Các nhà ngoại giao và quan chức quân
sự ở cả Mỹ và Philippines đang tìm cách cứu vãn Thỏa thuận Các lực lượng
thăm viếng (VFA) với lo ngại rằng khoảng trống an ninh do thoả thuận
trên để lại có thể sẽ tạo cơ hội để Bắc Kinh tăng cường củng cố quân đội
và bành trướng hơn nữa ở Biển Đông.
Hình minh họa |
An ninh ở Biển Đông là trọng tâm của những nỗ lực cứu vãn VFA.
Vào
giữa tháng 3 vừa qua, các quan chức quân sự Philippines và Mỹ đã họp
tại trại Aguinaldo ở Manila nhằm giải quyết vấn đề nan giải nhất mà liên
minh của họ đang phải đối mặt: Phải làm gì sau ngày 9/8 tới? Đó là thời
điểm chính thức đánh dấu việc huỷ bỏ VFA, 180 ngày sau khi Manila đưa
ra thông báo chấm dứt thoả thuận trên với đồng minh hiệp ước phòng thủ
duy nhất của mình.
Phát
biểu trong một diễn đàn thảo luận về thoả thuận trên, ông Renato De
Castro, chuyên gia an ninh khu vực, giáo sư trường Đại học De La Salle
(Philippines) cho biết “việc đơn phương chấm dứt VFA đã châm ngòi cho
một cuộc khủng hoảng lớn trong liên minh này”. Một quan chức quân đội
Philippines phát biểu với tờ Nikkei Asian Review rằng các nhà ngoại giao
và quan chức quân sự ở cả hai quốc gia đang tìm cách cứu vãn hiệp định
mang tính sống còn này, với lo ngại rằng khoảng trống an ninh do thoả
thuận trên để lại có thể sẽ tạo cơ hội để Bắc Kinh tăng cường củng cố
quân đội và bành trướng hơn nữa ở Biển Đông.
Nhưng
phép thử mới nhất cho mối quan hệ đồng minh kéo dài suốt 70 năm qua
xuất hiện trong bối cảnh Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang
ngày càng ngả về phía Trung Quốc, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump
tiếp tục tỏ ra miễn cưỡng trong việc chi tiêu nhiều hơn vào “chiếc ô an
ninh” cho các đồng minh châu Á. Trước đó, tức giận trước việc Mỹ chỉ
trích chiến dịch chống ma túy bạo lực đã giết chết hàng nghìn nghi phạm ở
Philippines, Duterte đã đe dọa từ bỏ VFA. Nhưng theo người phát ngôn
của ông Duterte, Salvador Panelo, sự kiện phía Mỹ hủy cấp thị thực cho
Thượng nghị sỹ Phillipines Rolando dela Rosa, một người bạn thân thiết
và là đồng minh chính trị thân cận của ông Duterte, người đã lãnh đạo
cuộc chiến chống ma túy với tư cách là cảnh sát trưởng quốc gia năm 2016
và 2017, là “giọt nước tràn ly”. (Duterte cho biết ông cũng đã từng bị
Mỹ từ chối cấp thị thực khi ông dự định đi thăm một người bạn gái thời
đại học).
Tháng
2/2020, phản ứng trước động thái của Duterte, Trump cho biết: “Tôi thực
sự không hề để tâm nếu họ muốn làm vậy. Điều này sẽ giúp tiết kiệm được
rất nhiều tiền. Quan điểm của tôi không giống với những người khác”.
Các
bộ trưởng của hai nước đều mong muốn duy trì thoả thuận trên. Bộ trưởng
Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết việc Malina hủy bỏ thỏa thuận VFA là
điều đáng tiếc và gọi đó là một hướng đi sai lầm, trong khi Bộ trưởng
Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. mong muốn tiến hành một đánh
giá toàn diện thay vì quyết định hủy bỏ thỏa thuận này.
Thoả
thuận VFA năm 1998 nới lỏng các quy định cho phép binh lính và khí tài
Mỹ vào Philippines trong gần 300 cuộc tập trận quân sự hàng năm, trong
đó có các lĩnh vực phản ứng với thảm hoạ, chống khủng bố, an ninh biển
và những chiến dịch khác. Trong một hội nghị trực tuyến hồi tháng 2 vừa
qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đảm trách các vấn đề chính trị-quân sự
Clarke Cooper nhận định rằng “việc không có một VFA sẽ gây rủi ro cho
các vấn đề như các cam kết hợp tác hay các cuộc tập trận”.
