Header Ads

  • Breaking News

    ''Cuồng phong Covid-19'': Bão đổi chiều nhắm vào Bắc Kinh

    Tính đến hôm nay, 05/05/2020, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, để chống đỡ đại dịch Covid-19 chỉ còn được 5 quốc gia áp dụng, trong đó có Pháp. Paris đang dò dẫm chuẩn bị khởi sự giai đoạn ra khỏi phong tỏa đầy gian nan, bắt đầu từ tuần tới. Đây cũng là chủ đề thu hút hầu hết các báo.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ngày 27/04/2020, đã nêu khả năng Bắc Kinh phải bồi thường do đã để xảy ra đại dịch Covid-19.
    Trước hết xin giới thiệu một số bài về quan hệ thế giới với Trung Quốc. Đặc biệt có bài nhận định của Le Figaro « Trong trận cuồng phong Covid-19, bão đang đổi chiều nhắm vào Bắc Kinh ».

    « Bão đang đổi chiều, và bắt đầu thổi mạnh về hướng Trung Quốc. Khắp nơi trên hành tinh, càng ngày càng có nhiều tiếng nói đòi mở điều tra quốc tế để xác định nguồn gốc đại dịch Covid-19. Các sức ép ngày càng gia tăng chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc, do Bắc Kinh từ chối cung cấp các kết quả điều tra dịch tễ học và mở cửa cho các chuyên gia quốc tế…. Nghiên cứu về các nguồn gốc của virus được giới khoa học và giới chính trị xem như là một nhiệm vụ cấp thiết để ngăn ngừa một đại dịch mới ».

    Cộng đồng quốc tế giờ đây muốn biết rõ hơn về bệnh dịch, bùng lên từ Vũ Hán, khiến 3,5 triệu người lây nhiễm và ít nhất 230.000 người chết, theo các số liệu chính thức, buộc một nửa nhân loại sống trong phong tỏa, khiến kinh tế toàn cầu suy sụp.

    Tấn công Bắc Kinh dữ dội nhất là nước Mỹ: nguyên thủ Hoa Kỳ tin tưởng Covid-19 đến từ phòng thí nghiệp P4 tại Vũ Hán. Vào năm bầu cử tổng thống, « vấn đề Trung Quốc » đã trở thành một chủ đề lớn của đời sống chính trị Mỹ. Donald Trump đòi Bắc Kinh phải trả giá, trước hết với đe dọa tăng thuế trừng phạt.

    Chính quyền Úc, vốn khá kín tiếng trên đấu trường ngoại giao quốc tế, cũng hứa hẹn sẽ gây áp lực với Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), nhằm mở một cuộc điều tra về nguồn gốc virus. Bắc Kinh dọa trả đũa, với việc tẩy chay hàng hóa và đại học Úc.

    Liên Hiệp Châu Âu cũng bắt đầu cao giọng với Trung Quốc, cho dù với sự dè dặt, vì Liên Âu hiện có nhiều hợp đồng kinh tế với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Trước đó, Bruxelles đã phải chỉnh sửa một tuyên bố lên án việc Bắc Kinh bóp méo thông tin, với những lời lẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, giờ đây Liên Âu tỏ ra kiên quyết hơn.

    Bruxelles đang chuẩn bị một dự thảo nghị quyết cho một hội nghị toàn thể của WHO. Trong một cuộc trả lời báo Pháp, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, ông Joseph Borrell, nhấn mạnh đến « tầm quan trọng của việc làm sáng tỏ các bối cảnh cụ thể khiến đại dịch bùng phát », đòi hỏi một cuộc điều tra « độc lập » về những gì đã diễn ra. Cho dù coi Bắc Kinh là « một đối tác chiến lược », Liên Âu cần tìm ra được một « thế cân bằng về lợi ích ».

    Tổ Chức Y Tế Thế Giới, mà từ đầu đến nay bị chỉ trích mạnh về thái độ thiên vị Trung Quốc, cũng bắt đầu thay đổi, với việc đề nghị Bắc Kinh cho tham gia điều tra nguồn gốc virus. Le Figaro đặc biệt chú ý đến « áp lực từ phía nhiều cơ quan tình báo » phương Tây. Một tài liệu điều tra của các cơ quan tình báo thuộc liên minh Five Eyes (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand) cáo buộc Bắc Kinh « phá hủy bằng chứng » về nguồn gốc virus, với nhận định thái độ của Trung Quốc là « một sự lăng nhục đối với đòi hỏi minh bạch quốc tế ».

