Theo nhà báo, nhà sử học Thierry
Wolton, cũng giống như Liên Xô cũ trong thời kỳ giảm căng thẳng, Trung
Quốc thủ lợi từ những trao đổi thương mại với phương Tây và phô bày tham
vọng thống trị thế giới. Thời trước, phương Tây đáp trả bằng việc chận
đứng sự bành trướng của Liên Xô ; và nay vẫn có đủ phương tiện để chống
lại người khổng lồ châu Á nếu muốn.
Chân dung Tập Cận Bình tại quảng trường Thiên An Môn trong cuộc diễu hành kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc, ngày 01/10/2019. |
Đối
với Trung Quốc, đại dịch virus corona đã trở thành một thứ vũ khí chính
trị, được sử dụng theo nhiều cách. Chẳng hạn « ngoại giao khẩu trang »,
các biện pháp phòng chống được nêu cao như hình mẫu cho toàn thế giới,
gởi các nhân viên y tế đến các nước, đặc biệt là châu Phi, tuyên truyền
dồn dập, huy động mạng lưới ngoại giao lên án phương Tây là xuất xứ của
thảm nạn…
Tổng
thống Mỹ Donald Trump quyết định ngưng đóng góp tài chính cho Tổ chức Y
tế Thế giới (WHO). Bộ Ngoại Giao Pháp triệu tập đại sứ Trung Quốc ở
Paris để phản đối các bài viết vu khống, xúc phạm trên trang web của đại
sứ quán. Tổng thống Emmanuel Macron công khai bày tỏ sự nghi ngờ về các
tuyên bố của Bắc Kinh vào thời kỳ đầu cuộc khủng hoảng…Tất cả cho thấy
các nền dân chủ không hề bị hoa mắt trước những trò múa may của Bắc
Kinh.
Ngất ngây với vị thế mới
Thái
độ này của Trung Quốc có thể gây ngạc nhiên, vì trọng lượng kinh tế và
vị trí trên trường quốc tế hiện nay đủ để Bắc Kinh có thể tự hài lòng về
tham vọng đại cường thành hiện thực, sau 20 năm tăng trưởng ngoạn mục.
Nhưng ngược lại, chính quyền Bắc Kinh dường như đang trong trạng thái
ngây ngất, và lợi dụng lúc các nước tư bản đang bận rộn chống dịch để ra
tay.
Chính
sách này khiến người ta nhớ lại thái độ của Matxcơva trong thời kỳ tan
băng thập niên 70, Liên Xô cảm thấy chưa bao giờ mạnh như thế. Vào thời
đó, trao đổi thương mại Đông-Tây tăng nhanh. Người ta nói về « vũ khí
hòa bình », sự hào hiệp, hội tụ các hệ thống dưới một nền kinh tế thị
trường mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Nhờ
chính sách này, ảnh hưởng Liên Xô tăng tiến chưa từng thấy : tại châu Á
(Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Afghanistan), châu Phi (Somalia, Bénin,
Ethiopia, Angola, Mozambique, Zimbabwe), Trung Đông (Nam Yemen), châu Mỹ
la-tinh (Nicaragua).
Trong
nước, chủ yếu bộ máy kỹ nghệ của giới quân sự được hưởng lợi qua việc
buôn bán với phương Tây. Nền kinh tế xô-viết được cấu tạo theo một cách
mà các công nghệ tư bản, được mua về hoặc đánh cắp, được ưu tiên dành
cho Hồng quân.
Nhưng
« Vũ khí hòa bình » nhằm chuẩn bị chiến tranh. Khi ý thức được tình
hình này với việc Liên Xô đưa quân sang Afghanistan năm 1979, các nền
dân chủ đã cứng rắn hơn trong các quy chế thương mại. Sự tỉnh thức này
sau đó đã gây thiệt hại nặng nề cho Matxcơva, khi ông Gorbatchev đang hy
vọng được các nước tư bản viện trợ tài chính để cứu vãn chế độ. Sự hoài
nghi của Âu-Mỹ trước perestroika là một trong những nguyên nhân khiến
Liên Xô sụp đổ cuối năm 1991.