Thoả
thuận VFA là một phần không thể tách rời của Hiệp ước phòng thủ chung
năm 1951, vốn quy định Washington có trách nhiệm bảo vệ Manila trong
tình huống bị cuộc tấn công từ bên ngoài. Quan chức quân sự cấp cao
Philippines cho biết “VFA có vai trò tăng cường năng lực phối hợp tác
chiến với quân đội Mỹ. Nó giống như là giai đoạn chuẩn bị cho trường hợp
cần áp dụng Hiệp ước phòng thủ chung”. Đối với lực lượng quân đội “thèm
khát được đầu tư” của Philippines, VFA cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ
có thêm trang thiết bị.
Trong
một cuộc điều trần trước Thượng viện Philippines vào tháng 2 vừa qua,
ông Locsin đã trình bày những lợi ích đa dạng của việc duy trì liên minh
an ninh với Mỹ. Ông Locsin cho biết trong giai đoạn 2016-2019, nửa đầu
nhiệm kỳ kéo dài 6 năm của ông Duterte, khoản tài trợ quân sự mà
Washinton dành cho Manila đã lên tới 554 triệu USD, trong đó dành 267
triệu USD để mua sắm trang thiết bị quốc phòng. Trong giai đoạn
2020-2021, Washington lên kế hoạch chi hơn 200 triệu USD mua sắm máy
bay, huấn luyện và trang bị khí tài cho Philippines, đồng thời viện trợ
hơn 45 triệu USD nữa.
Tuy
nhiên, Duterte, người vừa ra lệnh tăng lương gấp đôi cho quân đội và
phê duyệt các khoản mua sắm máy bay chiến đấu phản lực và khinh hạm, cho
biết đã đến lúc cắt đứt quan hệ đồng minh với Mỹ. Trong một chương
trình truyền hình vào tháng 2, ông Duterte đặt câu hỏi với các lực lượng
vũ trang rằng: “Liệu chúng ta có thể tồn tại mà không cần đến Mỹ hay
không? Chúng ta có cần đến Mỹ để tồn tại với tư cách là một quốc gia hay
không? Chúng ta có cần vũ khí của họ hay không?.” Vị tổng thống này cho
rằng nếu câu trả lời là không, thì “chúng ta có thể lựa chọn trở thành
một vùng lãnh thổ của Mỹ hoặc trở thành một tỉnh của Trung Quốc”. Đó tất
nhiên là một câu hỏi tu từ, nhưng những người chỉ trích Duterte tin
rằng ông đã lựa chọn phương án thứ hai - trở thành một tỉnh của Trung
Quốc.
Kể
từ sau khi trở thành tổng thống, Duterte đã “xoay trục” sang Trung Quốc
và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của việc Bắc Kinh bành trướng ở Biển
Đông để đổi lấy hàng tỷ USD từ các khoản đầu tư của Trung Quốc. Tổng
thống Philippines đã nhiều lần tới Bắc Kinh và tuyên bố rằng: “Tôi chỉ
yêu Chủ tịch Tập Cận Bình”. Trong khi đó, ông gọi Mỹ là “kẻ thô lỗ” và
tuyên bố không đến thăm nước này. Tuy nhiên, quân đội của ông Duterte
không phải lúc nào cũng có cùng quan điểm xoay trục sang Bắc Kinh. Giới
lãnh đạo quân sự đã âm thầm ngăn chặn các dự án đầu tư của Trung Quốc mà
họ nghi ngờ ẩn chứa những rủi ro về an ninh, chẳng hạn như nỗ lực của
các công ty Trung Quốc mua lại nhà máy đóng tàu phá sản Hanjin ở vịnh
Subic, một căn cứ hải quân trước đây của Mỹ ở Biển Đông. Khi báo chí đưa
tin về việc ông Duterte ra lệnh xoá bỏ VFA, Bộ trưởng Quốc phòng
Philippines Delfin Lorenzana đã gọi đó là tin giả.
