Header Ads

  • Breaking News

    Liệu Việt Nam có dùng lá bài chủ, cho Mỹ thuê Vịnh Cam Ranh?

    Đoàn các nhà lập pháp Mỹ do TNS John McCain dẫn đầu đến thăm tàu USS John McCain tại quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, ngày 2/6/2017. (Ảnh Người Lao động)
    Biển Đông gần đây lại dậy sóng vì những hành động khiêu khích của Trung Quốc giữa mùa dịch COVID, và đang có nhiều tin đồn rằng Hà Nội đang cân nhắc giải pháp cho Hoa Kỳ thuê dài hạn Vịnh Cam Ranh hoặc một đảo nào đó ở Biển Đông để làm căn cứ, nhằm đối trọng với các hành động gây hấn dồn dập của Trung Quốc gần đây. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc/Đại học New South Wales, một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam, phân tích chính sách của Việt Nam và của Hoa Kỳ, xem liệu các diễn biến phức tạp ở Biển Đông có đủ nghiêm trọng để lãnh đạo VN phải sửa đổi chính sách quốc phòng và cân nhắc việc dùng “con bài chủ”, cho thuê cảng Cam Ranh?

    Cam Ranh là một trong các cảng nước sâu tốt nhất trong vùng, có tầm quan trọng chiến lược đối với Đông Nam Á, và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương. Một bài báo trên tờ National Interest từng nói rằng căn cứ Cam Ranh có thể thay đổi cục diện Biển Đông, và Việt Nam nắm trong tay con bài chiến lược, có thể quyết định chọn nước nào trong các đại cường đang nhòm ngó an ninh khu vực để cho thuê cảng Cam Ranh.

    Gần đây lại có nhiều tin đồn rằng Việt Nam đang cân nhắc khả năng cho Hoa Kỳ thuê dài hạn cảng Cam Ranh hay một số đảo ở Biển Đông để làm căn cứ hậu cần hay là một trạm dừng nhằm đối phó với hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

    Trong một bài viết đăng trên báo The Diplomat hôm 6/5/2020, chuyên gia về các vấn đề Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, đặt câu hỏi liệu tin đồn vừa kể có cơ sở hay không?

    Biển Đông và Quan hệ Mỹ-Philippines

    Hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines đã có từ năm 1951, cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại các căn cứ chiến lược của Philippines.

    Tình hình Biển Đông có lẽ đã khác đi nếu người Mỹ không rút ra khỏi lãnh thổ Philippines vào đầu thập niên 1990, vì những mâu thuẫn dẫn tới việc đàm phán lại Hiệp ước phòng thủ chung (MDT), khiến Mỹ rút ra khỏi Philippines.

    Sự vắng mặt của Mỹ trong khu vực từ đó, đã tạo chỗ trống cho phép Trung Quốc bành trướng và mở rộng phạm vi ảnh hưởng, để cuối cùng trở thành một mối đe dọa đối với các nước nhỏ hơn trong khu vực.

    Vì mối đe dọa này, Manila đề xuất một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ "tạm thời" có mặt tại Philippines, dẫn tới Hiệp Ước Thăm Viếng Quân Sự với Mỹ (VFA) năm 1998, và sau đó Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) giữa Manila và Washington năm 2014.

    Tuy nhiên, loan báo của Tổng thống Philippines Duterte sẽ chấm dứt Hiệp Ước Thăm Viếng Quân Sự với Mỹ sẽ tác động tới EDCA bởi vì khó có chuyện người Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động và hỗ trợ Philippines nếu nhân sự của họ không được bảo vệ theo các điều khoản ghi trong thỏa thuận VFA.

    Những khúc mắc trong quan hệ hai nước và chính sách bất nhất của TT Duterte đã buộc người Mỹ xoay sang các nước láng giềng, và trong bối cảnh đó, các cơ sở tại Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với Hoa Kỳ, dẫn tới nhiều đồn đoán cho rằng Hà Nội đang cân nhắc việc cho Hoa Kỳ thuê dài hạn Vịnh Cam Ranh hoặc một vài đảo ở Biển Đông.

    Giáo sư Carlyle Thayer nói khả năng này bị hạn chế bởi chính sách « Ba Không » của Việt Nam, ngăn cấm việc cho thuê cảng Cam Ranh hay các đảo đá ở Biển Đông.

    Chính sách Ba Không

    Chính sách đối ngoại và quốc phòng của VN dựa trên nguyên tắc Ba Không đã được ghi trong Sách trắng Quốc phòng đầu tiên của VN vào năm 1998. Nguyên tắc Ba Không gồm: “Không liên minh quân sự với nước nào, Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, và Không về phe nước nào chống lại một nước khác.”

