Header Ads

  • Breaking News

    Biển Đông: 'Mỹ gửi tín hiệu mạnh làm Trung Quốc khó chịu'

    Mặc dù Trung Quốc 'khó chịu', sự xuất hiện của các tàu chiến, khu trục hạm, phi cơ oanh tạc chiến lược của Mỹ ở Biển Đông vẫn diễn ra như một tín hiệu mạnh.

    Tàu hải quân Mỹ thăm Đà Nẵng năm 2012: Quốc phòng Việt Nam và Mỹ tăng cường hợp tác những năm qua
    "Tôi nghĩ đây là một tín hiệu khá mạnh, so với trước đây Mỹ cũng có những hoạt động ấy, nhưng bây giờ tình hình hiện nay, đấy cũng thể hiện môt quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc sẵn sàng ngăn cản các hoạt động phi pháp của Trung Quốc," nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, TS. Trần Công Trục nói với BBC News Tiếng Việt hôm 04/5/2020.

    "Đây là một điều dư luận quốc tế rất quan tâm và hoan nghênh, tất nhiên là với mong mỏi là các sự việc phải được giải quyết một cách hòa bình.

    "Đừng gây ra những xung đột để lôi kéo các nước trong khu vực vào một cuộc chiến tranh, vào một xung đột bất lợi cho hòa bình chung, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây khó khăn rất nhiều mặt trên trái đất này, trên toàn thế giới."

    "Mọi chuyện phải có kiềm chế cần thiết, cần kêu gọi các bên có sự thượng tôn pháp luật và kiềm chế cần thiết để đừng xảy ra các cuộc xung đột, đừng lợi dụng đau khổ của nhân loại để tiến hành thêm những hành động khiến xảy ra những đau khổ nhiều hơn nữa."

    Tiến sỹ Trần Công Trục nhắc lại nhận định của ông là Trung Quốc "muốn độc chiếm Biển Đông".

    "Nên rõ ràng sự có mặt của Hoa Kỳ và Úc, Ấn Độ chẳng hạn, thì họ rất không đồng ý, khó chịu."

    "Nhưng không thể nào vì thái độ đó mà các nước họ ngưng các hoạt động của mình để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm."

    'Chính sách nhất quán'

    Cũng từ Hà Nội, hôm thứ Hai, từ Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao nói với BBC rằng diễn biến tàu hải quân và phi cơ Mỹ hoạt động ở Biển Đông vừa thể hiện 'chính sách nhất quán' của Mỹ, vừa là một tín hiệu 'cảnh báo':

    "Việc mà Mỹ gần đây đã điều hai oanh tạc cơ chiến lược B1B Lancer đến vùng Biển Đông, bay từ lãnh thổ Mỹ với thời gian đến hơn 30 tiếng đồng hồ, thể hiện một chính sách nhất quán của Mỹ về việc đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải, cũng như an ninh của chiến lược về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do."

    "Nó khẳng định sự nhất quán về chính sách, cũng như quyết tâm của chính phủ Mỹ với đảm bảo duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

    "Thứ hai, đây cũng là một động thái có thể hiểu như một sự cảnh báo đối với những hành động có tính chất hung hăng và khiêu khích ngày càng mạnh mẽ hơn từ phía Trung Quốc."

    "Chính phủ Mỹ đã rất kiên định, kiên quyết thực hiện đường lối đối ngoại và quốc phòng của mình để đảm bảo an ninh trong khu vực."

    Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink, ảnh năm 2018
    Trung Quốc không 'chùn bước'

    Nhưng PGS. Hoàng Ngọc Giao không cho rằng động thái này có thể làm thay đổi các kế hoạch từ trước và tính toán hiện tại của Trung Quốc.

    "Trung Quốc muốn thực hiện được cái gọi là lợi ích cốt lõi, tức là độc chiếm Biển Đông, cũng như đồng thời đe dọa độc lập của Đài Loan, đe dọa quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông đối với các quốc gia."

    "Hiện nay Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, với ngày càng có nhiều chứng cứ về việc thiếu trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc để lây lan rộng rãi đại dịch, và điều này càng làm Trung Quốc bị cô lập, càng làm cho nội bộ Trung Quốc có vấn đề.

    "Do đó, họ muốn quấy động những vấn đề quốc tế để đánh lạc hướng dư luận, cũng như nhằm giải tỏa những mâu thuẫn, khó khăn ở trong nội bộ, nội địa Trung Quốc, và vì thế tôi không nghĩ là Trung Quốc sẽ chùn bước.

    "Theo tôi, họ sẽ vẫn có thể tiếp tục những hành vi khiêu khích, bắt nạt và thậm chí sử dụng quân sự, hoặc dưới vỏ bọc, hay 'mặt nạ' gọi là dân sự, để thực hiện những hành vi vũ trang, cũng như đe dọa sử dụng vũ lực đối với các nước trong khu vực."

    Khi được hỏi, Việt Nam cần có hành động chính sách gì để tự vệ hoặc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình ở Biển Đông và khu vực trong hiện nay và tới đây, PGS. Hoàng Ngọc Giao đề cập chính sách ba không của Việt Nam.

    "Việt Nam có chính sách ba không công bố như một chính sách chính thức trong Sách Trắng Quốc phòng của chính phủ Việt Nam, nhưng nếu hỏi là chính sách này có được nhân dân hưởng ứng và tán thành không, thì tôi nghĩ rằng là khó có chuyện đó.

    "Bởi vì người dân rất là mong muốn, có thể là chưa liên minh ngay với Hoa Kỳ rồi các nước trong khu vực như là Úc, Nhật Bản, hay Ấn Độ, nhưng ít nhất cũng phải tăng cường hữu hiệu sự hợp tác về an ninh, quốc phòng.

    "Thế nhưng chính sách ba không, Sách Trắng Quốc phòng của Việt Nam rõ ràng gây ra những thất vọng đối với rất nhiều người ở Việt Nam."

    "Động thái hợp tác về mặt quân sự đến nay còn rất lỏng lẻo, rời rạc, không phù hợp với tình hình nước sôi, lửa bỏng hiện nay là chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa một cách nghiêm trọng.

    Tạo thế răn đe?

    Theo Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, không ai muốn chiến tranh cả, nhưng câu hỏi đặt ra sẽ là liệu chính phủ Việt Nam có thể vừa đơn độc vừa đồng thời dám "sử dụng vũ lực" để thực hiện quyền cảnh sát biển của mình ở ngay trên các vùng biển của Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hay không.

    "Khi Việt Nam đơn độc, liệu có thể làm được điều đó không, nếu như không có một sự chuẩn bị trước là gắn bó, hợp tác chặt chẽ về mặt an ninh, quốc phòng với Hoa Kỳ và với các nước."

    "Nếu Trung Quốc xâm lấn xuống Biển Đông bằng vũ lực và trên thực địa, thì không biết là chính phủ Việt Nam sẽ xoay xở như thế nào?"

    Tin tức cho hay, Hoa Kỳ từ ngày 01/5 đã điều động bốn oanh tạc cơ B-1B cùng với 200 quân nhân từ căn cứ Không Quân Dyess ở Texas đến căn cứ Andersen, trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.

    Trong đó, ba oanh tạc cơ chiến lược B-1B của Mỹ đã bay thẳng đến căn cứ Guam trên Thái Bình Dương, phi cơ còn lại bay đến Nhật Bản nhằm tập huấn với hải quân của Hoa Kỳ tại khu vực.

    Không lâu trước đó, hôm 30/04, hai oanh tạc cơ B-1B Lancer, có khả năng mang theo nhiều vũ khí hơn B-52, bao gồm bom dẫn đường JDAM và tên lửa hành trình chống hạm, xuất phát từ căn cứ Nam Dokota của Hoa Kỳ, đã có phi vụ bay diễn tập trong vòng 33 giờ với trọng tâm nhấn vào Biển Đông.

    Người phát ngôn của chính quyền và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lớn tiếng phản đối các động thái của Mỹ.

    Hôm 28/4, khi trả lời báo Việt Nam, đương kim đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink đã chỉ trích hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

    Phản ứng lại, một người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam bày tỏ lập trường:

    "Mỹ công kích ác ý Trung Quốc trong vấn đề liên quan hoàn toàn là đổi trắng thay đen, đầy thiên kiến và toàn lời giả dối, mục đích là nhằm đâm bị thóc chọc bị gạo."

    (BBC)

    Không có nhận xét nào