Đối
với nhiều người, việc Manila hủy bỏ VFA đã gợi nhớ đến sự kiện lính Mỹ
bị trục xuất khỏi Philippines vào năm 1991. Theo chuyên gia phân tích
quốc phòng và lịch sử quân sự Jose Antonio Custodio, vào năm đó, Thượng
viện Philippines, chỉ với cách biệt một phiếu, đã phản đối việc gia hạn
Thoả thuận Căn cứ quân sự - một tàn dư của thời kỳ Chiến tranh Lạnh -
buộc các lực lượng Mỹ dần rời các căn cứ ở Philippines từ năm 1992 cho
đến khi lính Mỹ hoàn toàn rút khỏi nước này vào năm 1995.
Custodio
cho biết: “Cũng chính năm 1995, Trung Quốc đã chiếm đá Vành Khăn. Trung
Quốc đã quyết định lợi dụng khoảng trống do Mỹ để lại”. Giận dữ trước
việc Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, Philippines
đã quyết định hiện đại hoá quân đội - ở thời điểm đó chỉ tập trung vào
cuộc chiến chống phiến quân và lực lượng Hồi giáo ly khai ở miền Nam
nước này. Nhưng tình trạng tham nhũng và cuộc khủng hoảng tài chính châu
Á cuối những năm 1990 đã cản trở công cuộc hiện đại hoá tốn kém này.
Custodio bình luận rằng: “Công cuộc hiện đại hoá đã thực sự chết yểu.
Nếu không vì sự kiện Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn, thì tôi ngờ rằng sẽ
không có VFA”.
Môi
trường an ninh kể từ đó đã thay đổi. Trung Quốc - với nền kinh tế và
quân sự hùng mạnh hơn – trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát Biển Đông
bằng việc cải tạo 7 hòn đảo nhân tạo thành các tiền đồn quân sự. Năm
2012, Bắc Kinh chiếm bãi cạn Scarborough sau nhiều tháng đối đầu với
Manila.
Duterte,
người từng nêu ý tưởng thiết lập liên minh với Trung Quốc và Nga, đã
hưởng ứng lập trường của Bắc Kinh rằng các nước không nằm trong khu vực
như Mỹ có nguy cơ gây ra xung đột trên Biển Đông. Năm 2019, một trong
những cuộc tập trận quân sự gần vùng biển tranh chấp liên quan đến nội
dung huấn luyện chiếm lại sân bay. Theo chuyên gia phân tích an ninh De
Castro, “quy mô và bản chất của cuộc tập trận quân sự trên có lẽ đã thức
tỉnh Tổng thống Duterte”.
Albert
del Rosario, cựu Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Benigno
Aquino, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng việc kết thúc VFA
có thể sẽ là tiền đề cho việc hủy bỏ Thoả thuận tăng cường hợp tác quốc
phòng (EDCA) năm 2014 - một thoả thuận cho phép Mỹ điều động binh lính
đồn trú luân phiên và xây dựng các cơ sở ở Philippines - và cuối cùng là
chấm dứt Hiệp ước phòng thủ chung. Trong một diễn đàn hồi tháng 2, ông
del Rosario đã gọi động thái chấm dứt VFA là một “thảm hoạ quốc gia”,
cho rằng “trên thực tế, điều này sẽ đặt dấu chấm hết cho quan hệ đồng
minh Philippines-Mỹ như chúng ta đã biết”.
Nhưng
các chuyên gia phân tích cho rằng việc huỷ bỏ Hiệp ước phòng thủ chung
sẽ khiến các mối quan hệ đối tác an ninh khác của Philippines trở nên
phức tạp, như quan hệ với Nhật Bản và Úc - hai đồng minh lớn của Mỹ.
Một
số quan chức quân sự thừa nhận rằng VFA có tính thiên lệch. Binh lính
Mỹ ra vào Philippines mà không cần phải có thị thực và các quan chức
quân sự Washington có quyền giám hộ những binh lính phạm tội hình sự,
như trường hợp một lính Mỹ bị Tòa án Philippines truy tố về tội giết
người vì đã giết một người Philippines chuyển giới vào năm 2014. Vụ việc
đó đã thổi bùng lên những lời kêu gọi huỷ bỏ VFA, tương tự với trường
hợp một lính Mỹ bị bắt trong một vụ hiếp dâm hồi năm 2005.
