Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 18 tháng 5 năm 2020

    Lộ thư mật ĐCS Trung Quốc gửi Tổng giám đốc WHO để ngăn cản Đài Loan tham gia Hội nghị Y tế Thế giới

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 18 tháng 5 năm 2020

    Cách đây vài ngày, lá thư bí mật của ĐCS Trung Quốc gửi Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros yêu cầu không cho Đài Loan tham gia Hội nghị Y tế Thế giới, đã bị lộ (Ảnh: Naohiko Hatta - Pool/Getty Images)

    Hội nghị Y tế Thế giới (WHA ) sẽ được tổ chức vào ngày 18/5. Một số quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á đã lên tiếng ủng hộ Đài Loan tham dự hội nghị lần này, nhưng đến nay Đài Loan vẫn chưa nhận được lời mời. Cách đây vài ngày, một bức thư bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gửi cho Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros, đã bị lộ. Trong thư, ĐCSTQ yêu cầu không cho Đài Loan tham gia Hội nghị và cứng rắn yêu cầu ông Tedros phải tuân thủ nguyên tắc ‘một Trung Quốc’.

    Vào ngày 15/5, tạp chí Hoa Kỳ Foreign Policy đã tiết lộ bức thư mật của ĐCSTQ. Trong thư, Bắc Kinh yêu cầu chính phủ của tất cả các nước đã gửi thư chung cho ông Tedros không được nêu các vấn đề về Đài Loan tại hội nghị, và phải tuân thủ nguyên tắc "một Trung Quốc".

    Bức thư viết: "Sự tham gia của Đài Loan vào WHA cần tuân theo nguyên tắc ‘một Trung Quốc’. Nhưng chúng tôi đã biết được rằng một số quốc gia thành viên có ý định nêu ra vấn đề tham gia của Đài Loan khi khai mạc Hội nghị. Điều này đi ngược lại với sự đồng thuận chung của các quốc gia thành viên, và không nên đưa ra vấn đề gây tranh cãi nào trong hội nghị trực tuyến".

    Trong thư, ĐCSTQ cũng kêu gọi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tuân thủ nguyên tắc "Một Trung Quốc" về vấn đề Đài Loan, và lấy cớ "đối mặt với những thách thức chưa từng có", các nước nên tập trung chống dịch bệnh thay vì để cho những thao túng chính trị làm phân tâm.

    ĐCSTQ cũng yêu cầu chính phủ của tất cả các quốc gia ký bức thư này để gây áp lực với WHO không nêu ra vấn đề "khôi phục lại vị trí quan sát viên của Đài Loan trong WHO" tại Hội nghị.

    Trung Quốc tăng cường nhập khẩu thực phẩm để dự trữ trong nước vì lo sợ COVID-19 bùng phát tiếp


    Theo Reuters, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy thương nhân nhà nước và các cơ sở tư nhân tăng cường nhập khẩu đậu nành, dầu đậu nành và ngô trong những ngày gần đây.

    Một công ty xuất nhập khẩu lâu năm tại Trung Quốc cho biết chính phủ nước này khuyến khích các cơ sở thu mua với số lượng lớn hơn mức bình thường. Ông giải thích rằng tình hình tại Brazil có vẻ bất ổn vì coronavirus, trong khi đó, Brazil được xem là đầu mối cung cấp đậu nành và thịt chính cho toàn Trung Quốc. Hiện tại, số ca nhiễm COVID-19 tại Brazil đã vượt qua Tây Ban Nha và Ý.

    Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã đặt một khối lượng lớn kỷ lục thịt lợn từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của COVID-19 tại Mỹ khiến nhiều lò mổ bị ảnh hưởng, số lượng thịt sản xuất bị cắt giảm mạnh. Điều này làm dấy lên lo ngại về căng thẳng thương mại mới, khi Hoa Kỳ không thể tăng khối lượng thịt được sản xuất để đảm bảo nguồn lương thực trong nước nhưng vẫn phải duy trì xuất khẩu theo đơn hàng lớn cho phía Trung Quốc.

    New York Times và hàng loạt báo quốc tế nộp đơn xin mở văn phòng ở Đài Loan
    Một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Đài Loan. Ảnh: MOFA.gov.tw.

    Hôm thứ Sáu tuần trước, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết tờ New York Times và sáu báo nước ngoài khác đã nộp đơn xin mở văn phòng ở Đài Loan, sau khi một số nhà báo của họ bị Trung Quốc cấm cửa từ tháng Ba, theo Taipei Times.

    New York Times cho biết họ vẫn duy trì văn phòng ở Bắc Kinh và Thượng Hải và “hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép tất cả các nhà báo của họ trở lại”.

    New York Times cùng với Washington Post và Wall Street Journal là ba tờ báo bị Trung Quốc hạn chế tác nghiệp từ tháng Ba vừa qua, sau khi Mỹ có lệnh hạn chế tương tự với bốn hãng truyền thông của Trung Quốc.

    Đài Loan nhanh chóng lên tiếng kêu gọi các báo quốc tế chuyển văn phòng sang đảo quốc này, với cam kết tôn trọng tự do báo chí. Hòn đảo tự trị này được đánh giá là có môi trường báo chí tự do nhất châu Á. Hiện đã có 59 hãng tin của 16 nước mở văn phòng ở Đài Loan.

    Anh sẽ có quyền tiếp cận đầu tiên nếu vaccine tiềm năng của Đại học Oxford cho kết quả thử nghiệm khả quan
    Ảnh: Reuters.

    Đại học Oxford đã ký một thoả thuận cấp phép toàn cầu với công ty dược phẩm U.K AstraZeneca của nước này để sản xuất 100 triệu liều vaccine tiềm năng mà Oxford đang phát triển.

    Alok Sharma, Bộ trưởng Bộ Chiến lược Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp của Anh cho biết nếu vaccine của đại học Oxford có hiệu quả, người dân Anh sẽ có quyền tiếp cận đầu tiên. Bên cạnh đó, ông tiết lộ phía AstraZeneca sẽ dành đến 30 triệu liều vaccine cho riêng Vương quốc Anh theo như thoả thuận.

    Các nhà nghiên cứu tại Oxford và Đại học Hoàng gia London sẽ nhận được 101 triệu USD tiền tài trợ của chính phủ để phát triển vaccine. Loại vaccin tiềm năng mà Oxford đang nghiên cứu đã được đưa vào thử nghiệm vào tháng trước.

    Covid-19 : Thái Lan mở cửa trung tâm thương mại, lấy lại nhịp sống
    Robot "K9" cung cấp nước rửa tay khô trong trung tâm thương mại Central World, tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17/05/2020. REUTERS - ATHIT PERAWONGMETHA

    Các trung tâm thương mại tại Thái Lan được phép mở cửa trở lại từ ngày 17/05/2020 sau một thời gian đóng cửa trong khuôn khổ phòng chống dịch Covid-19, khiến 3.025 người dân Thái bị nhiễm và 56 bệnh nhân tử vong. Đây là một bước để trở lại cuộc sống bình thường và được giới kinh doanh nóng lòng chờ đợi.

    Từ Chủ Nhật 17/05, các bể bơi, phòng tập thể thao, bảo tàng và nhà hàng có máy điều hòa cũng được mở cửa trở lại. Giờ giới nghiêm cũng được lùi thêm một tiếng, từ 22 giờ sang 23 giờ. Tóm lại, cuộc sống gần như trở lại với “thế giới trước đây”, dù biên giới vẫn bị đóng cửa ít nhất là tới cuối tháng Sáu.

    Chính phủ cũng thông báo du khách châu Á, trong đó có Trung Quốc, sẽ được trở lại Thái Lan trước du khách châu Âu. Tại Quốc Hội, nhiều dân biểu bắt đầu thảo luận về dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp”.

    Nhật Bản : Suy thoái kinh tế vì Covid-19

    Màn hình lớn chiếu cảnh thủ tướng Nhật Shinzo Abe họp báo về dịch Covid-19, trên một phố ở khu Kabukicho, Tokyo, Nhật, ngày 14/05/2020 REUTERS - ISSEI KATO

    Tăng trưởng của Nhật giảm trong hai quý liên tiếp, GDP trong ba tháng đầu năm 2020 sụt giảm 3,4 %. Theo thống kê sơ bộ của chính phủ Nhật được công bố ngày 18/05/2020 nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới chính thức lâm vào suy thoái chủ yếu do tác động virus corona gây nên. Tuy nhiên giới phân tích lo ngại tình hình sẽ xấu đi nghiêm trọng trong ba tháng sắp tới.

    "Theo giới phân tích tại Tokyo, kinh tế Nhật sẽ giảm 22 % tính theo nhịp độ của cả năm trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2020. Đây sẽ là mức sụt giảm tệ hại nhất trong lịch sử. Tiêu thụ chiếm đến một nửa nền kinh tế Nhật bị sa sút do biện pháp tăng thuế trị giá gia tăng TVA đang từ 8 lên 10 % được áp dụng từ tháng 10 năm ngoái, thêm vào đó và chủ yếu là do khủng hoảng về y tế. Kim ngạch xuất khẩu giảm 6 % trong ba tháng đầu năm 2020. Tập đoàn xe hơi Toyota dự phóng mức lãi giảm 80 % trong năm nay, tức là tính cho tới cuối tháng 3/2021.

    Ông Pompeo: Nhà báo Mỹ không phải cán bộ tuyên huấn của Bắc Kinh

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm Chủ nhật nói rằng ông nhận thấy chính phủ Trung Quốc đã đe dọa can thiệp vào công việc của các nhà báo Hoa Mỹ tại Hồng Kông, và cho biết bất kỳ quyết định nào của Bắc Kinh về quyền tự trị của Hồng Kông có thể ảnh hưởng đến đánh giá của Hoa Kỳ về trạng thái của hòn đảo bán tự trị này, theo Reuters.

    “Những nhà báo này là thành viên của một nền báo chí tự do, không phải là cán bộ tuyên huấn [của Bắc Kinh], các báo cáo có giá trị của họ cung cấp thông tin cho công dân Trung Quốc và thế giới”, ông Pompeo tuyên bố.

    Hôm 6/5, ông Pompeo cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang trì hoãn báo cáo gửi Nghị viện Mỹ về việc đánh giá tình hình của Hồng Kông, để tiếp tục theo dõi thái độ của Bắc Kinh đối với quyền tự trị của hòn đảo trong các cuộc họp quan trọng của Quốc hội Trung Quốc diễn ra vào cuối tháng này.

    Triều Tiên kêu gọi người dân tin vào chủ nghĩa xã hội


    Tờ Lao động Tân Văn của Triều Tiên, hôm Chủ nhật, đăng một bài viết kêu gọi người dân Bắc Hàn hãy tiếp tục đặt niềm tin mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội khi đối mặt với những thách thức, nói rằng không có chướng ngại nào là không thể vượt qua nếu như có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của chính mình, theo Yonhap.

    Tờ báo là cơ quan ngôn luận của đảng Lao động cầm quyền ở Triều Tiết viết: “Niềm tin và ý chí của nhân dân ta là vững chắc và mạnh mẽ, [đây là cơ sở] mở ra con đường hướng tới một chiến thắng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vượt qua khủng hoảng khắc nghiệt dưới sự lãnh đạo của đảng ta”.

    Bài viết của Lao động Tân văn thường xuyên lặp lại những cụm từ như “khủng hoảng khắc nghiệt”, “những thách thức và áp lực khó khăn không thể chịu đựng” và “nghịch cảnh khó khăn chưa từng thấy” để mô tả các tình huống mà chế độ đang cầm quyền ở Triều Tiên phải đối mặt ở thời điểm hiện tại.

    Thế giới ủng hộ Đài Loan tham gia hoạt động của WHO

    Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không nên để Đài Loan bên ngoài chiến dịch chống dịch viêm phổi Vũ Hán, theo bản tin hôm Chủ nhật của Fox News.

    Trong một lá thư gửi WHO vào tuần trước, Hoa Kỳ đã kêu gọi các đồng minh ủng hộ quan điểm rằng Đài Loan nên được tham gia vào các hoạt động chống dịch Covid-19 của WHO.

    Nhiều quốc gia đã hồi đáp tích cực đề nghị của Mỹ, họ đồng ý rằng Đài Loan cần được tham gia vào một hội nghị video được WHO tổ chức vào thứ Hai. Đại sứ quán Anh, Đức tại Đài Bắc đã ra các tuyên bố ủng hộ việc này, bên cạnh đó Đài Loan cũng nhận được sự ủng hộ của Canada, Nhật, Úc và EU.

    Hiện Đài Loan được xem là một trong những vùng lãnh thổ phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán hiệu quả nhất thế giới. Tuy nhiên, do sức ép từ Bắc Kinh, hòn đảo này không được tham gia bàn thảo các biện pháp đẩy lùi dịch Covid-19 của WHO.

    Đại sứ Trung Quốc tại Israel tử vong tự nhiên

    Những dấu hiệu ban đầu cho thấy cái chết của ông Du Wei – Đại sứ Trung Quốc tại Israel, vào hôm Chủ nhật, là vì nguyên nhân tự nhiên, một quan chức Israel cho biết, theo Reuters.

    Một phát ngôn viên của cảnh sát Israel đã xác nhận cái chết của vị Đại sứ Trung Quốc 57 tuổi tại một căn hộ ở ven biển Herzliya, ngoại ô thủ đô Tel Aviv của Israel. Vợ và con của ông Du không sống cùng ông tại Israel.

    Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đăng một dòng tweet bày tỏ sự “chia buồn sâu sắc nhất” đối với sự ra đi của đồng nghiệp, tuy nhiên không cung cấp thông tin chi tiết về cái chết của ông Du.

    Nhân viên nhiễm nCoV, MacDonald Úc đóng cửa


    Mười hai cửa hàng McDonald đã bị đóng cửa ở bang Victoria, Úc, do tài xế xe tải của chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng này bị nhiễm virus Vũ Hán, theo bản tin hôm Chủ nhật của SBS News.