    Nhật báo Pháp ghi nhận phản ứng bất hợp tác của Trung Quốc, coi « các đòi hỏi điều tra độc lập là xuất phát từ các động cơ chính trị ».

    Bắc Kinh tìm mọi cách để tránh đối diện với sự thật

    « Covid-19 kể từ giờ nằm ở tâm điểm cuộc chiến ngoại giao hiện nay giữa Bắc Kinh với các cường quốc phương Tây », với « cuộc đối đầu dữ dội giữa hai mô hình trái ngược, mô hình dân chủ đòi hỏi sự minh bạch và mô hình của các chế độ siêu độc tài và cộng sản, tìm mọi các che giấu thông tin, bóp méo thông tin ». Câu hỏi mà Le Figaro đặt ra là : Ai sẽ thắng ai ?

    Bản thân chính quyền Trung Quốc cũng ý thức được sự căm phẫn của thế giới đối với chế độ Bắc Kinh. Theo Reuters, bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc hồi tháng trước đã cung cấp cho các lãnh đạo nước này một báo cáo nội bộ, cho thấy giờ đây chế độ cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với một làn sóng đối kháng chưa từng thấy từ quốc tế, kể từ sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989.

    Vào thời điểm đó, phương Tây đã từng áp đặt các trừng phạt. Còn giờ đây cho dù Trung Quốc đã mạnh hơn rất nhiều, cục diện thế giới cũng có thể nghiêng về phía bất lợi cho Bắc Kinh, với đại dịch bùng lên từ Vũ Hán.

    Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc - Cicir, thân cận với bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc, tâm lý bài Trung có thể khiến dự án « Con Đường Tơ Lụa Mới » bị giảm tốc. Cũng có khả năng quan hệ Mỹ - Trung xấu đi nhanh chóng, và đụng độ vũ trang giữa hai nước có thể xảy ra.

    Le Figaro khép lại bài « Cơn bão đang đổi chiều… » với nhận định, dù sao ưu tiên của Trung Quốc hiện nay vẫn « dường như là tìm mọi cách, bất luận cực đoan thế nào, để không phải đối mặt với sự thật về nguồn gốc virus ».

    Trung Quốc: ngoại trưởng Mỹ là « kẻ thù nhân loại »

    Hồ sơ virus corona của Le Monde hôm nay có ba bài về Trung Quốc. Le Monde cho biết Bắc Kinh đang tung ra chiến dịch tấn công ngoại trưởng Mỹ trên truyền thông, lên án ông Mike Pompeo là « kẻ thù của nhân loại ».

    Chiến dịch tấn công lãnh đạo ngoại giao Mỹ trên truyền thông Nhà nước Trung Quốc diễn ra liên tục từ ngày 27 đến 30/04. Pompeo là « kẻ dối trá », « kẻ vu khống »… Báo chí Trung Quốc coi Mike Pompeo là ngoại trưởng Mỹ tồi tệ nhất trong lịch sử.

    « Bốn tội lỗi » của ngoại trưởng Mỹ mà truyền thông Trung Quốc bêu ra là cắt tài trợ cho WHO, che giấu thất bại của nước Mỹ trong việc phòng chống dịch Covid-19, đổ hết trách nhiệm cho Trung Quốc, và khiến thảm họa nhân đạo trên thế giới gia tăng, do các đàn áp quá mức nhắm vào một số quốc gia như Cuba hay Iran.

    Tóm lại, ngoại trưởng Mike Pompeo là « kẻ gần như không còn nhân tính » và là « sự hổ thẹn cho nền ngoại giao Mỹ ». Trên thực tế, truyền thông Trung Quốc tránh đả kích công khai tổng thống Mỹ, mũi nhọn chỉ trích nhắm vào Hoa Kỳ được dồn sang viên ngoại trưởng.

    Trump: đàm phán thương mại với Bắc Kinh là « thứ yếu »

    Theo các nhà quan sát, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh chưa bao giờ căng thẳng đến như vậy, kể từ khi hai nước nối lại quan hệ năm 1972. Theo Le Monde, truyền thông Nhà nước Trung Quốc, về mặt ngắn hạn, vẫn có thể tiếp tục dàn đồng ca về thành tích chống dịch hiệu quả hơn nhiều so với các nền dân chủ phương Tây, nhưng Bắc Kinh cũng không hề ảo tưởng, khi hiểu rằng bối cảnh thế giới hiện nay là « khó khăn và phức tạp hơn nhiều » với chế độ cộng sản.