Tuy
nhiên, quân đội Mỹ và Philippines có mối quan hệ sôi nổi vượt ngoài
khuôn khổ VFA, trong đó có hợp tác chia sẻ tình báo. Năm 2017, các lực
lượng Mỹ đã hỗ trợ Philippines tiêu diệt thủ lĩnh của Maute, một nhóm
phiến quân có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) từng bao vây
thành phố Marawi ở phía Nam nước này trong nhiều tháng.
Người
dân Philippines cũng coi Mỹ là một đối tác nước ngoài đáng tin cậy
nhất. Ngược lại, Trung Quốc nằm trong số những đối tác đáng ngờ nhất.
Thượng viện Philippines, từng có tư tưởng bài Mỹ vào năm 1991, đã thách
thức đề xuất huỷ bỏ VFA của ông Duterte bằng việc đề nghị Toà án tối cao
ra phán quyết về việc Thượng viện phải có tiếng nói đối với số phận của
thoả thuận VFA.
Walter
Lohman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Viện an ninh quốc
gia và chính sách đối ngoại Davis, tin rằng quan hệ Mỹ-Philippines đủ
mạnh để vượt qua cơn bão này. Lohman phát biểu với Nikkei rằng: “Tôi
nghĩ thời kỳ hậu Duterte - thậm chí có lẽ từ trước khi ông rời đi hoặc
trước khi thời kỳ chuyển tiếp kết thúc - chúng tôi sẽ tìm ra cách tiếp
tục. Chúng tôi đã đưa mối quan hệ này vượt qua các giai đoạn khó khăn
trong quá khứ”.
Cuộc
họp giữa Philippines và Mỹ vào giữa tháng 3 vừa qua ở Manila nhằm lên
kế hoạch cho các hoạt động vào năm tới cũng nhấn mạnh mong muốn của quân
đội hai nước trong việc tiếp tục triển khai các cuộc tập trận. Vị sĩ
quan cấp cao phát biểu với Nikkei rằng “chúng tôi đang cố gắng tách quân
đội khỏi đời sống chính trị”. Bất chấp thông báo về việc chấm dứt thỏa
thuận trên, các lực lượng Mỹ và Philippines vẫn sẽ triển khai một cuộc
tập trận quân sự lớn vào tháng 5 tới có tên gọi Balikatan, có nghĩa là
“vai kề vai”. Theo lời vị sĩ quan kể trên, cuộc tập trận trên sẽ diễn ra
trừ khi bị đại dịch COVID-19 cản trở.
Ít
nhất là cho đến trước khi Duterte điều động binh lính để triển khai
lệnh phong toả kéo dài một tháng đối với đảo Luzon với dân số 57 triệu
người, người ta vẫn mong đợi số binh lính tham gia cuộc tập trận
Balikatan năm nay sẽ nhiều hơn so với năm ngoái.
Quân
đội Mỹ rõ ràng không muốn rời đi. Trong một hội nghị trực tuyến mới
đây, Đô đốc hải quân Mỹ, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương John Aquilino
bày tỏ: “Có chút thất vọng khi điều đó xảy ra vào thời điểm chúng tôi
coi trọng quan hệ đồng minh với Philippines như hiện nay, chúng tôi tiếp
tục hợp tác với Hải quân Philippines và sẽ chờ xem câu chuyện này đi
đến đâu”.
Giới
ngoại giao cũng đang nỗ lực cứu vãn VFA. Ngày 28/2 vừa qua, Đại sứ
Philippines tại Mỹ Jose Romualdez cho biết ông và người đồng cấp Mỹ ở
Manila, Sung Kim, đã cố gắng tìm ra phương hướng và giải pháp để đưa ra
điều gì đó tương tự. Nhưng vào ngày 1/3, Panelo - người phát ngôn của
Duterte - cho biết lập trường của Tổng thống Philippines sẽ không thay
đổi.
Khi
được hỏi liệu liên minh Mỹ-Philippines có thể sống sót qua thời điểm
này hay không, vị sĩ quan cấp cao kể trên trả lời rằng: “Lịch sử cho
thấy mối quan hệ liên minh đó có thể sống sót”.
Cliff Venzon
Minh Anh (gt)
* Cliff Venzon là nhà báo tại Nikkei. Bài viết được đăng trên Nikkei Asian Review.
(Nghiên Cứu Biển Đông)
Không có nhận xét nào