    McDonald cho biết chưa phát hiện nhân viên nào khác bị dương tính với nCoV, trấn an rằng khách hàng của họ có thể vẫn an toàn, và cho biết thêm những nhân viên có nguy cơ nhiễm bệnh đã được cách ly.

    Bộ Y tế Úc xác nhận tài xế nhiễm nCoV của McDonald bị lây nhiễm virus từ một công nhân làm việc tại Fawkner McDonald, nơi đã phát hiện 10 trường hợp mắc Covid-19 vào ngày 9/5.

    Cộng đồng Hoa kiều ở Mỹ yêu cầu chính quyền Trung Quốc bồi thường vì gây ra đại dịch

    Một cảnh ở khu phố Tàu của Mỹ (ảnh: Eduardo Santos/Unsplash).

    Khi các quốc gia trên thế giới đệ đơn kiện đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì đã gây ra đại dịch toàn cầu, nhiều cộng đồng Hoa kiều ở Mỹ cũng làm tương tự, đòi ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm và bồi thường. Kể từ ngày 28/4, một vụ kiện đã chính thức bước vào quá trình xét xử.

    Người Mỹ gốc Hoa từ một số nơi ở Hoa Kỳ đã lập ra một nhóm để kiện chính quyền Trung Quốc và lãnh đạo Tập Cận Bình vì đã khiến dịch bệnh lây lan ra toàn cầu. Nhóm bày tỏ rằng ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm vì đã “lừa dối người dân trong và ngoài nước, che đậy sự thật, cũng như gây ra những tổn thất không thể khắc phục về mạng sống con người và kinh tế”.

    Nhóm này nói rằng “các công dân Trung Quốc không có quyền tự do ngôn luận, và hành động của ĐCSTQ trong việc bắt giữ các bác sĩ để dập tắt những tin đồn đã gây ra sự lây lan của virus corona”. Nhóm hiện có hơn một trăm thành viên và đã thuê Công ty Luật Berman đại diện cho họ.

    Trước đây, một số nơi đã kiện ĐCSTQ về sự bùng phát virus, bao gồm hai tiểu bang của Hoa Kỳ và các vụ kiện tập thể của khoảng 10.000 người đến từ 40 quốc gia như Mỹ, Anh, Ấn Độ, Châu Phi, v.v… Theo ông Zhang Jian, chuyên gia về Trung Quốc, sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các vụ kiện của các thực thể khác nhau sẽ tạo áp lực lớn lên chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ các vụ kiện chống lại ĐCSTQ, nhưng trong quá trình này, ĐCSTQ sẽ tiếp tục dựng chuyện dối trá để đổ tội cho nước khác, và người dân thế giới sẽ thấy được bản chất thực sự của nó.

    Zhou Fengsuo, chủ tịch Tổ chức nhân đạo Trung Quốc của người Mỹ gốc Hoa nói rằng ĐCSTQ đã biết về virus này khi nó mới bùng phát. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không đưa ra thông báo công khai kịp thời khiến cho người dân Trung Quốc đại lục phải trả giá đồng thời gây ra đại dịch trên toàn cầu.

    ‘Tư lệnh ngành đóng tàu’ Trung Quốc ngã ngựa, các sĩ quan cao cấp đứng ngồi không yên

    Hồ Vấn Minh trả lời phỏng vấn CCTV trên công trường đóng tàu sân bay Sơn Đông (Ảnh: CCTV dẫn qua Viet Times).

    Ngày 12/5, ông Hồ Vấn Minh (Hu Wenming), nguyên Bí thư, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp nặng – Đóng tàu Trung Quốc (The China Shipbuilding Industry Corporation, CSIC), một doanh nghiệp siêu lớn đặt dưới sự quản lý của Quốc Vụ viện Trung Quốc, đã bị ngã ngựa.

    Trước thềm “Lưỡng hội”, đấu đá quyền lực cấp cao nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) càng thêm ác liệt, cựu trung tá Bộ Tư lệnh Hải quân Diêu Thành tiết lộ, bây giờ các sĩ quan cao cấp của ĐCSTQ đều đang đứng ngồi không yên.

    “Tư lệnh ngành đóng tàu” Hồ Vấn Minh là đồng hương Dương Châu của ông Giang Trạch Dân – cựu lãnh đạo của ĐCSTQ, quan lộ thăng tiến lên trong thời gian ông Giang nắm quyền. Thời mà ông Quách Bá Hùng – thân tín của ông Giang Trạch Dân, đảm nhận chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Hồ Vấn Minh tiếp quản Tổng cục Vũ trang và lần lượt nắm trong tay bốn doanh nghiệp công trình quân sự lớn của ĐCSTQ.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào