Dịch bệnh khiến hoạt động kinh tế,
thương mại quốc tế và nội địa suy giảm, ngưng trệ. Doanh nghiệp phá sản,
số lượng người thất nghiệp, người nghèo tăng
Sân bay Nội Bài vắng người trong những ngày thực hiện cách ly xã hội ở Việt Nam. |
Việt
Nam vừa đang ở trong ngày cuối của 15 ngày cách ly xã hội và hiện đứng
trước câu hỏi: cần tiếp tục cách ly nghiêm ngặt hay nới lỏng dần để kích
hoạt lại guồng máy kinh tế?
Chiều
nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì cuộc họp Thường trực Chính
phủ về dịch Covid-19, tại đó một quyết định quan trọng sẽ được đưa ra là
có tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ thị 16 hay không.
Đầu
tuần này, hình ảnh một người ngoại quốc đứng bên lề đường TP HCM xin
tiền mua thức ăn đã trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận. Bên cạnh lời
bình về sĩ diện, về lòng nhân ái, khía cạnh kinh tế của câu chuyện đã
châm ngòi cho các trao đổi nghiêm túc.
Cũng trong tuần, người ta đã chứng kiến một số người dân nghèo chen lấn, xô đẩy tại một điểm ATM phát gạo từ thiện ở Hà Nội.
Cứu đói giữa đại dịch, khi xã hội dân sự bổ khuyết cho chính quyền
Virus corona có thể đẩy nửa tỷ người vào cảnh đói nghèo
Nếu
hình ảnh "ông thầy Tây" minh họa sống động cho viễn cảnh người ta có
thể chết đói trước khi chết do nhiễm virus corona, thì cũng đã lâu rồi
người ta mới chứng kiến một sự cố chen lấn như thế tại thủ đô.
Ngày
15/4 là thời điểm kết thúc cách ly xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng
Chính phủ, một câu hỏi lớn được đặt ra: tiếp tục cách ly để kiểm soát
dịch bệnh hay nới lỏng dần để nền kinh tế vận hành trở lại?
"Doanh nghiệp mà chết còn nguy hiểm hơn"
Dịch
bệnh khiến hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế và nội địa suy giảm,
ngưng trệ. Doanh nghiệp phá sản tăng cao, số lượng người thất nghiệp,
người nghèo tăng.
Theo
thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý 1/2020 có gần 34.900
doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước).
Một
khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy
có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không
quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.
Doanh
nghiệp khó khăn, giải thể kéo theo người lao động thất nghiệp. Theo Bộ
Lao động, Thương binh và Xã hội, tháng 2 có 47.164 người đăng ký nộp hồ
sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 59,2% so với tháng 1 và tăng 70% so
với cùng kỳ năm ngoái.
Khi Việt Nam áp dụng các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt từ 1 đến 15/4, tình hình kinh tế càng trở nên khó khăn hơn.
Trong
khi chủ trương "chống dịch như chống giặc" đã mang lại thành công bước
đầu trong ngăn chặn dịch bệnh, bài toán kinh tế khó giải hơn nhiều.
Trao đổi với BBC News tiếng Việt, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đưa ra ví dụ minh họa:
"Thành
phố Hồ Chí Minh năm nay dự định thu 405.000 tỷ, tương đương mỗi ngày
thu 1.100 tỷ đồng, tức 50 triệu USD. Cứ mỗi ngày cách ly là thành phố
chẳng những mất khoản thu đó mà còn phải chi biết bao nhiêu tỷ cho việc
điều trị, phòng dịch, cứu trợ dân."
Trao đổi với BBC News tiếng Việt, tiến sĩ Nguyễn Quang A đánh giá:
"Cách
ly xã hội giúp Việt Nam khống chế tốt dịch bệnh, đảm bảo không bùng
phát ngoài tầm kiểm soát, nhưng nó làm đóng băng gần như hoàn toàn sự
vận hành của kinh tế."
Trước câu hỏi liệu có nên nới lỏng, kích hoạt dần các hoạt động kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Quang A chia sẻ:
"Đây
là một lựa chọn khó. Chắc chắn nếu thấy dịch được kiểm soát thì nên nới
lỏng từng phần, từng địa phương theo tình hình cụ thể của mỗi địa
phương để tránh tổn thất kinh tế. Lưu ý các doanh nghiệp mà chết có khi
còn nguy hiểm hơn."
Bà Vũ Kim Hạnh nhìn nhận việc đảm bảo "mục tiêu kép" là vô cùng khó khăn:
"Hiện
các nước chia sẻ nhận thức về hai nhiệm vụ cấp bách là: giữ và cứu tính
mạng người dân là quan trọng nhất, thứ nhì là sức khỏe tính mệnh doanh
nghiệp, cũng là của nền kinh tế. Trong các giải pháp phòng chống dịch
bệnh thì quan trọng nhất là giãn cách xã hội. Và thực hiện giãn cách thì
đạt được hiệu quả về y tế nhưng lại phải chịu thiệt hai rất lớn là đóng
băng các hoạt đông kinh tế. Tôi tin chính phủ Việt Nam hiểu hơn ai hết
là nước mình không có quỹ dự trữ công lớn đến mức có thể an tâm đóng cửa
đủ lâu. Nhưng xóa hết giãn cách để bùng phát dịch bệnh thì chắc chắn
chính quyền không dám."
Bài
toán kinh tế là nội dung trọng tâm gần đây của Chính phủ Việt Nam.
Trong các phát biểu chỉ đạo mới nhất, bên cạnh chủ trương "chống dịch
như chống giặc", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không ngừng nhấn mạnh
"mục tiêu kép" và quyết tâm đưa nền kinh tế "bật dậy như lò xo".
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A nhận định: "Không có giải pháp tối ưu và luôn là sự
đánh đổi rất khó khăn. Ông Thủ tướng Việt Nam nói phải đạt mục tiêu kép,
tức là khống chế bệnh dịch đồng thời phải bảo vệ nền kinh tế. Đó là
cách tiếp cận đúng.
Ông
ấy cũng bàn nhiều và nghe dư luận để điều chỉnh chính sách (thí dụ xuất
gạo). Tôi nghĩ quan trọng nhất là phải nắm rõ tình hình, đưa ra các
quyết định chính sách trên cơ sở bằng chứng thì chính sách sẽ tốt hơn."
Các hàng quán ở Hà Nội đóng cửa theo Chỉ thị 16 để "Cách ly xã hội" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Để
vực dậy nền kinh tế, chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt biện pháp,
trong đó có gói hỗ trợ tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng),
gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng... Cổng thông tin Chính
phủ cho biết: "Chúng ta có 'cú đấm thép' là số vốn đầu tư công gần
700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, cần giải ngân hết trong năm
nay."
Về giải pháp, bà Vũ Kim Hạnh phân tích:
"Việc
hỗ trợ doanh nghiệp lần này hoàn toàn khác khái niệm hỗ trợ xưa nay.
Nên phải cứu doanh nghiệp để cứu nền kinh tế, đó là điều bắt buộc phải
làm nếu không muốn kinh tế sụp đổ. Bây giờ thì tựa vào vận hành kinh tế
nội địa trong điều kiện tập trung nhất có thể, đồng thời hết sức tranh
thủ cơ hội bên ngoài như các hợp đồng thực hiện khẩu trang, thiết bị y
tế nếu có."
Không thể "cấm tất"
Bàn về việc các địa phương đề xuất tiếp tục cách ly xã hội (từ 1 tuần cho tới cuối tháng 5), tiến sĩ Quang A đánh giá:
"Các
lãnh đạo địa phương khó chủ động trong tình huống này (sợ trách nhiệm,
Đại hội 13 đang đến gần,…) và họ thường thụ động theo hướng siết chặt.
Chính vì thế chính phủ nên có các chỉ dẫn rõ ràng. Tôi nghĩ sau 15/4 tốt
nhất là mở từng phần, từng địa phương và theo dõi sát sao và điều chỉnh
kịp thời."
Bà cũng chia sẻ thực tế là khó có thể bỏ giãn cách ngay:
"Tôi
tin giãn cách sẽ tiếp tục, không thể nào xóa bỏ, quay trở lại bình
thường, nhưng tiếp tục như thế nào? Nên có những nguyên tắc bất di bất
dịch. Giãn cách hiện nay vẫn là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để
tránh bùng phát. Việt Nam nghèo hơn các nước, chi tiêu để phòng chống
dịch không được như các nước giàu. Cũng vì vậy, phải có những cách để
nền kinh tế hồi sức lại, chứ không thì sụp đổ."
"Doanh
nghiệp mệt mỏi lắm rồi. Hội chúng tôi gồm những doanh nghiệp có uy tín
trên thị trường nhưng cũng than là cứ đóng cửa thế này 2 tháng nữa là họ
dẹp luôn vì hàng tồn nhiều và không còn thanh khoản. Tôi đoán là nhà
nước sẽ vẫn phải giản cách với các nguyên tắc nghiêm ngặt nhất nhưng
cũng đến lúc phải mở ra một phần cho doanh nghiệp làm ăn," bà Kim Hạnh
chia sẻ.
Chủ
tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng trong bối
cảnh phải thực hiện "mục tiêu kép" thì "chính phủ cứ minh bạch với dân,
rằng nhu cầu cứu vãn nền kinh tế cần bao nhiêu tiền, nước mình nghèo thì
chỉ có sức chi bao nhiêu, kêu gọi dân đóng góp bao nhiêu, đi vay quốc
tế bao nhiêu. Và bù vào chỗ thiếu hụt tiền là niềm tin của dân, là cam
kết thực thi thật nghiêm túc, hiệu quả, có kỹ luật và sẵn sàng đặt dưới
sự kiểm soát của người dân. Bởi đại dịch lần này, tình thế quá khác, quá
nghiệt ngã đến mức sống còn thì phải làm như vậy thôi."
Bà cũng nhận xét chính sách hỗ trợ hiện nay còn bất cập, đòi hỏi nhiều thủ tục làm nản lòng người dân và doanh nghiệp.
"Muốn
hỗ trợ cho người lao động mà cơ quan thực thi nhất thiết yêu cầu người
lao động phải chứng minh rằng công ty mình làm bị thiệt hại năng đến phá
sản vì dịch bệnh thì làm sao chứng minh được? Hay vay ngân hàng đã túng
ngặt rồi mà còn phải trình thế chấp, trình tài sản thế chấp đầy đủ,
trình phương án hay hợp đồng bảo đảm trả nợ thì doanh nghiệp 'bó tay'
thôi," bà nói.
Bà
Vũ Kim Hạnh gợi ý giải pháp chính phủ phải có quỹ bảo trợ rủi ro cho
ngân hàng, "bởi ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, bằng không thì hai
bên sẽ co kéo không lối thoát hay có lối thoát cho… tiêu cực". Bà cũng
lưu ý trong bối cảnh hiện tại, chính phủ cần xem xét chỉ đạo hoãn hay
cấm bán công ty Việt Nam cho công ty có yếu tố nước ngoài.
(BBC)
Không có nhận xét nào