Cập nhật tin tức ngày 8 tháng 5 năm 2020
Cập nhập tin tức và đánh giá mới
nhất của học giả quốc tế về tình hình Biển Đông ngày 8/5.
Tình hình nổi bật
Người
phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 8/5 khi
trả lời phóng viên về việc Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở
Biển Đông từ ngày 1/5-16/8 và triển khai biện pháp thực thi thông báo này
đã nêu rõ: Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương cấm đánh bắt cá của Trung
Quốc ở Biển Đông, đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển
Đông trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay.
Sáng kiến minh
bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI) ngày 08/5 trên mạng xã hội Weibo đã đăng
tải hình ảnh cho thấy hai chiếc máy bay ném bom B-1B của Mỹ đã cất cánh từ căn
cứ không quân Andersen trên đảo Guam và bay đến Biển Đông theo hai hướng Bắc
và Nam Philippines để triển khai hành động quân sự. Trong thời gian đó,
hai chiếc máy bay tiếp tế KC-135R đã thực hiện tiếp tế nhiên liệu trên không
cho hai máy bay quân sự này.
Hải quân Mỹ ngày
7/5 thông báo tàu chiến ven biển USS Montgomery và tàu USNS Cesar Chavez hoạt
động gần tàu khoan West Capella ở Biển Đông. Chuẩn Đô đốc Fred Kacher cho biết:
“Hoạt động của hai tàu thể hiện tính linh hoạt và sự sẵn sàng của lực lượng hải
quân trong khu vực trọng yếu này. Quân đội Mỹ tiếp tục bay, di chuyển và hoạt động
ở các vùng biển quốc tế ở Biển Đông phù hợp với chuẩn mực trên biển và luật
pháp quốc tế, chứng tỏ năng lực mạnh mẽ của hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương –
Thái Bình Dương.”
Ngoại
trưởng Indonesia Retno Marsudi, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 7/5, xác nhận
4 ngư dân Indonesia làm việc trên tàu cá Trung Quốc Long Xin 629 đã chết. Cùng
ngày Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Xiao
Qian để bày tỏ quan ngại, đề nghị điều tra về điều kiện làm việc của các ngư
dân Indonesia trên các tàu cá Trung Quốc. Đại sứ Xiao Qian khẳng định Chính phủ
Trung Quốc sẽ đảm bảo các công ty nước này thực hiện các quy định về lao động.
Bộ
trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 6/5 thông báo nước này
sẽ chi 47 triệu USD để mua hệ thống pháo tự hành bánh lốp ATMOS do Công ty
Elbit Systems của Israel sản xuất. Với sự có mặt của ATMOS, pháo binh
Philippines cải thiện năng lực tấn công hơn trước rất nhiều khi vũ khí này vừa
thực hiện nhiệm vụ tấn công trên bộ và làm rất tốt nhiệm vụ phòng thủ biển. Tại
Đông Nam Á, pháo ATMOS đang được trang bị cho pháo binh Thái Lan.
Ngoại
trưởng Mike Pompeo trong cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ngày
06/5 tái khẳng định sức mạnh của quan hệ Đối tác Toàn diện nhân dịp kỷ niệm
25 năm quan hệ Việt - Mỹ. Hai bên đã thảo luận về sự phối hợp ứng phó với dịch
COVID19, nhất trí về tầm quan trọng của đảm bảo tự do hàng hải và tự do theo đuổi
các cơ hội kinh tế ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ cũng bày
tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam và tiếp tục củng
cố quan hệ chiến lược trong thời gian tới.
Mạng Sina
Trung Quốc ngày 6/5 đăng loạt ảnh cho thấy 6 máy bay săn ngầm của Trung Quốc
mới đây đã tiến hành diễn tập ở Biển Đông với nhiều hạng mục như phối hợp quan
sát, tuần tra cảnh giới trên biển và chống tàu ngầm.
