Header Ads

  • Breaking News

    Lê Phan: Oái oăm

    Bình thường tôi thích chọn đọc những cuốn truyện có tính cách giúp mình quên đi thời sự và quên đi những tin tức mà hằng ngày mình phải đối diện. J K Rowling, J.R.R. Tolkien được tôi nghiền ngẫm vì giúp mình quên đi thực tại, chìm đắm trong một thế giới mà thiện ác rõ rệt và cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác.
    Lê Phan: Oái oăm
    Nhưng từ đại dịch đến nay tự nhiên tôi có cảm tưởng tội lỗi khi đọc loại truyện bỏ trốn đó. Tình cờ một hôm tôi đọc được một bài điểm báo về cuốn sách “The End of October” của ông Lawrence Wright. Cái tựa đề của mục trên website của đài phát thanh quốc gia NPR làm tôi tò mò. Tựa đề viết “Thật Là Dễ Sợ: Lawrence Wright Ước Gì Cuốn Tiểu Thuyết của Ông Về Đại Dịch Đã Đoán Sai.” Sau khi đọc bài phỏng vấn của NPR nói đến một cuốn truyện giả tưởng về một virus bí hiểm bắt đầu ở Á Châu, lan tràn toàn thế giới, làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe, phá hoại tan hoang nền kinh tế và làm cho nhiều người chết trên toàn thế giới, tôi tò mò phải tìm đọc cho bằng được.

    Vì thời buổi này không đến tiệm sách để ngồi nửa ngày đọc gần hết nửa cuốn sách rồi mới mang ra đi trả tiền, tôi đành phải lên Amazon mua, mặc dầu lâu nay từ chối mua sách trên Amazon để bảo vệ các tiệm sách khỏi bị cạnh tranh.

    Ngay đầu cuốn sách ông Wright viết “Độc giả thân mến, Những diễn biến được tả trong ‘The End of October’ có chủ đích là để đóng vai một câu chuyện đề phòng. Nhưng đời thực không luôn chờ đợi khuyến cáo.”

    Viết theo kiểu Tom Clancy với biến cố dồn dập như một cuốn phim hành động kinh dị, cuốn sách thật hấp dẫn. Đoạn đầu của cuốn sách đi sâu vào chi tiết của đại dịch, mà với tài của một phóng viên, ông đã vẽ lên những khung cảnh rất thật. Nhưng có lẽ cũng vì bản thân là một nhà báo, ông không thể nào chống lại được việc chia sẻ cùng độc giả vô số chi tiết về đại dịch, bệnh truyền nhiễm, kế hoạch y tế công cộng, những dự phòng thiên tai của chính phủ và vaccine mà ông đã đào ra sau những cuộc phỏng vấn chi tiết với các chuyên gia.

    Cũng có thể có nhiều độc giả sẽ cảm thấy có quá nhiều chi tiết chuyên môn, nhưng với ước muốn biết thêm về đại dịch, những chi tiết đó làm tôi thích thú. Nhất là những so sánh với đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

    Cuốn sách theo chân của ông Henry Parsons, một viên chức cao cấp của Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh CDC, trong khi ông cố kiểm soát loài virus bí hiểm và độc hại này. Phải nói ông Parsons không phải là Bác Sĩ Anthony Fauci, mà giống như Doctor Strange hơn: vô cùng tự tin, có tài, đầy kinh nghiệm và có lẽ hơi kiêu căng.

    Nhưng không như Jack Ryan hay James Bond, Parsons đã thất bại. Ông không giới hạn được virus. Nó nhảy từ Indonesia đi Saudi Arabia rồi toàn thế giới, và đột nhiên, nhiều triệu người chết. Dịch bệnh dẫn đến suy thoái kinh tế, và rồi đại suy thoái, dẫn đến chiến tranh quy ước, tấn công tin tặc và chiến tranh sinh học. Mọi sự leo thang rất nhanh không khác gì một cuốn phim 007.

    Đoạn sau tuy vậy đối với tôi đã trở thành không tưởng, chính ở đoạn đầu là nơi tác giả hấp dẫn tôi vì nó quá gần những sự thật đang diễn ra hàng ngày. Tất cả những công trình nghiên cứu thu lượm của ông Wright đã cho chúng ta cảm tưởng đang xem sự thật.

    Có một đoạn làm tôi bật cười: Một viên chức y tế ở trong phòng hành quân của Tòa Bạch Ốc, trình bày một cách đầy kịch tính cho một phó tổng thống Hoa Kỳ hoàn toàn kinh ngạc về điều mà Hoa Kỳ sẽ phải làm để chặn đà lây nhiễm. Trước những bộ mặt nghi ngờ, bà chuyên gia đó nói “Chúng ta cần phải yêu cầu dân chúng ở đâu yên đó.” Rồi bà tiếp “Đóng cửa biên giới, mọi cơ sơ thể thao và giải trí đóng cửa, mọi trường hợp không khẩn cấp ở bệnh viện phải cho xuất viện, đóng cửa trường học, mọi cuộc tụ tập công cộng phải hoãn lại.” Không ai trong phòng thực sự hiểu bà muốn nói gì – nhưng với chúng ta, đó đã là cuộc sống trong hai tháng qua.

