Header Ads

  • Breaking News

    Xây dựng thế giới ‘‘hậu Covid’’: TT Pháp tìm động lực trong Tuyên ngôn Nhân quyền


    Dịch Covid-19: Tổng thống Macron chào các cư dân, đang sống cách ly, tại một khu phố trên đường rời khỏi một trung tâm y tế ở Pantin, gần Paris, ngày 7/4/2020. AFP - GONZALO FUENTES

    Xây dựng thế giới ‘‘hậu Covid’’: TT Pháp tìm động lực trong Tuyên ngôn Nhân quyền


    Nước Pháp phong tỏa để hãm dịch Covid-19 đã bốn tuần lễ. 20 giờ hôm qua, 13/04/2020, tổng thống Pháp có bài phát biểu long trọng lần thứ tư kể từ đầu đại dịch, chính thức xác định ngày Pháp bắt đầu ra khỏi phong tỏa. Tất cả các nhật báo Pháp số ra hôm nay tập trung bàn về sự kiện này.

    La Croix chạy tựa trang nhất ‘‘Cái mốc được xác định là 11 tháng Năm’’. Libération ‘‘Mục tiêu tháng Năm’’. Le Figaro thì tỏ ra hết sức dè dặt ‘‘Hy vọng tái sinh, nhưng không có gì là chắc chắn’’. Với hàng tựa trang nhất ‘‘Một tháng để ra khỏi phong toả’’, Les Echos muốn nhấn mạnh, thời khắc của hành động là một tháng trước mắt, một tháng ‘‘gian nan’’, như ghi nhận trong mục ‘‘Mỗi ngày một sự kiện’’ của nhật báo.

    ‘‘Những ngày tháng gian nan’’… nhưng ‘‘niềm hy vọng tái sinh’’


    Bài ‘’Tổng thống Macron hứa một giai đoạn ra khỏi phong toả từ từ’’ của Les Echos lưu ý trước hết là những lời đầu tiên của tổng thống Pháp là dành để nói về ‘’những ngày khó khăn đang diễn ra’’, về ‘’nỗi sợ’’, ‘’nỗi lo hãi’’, đặc biệt đối với ‘‘những ai sống đông người trong một căn hộ chật hẹp, nơi cuộc sống hàng ngày thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, nơi những người cao tuổi phải sống trong sự cô đơn’’, xa cách người thân. Nguyên thủ Pháp đã dành những lời trân trọng để ca ngợi những y bác sĩ, những người trực tiếp cứu chữa bệnh nhân, các chiến sĩ ‘‘trên tuyến đầu’’, những người '‘ở tuyến hai’’ (tiếp tục các hoạt động nghề nghiệp, sản xuất, giảng dạy, giao thông vận tải, thương mại, nông nghiệp… trong bối cảnh bệnh dịch…). Và những công dân Pháp ''ở tuyến thứ ba'', chấp nhận cách ly, để kìm hãm dịch. Tổng thống Pháp nhấn mạnh chính nhờ vậy, ‘‘dịch bắt đầu chững lại…. Niềm hy vọng tái sinh’’.

    Trong thời gian chuẩn bị cho việc dần dần ra khỏi phong toả, bắt đầu trước hết từ ngày 11/05, với các trường học (trừ Đại học), hoạt động của một số lĩnh vực kinh tế được nối lại (các hoạt động văn hoá tập hợp đông người sẽ chỉ được nối lại từ giữa tháng 7), chính phủ sẽ phải chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ quy mô lớn với khu vực kinh tế tư nhân, với giới doanh nghiệp. Cùng lúc đó, là sự ‘‘trợ giúp đặc biệt’’ dành cho những người dễ tổn thương nhất, ‘‘các gia đình có trẻ em, cũng như sinh viên xa gia đình’’. ‘‘Bảo vệ người lao động’’ là mục tiêu hàng đầu. Duy trì giãn cách xã hội, sử dụng rộng rãi khẩu trang thông thường, xét nghiệm hàng loạt, và tiếp tục duy trì cách ly những người nhiễm virus và những người bị tình nghi sẽ nằm trong số các biện pháp chủ đạo, kể từ ngày 11/05. Chính phủ Pháp có 2 tuần lễ để chuẩn bị cho kế hoạch chi tiết ra khỏi phong tỏa.

    Hoài nghi: ''Phải chăng đêm đen sắp hết?''

    Nhât báo thiên hữu Le Figaro tỏ ra khá hoài nghi về tuyên bố của tổng thống. Đối lập chỉ trích bài phát biểu ‘‘không đủ chi tiết’’. Xã luận Le Figaro, với tựa đề ‘‘Phải chăng sắp đến tận cùng của đêm đen?’’, ghi nhận tổng thống đã chính thức cho biết ‘‘ngày chấm dứt cuộc phong tỏa khổ ải này’’, với tia hy vọng ‘‘tự do trở lại’’, những người Pháp - đang chấp nhận sống trong cảnh ngộ phong tỏa - được người đứng đầu nước Pháp tri ân. Tuy nhiên, theo Le Figaro, điều đó không đủ để đáp ứng được mong đợi của những ai đang bị dịch bệnh bắt buộc phải sống trong tình trạng quản thúc tại gia. Theo Le Figaro, các công dân Pháp còn rất nhiều dấu hỏi về giai đoạn những tháng tiếp theo, bên ngoài ba giải pháp chính : ‘‘xét nghiệm’’ hàng loạt, ‘'khẩu trang’’ đại trà và ‘'trị liệu’’ mới, đã được tổng thống cho biết.

    ‘‘Chọn cách nói khiêm nhường’’
    Nhật báo thiên tả Libération, với tựa đề ‘‘Hy vọng’’ ghi nhận thông tin tổng thống đưa ra về ngày bắt đầu chấm dứt phong toả 11/05, với cái nhìn hóm hỉnh: ‘‘Thêm một tháng hay chỉ còn một tháng nữa’’ là hai cách nhìn khác nhau về tuyên bố hôm qua của tổng thống. Libération đặc biệt chú ý đến việc tổng thống Pháp lựa chọn ‘‘thái độ khiêm nhường’’ trong phát biểu hôm qua, khác hẳn với khẩu khí đầy tính chiến đấu của một thủ lĩnh, mà ông vẫn thể hiện từ đầu đại dịch đến nay, khi nhấn mạnh ‘‘tôi chia sẻ với các vị về những cái mà chúng tôi biết và những điều mà chúng tôi không biết’’. Điều mà ông biết rõ là ngày 11/05 là một thời điểm mang tính bước ngoặt’’, khởi đầu cho việc từ từ ra khỏi tình trạng phong tỏa.

    Emmanuel Macron thừa nhận một số ‘‘thất bại’’ của chính quyền trong việc đối phó với dịch bệnh. Để ra khỏi phong tỏa, nguyên thủ Pháp cảnh báo, cần hiểu rằng tình trạng ‘‘miễn dịch cộng đồng’’ hằng mong muốn sẽ còn ‘‘rất xa’' mới đạt được. Xét nghiệm, khẩu trang, kỹ thuật định vị các tiếp xúc với người có virus qua điện thoại di động là các biện pháp được ưu tiên. Libération chú ý đến việc, tổng thống Macron, ‘'bị cánh tả trong đảng cầm quyền gây áp lực’’, đã buộc phải đưa ra hứa hẹn ‘'sẽ làm nhiều hơn cho những người khó khăn nhất’’, với ‘‘các biện pháp tài chính mới’’. Tuy nhiên, còn nhiều việc chính phủ phải làm, bởi hiện tại chưa có gì cụ thể.

    Duy trì đoàn kết : ‘‘Cái khó nhất mới chỉ bắt đầu’’


    Trong bài phát biểu gần nửa giờ đồng hồ hôm qua của nguyên thủ Pháp, Les Échos đặc biệt chú ý đến tình thần ‘‘duy trì đoàn kết’’, đã được đưa ra trong phát biểu long trọng đầu tiên của tổng thống cách nay một tháng. ‘‘Duy trì đoàn kết’’, cũng là chủ đề mục ‘‘Mỗi ngày một sự kiện’' của nhật báo kinh tế. Bởi đối với Les Échos, ‘‘cái khó khăn nhất mới chỉ bắt đầu’’.

    Hiện tại, sau một tháng phong tỏa, thành công của giải pháp này là viễn cảnh tình trạng bệnh viện vỡ trận đáng sợ đã không xảy ra, nhưng giờ đây là những hệ quả phụ đáng sợ của giải pháp này: ‘‘Mỗi ngày phong tỏa trôi đi là một ngày mà sự mong manh, dễ tổn thương về xã hội, về tâm lý, khủng hoảng kinh tế, và từ đó đó là khủng hoảng xã hội, khủng hoảng tinh thần, thêm trầm trọng’’. Một tương lai sáng sủa chỉ có thể có ''với điều kiện người dân Pháp tiếp tục duy trì ý thức công dân, duy trì việc cách ly bất chấp khó khăn, chính quyền có đủ năng lực thực hiện các kế hoạch trong chiến lược chung… Đây là điều không hề đơn giản''.

    Trở lại với giá trị ‘‘Lợi ích chung’’ trong Tuyên ngôn Nhân quyền


    Cũng nói về sự đoàn kết, nhưng dưới một góc nhìn đáng chú ý khác, xã luận La Croix có bài ‘‘Lợi ích chung’’ (cụm từ ‘‘Lợi ích chung’’ được đặt trong ngoặc kép). Nhật báo Công Giáo ghi nhận câu nói gây ấn tượng mạnh trong bài phát biểu của tổng thống là lời kêu gọi ‘‘Hãy sáng tạo lại chính mình, và trước hết là bắt đầu từ tôi’’, nhưng ‘‘câu nói quan trọng nhất’’ trong bài phát biểu của ông không nằm ở đó.