Hiệp
hội Nghề cá Việt Nam ngày 4/5 phản đối việc Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt
cá ở Vịnh Bắc Bộ và khu vực Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm chủ quyền, quyền
và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Hành động này đi ngược lại với luật pháp quốc
tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các văn bản
pháp lý quốc tế liên quan. Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là không có giá
trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Công
ty phân tích dữ liệu thị trường IDC (Trung Quốc) ngày 04/5 phát hành báo
cáo dự báo chi tiêu cho robot, máy bay không người lái và các dịch vụ liên quan
ở Trung Quốc có khả năng vượt 121 tỷ USD vào năm 2024, chiếm 44% tổng số toàn cầu. Những
công nghệ mới nổi như 5G, trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò chủ chốt thúc đẩy
phát triển công nghệ robot, máy bay không người lái tại thị trường Trung Quốc.
Ngoại
trưởng Nhật Bản ngày 21/4 khi được hỏi về hành động Trung Quốc thành lập quận
hành chính tại Trường Sa và Hoàng Sa, đã bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông
gần đây, nhận định cộng đồng quốc tế có lợi ích chính đáng trong vấn đề Biển
Đông mà liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn đinh khu vực. Nhật Bản phản đối
mạnh mẽ bất kỳ hành vi gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. Ngoại trưởng ủng hộ
và duy trì quan điểm sự chi phối của pháp luật trên biển, nhấn mạnh tầm quan trọng
của những nỗ lực của tất cả các bên hướng tới giải quyết tranh chấp trên Biển
Đông bằng hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Góc nhìn quốc tế
+Trung Quốc:
Cựu ủy
viên lập pháp Đài Loan Khưu Nghị ngày 04/5 trả lời phỏng vấn mạng CRNTT của
Hồng Công cho rằng trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh và
kinh tế phục hồi khó khăn, Tổng thống Mỹ Donald Trump vì muốn tái đắc cử rất có
thể sẽ phát động chiến sự quy mô nhỏ để chuyển hướng sự chú ý của dư luận đối với
sự thất bại trong phòng chống dịch bệnh và những yếu kém trong cầm quyền. Nếu Mỹ
muốn làm điều này với Trung Quốc, phần thắng chỉ nghiêng về Mỹ khi hai bên chiến
đấu ở biển xa, còn nếu Mỹ gây chiến với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Đài Loan
hay Tây Thái Bình Dương thì Mỹ chắc chắn sẽ bại trận, bởi Trung Quốc có thể huy
động lực lượng lớn từ bộ đội tên lửa và các căn cứ quân sự ở ven biển.
+ Châu Âu - Mỹ:
Báo
Pháp luật, ngày 8/5 dẫn nhận định một số học giả Mỹ cho rằng Công hàm của cố
Thủ tướng Phạm Văn Đồng không không thể hiện sự công nhận chủ quyền của Trung
Quốc đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. GS Ngô Vĩnh Long, chuyên gia quan hệ
quốc tế tại ĐH Maine (Mỹ), nhận xét công hàm viết rất rõ Việt Nam “ghi nhận và
tán thành” quyết định về hải phận 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố trước đó
(tháng 9-1958). Từ “hải phận” trong bối cảnh này phải được hiểu là “lãnh hải”,
chứ không phải các vùng biển bao gồm cả Trường Sa, Hoàng Sa như một số người
nghĩ. Đại tá Raul Pedrozo, cựu cố vấn pháp lý thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương
(Hải quân Mỹ), nhận định “VN Cộng hòa mới chính là quốc gia kiểm soát hợp pháp
hai quần đảo nói trên giai đoạn 1958. Hiệp định Genève năm 1954 đã chia lãnh thổ
VN thành hai phần với ranh giới là vĩ tuyến số 17 và dự kiến thống nhất thông
qua bầu cử vào 20-7-1956. Cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì thế đều chịu
quyền quản lý của chính quyền miền Nam, chính là Việt Nam Cộng hòa”.
Wyatt
Olson, phóng viên tờ Stars and Stripes (Mỹ) ngày 7/5 trích dẫn nhận định của
các học giả rằng việc Mỹ gần đây tăng cường các hoạt động ở Biển Đông và công
khai hơn về chúng là để chứng minh các cam kết ở khu vực. Trong bối cảnh vị thế
tại khu vực của Mỹ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hành động này là cần thiết để
vừa duy trì răn đe với Trung Quốc, vừa chứng minh cho các nước nhỏ về cam kết của
Mỹ.
David
Hutt, biên tập viên The Asia Times, ngày 7/5, dẫn một số nguồn tin về khả
năng Việt Nam kiện Trung Quốc trong thời gian sắp tới và nhận định thêm rằng Việt
Nam đang gặp thế tiến thoái lưỡng nan khi cân nhắc phương án kiện Trung Quốc.
Khi các phản ứng ngoại giao và công luận không có tác dụng răn đe Trung Quốc,
Việt Nam buộc phải tính đến phương án kiện. Tuy nhiên, nếu kiện thì sẽ khiến Việt
Nam và Trung Quốc - hay rộng hơn là Mỹ và Trung Quốc - tới gần hơn một cuộc
xung đột vũ trang mà Việt Nam hiểu rằng họ không có cơ hội giành phần thắng nếu
không có sự hỗ trợ đáng kể từ quốc tế.
Giáo
sư Taylor Fravel, Viện Khoa học Công nghệ Massachusetts, ngày 7/5 đánh giá
Trung Quốc tiếp tục một chiến lược lâu dài ở Biển Đông, không phải lợi dụng dịch
Covid-19. Hành động gần đây của Trung Quốc không mang màu sắc chủ nghĩa cơ hội,
bởi: (i) Chính sách Biển Đông của Trung Quốc là không đổi, hướng tới thúc đẩy
yêu sách quyền lịch sử; (ii) Những vụ việc trên biển gần đây từng diễn ra trước
dịch Covid-19, như va chạm giữa Trung Quốc và Indonesia ở Natuna từ năm 2016;
(iii) Mùa đánh bắt cá mùa Xuân thường gây những căng thẳng, như một tàu cá Việt
Nam bị bị tàu chấp pháp Trung Quốc đâm chìm ở Đá Lồi (Discovery Reef) năm 2019;
(iv) Trong quá khứ Trung Quốc từng quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của các
nước yêu sách, như với Việt Nam ở Bãi Tư Chính năm 2017, 2018. Lý giải hành động
của Trung Quốc giai đoạn dịch: (i), Trung Quốc cho rằng đẩy mạnh yêu sách quan
trọng hơn tập trung đối phó dịch hoặc cải thiện quan hệ với các nước khác; (ii)
Tư duy chiến lược của Trung Quốc thường liên thông các vấn đề trong nước với
thách thức bên ngoài. Việc không hành động sẽ phát tín hiệu Trung Quốc yếu đuối
hoặc thay đổi lập trường cơ bản ở Biển Đông.
Chuyên
gia Denny Roy, Trung tâm East-West (Mỹ) ngày 07/5 nhận xét chính sách Biển
Đông của Trung Quốc có 3 đặc điểm chính: (i) sử dụng chênh lệch về tương quan sức
mạnh để gây áp lực lên các nước láng giềng; (ii) có các động thái trấn an
"giả tạo", như ký kết DOC hay đàm phán COC; và (iii) hung hăng một
cách "có chừng mực". Theo đó, Mỹ cần (i) đi đầu trong việc phản đối
các hành động đi ngược UNCLOS và Phán quyết Biển Đông 2016; và (ii) xây dựng một
cách giải quyết toàn diện cho tranh chấp Biển Đông, trong đó ít nhất Mỹ cần chỉ
trích và cô lập Trung Quốc thay vì tiếp tục để Bắc Kinh lợi dụng sự xao nhãng của
cộng đồng quốc tế.
Báo
Breitbart (Mỹ) ngày 4/5 cho biết bốn tàu hải quân Mỹ và 1 tàu của Anh đã
vào vùng biển Barents phía Bắc Nga để thực hiện chiến dịch an ninh Bắc cực. Đây
là lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1980 tàu hải quân Mỹ mới thực hiện các chiến
dịch như vậy. Chiến dịch này diễn ra trong bối cảnh Nga tiếp tục mở rộng năng lực
quân sự tại Bắc Cực. Nga coi Bắc Cực là khu vực địa chiến lược với nhiều tài
nguyên năng lượng, mang lại khả năng phòng thủ cũng như là khu vực có nhiều đường
biển phía Bắc tiềm năng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Chuyên
gia Stephen Blank, ngày 4/5 bình luận trên trang The Hill cho rằng đại dịch
Covid 19 đã và đang tạo cơ hội để Nga và Trung Quốc thể hiện mối quan hệ đồng
minh. Nga tiếp tục tránh bình luận về hành vi gây hấn ngày càng tăng của Trung
Quốc ở Biển Đông trong thời gian vừa qua.
+Đông Nam Á
Alexander
Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, ngày 4/5 trên
RFI Tiếng Việt cho rằng, trên khía cạnh ngoại giao Việt Nam có đủ tiềm năng để
cản phá Trung Quốc nhưng hợp tác quân sự của Việt Nam với các nước vẫn còn rụt
rè, chưa đủ sức răn đe với Trung Quốc.
Giáo
sư Renato Cruz de Castro (De La Salle University) trong bài đăng trên AMTI ngày
7/5, cho rằng vụ việc tàu Hải quân Trung Quốc chĩa súng vào tàu Hải quân
Philippines hôm 17/02 là một sự cố có thể leo thang dẫn đến xung đột, cho thấy
rằng không có sự nhượng bộ ngoại giao nào từ Philippines ngăn được Trung Quốc
theo đuổi mục tiêu bành trướng trên biển ở Biển Đông. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh
cho Philippines và Hoa Kỳ để xác định liệu Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) có
còn phục vụ lợi ích của họ và quyết định xem có nên duy trì, củng cố, hoặc bãi
bỏ nó hay không.
+Các nước khác:
Rebecca
Strating (East West Center), tháng 5/2020, trong báo cáo “Bảo vệ trật tự các
quy tắc hàng hải: Phản ứng của khu vực đối với Biển Đông” trên trang CSS (Thụy
Sĩ), cho rằng hiện nay giữa các quốc gia được xem là có tư duy tương đồng
(like-minded) về các vấn đề trên biển, vẫn có những lĩnh vực khác biệt có thể
ngăn cản cho việc phát triển các lợi ích chung và hợp tác sâu hơn. Báo cáo đưa
ra một số khuyến nghị như: (1) các nước cùng nhau thống nhất cách diễn giải các
quy tắc luật quốc tế; (2) tăng nội hàm “trật tự dựa trên luật” trong các phát
biểu nhằm đảm bảo các yêu sách phù hợp với luật quốc tế; (3) Xem xét sử dụng cơ
chế giải quyết tranh chấp ngoài đối với các tranh chấp ngoài Biển Đông; (4) Thể
hiện cam kết đưa ra các yêu sách chính đáng thông qua các hoạt động tuần tra
chung và (5) Khuyến khích Mỹ phê chuẩn UNCLOS.
Ông
Mohamed Berzig (Tổng thư ký Hội hữu nghị Algeria-Việt Nam, nhân danh các hiệp hội
bạn bè Algeria của dân tộc Việt Nam), ngày 2/5 trên trang Algeriepatrioque,
cho rằng Trung Quốc đã tiến hành các hành động bất hợp pháp và cách hành xử hăm
doạ trên Biển Đông khiến cho tình hình khu vực trở nên căng thẳng
và bất ổn. Trong bối cảnh dịch Covid, Trung Quốc lại theo đuổi chính
sách “sự đã rồi” ở Biển Đông. Những yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra
trong các công hàm ngoại giao tại Liên hợp quốc hoàn toàn trái với Công ước
UNCLOS 1982, đe doạ chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam.
@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại
giao
"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài
liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản
tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách
nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến
các tin gốc.
Mọi đóng góp ý xin gửi vào
email: scsi@dav.edu.vn
Nguồn :
http://nghiencuubiendong.vn/
Không có nhận xét nào