Tháng Tư này thời sự nóng bỏng nhất
vẫn là diễn tiến tình hình dịch bệnh virus corona trên thế giới, đặc
biệt là tại Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý của các nhà
quan sát là cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Sau thương
mại, công nghệ, và quân sự, Washington và Bắc Kinh nay tiếp tục đối đầu
trên cả mặt trận y tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương bên lề thượng đỉnh G20, Osaka, Nhật Bản, 29/06/2019. |
Hai đích ngắm
Nhật
báo công giáo La Croix trong một số báo ra tháng 4/2020 khẳng định : «
Virus corona, chất xúc tác của cuộc đối đầu Mỹ - Trung ». Tổng thống Mỹ
Donald Trump sau một thời gian khen ngợi cách xử lý dịch bệnh của chủ
tịch Tập Cận Bình, bỗng chốc đổi giọng, gọi Covid-19 là « virus Trung
Quốc » và chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh « nói dối số liệu, che giấu thông
tin » để dịch bệnh lây lan khắp thế giới. Nguyên thủ Mỹ còn đi xa hơn,
đòi điều tra về nguồn gốc virus và nhất là thông báo đình chỉ đóng góp
tài chính cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO)bị cáo buộc « theo đuôi » Trung
Quốc.
Chính
quyền Bắc Kinh ngay sau đó thông báo hỗ trợ thêm cho WHO 30 triệu đô
la. Trước đó, Trung Quốc cũng « phản pháo » đáp trả, cáo buộc Hoa Kỳ đã
chế tạo và mang virus vào lãnh thổ Trung Quốc. Theo Bắc Kinh, dịch virus
corona đã bắt đầu từ Mỹ. Và đỉnh điểm của cuộc khẩu chiến là hai bên
lần lượt cho trục xuất các nhà báo của đối phương.
Một
số nhà quan sát cho rằng khi chơi lá bài « mối họa Trung Quốc », ông
Donald Trump tìm kiếm cho mình một « vật tế thần » để xua tan những lời
chỉ trích về việc chậm trễ phản ứng trong xử lý dịch bệnh. Vậy ai thua,
ai thắng ? Nhà địa chính trị học Pascal Boniface, Viện Nghiên Cứu Quốc
Tế và Chiến Lược (IRIS), phân tích :
«
Trên thực tế, Donald Trump và Tập Cận Bình không cùng chơi trên một địa
bàn và trong cùng một cuộc cạnh tranh. Donald Trump chỉ chăm chăm nhắm
vào các cử tri của mình, ông ấy đang trong giai đoạn vận động tranh cử.
Mà các cử tri của ông lại ghét cay ghét đắng các định chế quốc tế này.
Họ
có cảm giác là những định chế này gây trở ngại chủ quyền của Mỹ, rằng
những tổ chức đó cản trở Mỹ thực thi các quyền tự do ra quyết định và
nhất là các định chế nào đến hỗ trợ các nước Nam Mỹ. Họ cho rằng sự hỗ
trợ này là không hợp lẽ, rằng những nước phương Nam đó là vô ơn với Hoa
Kỳ, tóm lại là những nước bạc bẽo và số tiền đó đã bị chi ra lãng phí
gây thiệt hại cho lợi ích nước Mỹ.
Nhưng
ông Tập Cận Bình thì đâu có nhắm đến những cử tri này, ông chỉ quan tâm
đến công luận quốc tế. Do vậy, đây đúng là một thắng lợi nhưng không
hẳn là một thất bại của Donald Trump bởi vì cả hai không chơi trên cùng
một sân, và cũng không nhắm đến cùng một mục tiêu. »
Trung Quốc và những chiếc vòi bạch tuộc
Bắc
Kinh, tuy khống chế được dịch Covid-19, nhưng bị nhiều nước phương Tây
chỉ trích không minh bạch để dịch bệnh lây lan khắp toàn cầu. Nay Trung
Quốc tận dụng cơ hội Mỹ và nhiều nước phương Tây đang lao đao chống chọi
với Covid-19, tìm cách thể hiện như là một cường quốc lớn hiệu quả, vị
tha và có trách nhiệm. Trung Quốc quảng bá rầm rộ các chiến dịch hỗ trợ y
tế, cung cấp khẩu trang và trang thiết bị y khoa cho những nước bị tác
động nặng nề của dịch virus corona trong đó có Ý, Pháp, Tây Ban Nha và
cả Mỹ.
Phải
chăng Trung Quốc đang xuất khẩu mô hình xử lý dịch bệnh của mình, một
mô hình điều hành chuyên chế nhưng hiệu quả ? Chuyên gia Laurent Nardon,
Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) nhận định :
«
Bắc Kinh đang ca khúc khải hoàn với chúng ta, xóa sạch tất cả những vấn
đề mà Trung Quốc gây ra bằng cách gởi khẩu trang và trang thiết bị y tế
của Trung Quốc đến Ý, Pháp và thậm chí cả Mỹ nữa. Một điều chắc chắn là
hình ảnh của Trung Quốc sẽ trở nên tích cực hơn. Và đây hẳn là một tin
tốt lành cho chế độ Trung Quốc bởi vì đây là một trong những vấn đề
chính trong hành trình chinh phục thế giới, đó chính là ʺquyền lực mềmʺ
(soft power), là khả năng gây ảnh hưởng. Trung Quốc bị xem như là một
Nhà nước chuyên chế, có một chế độ kiểm soát xã hội rất chặt chẽ, các
nước láng giềng phải e sợ. Nhưng Trung Quốc vẫn chưa có được một sức
quyến rũ như là Mỹ đang làm nhờ vào Hollywood. Thế nên, khi ồ ạt đến hỗ
trợ y tế, là lúc Trung Quốc ra đi chinh phục công luận trên toàn thế
giới ».