    Câu nói quan trọng nhất, theo La Croix, là ‘‘Sự thừa nhận về mặt xã hội chỉ có thể được xác lập trên cơ sở nó đem lại lợi ích chung’’ cho cả cộng đồng. Đây chính là câu thứ hai, trong điều khoản thứ nhất của Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1791. Câu thứ nhất là ‘‘Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi’’.

    La Croix giải thích : ‘‘tổng thống Macron đã dẫn lại lời trích này vào thời điểm mà chính ông đã đặt câu hỏi về việc đãi ngộ quá thấp đối với các nghề nghiệp, đã có những đóng góp cốt yếu cho xã hội, từ các nhân viên y tế, giáo viên, những người làm trong nghề sản xuất và cung ứng thực phẩm, người phục vụ giao thông vận tải, nghề đổ rác….’’. ‘‘L’utilité commune’’ (''Lợi ích chung''), cụm từ xa xưa này rất đáng được chú ý, nó tương đương với diễn đạt phổ biến hiện nay ‘‘bien commun’’ (tạm dịch là '‘tài sản chung’’). Đây là một khái niệm, mà La Croix cho rằng, ‘'đã quá bị coi nhẹ trong những thập niên gần đây’’. Khả năng huy động nỗ lực tập thể nhờ khái niệm này đã bị gạt bỏ và thay vào đó là những lợi nhuận sinh ra nhờ ‘‘bàn tay vô hình của thị trường’’.

    Dù sao, La Croix nhấn mạnh câu nói trên mới chỉ là điểm khởi đầu. Câu nói quan trọng nhất, nằm trong phần kết, bài phát biểu của tổng thống, trong giai đoạn hiện tại, đã ‘'không đủ cụ thể để có thể dẫn đến việc thảo ra một thỏa ước xã hội mới’’ tại Pháp. Đây chính là điều mà công luận đã nhiều lần chê trách nguyên thủ Emmanuel Macron. Sau các tuyên bố đầy tham vọng đưa ra, ông đã không có những hành động cụ thể, đơn cử như sau tuyên bố ‘‘Make Our Planet Great Again  / Hãy làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại’’. Xã luận báo Công Giáo kết thúc bài viết: '‘Mong rằng lần này ông ấy thực thi lời hứa của mình’’.

    Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu: '‘Có các giải pháp chung cho khủng hoảng y tế và khủng hoảng sinh thái’

    Để tìm lối thoát cho giai đoạn hậu phong tỏa, tổng thống Pháp đặt một phần hy vọng vào xã hội công dân. Le Monde số ra dịp lễ Phục Sinh (ba số trong một) chạy tựa trang nhất ‘‘Những định hướng do các công dân đề xuất để giúp thoát khỏi khủng hoảng’’.

    Cuối tuần qua, Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu đã chuyển đến tổng thống loạt đề xuất đầu tiên. Bài viết - mang tựa đề ‘‘Những định hướng Xanh để thoái khỏi khủng hoảng’’ về ‘‘50 đề xuất cho một mô hình mới’’ - cho biết tinh thần chung của các đề xuất được đưa ra sau cuộc họp hai ngày bất thường của Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu. Nội dung của 50 đề xuất hiện chưa được công bố.

    Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu là nhóm làm việc được lập ra, theo quyết định của tổng thống, với thành viên là các công dân Pháp bình thường, nhằm đề xuất các giải pháp tổng thể cho cuộc chuyển đổi sang một nền kinh tế phát thải thấp, giã từ các năng lượng hoá thạch, để hướng đến một xã hội thân thiện với môi trường.

    Sau 6 tháng hoạt động, trong bối cảnh phong toả vì đại dịch, Hội nghị chưa thể đúc kết các đề xuất cuối cùng, nhưng họp đột xuất để đưa ra sớm 50 đề xuất (tức 1/3 trong tổng số các đề xuất chung cuộc), liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng y tế và xã hội do đại dịch Covid-19.

    Lo ngại chính của nhiều thành viên Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu này là giai đoạn chấn hưng sau khủng hoảng sẽ hết sức bất lợi cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh. Chính trị gia Elisabeth Borne, bộ trường bộ Chuyển Đổi Sinh Thái và Đoàn Kết tóm lại nỗi lo ngại của 150 thành viên Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu: ‘‘thông điệp rõ ràng của họ là không thể để cho cuộc khủng hoảng y tế hiện nay xoá mờ đi cuộc khủng hoảng sinh thái. Cả hai khủng hoảng có một nền tảng chung … Điều quan trọng mà 150 công dân vừa nói với chúng ta là: có thể có những câu trả lời chung cho khủng hoảng y tế và khủng hoảng sinh thái’'.

    Cũng Le Monde, đăng tải bài trả lời phỏng vấn đạo diễn Cyril Dion, nhà sinh thái, một trong những người bảo trợ Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu, với tựa đề : ‘‘Không hiến tế Khí hậu cho vị thần Tăng trưởng’’.
     
    Trọng Thành
    RFI

    Không có nhận xét nào