vườn. Cơ quan điều tra thu giữ tro của chiếc áo này. “Như vậy lời khai của Hải và những người khác là phù hợp, có căn cứ”, Hội đồng thẩm phán nhận định.

    Cũng theo Hội đồng thẩm phán, lời khai của Hải còn phù hợp với lời khai người làm chứng khác, phù hợp với lời khai của chị Nguyễn Thị Kim Ngân.

    Chị Ngân khai nạn nhân của vụ án đến mua hoa quả và nói có người đưa tiền nên mua nhiều. Như vậy, đủ cơ sở kết luận Hải có mặt tại hiện trường vụ án, do đó kháng nghị cho rằng không có nhân chứng, kết luận Hải không có mặt tại hiện trường là không đúng.

    Về khoảng thời gian xác định Hải có mặt tại hiện trường, theo lời khai của anh Thường, anh đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện lúc khoảng 20h trở lại. Anh Thường thấy có 1 thanh niên ngồi trong bưu điện. Cuộc gọi của anh Thường lúc 19h30, như vậy anh Thường phải có mặt trước đó làm thủ tục gọi điện.

    Đối với việc Hải khai đi cầm đồ, theo biên bản kiểm tra lời khai, Hải có mặt tại bưu điện lúc 19h30. Lời khai này phù hợp với lời khai của anh Bình (gửi xe ở bưu điện) và anh Thường là người đến gọi điện.

    Cơ quan điều tra kết luận Hải có mặt ở bưu điện lúc 19h30 là có căn cứ. Do đó kháng nghị của viện kiểm sát là không có căn cứ.

    Đối với nội dung kháng nghị Hải có những lời khai mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Hội đồng thẩm phán cho rằng lời khai của Hải phù hợp với diễn biến tâm lý tội phạm.

    Ban đầu Hải khai dùng dao sát hại chị Hồng, sau đó lại khai đập đầu bị hại vào lavabo… Hải còn khai có việc khống chế chị Hồng để giao cấu.

    Hải còn khai có một số mâu thuẫn. Tòa thấy điều này phù hợp với diễn biến tâm lý tội phạm. Ngoài ra, Hải còn thừa nhận không có sự ép cung, mớm cung.

    Hải nói cố tình khai giấu một số tình tiết, khai thêm một số tình tiết vì sợ mức án cao, không được gặp gia đình nên sợ hãi.

    Hội đồng thẩm phán nhận định lời khai của Hải phù hợp với bản án hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường. Lời khai không hiếp dâm chị Hồng phù hợp với biên bản pháp y. “Những tình tiết này chỉ người thực hiện hành vi mới biết. Điều này khẳng định Hải có mặt tại hiện trường”, bản án giám đốc thẩm quy kết.

    Cũng có lời khai ban đầu Hải đòi quan hệ với chị Hồng nhưng không thành nên đã nảy sinh ý định sát hại nạn nhân. Tòa cho rằng, những tình tiết đó chỉ có người thực hiện hành vi mới rõ như vậy.

    Tòa thấy không cần thiết hủy án để điều tra lại.

    Kháng nghị cho rằng mẫu tàn tro thu giữ được mà cơ quan điều tra kết luận do Hải đốt áo là không có giá trị trong vụ án. Tuy nhiên theo Hội đồng thẩm phán, hồ sơ thể hiện biên bản hỏi cung, Hải khai đốt quần áo, thắt lưng sau khi gây án. Việc đốt áo ở nơi khác hiện trường vụ án, nếu không có lời khai của Hải thì không ai biết. Việc tiến hành thu giữ, mở rộng khám nghiệm hiện trường là cần thiết.

    Tại kết luận giám định, trong mẫu tàn tro có thành phần vải, kết luận này phù hợp với lời khai của Hải về việc đốt áo sau khi gây án. Điều này có giá trị chứng minh Hải có mặt tại hiện trường. Việc kháng nghị cho rằng mẫu tàn tro không có giá trị là không đúng.

    Cũng theo nhận định của Hội đồng thẩm phán, lời khai của Hải sau khi giết hai nữ nhân viên bưu điện, lấy tiền, trang sức, căn cứ vào bản ảnh khám nghiệm hiện trường, các dấu vết để lại trên chiếc ghế là do hành vi của Hải gây ra.