Với
những chiến dịch rầm rộ đó, liệu rằng sau đại dịch Trung Quốc sẽ thống
trị thế giới ? Nhà nghiên cứu Laurent Nardon giải thích những hành động
trên nằm trong xu hướng bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc ra toàn thế
giới từ nhiều năm qua.
«
Đây là một đề tài tranh luận thật sự nóng bỏng cho rất nhiều nhà quan
sát về quan hệ quốc tế. Nhưng chúng ta có thể nhận thấy một số việc.
Chẳng hạn như Sáng kiến Những con đường Tơ lụa mới – Belt and Road
Initiative (BRI). Đây là một dự án khổng lồ của Trung Quốc, được đưa ra
vào năm 2013. Mục đích là nhằm thành lập những con đường trên bộ và hàng
hải nối liền Trung Quốc với thế giới. Một cách chính xác, dự án này cho
phép Trung Quốc đầu tư vào những cơ sở hạ tầng to lớn trên mọi châu
lục. »
Trump « Make China Great Again ! »
Vẫn
theo bà Laurent Nardon, không chỉ trong kinh tế, đầu tư, Bắc Kinh còn
tìm cách nắm lấy kiểm soát nhiều định chế quốc tế để dễ bề thao túng
theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Từ mười năm qua, Bắc Kinh đã tăng gấp
đôi mức đóng góp cho nhiều định chế của Liên Hiệp Quốc.
«
Trung Quốc là quốc gia đóng góp thứ hai sau Hoa Kỳ và nhất là từ 10 năm
gần đây, Trung Quốc còn nắm quyền lãnh đạo 4 trong số 15 định chế của
Liên Hiệp Quốc trong những lần bỏ phiếu bầu chọn tổng giám đốc các tổ
chức này. Tôi có thể liệt kê ở đây : Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế
(ICAO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), Tổ chức
Lương thực và Nông nghiệp (FAO) hay như Liên minh Viễn thông Quốc tế
(ITU). »
Thế
nhưng, theo giới chuyên gia tại Pháp, sở dĩ Trung Quốc có thể « đà
thắng xông lên » trên trường quốc tế đó là do lỗi của Hoa Kỳ. Ở những
nơi nào nước Mỹ của Donald Trump thoái lui lại được Trung Quốc lấp dần
vào khoảng trống. Theo quan điểm của ông Pascal Boniface, chính Donald
Trump đã « Make China Great Again ».
«
Cuối cùng, người ta có thể nói rằng Trung Quốc đang áp dụng các binh
pháp của Tôn Tử và họ đang thắng mà không cần phải chiến đấu bởi vì
người Mỹ bỏ chạy khỏi trận đấu mà Trung Quốc không có ở đó. Nước Mỹ dưới
thời Donald Trump tấn công vào những định chế mà họ thoái lui : Từ Tổ
chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), Tổ chức
Thương Mại Quốc Tế (WTO) cho đến các hiệp ước Liên Hiệp Quốc như thỏa
thuận khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran…
Hiển
nhiên ở cấp độ quốc tế, công luận, nhất là các nước không thuộc phương
Tây thấy đây là một thắng lợi. Tất cả những nước không phương Tây đó
thấy là có một nước đang chơi trò chủ nghĩa đa phương mà không thấy rằng
trò chơi đa phương đó đã bị công cụ hoá và một nước khác thì không theo
chủ nghĩa đa phương, một nước không quan tâm đến họ.
Hệ
quả là gì ? Đây là một thắng lợi cho Trung Quốc. Chính sách của Trump
càng củng cố thêm vị thế quốc tế cho Trung Quốc, tầm quan trọng của
Trung Quốc trên trường quốc tế. »
Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ ?
Từ
những quan sát này, có một câu hỏi luôn ám ảnh nhiều người : Liệu rồi
Trung Quốc có sẽ vượt qua Mỹ để trở thành siêu cường hàng đầu ? Cuộc đối
đầu trực diện giữa một siêu cường đang hồi suy tàn và một siêu cường
đang lên có sẽ xảy ra hay không ? Chuyên gia Pascal Boniface cho rằng
trong trước mắt vẫn chưa thể xảy ra. Ông giải thích :
«
Trung Quốc sắp tới vẫn chưa thể qua mặt được Hoa Kỳ, bởi vì nước Mỹ vẫn
là cường quốc kinh tế thế giới hàng đầu, họ vẫn bỏ xa Trung Quốc rất
nhiều. Hơn nữa, Trung Quốc bị lệ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Có một
sự thâm nhập lẫn nhau giữa hai nền thị trường Mỹ và Trung Quốc, điều
chưa hề có trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai nền kinh tế Mỹ và
Liên Xô.
Do
vậy, nếu kinh tế Mỹ hay các nền kinh tế châu Âu phương Tây bị đình trệ,
Trung Quốc cũng sẽ khó khăn. Tuy nhiên, vào cuối cuộc khủng hoảng này,
Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng tốc đuổi theo Hoa Kỳ nhưng sẽ không vượt
qua được nước Mỹ bởi vì những nền tảng cơ bản trong nền kinh tế Mỹ cao
hơn Trung Quốc và nước Mỹ sẽ chống chọi được với cuộc khủng hoảng.
Nhưng
đúng là trên phương diện ảnh hưởng bên ngoài với phần còn lại của thế
giới, cũng có thể cả trên bình diện kinh tế, Trung Quốc sẽ tăng tốc để
đuổi kịp theo Hoa Kỳ. »
(RFI)
Không có nhận xét nào