Nhảy lên hàng đại cường nhờ đầu tư và công nghệ của tư bản
Tác
giả Thierry Wolton cho rằng nhắc nhở này là cần thiết. Đã hẳn vị trí
Trung Quốc ngày nay trong nền kinh tế toàn cầu hóa giúp Bắc Kinh tránh
được những đòn trả đũa trong thương mại, vốn đã làm Liên Xô yếu đi trước
đây. Nhưng ngược lại, rõ ràng Trung Quốc leo lên được vị trí này là nhờ
mở cửa cho chủ nghĩa tư bản, như Liên Xô mạnh lên một phần nhờ trao đổi
với phương Tây.
Hàng
trăm tỉ đô la mà phương Tây đầu tư vào Trung Quốc trong hơn 20 năm qua,
việc chuyển giao hàng loạt công nghệ thông qua các liên doanh, đã giúp
chế độ cộng sản hiện đại hóa quân đội, hoàn thiện bộ máy công an, tăng
cường sự kiểm soát của đảng đối với dân chúng. Tương tự như Liên Xô cũ,
kỹ nghệ quốc phòng được ưu tiên trong nền kinh tế Trung Quốc.
Khi
đã bước lên hàng cường quốc, Trung Quốc bèn tiến hành chính sách đối
ngoại hiếu chiến : bành trướng trên Biển Đông, vận động đưa người nắm
quyền các tổ chức quốc tế, quyền lực mềm, con đường tơ lụa mới…Bắc Kinh
muốn áp đặt các quan điểm của mình cho toàn thế giới, và đại dịch xuất
phát từ Vũ Hán đã mang lại cho họ thêm một cơ hội.
Tiểu nhân đắc chí
Các
nước dân chủ đang quay cuồng chống dịch, Bắc Kinh nhân đó dấn xa hơn.
Trong thời kỳ tan băng, Liên Xô nghĩ rằng có thể lợi dụng tình hình mà
không có rủi ro nào vì điện Kremlin tin là đến một lúc nào đó chủ nghĩa
tư bản sẽ kết thúc. Tự tin vào sức mạnh, không lường đến phản ứng phương
Tây, Matxcơva lao vào lò lửa Afghanistan, khiến cho giọt nước tràn ly.
Phải
chăng Trung Quốc đang phạm phải cùng một sai lầm, khi khai thác quá mức
đại dịch ? Trong chế độ cộng sản, nhân tố ý thức hệ là cốt yếu, là lý
do tồn tại. Tập Cận Bình có thể có cùng lý lẽ với các đồng nhiệm Kremlin
ngày xưa. Dưới sự lãnh đạo của ông ta, tin rằng chủ nghĩa tư bản đang
suy tàn, Trung Quốc dấn mạnh những con cờ để trả thù lịch sử. Hoàn Cầu
Thời Báo ngạo mạn cho rằng thời cơ đã đến cho « toàn cầu hóa theo kiểu
Trung Quốc », trong lúc phương Tây suy sụp.
Hai
sự kiện gần đây là minh chứng. Tại Hồng Kông, Bắc Kinh lợi dụng thế
giới đang tập trung vào dịch virus corona, để bắt giữ các nhà lãnh đạo
phong trào dân chủ. Tại Anh, tranh thủ lúc thủ tướng Boris Johnson phải
nhập viện, Trung Quốc âm mưu thâu tóm một nhà sản xuất chip điện tử có
giá trị công nghệ cao của Anh.
Theo
tác giả Thierry Wolton, Trung Quốc phải là mối quan tâm lớn nhất của
thế giới. Chỉ có sự cứng rắn của các nước dân chủ phương Tây mới chặn
đứng được tham vọng của Tập Cận Bình, như đã chặn Brejnev trước đây.
Sau
cuộc khủng hoảng dịch tễ này, Trung Quốc cũng bị yếu đi, Bắc Kinh cũng
lệ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu qua các thị trường tư bản, như các
nước này cần sản phẩm Trung Quốc. Chưa hẳn đã « mèo nào cắn mỉu nào »
như Bắc Kinh vẫn nghĩ.
(RFI)
Không có nhận xét nào