    Có cơ sở kết luận Hải đã chiếm đoạt các tài sản của bị hại. Từ lời khai về địa điểm bán các nữ trang của Hải, chủ cửa hàng điện thoại khai có mua điện thoại Nokia của bị hại… cho thấy chỉ người đi bán tài sản mới biết được địa điểm bán những tài sản này.

    Mặc dù cơ quan điều tra thiếu sót trong thu thập chứng cứ song hội đồng thẩm phán thấy không làm thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết để điều tra lại hành vi này.

    Về dấu vân tay thu tại hiện trường, trong quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra đã thu giữ một số vân tay và truy nguyên nhưng không có kết quả.

    Theo Hội đồng thẩm phán, mặc dù không thu được dấu vân tay, song căn cứ vào biên bản, khám nghiệm hiện trường… đủ cơ sở xác định Hải là người thực hiện hành vi phạm tội.

    Kháng nghị cho rằng một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến, một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung có sự sửa chữa. Qua thẩm tra, hội đồng thấy đây là thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án nên không cần điều tra lại.

    Quá trình xem xét, đánh giá từng kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Hội đồng thẩm phán cũng cũng kiến nghị cơ quan điều tra tỉnh Long An kiểm điểm nội dung liên quan tới sai sót.

    Về nội dung kháng nghị cho rằng một số lời khai của nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án, theo Hội đồng thẩm phán, kiến nghị này là đúng nhưng những sai sót này không làm thay đổi bản chất vụ án. Hội đồng thẩm phán đề nghị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An tiến hành kiểm điểm làm rõ việc này.

    Một trong những vấn đề mà kháng nghị đưa ra được dư luận đặc biệt quan tâm là hai vật chứng được cơ quan điều tra yêu càu nhân chứng trong vụ án mua rồi đưa vào hồ sơ. Theo Hội đồng thẩm phán, việc mua dao là để nhận dạng, phục vụ điều tra, không phải là công cụ gây án.

    Hội đồng thẩm phán đưa ra thêm phân tích, ở những thời điểm quan trọng, Hồ Duy Hải luôn nhận tội. Lời nhận tội của bị cáo đã được các cơ quan tố tụng từ sơ thẩm đến phúc thẩm và đoàn liên ngành thẩm định, đánh giá.

    “Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết án Hồ Duy Hải tội giết người, cướp tài sản là có căn cứ. Tòa các cấp xử phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản là đúng quy định pháp luật”, Hội đồng thẩm phán nhận định.

    Theo Hội đồng thẩm phán, dù quá trình điều tra, xét xử còn một số thiếu sót nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án. Bởi thế không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao.

    Hội đồng thẩm phán còn cho rằng quyết định kháng nghị của Viện KSND tối cao là không đúng quy định pháp luật. Lý do được đưa ra là Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải và quyết định này đang có hiệu lực pháp luật.

    Từ các lý lẽ trên Hội đồng thẩm phán kết luận: “Không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao”.

    Trước đó, trong buổi sáng, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên quan điểm đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã xét xử bị cáo Hồ Duy Hải về các tội “giết người” và “cướp tài sản” để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật. Cần khắc phục sai sót để bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật.

    Tuy nhiên Hội đồng thẩm phán thống nhất quan điểm rằng Hồ Duy Hải không bị ép cung, mớm cung, lời khai tổng cung phù hợp với chứng cứ khác như lời khai của các nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi… nên xác định Hải phạm tội “giết người, cướp tài sản” là đúng.

    Chánh án Nguyễn Hòa Bình, chủ tọa phiên giám đốc thẩm, đã tiến hành lấy biểu quyết các thành viên trong Hội đồng thẩm phán về 4 vấn đề:

    Thứ nhất, vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?

    Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết quá trình điều tra vụ án có những sai sót về tố tụng nhưng “không thay đổi bản chất vụ án”.

    Thứ hai, bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không?

    Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết các bản án xét xử Hồ Duy Hải là “đúng người, đúng tội, đúng mức án”.

    Thứ ba, quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực như vậy quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát có đúng pháp luật hay không?

    Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.

    Cuối cùng, Hội đồng thẩm phán có chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị?

    Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”.

    Nguồn : https://hoangtran204.wordpress.com/

    Không có nhận xét nào