    Với con virus tiểu thuyết ngày càng không kiểm soát được, câu chuyện của ông Wright vượt quá khung thời gian của chúng ta. Những nhân vật của ông trở thành tiên tri của ngày tận thế. Tôi lắc đầu khi cũng nhân vật đó khuyến cáo các viên chức Tòa Bạch Ốc về mất bao lâu mới có thể phát triển được vaccine và sản xuất đại trà vaccine đó. Tôi thở dài mỗi khi một nhân vật cả quyết là mỗi dại dịch toàn cầu sẽ trở lại, một lần và một lần nữa, trong nhiều đợt.

    Nhưng sau đoạn đó câu chuyện vượt khỏi khuyến cáo về một vụ bùng phát dịch bệnh để trở thành một thứ thriller kiểu Tom Clancy, và tác giả cho vào đủ thứ từ khủng bố kinh tế và Internet đến mọi sự leo thang vượt thực tế, ít nhất là chúng ta hy vọng vậy, khi tổng thống chảy máu mắt ngay giữa một bài diễn văn đọc ở Phòng Bầu Dục và những băng trẻ mồ côi lang thang trên đường phố của Atlanta. Thế là cuốn truyện đã đi vào khu vực giải trí kiểu bỏ trốn và tôi bỏ cuộc ở phần cuối.

    Có lẽ một lúc nào đó, khi đại dịch qua đi, tôi sẽ ôm nó lên phi cơ và đọc tiếp phần cuối.

    Cũng xin thêm điều kỳ lạ là ông Wright bắt đầu viết cuốn sách vào năm 2017 và đưa bản thảo cuối cùng cho nhà xuất bản vào mùa Hè năm 2019. Ông bảo với NPR là thời điểm phát hành cuốn sách -ngay giữa đại dịch – là một sự trùng hợp hoàn toàn tình cờ.

    Nhưng ông khẳng định với NPR “Sự song song với những gì thực sự xảy ra trong đời sống thật, đó không phải trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi nghiên cứu rất kỹ và tôi nói với những người đã biết chuyện gì sẽ xảy ra. Họ trình bày cho tôi… Thành ra sự kiện xảy ra như họ đề nghị nó sẽ xảy ra và việc tôi phản ảnh trong cuốn tiểu thuyết chả có gì là đáng ngạc nhiên cả.”

    Ông kể với NPR là khi thấy những khía cạnh của câu chuyện của ông thành sự thật ông cảm thấy “Rờn rợn. Kinh sợ. Ở một khía cạnh nào đó tôi tự tính điểm: Điều gì tôi đúng và điều gì tôi sai? Mặt khác tôi kinh sợ về những sự trùng hợp này và tôi hy vọng nó không trở thành tệ như tôi tiên đoán. Nhưng quý vị biết, đây chỉ muốn là một lời báo động.”

    Ông giải thích tại sao ông đúng “Tôi đã dùng một số những bộ óc tài ba nhất nước, hầu hết họ làm việc trong chính phủ cách này hay cách khác… Sự khác biệt duy nhất giữa tôi và những người trong chính phủ là tôi nghe và tin những chuyên gia này, và quý vị phải hiểu, cuốn tiểu thuyết phản ảnh sự lo âu mà họ trình bầy với tôi.”

    Ông giải thích là ông chọn đề tài này khi Sir Ridley Scott, nhà đạo diễn chuyên làm phim kinh dị người Anh hỏi ông về một câu chuyện ông đọc trong đó hai bố con đi lang thang trong sự đổ vỡ của văn minh nhưng không có câu trả lời cho tại sao có sự đổ vỡ đó. Ông nghĩ sự đổ vỡ đó có lẽ đến từ một đại dịch.

    Ông cũng kể là sở dĩ ông chọn đề tài này là vì ông luôn thích y khoa. Khi còn là một phóng viên mới vào nghề ông làm cho một tờ báo ở Atlanta và đã viết một số bài về Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh CDC, và do đó ông luôn bị dịch bệnh học và những người làm việc trong khu vực đó quyến rũ. Ông nói ông bắt đầu như ông làm một bài phóng sự cho tạp chí The New Yorker và đi hỏi các chuyên gia.

    Khi được hỏi điều ông không tiên đoán trong cuốn sách thì ông nói “Điều tôi không ngờ là tinh thần đoàn kết của những người bình thường tự cô lập mình – đôi khi ngược lại cả chính những đề nghị của chính phủ mình và khiến họ bị thiệt hại rất nhiều. Và điều đó đã thành công trong việc giữ cho số tử vong thấp.”
    Một điều nữa ông không ngờ là sự vắng mặt và thất bại của CDC. Ông nghĩ là CDC sẽ cầm đầu cố gắng chống đại dịch toàn cầu.

    Thế mới biết đời vẫn có những cái ngạc nhiên không tưởng tượng được.


    Nguồn : https://www.diendantheky.net/

    Không có nhận xét nào