    Một làn sóng đòi khởi kiện Trung Quốc đang dấy lên, trong đó có vụ kiện do bang Mỹ Missouri khởi xướng, với đối tượng là chính phủ và đảng Cộng sản cầm quyền. Nếu như Trung Quốc khó lòng bị kết án, nhưng cũng « khó có ai dám khẳng định các vụ kiện như vậy sẽ không để lại hệ quả gì ».

    Trong một bài viết khác, Le Monde ghi nhận tổng thống Mỹ đã quyết định có « một đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc ». Sau một thời gian thậm chí ca ngợi Bắc Kinh trong việc đối phó với dịch, Donald Trump đã thay đổi hoàn toàn giọng điệu, với phát biểu gần như là cáo buộc đại dịch do virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc ở Vũ Hán.

    Nếu như trước đó tổng thống Mỹ còn dè dặt do chờ đợi các tiến bộ trong đàm phán hưu chiến thương mại với Trung Quốc, vốn được coi là lá bài chính trong cuộc chạy đua tái cử vào Nhà Trắng, thì giờ đây với ông Trump, với đại dịch Covid-19, vấn đề này chỉ còn là « thứ yếu ».

    Lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc của tổng thống Mỹ ngay lập tức đi kèm với hàng loạt biện pháp. Kể từ ngày mùng 1 tháng Năm, nhân danh an ninh quốc gia, nguyên thủ Mỹ ra lệnh cấm mua « các thiết bị điện tử » của các cơ sở nằm dưới sự kiểm soát của « các đối thủ nước ngoài ». Không nói trực tiếp, nhưng ai cũng rõ đó là Trung Quốc.

    Hạ Viện Mỹ, với sự đồng thuận của lưỡng đảng, đã thông qua luật ủng hộ ngoại giao đối với Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là vùng đất thuộc Trung Quốc. Các thượng nghị sĩ Mỹ, với sự ủng hộ của tổng thống, cũng đang tìm cách ngăn cản Quỹ hưu trí của các viên chức liên bang đầu tư vào Trung Quốc…

    Nhìn chung, theo Le Monde, thái độ đối kháng với Trung Quốc của tổng thống Trump chưa bao giờ rõ ràng như hiện nay. Trước đó, khác với phó tổng thống Mike Pence, ông Trump chưa bao giờ trực diện lên án « bản chất của chế độ cộng sản Trung Quốc », như trong đại dịch hiện nay.

    « 5 quốc gia cuối cùng » chưa ra khỏi phong tỏa

    Trở lại với tình hình đại dịch Covid-19, nhật báo Les Echos có bài đặt châu Âu trong bối cảnh bệnh dịch toàn cầu, với nhận định là việc phong tỏa nghiêm ngặt hiện nay chỉ còn liên quan đến 5 quốc gia, trong đó có bốn nước châu Âu, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha và Rumani (nước thứ năm là Maroc). Les Echos nhắc lại cách nay 6 tuần, đã có đến một nửa nhân loại sống trong phong tỏa.

    Kể từ một hai tuần này, hàng loạt quốc gia bắt đầu ra khỏi phong tỏa. Tuy nhiên, ba quốc gia châu Âu Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha quyết định chỉ bắt đầu ra khỏi phong tỏa kể từ ngày 11/05. Les Echos lưu ý là cho dù ra khỏi phong tỏa, nhưng nhiều nước vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế tiếp xúc.

    Đa số các nước cho biết nhiều biện pháp có thể được duy trì vô thời hạn, nếu như số lượng người nhiễm virus tiếp tục gia tăng mạnh trở lại. Và ngay cả các quốc gia không áp dụng phong tỏa cũng tiếp tục tiến hành nhiều biện pháp giãn cách xã hội, xét nghiệm, thậm chí mang khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng.

    Pháp: Tuần căng thẳng trước dỡ bỏ phong tỏa

    Riêng về tình hình nước Pháp, việc ra khỏi phong tỏa cụ thể như thế nào hiện vẫn là bài toán khó với chính quyền trung ương, chính quyền cơ sở, cũng như các đối tác xã hội. Trang nhất Le Monde chạy tựa lớn « Giải phong tỏa : Những tiếng kêu báo động từ cơ sở ». Trước ngày ra khỏi phong tỏa theo dự kiến, hàng loạt tiếng nói từ địa phương chỉ trích chính quyền.

    Tại vùng Paris, 332 thị trưởng trong đó có thị trưởng Paris phê phán chính phủ « thúc ép ra khỏi phong tỏa » trong lúc các điều kiện chưa hội đủ, và yêu cầu dời lại thời hạn mở lại trường học. Các công ty vận tải công cộng RATP và SNCF cho biết không đủ khả năng bảo đảm giao thông vận hành bình thường, nếu phải tuân thủ các điều kiện như chính phủ đề ra…

    Trang nhất Le Figaro chạy tựa « Trở lại trường học, bài toán không có lời giải », ghi nhận « giãn cách xã hội, quyền không đến trường của giáo viên, thiếu nước tẩy trùng, thiếu khẩu trang, vấn đề căng-tin. Một tuần trước thời điểm giải phong tỏa, còn rất nhiều điều không rõ ràng…. ».

    Trang nhất Libération cũng than thở về việc « Trở lại trường học : Tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ». Xã luận Libération, với tựa đề « Phức tạp », nhận xét : với các quy định hết sức chặt chẽ như hiện nay, việc trở lại học đường tuần tới trên thực tế sẽ chỉ « mang tính biểu tượng ».

    Tựa trang nhất của Les Echos: « Giải phong tỏa : Căng thẳng gia tăng ». Mệnh lệnh của thủ tướng là phải nhanh chóng khởi động lại nền kinh tế, trong lúc các điều kiện chưa được bảo đảm. Đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải, với rất nhiều bất đồng giữa chính phủ và các lãnh đạo công ty, dự kiến vào tuần tới sẽ chỉ có 15% số tàu cao tốc TGV hoạt động.

    Riêng nhật báo La Croix dường như muốn mang đến cho độc giả một cái nhìn vượt thoát khỏi tình hình trăm bề phức tạp tại Pháp một tuần trước khi ra khỏi phong tỏa theo dự kiến, với hình ảnh Trái địa cầu đeo khẩu trang, cùng hàng tựa: « Con virus làm đảo lộn môn địa lý ». Hồ sơ chính của La Croix cố gắng phục dựng lại lịch sử đại dịch Covid-19, với những gì đã rõ và những điều còn là ẩn số.

    Covid- 19: Vì sao xứ nóng, nước đang phát triển ít tổn thất hơn?

    Nhật báo Công giáo nêu bật câu hỏi lớn ám ảnh các nhà địa lý học về y tế, các nhà dịch tễ học: Vì sao dịch bệnh lại diễn biến khác nhau theo một quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ ? Các tác nhân nào là chủ đạo ? Đa số các nước thiệt hại nặng nề là các nước xứ lạnh, các quốc gia phát triển. La Croix cũng chú ý đến tình trạng bệnh dịch lan rộng khắp hành tinh, chỉ trừ « các quốc gia tí hon, các Nhà nước độc tài, bậc thầy về che giấu thông tin » (hay các nước không có đủ phương tiện chẩn đoán).

    Tại sao có sự khác biệt rất lớn giữa nhiều nước xứ lạnh, nước phát triển với các nước đang phát triển, các nước phía nam, các quốc gia xứ nóng?

    Vấn đề các biện pháp phòng chống dịch khác nhau của chính quyền các nước chắc chắn là có những tác dụng nhất định. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều bí ẩn mà La Croix dẫn ra, như khả năng ảnh hưởng của nhiệt độ cao hạn chế tác hại của virus corona mới, cũng như cơ chế di truyền miễn dịch bẩm sinh, do phải sống trong môi trường mà hệ miễn dịch thường xuyên bị kích thích, do phải tiếp xúc không ngừng với các siêu vi.…

    Đây có thể là điều khiến cho khu vực phía nam sa mạc Sahara dường như ít bị virus tấn công hơn hẳn. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, được La Croix dẫn lời, tất cả những nhận xét nêu trên mới chỉ là giả thiết cần được kiểm chứng.

    Bài tổng hợp về đại dịch của La Croix lật ngược lại nhiều quan niệm vẫn từng được coi là không cần đặt câu hỏi. Rất đáng quan tâm với những ai muốn thoát khỏi lối mòn đánh giá « thành tích chống dịch » của một số quốc gia, chỉ dựa trên các số liệu chính quyền đưa ra. Từ con số đến thực tế nhiều khi là một trời, một vực.

    (RFI)

    Không có nhận xét nào