    Chính sách này được Hà Nội tái khẳng định nhiều lần. Sách trắng Quốc phòng mới nhất, công bố vào cuối năm 2019, đổi chính sách Ba không thành Bốn Không:

    “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

    Giáo sư Thayer nói như vậy nếu chỉ dựa trên nguyên tắc Ba Không, thì chính sách quốc phòng của Việt Nam ngăn cấm việc cho Hoa Kỳ hoặc bất kỳ nước nào khác, thuê Vịnh Cam Ranh hay các đảo trên Biển Đông.

    Nhưng GS Thayer lưu ý rằng Sách Trắng Quốc phòng năm 2019 gợi lên triển vọng Việt Nam có thể cứu xét sửa đổi chính sách Ba Không. Các đoạn sau đây đã thu hút nhiều chú ý:

    “Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung”.

    Và,

    “Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.”

    Vịnh Cam Ranh
    Cảng Cam Ranh & Biển Đông

    Việt Nam chiếm từ 49 đến 51 tiền đồn trên Biển Đông, trải rộng trên 27 thực thể tại quần đảo Trường Sa, theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế tại Washington.

    Năm 2009, Thủ tướng Việt Nam thời đó, ông Nguyễn Tấn Dũng, loan báo các cơ sở thương mại bảo trì, sửa chữa tàu của Việt Nam tại Cảng Cam Ranh sẽ mở cửa đón các tàu hải quân của thế giới. Hoa Kỳ là nước đầu tiên nhận lời mời, đưa tàu USNS Safeguard tới cảng Sài Gòn vào tháng 9/2009.

    Năm 2010, Hoa Kỳ và VN ký hợp đồng để sửa chữa và bảo trì các tàu hải quân Mỹ.

    Theo GS Thayer, từ hơn một thập niên nay, số tầu chiến Mỹ cập cảng Việt Nam để viếng thăm chính thức, hoặc để bảo trì, sửa chữa ngày càng nhiều.

    Cảng Cam Ranh gồm một cảng quân sự và một cảng dân sự. Cảng Quốc tế Cam Ranh, cảng dân sự, chính thức đi vào hoạt động vào tháng Ba năm 2016.

    Tàu hải quân đầu tiên của Mỹ trở lại Cam Ranh là tàu tiếp liệu đạn dược của Hạm đội 7, chiếc USNS Richard E. Byrd, ghé Việt Nam vào tháng 8-2011.

    Trong năm 2016, có tới 3 tàu chiến Mỹ ghé Cảng dân sự Cam Ranh gồm: USS John McCain, USS Frank cable và chiếc USS Mustin.

    Mỹ tránh lập căn cứ quân sự

    Hoa Kỳ từ lâu chủ trương dàn xếp các “điểm tiếp nhận chứ không lập căn cứ” dựa trên lập luận rằng căn cứ có vị trí cố định, dễ là mục tiêu bị tấn công, trong khi điểm tiếp nhận cho phép Hoa Kỳ tiếp cận các cơ sở đó vào những thời khắc quan trọng như thảm họa thiên nhiên hay một cuộc khủng hoảng nào đó. Cho nên theo GS Thayer, có khả năng Hoa Kỳ sẽ điều đình với phía VN để cho phép các tầu chiến của Mỹ được thường xuyên cập cảng Việt Nam, hơn là thuê một cơ sở để thiết lập căn cứ.

    Hoa Kỳ đã có nhiều căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương như Yokosuka ở Nhật Bản, đảo Guam hay như ở Hawai. Và nhất là các tầu chiến của Mỹ có khả năng nhận tiếp tế trên biển.

    Gần đây, vì những động thái ngày càng gây hấn của Trung Quốc, đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông, VN và Mỹ đã có các cuộc đàm phán nhằm nâng mối quan hệ đối tác toàn diện lên thành thành quan hệ đối tác chiến lược.

    Tuy nhiên, theo chuyên gia này, chính phủ Việt Nam sẽ vô cùng thận trọng trong việc áp dụng bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách đối ngoại và quốc phòng dài hạn trong thời gian dẫn tới đại hội Đảng lần thứ 13, dự kiến diễn ra trong quý I năm 2021.

    Ông nói căn cứ trên quá khứ, Việt Nam có nhiều khả năng tiếp tục chính sách “đa dạng hóa và đa phương hóa” trong các quan hệ với các cường quốc thế giới. Do đó, sẽ khó có chuyện Việt Nam liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc.

    GS Thayer nói điều này giải thích vì sao ông đi đến kết luận là "khó xảy ra chuyện Việt Nam cho Hoa Kỳ thuê cảng Cam Ranh" hay một đảo nào đó ở Biển Đông để làm căn cứ.

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào