Giới thiệu:
Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dự
kiến sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 2021. Vài tháng sau đó, một chính phủ
mới sẽ được thành lập để lãnh đạo đất nước cho đến năm 2026. Như thường
lệ, các thay đổi nhân sự nào được thông qua tại đại hội từ lâu đã trở
thành trung tâm chú ý của công chúng và tạo ra rất nhiều đồn đoán. Mặc
dù điều này hoàn toàn dễ hiểu nếu xét tính bí mật trong chính trị cấp
cao của Đảng cũng như tầm quan trọng của những thay đổi này đối với đất
nước, nó cũng mang lại cho các nhà phân tích Việt Nam một cơ hội để tìm
hiểu các động lực chính trị của đất nước, đồng thời đưa ra các đánh giá
về những thay đổi nhân sự này.
Bài
viết này phân tích các yếu tố định hình sự thay đổi lãnh đạo sắp tới
của ĐCSVN, triển vọng của các ứng cử viên hàng đầu và tác động đối với
chính trị Việt Nam. Bài viết mở đầu bằng cách thảo luận về cấu trúc nhân
sự cấp cao của ĐCSVN trước khi phân tích các thay đổi có khả năng xảy
ra trong Bộ Chính trị, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của cả
nước. Cuối cùng, bài viết điểm qua các ứng viên tiềm năng cho bốn vị trí
lãnh đạo cao nhất và triển vọng đắc cử của họ.
Cấu trúc quyền lực cấp cao: “tam trụ” hay “tứ trụ”?
Mọi
dự đoán về thay đổi lãnh đạo cấp cao sắp tới của Việt Nam cần phải tính
đến cấu trúc lãnh đạo ở nhóm đầu. Cấu trúc này sẽ định hình không chỉ
khả năng đáp ứng tiêu chuẩn và triển vọng của các ứng cử viên cho các vị
trí cao nhất mà còn cả động lực trong Bộ Chính trị và Ủy ban Trung
ương. Trước tháng 10 năm 2018, dàn lãnh đạo cao nhất của Việt Nam được
cấu trúc xung quanh mô hình truyền thống thường được gọi là “tứ trụ”.
Theo đó, bốn vị trí hàng đầu (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và
chủ tịch quốc hội) được nắm giữ bởi bốn chính trị gia khác nhau. Tuy
nhiên, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột qua đời vào tháng 9
năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Quốc hội bầu một tháng
sau đó để đồng thời nắm vị trí chủ tịch nước, qua đó chuyển cơ cấu lãnh
đạo cấp cao sang cấu trúc “tam trụ” trên thực tế. Do đó, một câu hỏi
quan trọng là liệu ĐCSVN sẽ duy trì cấu trúc quyền lực này hay quay trở
lại cấu trúc “tứ trụ” truyền thống tại Đại hội tiếp theo.
Khi
ông Nguyễn Phú Trọng được bầu vào vị trí chủ tịch nước, vấn đề cấu trúc
lãnh đạo tối cao của Việt Nam vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Một số nhà
phân tích và quan chức cấp cao đã nghỉ hưu công khai tán thành mô hình
“tam trụ”, cho rằng đã đến “thời điểm chín muồi” để Việt Nam để chuyển
sang mô hình này. Những người khác lại nghi ngờ, cho rằng đó là một biện
pháp tạm thời được đưa ra do tình thế chính trị. Các diễn biến cho tới
nay chỉ ra rằng ông Trọng chỉ giữ chức chủ tịch nước tạm thời và rất có
khả năng ĐCSVN sẽ quay lại mô hình “tứ trụ” truyền thống tại đại hội
tiếp theo.
Trước
tiên, bản thân ông Trọng đã bác bỏ việc “nhất thể hóa” hai vị trí, và
tuyên bố rằng ông chỉ đồng thời nắm giữ hai chức vụ một cách tạm thời do
tình thế. Thứ hai, chưa có thay đổi nào trong hiến pháp hoặc điều lệ
Đảng để thể chế hóa cấu trúc mới. Thứ ba, về mặt kỹ thuật, Văn phòng Chủ
tịch nước và Văn phòng Trung ương Đảng chưa được sáp nhập và vẫn hoạt
động độc lập, đồng thời không hề có một thảo luận nào về việc sáp nhập
hai cơ quan kể trên.
Nếu
nhìn lại, quyết định bầu ông Trọng vào vị trí chủ tịch nước thay vì tìm
kiếm một ứng cử viên khác dường như là một giải pháp xuất phát từ sự
tiện lợi chính trị cho ĐCSVN cũng như dàn lãnh đạo cao nhất. Việc thăng
chức cho một chính trị gia khác vào vị trí chủ tịch nước sẽ gây ra một
chuỗi thay đổi nhân sự cấp cao, vì Đảng sẽ phải tìm kiếm ứng viên để lấp
chỗ trống để lại bởi không chỉ vị chủ tịch nước mới mà còn cả những
người được bầu vào vị trí cũ của người đó. Những thay đổi như vậy thường
được lên kế hoạch trước và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành. Do
ông Trọng sẽ nghỉ hưu tại đại hội tiếp theo, những ứng viên hàng đầu
đang cạnh tranh để thay thế ông sẽ không muốn sự xuất hiện của một chính
trị gia mới trong nhóm “tứ trụ”. Đó là do bởi ứng viên cho vị trí tổng
bí thư thường được lựa chọn trong nhóm tứ trụ của nhiệm kỳ trước. Vì
vậy, sự xuất hiện một chủ tịch nước mới sẽ khiến cuộc đua trở nên cạnh
tranh hơn và làm giảm cơ hội đắc cử của họ.
Việc
quay lại mô hình “tứ trụ” cũng có khả năng được Bộ Chính trị và Ủy ban
Trung ương Đảng nhiệm kỳ mới ủng hộ vì nhiều lý do. Thứ nhất, vẫn còn
những lo ngại về hậu quả tiềm tàng lâu dài của việc tập trung quyền lực
quá mức nếu một chính trị gia đồng thời nắm giữ cả vị trí tổng bí thư
lẫn chủ tịch nước. Mặc dù hệ thống chính trị Việt Nam bị chi phối bởi
ĐCSVN, nhưng nhìn chung hệ thống chính trị Việt Nam vẫn “đa nguyên” hơn
so với hệ thống chính trị Trung Quốc, nơi cả hai vị trí này từ lâu được
nắm giữ bởi một chính trị gia duy nhất. Hơn nữa, trong hệ thống chính
trị Việt Nam, sự đồng thuận được đánh giá cao hơn so với lãnh đạo mạnh.
Cấu hình “tứ trụ” vì thế sẽ phục vụ tốt hơn cho các mục đích này và tạo
ra cơ chế “kiểm soát và cân bằng” hiệu quả hơn giữa các nhà lãnh đạo
hàng đầu. Thứ hai, có nhiều vị trí hàng đầu hơn có nghĩa là có nhiều dư
địa hơn cho Đảng để duy trì sự cân bằng giới tính và vùng miền. Đây là
một định hướng truyền thống của Đảng. Cuối cùng, việc có nhiều vị trí
hàng đầu hơn đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội thăng tiến hơn dành cho
các ủy viên Bộ Chính trị tương lai. Do đó, bản thân họ có động lực cá
nhân trong việc ủng hộ quay lại mô hình “tứ trụ”.
Bộ Chính trị nhiệm kỳ mới
Để
xác định được các ứng cử viên cho bốn vị trí hàng đầu, cần có cái nhìn
tổng quan về danh sách tiềm năng các ủy viên Bộ Chính trị tiếp theo vì
chỉ các ủy viên Bộ Chính trị mới được xem xét cho các vị trí này. Theo
Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, thời điểm tính độ tuổi tham gia
cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội
cấp trực thuộc Trung ương là tháng 9/2020. Như vậy, các ủy viên Bộ
Chính trị hiện tại đã đủ 65 tuổi trước thời điểm tháng 9/2020 sẽ phải
nghỉ hưu, ngoại trừ người được chọn để giữ vị trí tổng bí thư nhiệm kỳ
tiếp theo. Bảng 1 thể hiện danh sách 16 thành viên đang hoạt động của Bộ
Chính trị hiện tại và điều kiện về độ tuổi của mỗi người.
Bảng 1: Danh sách ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 đang hoạt động
Họ tên Ngày sinh Tuổi đến tháng 9/20 Chức vụ hiện tại Đủ điều kiện tái cử
- 1 Nguyễn Phú Trọng 14/04/1944 76 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Không
- 2 Nguyễn Xuân Phúc 20/07/1954 66 Thủ tướng Không
- 3 Nguyễn Thị Kim Ngân 12/04/1954 66 Chủ tịch Quốc hội Không
- 4 Trần Quốc Vượng 05/02/1953 67 Thường trực Ban Bí thư Không
- 5 Ngô Xuân Lịch 20/04/1954 66 Bộ trưởng Quốc phòng Không
- 6 Nguyễn Thiện Nhân 12/06/1953 67 Bí thư Thành ủy TPHCM Không
- 7 Tòng Thị Phóng 10/02/1954 66 Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Không
- 8 Trương Hòa Bình 13/04/1955 65 Phó Thủ tướng thường trực Không
- 9 Phạm Bình Minh 26/03/1959 61 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Có
- 10 Tô Lâm 10/07/1957 63 Bộ trưởng Công an Có
- 11 Võ Văn Thưởng 13/12/1970 49 Trưởng Ban Tuyên giáo Có
- 12 Phạm Minh Chính 10/12/1958 61 Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Có
- 13 Vương Đình Huệ 15/03/1957 63 Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Thủ tướng Có
- 14 Trương Thị Mai 23/01/1958 62 Trưởng Ban Dân vận Trung ương Có
- 15 Nguyễn Văn Bình 04/03/1961 59 Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Có
- 16 Hoàng Trung Hải 27/09/1959 61 Trưởng Ban Văn kiện Đại hội 13 Có
Trong
số 16 ủy viên, 8 người sẽ nghỉ hưu tại Đại hội Đảng tiếp theo. Tuy
nhiên, vì ứng cử viên cho vị trí tổng bí thư có khả năng được chọn từ
nhóm này, một trong số họ sẽ được miễn tiêu chí về độ tuổi. Tám thành
viên còn lại đáp ứng yêu cầu về độ tuổi có thể sẽ ở lại nhiệm kỳ tới,
ngoại trừ ông Hoàng Trung Hải, người bị kỷ luật vào tháng 1 vừa qua vì
những khuyết điểm trong điều hành thời ông còn làm phó thủ tướng trước
đây. Mặc dù ông không bị trục xuất khỏi Bộ Chính trị hiện tại, nhưng
việc ông bị cách chức Bí thư Hà Nội cho thấy cơ hội để ông được bầu lại
vào Bộ Chính trị tiếp theo sẽ rất thấp.
Số
lượng ủy viên Bộ Chính trị tiếp theo vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên,
con số này nhiều khả năng nằm trong khoảng từ 15 đến 19 như tại các kỳ
đại hội gần đây, tùy thuộc vào số lượng các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn và
kế hoạch chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược của Đảng. Điều này có nghĩa là
ngoài tám thành viên Bộ Chính trị đủ điều kiện tái cử, Đảng sẽ cần bổ
sung ít nhất bảy thành viên nữa vào Bộ Chính trị khóa mới. Các ứng cử
viên hàng đầu cho các vị trí này sẽ là các Bí thư Trung ương Đảng mà
hiện chưa là ủy viên Bộ Chính trị. Số này bao gồm:
Bảng 2: Danh sách Bí thư Trung ương Đảng chưa vào Bộ Chính trị
Họ tên Ngày sinh Tuổi đến 9/20 Chức vụ hiện tại
- 1 Lương Cường 15/08/1957 63 Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam
- 2 Nguyễn Văn Nên 14/07/1957 63 Chánh Văn phòng Trung ương Đảng
- 3 Nguyễn Hòa Bình 24/05/1958 62 Chánh án Tòa án Tối cao
- 4 Phan Đình Trạc 25/08/1958 62 Trưởng Ban Nội chính Trung ương
- 5 Nguyễn Xuân Thắng 18/02/1957 63 Giám đốc Học viện Chính trị Hồ Chí Minh
- 6 Trần Thanh Mẫn 12/08/1962 58 Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- 7 Trần Cẩm Tú 25/08/1961 59 Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Nếu
xét việc Đảng nhấn mạnh việc quy hoạch nhân sự cấp chiến lược trong
thời gian gần đây, Đảng có thể sẽ muốn bầu tối đa 19 ủy viên Bộ Chính
trị để có được một lực lượng nhân sự cấp chiến lược lớn hơn, qua đó có
nhiều lựa chọn hơn cho các vị trí lãnh đạo trong tương lai. Nếu vậy, một
số thành viên cấp cao khác của Ủy ban Trung ương cũng có thể được xem
xét. Họ bao gồm một số quan chức cấp cao của chính phủ và cơ quan đảng ở
cả cấp trung ương lẫn địa phương, chẳng hạn như các phó thủ tướng, bộ
trưởng/thứ trưởng các bộ chủ chốt, hay trưởng ban/phó ban các ban Đảng,
đặc biệt là những người trong tầm ngắm quy hoạch. Tuy nhiên, có lẽ vẫn
còn quá sớm để chỉ đích danh những người này vì đấu đá chính trị và
những diễn biến mới trong vài tháng tới vẫn có thể định hình tương lai
chính trị của họ theo những hướng khác nhau. Hơn nữa, việc lựa chọn các
ứng cử viên này có thể phụ thuộc vào việc phân bổ các ghế quan trọng
trong chính phủ và bộ máy đảng, cũng như liệu có còn các vị trí mà những
người nắm các ghế này cần phải là ủy viên Bộ Chính trị hay không. Vì
những dàn xếp như vậy dường như vẫn chưa xong nên vẫn cần thêm thời gian
để ban lãnh đạo đảng xác định đủ đội hình Bộ Chính trị nhiệm kỳ tiếp
theo.
Ứng cử viên cho các vị trí “tứ trụ”
Phần
này phân tích các ứng cử viên tiềm năng cho bốn vị trí trong nhóm “tứ
trụ”, tức tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.
Tổng bí thư
Như
đã nói, theo truyền thống, ứng viên cho vị trí tổng bí thư thường được
chọn trong số bốn chính trị gia hàng đầu của nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên,
Thường trực Ban Bí thư cũng có thể là một ứng viên đủ điều kiện. Chẳng
hạn, trước khi ông Lê Khả Phiêu được bầu làm tổng bí thư vào tháng 12
năm 1997, ông không nằm trong nhóm “tứ trụ” mà là Ủy viên Thường trực Bộ
Chính trị, một chức danh tương đương với chức Thường trực Ban Bí thư
hiện nay. Như vậy, ông Trần Quốc Vượng cũng sẽ là một ứng viên cho vị
trí tổng bí thư khóa mới.
Do
giới hạn nhiệm kỳ cũng như tuổi cao và sức khỏe yếu, ông Trọng sẽ nghỉ
hưu tại đại hội tiếp theo. Do đó, ba ứng viên thay thế cho ông sẽ là ông
Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Trần Quốc Vượng. Vì cả
ba đã quá 65 tuổi vào tháng 9 năm 2020, người được chọn nắm ghế tổng bí
thư sẽ được miễn giới hạn tuổi tác, còn hai người còn lại sẽ phải nghỉ
hưu.
Trong
số ba người, bà Ngân có vẻ bất lợi nhất. Trong lịch sử, kể từ khi thống
nhất đất nước năm 1975, vị trí tổng bí thư luôn được nắm giữ bởi một
người miền Bắc. Bà Ngân xuất thân từ tỉnh Bến Tre ở phía Nam. Hơn nữa,
chính trị cao cấp của Việt Nam vẫn bị áp đảo bởi các chính trị gia nam,
vì vậy cơ hội cho một nữ chính trị gia bước lên làm tổng bí thư vẫn còn
thấp ở thời điểm này.
Do
đó, ông Phúc và ông Vượng dường như là hai ứng viên hàng đầu. Nếu Đảng
giữ cấu trúc “tam trụ”, ông Phúc có thể có cơ hội cao hơn nhờ kinh
nghiệm phong phú hơn ở cả cấp địa phương lẫn trung ương, cũng như sự ủng
hộ mạnh hơn đến từ các chính trị gia địa phương và cộng đồng doanh
nghiệp nhờ việc ông đã phục vụ lâu năm trong hệ thống hành pháp. Tuy
nhiên, nếu Đảng quay lại mô hình “tứ trụ”, ông Vương có thể có lợi thế
lớn hơn. Việc thiếu kinh nghiệm hành pháp hay địa phương của ông sẽ
không còn bị coi là điểm yếu, trong khi gốc gác miền Bắc và thâm niên
hoạt động trong bộ máy Đảng của ông sẽ trở thành lợi thế.
Quan
trọng hơn, nếu xét chiến dịch chống tham nhũng cấp cao dưới sự lãnh đạo
của ông Trọng và việc Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ chống tham nhũng, rất có
khả năng ông Trọng muốn người kế nhiệm sẽ duy trì di sản của mình và
tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng. Ông Vượng, người từng là Viện
trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương,
có thể được coi là đáp ứng nhiều điều kiện hơn để thay thế ông Trọng.
Với việc ông Trọng đang nắm quyền kiểm soát ở mức cao đối với hoạt động
của Đảng, đặc biệt là trong vấn đề nhân sự, ông Trọng sẽ là người có
tiếng nói quyết định đối với việc lựa chọn người kế nhiệm mình. Như vậy,
ứng viên nào được ông hậu thuẫn sẽ có cơ hội thắng cử cao hơn.
Thủ tướng
Do
vị trí này đòi hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là về quản lý kinh tế, từ năm
1986 đến nay vị trí này luôn được trao cho vị phó thủ tướng phụ trách
các vấn đề kinh tế. Do ông Hoàng Trung Hải, người từng giữ chức phó thủ
tướng từ năm 2007 đến 2016, đã bị kỷ luật, ông sẽ không được xem xét cho
vị trí này. Trong số sáu ủy viên Bộ Chính trị còn lại hiện nay, chỉ có
ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Bình Minh là phó thủ tướng. Tuy nhiên, do
ông Minh chủ yếu phụ trách các vấn đề đối ngoại, ông Huệ, người giám
sát các vấn đề kinh tế và tài chính và từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính
nhiệm kỳ 2011-2016, trở thành ứng viên mạnh nhất cho vị trí này. Tại kỳ
họp Quốc hội tới, ông Huệ sẽ được miễn nhiệm chức phó thủ tướng để ông
tập trung vào nhiệm vụ Bí thư Hà Nội. Tuy nhiên, điều này sẽ khó ảnh
hưởng đến cơ hội trở thành thủ tướng tiếp theo của ông, trừ trường hợp
đương kim thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa, một
điều vẫn có xác suất xảy ra dù thấp, chỉ khi Ban Chấp hành Trung ương
chấp nhận có hai ngoại lệ về giới hạn tuổi tác trong Bộ Chính trị khóa
tới.
Chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội
Ai
trong số sáu ủy viên còn lại của Bộ Chính trị sẽ được đề bạt cho hai vị
trí này vẫn còn chưa rõ ràng. Các yêu cầu đối với hai vị trí này dường
như thấp hơn, và trong quá khứ, các chính trị gia có nền tảng và con
đường sự nghiệp rất khác nhau đã từng được bầu.
Đối
với vị trí chủ tịch nước, các ứng cử viên chính bao gồm ông Phạm Bình
Minh, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, ông Phạm Bình Minh,
một nhà ngoại giao kỳ cựu có trình độ tiếng Anh tốt, dường như là ứng
viên nổi bật nhất. Vì chủ tịch nước sẽ phải tham gia vào nhiều hoạt động
đối ngoại, bao gồm các chuyến thăm song phương và tham dự các sự kiện
đa phương, ông Minh sẽ có lợi thế đáng kể so với hai ứng cử viên còn
lại.
Đối
với vị trí chủ tịch Quốc hội, ngoại trừ ông Võ Văn Thưởng, người có
tuổi đời còn khá trẻ có thể là một bất lợi đối với ông, các ủy viên Bộ
Chính trị còn lại (Phạm Bình Minh, Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Trương Thị
Mai, Nguyễn Văn Bình) đều có cơ hội khá cân bằng để được xem xét cho vị
trí này. Họ đều là đại biểu quốc hội và có những ưu thế riêng để được
cân nhắc. Tuy nhiên, các yếu tố khác liên quan đến nền tảng nghề nghiệp,
các mối quan hệ trước đây, cũng như khả năng cân nhắc họ cho các vị trí
khác, đều có thể ảnh hưởng đến cơ hội của họ. Chẳng hạn, trong khi ông
Minh có thể được đề cử vào vị trí chủ tịch nước, thì mối quan hệ thân
thiết với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của ông Bình và việc ông Lâm bị
cho là chịu một phần trách nhiệm liên đới với các vấn đề tham nhũng
trong quá khứ tại Bộ Công an có thể là “gánh nặng” đối với cả hai người.
Do đó, bà Mai và ông Chính dường như là hai ứng viên sáng cửa nhất cho
vị trí này. Nếu Đảng ưu tiên một nữ chính trị gia để đảm bảo mức độ bình
đẳng giới nhất định trong nhóm “tứ trụ”, bà Mai sẽ là ứng cử viên nặng
ký hơn. Nếu không, ông Chính sẽ có cơ hội đắc cử cao hơn.
Kết luận
Không
giống như tại Đại hội 12 khi có sự cạnh tranh gay gắt giữa hai nhóm do
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu,
môi trường chính trị của Việt Nam trước thềm Đại hội 13 tương đối yên
ắng, với việc ông Trọng kiểm soát chặt chẽ việc chuẩn bị cho đại hội. Vì
vậy, các vị trí nhân sự cho nhiệm kỳ tiếp theo nhiều khả năng sẽ được
sắp xếp thuận lợi. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các chính trị gia hay
các nhóm nhất định, cộng với các sự cố bất ngờ có thể xảy ra trong mấy
tháng tới, vẫn có thể tác động vào quá trình này. Việc Đảng quay lại với
mô hình “tứ trụ” dù khả năng cao sẽ xảy ra nhưng vẫn cần phải được xác
nhận tại đại hội.
Một
vấn đề cần được giải quyết trong nhiệm kỳ tới là sự thưa thớt các chính
trị gia miền Nam trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng. Nếu ông Võ Văn
Thưởng được yêu cầu chờ đến lượt mình vào năm 2026, sẽ không có chính
trị gia miền Nam nào trong nhóm “tứ trụ” của nhiệm kỳ tiếp theo. Tương
tự, nếu không có thay đổi lớn diễn ra trong vài tháng tới, có khả năng
sẽ chỉ có khoảng ba chính trị gia miền Nam trong Bộ Chính trị khóa mới.
Có một cơ cấu lãnh đạo cân bằng vùng miền trong các cơ quan quyền lực
cấp quốc gia là một trong những mục tiêu của Đảng, nhưng dường như việc
thiếu các ứng viên đủ điều kiện xuất thân từ miền Nam đang khiến mục
tiêu này khó đạt được trong tương lai gần.
Do
đó, việc xác định và đào tạo các chính trị gia có năng lực xuất thân từ
miền Nam nên là một nhiệm vụ quan trọng đối với ban lãnh đạo tiếp theo
để khôi phục sự cân bằng vùng miền trong dàn lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Nếu không, sự vắng bóng kéo dài của đại diện miền Nam trong các thể chế
chính trị hàng đầu, cùng với một số chính sách kinh tế được cảm nhận là
thiếu công bằng đối với các tỉnh thành phía Nam, có thể tạo ra những
tình cảm không lành mạnh trong người dân và các chính trị gia miền Nam,
từ đó có thể làm nảy sinh các vấn đề tiềm tàng cho đất nước trong tương
lai.
Lê Hồng Hiệp
(Nghiên cứu Quốc tế)
Không có nhận xét nào