Header Ads

  • Breaking News

    Đài Loan thầm lặng và công khai nhận ủng hộ từ Hoa Kỳ và quốc tế

    Sự kiện bộ trưởng ngoại giao Mỹ, Mike Pompeo công khai chúc mừng nữ tổng thống Đài Loan nhậm chức nhiệm kỳ hai đã làm Bắc Kinh bực bội.


    Đài Loan thầm lặng và công khai nhận ủng hộ từ Hoa Kỳ và quốc tế
    Nhưng đây chỉ là một trong nhiều hoạt động ngoại giao trên thế giới ngày càng theo hướng ủng hộ Đài Loan và không thích bị Trung Quốc bắt tuân phục.

    Trước sự kiện bà Thái Anh Văn nhậm chức ở Đài Bắc, tối 19/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo viết:

    "Khi chúng ta nhìn về tương lai, tôi tin tưởng rằng, với Tổng thống Thái Anh Văn tại vị lãnh đạo, quan hệ đối tác của chúng tôi với Đài Loan sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ."

    Nhưng bà Thái Anh Văn không chỉ nhận lời chúc từ các lãnh đạo đương chức của Hoa Kỳ.

    Trong động thái được cho là sự ủng hộ từ đảng Dân chủ Mỹ với Đài Loan, cựu Phó tổng thống Joe Biden cũng đã chúc mừng bà Thái Anh Văn.

    Ứng viên tổng thống Joe Biden, người năm 1979 đã bỏ phiếu ủng hộ Luật về Đài Loan của Hoa Kỳ, còn ca ngợi “nền dân chủ mạnh mẽ của Đài Loan và nỗ lực chống Covid-19 tiêu biểu” của chính phủ Thái Anh Văn.

    Điều này cho thấy không chỉ lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ tiến gần đến chính sách ủng hộ Đài Bắc thực chất hơn trước, mà còn là dấu hiệu đảng Dân chủ xa dần đường lối ưu tiên quan hệ với Trung Quốc thời Barack Obama.

    Ông Biden, phó tổng thống thời Obama đã xác nhận việc thay đổi, từ học thuyết “ưu tiên liên kết Trung Quốc” sang ủng hộ một Đài Loan mạnh mẽ.

    Giới trẻ Đài Loan nói gì về chiến thắng của bà Thái Anh Văn?

    Theo các báo khu vực, điều này không nằm ngoài sự xoay chuyển thái độ ở Hoa Kỳ đối với Trung Quốc như hậu quả của đại dịch virus corona.

    Ứng xử của TQ về Covid-19

    Trước dịch Covid-19 lan ra từ Vũ Hán, quan hệ Mỹ -Trung đã xấu đi nhiều vì căng thẳng do thương chiến chưa ngã ngũ.

    Nhưng đại dịch lại làm nổi bật nghi ngờ từ chính giới Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về giai đoạn đầu của đại dịch.

    Ở thời kỳ đầu, câu chuyện bị cho là có liên quan đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lãnh đạo tổ chức này “quá tin vào số liệu Trung Quốc”.

    Sang giai đoạn sau, Đài Loan nổi lên nhưng một ví dụ ngăn chặn Covid-19 hiệu quả nhưng bị Trung Quốc ngăn chặn không cho dự họp WHO.

    Câu chuyện khiến nhiều nhân vật cao cấp của Hoa Kỳ và đồng minh bất bình và đẩy mạnh thêm suy luận của họ rằng Trung Quốc “chơi không đẹp”.

    Bản sắc Đài Loan và ảnh hưởng tới cuộc bầu cử 11/1

    Hoạt động trên mạng công khai đả phá Phương Tây của nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc, nhóm chiến lang (wolf warrior) gần đây chỉ đổ thêm dầu vào lửa.

    Cùng lúc, có vẻ như sức ép từ Trung Quốc không còn có tác dụng như trước với thế giới về vấn đề Đài Loan, cụ thể là việc gọi tên hòn đảo này.

    Theo lãnh đạo Dân Tiến Đảng của Đài Loan thì Bộ Ngoại giao Đài Loan xác nhận với họ rằng có ít nhất 22 hãng hàng không quốc tế đã quay trở lại gọi Đài Loan là Đài Loan.

    Năm ngoái và trước nữa, chừng trên 50 hãng hàng không trên thế giới bị Trung Quốc buộc phải đặt điểm đến của đường bay là “Đài Bắc, Trung Quốc', hoặc Đài Loan, vùng thuộc Trung Quốc”.

    Nay thì nhiều hãng đã âm thầm quay lại dùng tên 'Đài Loan' mà không công bố để tránh làm Trung Quốc bực bội.

    Một số hãng, chẳng hạn như British Airways của Anh, đánh dấu điểm đến trên trang web của họ là “Đài Loan”, và đi kèm lá cờ Trung Hoa Dân Quốc.

    Trong một diễn biến khiến chiến lược tạo ảnh hưởng của Trung Quốc qua “Vành đai và Con đường” ở Đông ÂU bị sứt mẻ, hàng chục dân biểu và chính khách EU lên tiếng ủng hộ Đài Loan có ghế trong Đại Hội đồng Y tế Thế giới – WHA.

    Nhóm 67 nghị sĩ EU ủng hộ sáng kiến này trong tháng 4 vừa qua có các dân biểu từ Ba Lan, CH Czech, Slovakia, Estonia...

    Thư ngỏ của nữ dân biểu Ba Lan, bà Anna Fotyga (cựu bộ trưởng ngoại giao) phê phán Trung Quốc và yêu cầu để Đài Loan được tham gia các hoạt động tại WHA và WHO.

    Cũng liên quan đến WHO và Đài Loan, ba cựu lãnh đạo châu Âu là Anders Fogh Rasmussen (cựu tổng thư ký Nato, cựu thủ tướng Đan Mạch), Aleksander Kwaśniewski (cựu tổng thống Ba Lan) và Carl Bildt (cựu thủ tướng Thụy Điển) đã công khai một thư ngỏ yêu cầu EU vận động để Đài Loan tham gia WHO.

    Kiến nghị tương tự đã được Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Úc, New Zealand nêu ra.

    Mới nhất, Thượng viện Cộng hòa Czech bỏ phiếu ủng hộ Chủ tịch Thượng viện Milos Vystrcil đi thăm Đài Loan.

    Nghị quyết thông qua hôm 20/5 với tỉ lệ phiếu 54/1, nói chuyến thăm "đồng nhất với lợi ích ngoại giao lâu dài của Cộng hòa Czech".

    Thượng viện Czech phản ứng sau khi Sứ quán Trung Quốc ở Prague gửi thư đe dọa cho văn phòng Tổng thống Czech hồi tháng Giêng.

    Đặc biệt, Úc dưới thời thủ tướng Scott Morrison trở nên tích cực hơn hẳn trong kiến nghị điều tra vụ Covid-19 ở Trung Quốc , trong chiến lược 'thoát Trung', theo một số ý kiến.

    Báo Trung Quốc gọi Úc là 'chó con của Hoa Kỳ' để đáp trả việc chính phủ Úc và một phần dư luận đổ lỗi cho Bắc Kinh để dịch virus corona lan ra.

    Bản quyền hình ảnh EPA Image caption American Institute ở Đài Bắc, hoạt động như cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Đài Loan

    Không còn tuân phục chính sách của Trung Quốc?

    Các diễn biến này, đang đem lại hiệu ứng mà một số nhà quan sát gọi là “thế giới điều chỉnh lại quan hệ (recalibrating) với Trung Quốc” xảy ra cùng đại dịch virus corona.

    Theo một học giả về Trung Quốc, cựu lãnh đạo một quốc gia vùng Thái Bình Dương nói tại một hội nghị gần đây ở Anh, thì hiện có tâm lý ở nhiều nơi rằng “chúng ta không việc gì cứ phải chịu theo các chuẩn (norms) vừa ý Bắc Kinh”.

    Chính sách gọi là “luôn phải xin lỗi Trung Quốc” vì sợ làm mất lòng lãnh đạo nước này, khiến chính giới ở nhiều quốc gia thấy mệt mỏi.

    Nay họ cho rằng không việc gì cứ phải lo Trung Quốc bị mất lòng mà cứ làm theo đúng các chuẩn mực quốc tế, vị học giả thạo Trung văn giải thích.

    Ông cũng tin rằng lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ, Úc đã “vượt qua lằn ranh” là phải giả vờ như Đài Loan không tồn tại.

    Cùng thời gian, tiếng nói đòi cho quy chế riêng cho Đài Loan, không phụ thuộc vào Trung Quốc nay đến cả từ nội bộ ở Đài Loan.

    Sự thất vọng với WHO trong đại dịch virus corona chỉ là lý do trực tiếp, còn sâu xa hơn thì bản sắc riêng của các thế hệ sau này ở Đài Loan tạo nhận thức về rõ hơn về sự khác biệt hẳn với Trung Quốc.

    Một số báo Đài Loan nói thì quan chức TQ “lấy số liệu về Covid-19 của Đài Loan” từ mạng Internet và bắt WHO phải coi đó là số liệu y tế về Đài Loan.

    Ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Thái Anh Văn, có các tuyên bố trong chính giới và học giả Đài Loan nói bà Thái cần cải tổ hiến pháp, đi tới chỗ bỏ cái tên Trung Hoa Dân Quốc và gọi tên chính thức của quốc gia là Đài Loan.

    Được biết bà Thái Anh Văn vẫn giữ quan điểm bảo thủ trong vấn đề này, muốn duy trình tình trạng độc lập thực tế nhưng trên danh nghĩa thì vẫn coi Đài Loan là Trung Hoa Dân quốc.

    Tuy thế, với giới trẻ Đài Loan có tiếng nói của cử tri trong tương lai – độ tuổi bầu cử sẽ giảm xuống 18, xu thế ủng hộ bản sắc Đài, xa hẳn với bản sắc Trung Hoa, chỉ ngày càng tăng và sẽ tạo sức ép lên chính quyền Thái Anh Văn.

    Nguồn : https://www.bbc.com/

    Không có nhận xét nào