Vừa xuống khỏi tàu điện được mấy bước, tôi đã thấy một phụ nữ ngồi ở chiếc ghế gần lối ra, bên cạnh là chiếc nón lá và túi nylon đầy một nửa. Đúng là người Việt mình. Tôi nghĩ.
Virus corona: Ai có thể giúp những người Việt lao động khốn khổ tại Thái? |
Chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau. Được giới thiệu, tôi ngỏ lời mua giúp chị vài ký cá khô. Chị mừng lắm, bảo sẽ mang giao tận nhà, nhưng tôi hẹn gặp ở một trạm BTS gần phía chị, bớt cho chị được một quãng đường.
Trạm Ari vắng hoe, lác đác vài người bước vội. Không còn dấu hiệu gì của Bangkok, thành phố sinh động thu hút đông khách du lịch nhất thế giới, nơi dòng người người lúc nào cũng bất tận và chật như nen cối.
Khi số ca nhiễm lên đến gần 1.000, Thủ Tướng Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc hôm 24/4, trước hôm tôi gặp chị một tuần. Nhưng mọi sinh hoạt đã dần dà vắng đi từ tuần đầu của tháng Ba, và người du lịch đến Bangkok đã thưa đi thấy rõ từ trung tuần tháng Hai.
Cá lóc khô
Tôi bước đến gần, gật đầu chào và hỏi chị có phải là Phương không, rồi ngồi xuống ghế. Chúng tôi cách nhau chắc chắn là không được 2 mét, nhưng cũng tạm đủ để gọi là đang áp dụng phương thức ''giãn cách xã hội.''
''Dạ. Em là Phương. Cá của chị đây. Ba ký, em lựa cá mới khô, cân đủ cho chị đó.'' Phương đẩy bịch cá khô còn thơm mùi nắng về phía tôi. ''Chị mở ra xem lại đi.''
Tôi đưa Phương phong bì trả tiền, nói thôi về nhà xem cũng được. Phương mở phong bì liếc sơ, gấp lại, cẩn thận bỏ vào túi, rồi nụ cười chợt nở bung làm tươi khuôn mặt rám nắng.
Trước đó, trên điện thoại, Phương (tên đã được đổi), năm nay 29 tuổi, cho biết chị và đứa em trai 24 tuổi ''mới qua, lại mới gửi tiền về nhà, nên không có tiền về,'' mặc dù từ hơn hai tuần nay, trong khối người Việt lao động ở Thái, ai về được đã kéo nhau về Việt Nam, tránh cơn bão dịch ngày càng lan ra nhanh ở xứ chùa vàng.
''Hôm nay chị đi giao được nhiều không?'' Tôi gợi chuyện. Lòng thật ra muốn hỏi Phương số tiền vừa bán cá cho tôi, thêm chút tiền tip, sau khi trừ vốn, Phương còn bao nhiêu, và sẽ tiêu trong được bao ngày, nhưng không dám mở lời.
"Sáng giờ có mình chị, lát trên đường về em giao thêm hai ký nữa thôi, cũng người quen giới thiệu.'' Phương trầm ngâm.
''Kéo dài kiểu này chắc tụi em chưa chết dịch đã chết đói chị ơi. Xui quá, vừa gửi hết tiền về nhà thì có lịnh đóng cửa. Hai chị em mất việc một lúc mới kẹt cứng đó chớ.''
Phương cho biết chị và người em trai mới qua đây được hơn ba tháng. Nhờ người quen giới thiệu, chị làm việc ở một gia đình người Thái có vựa cá khô nhỏ. Người em trai được vợ chồng người bà con ở đây đã lâu, cho theo học nghề bán trái cây và phụ việc lặt vặt.
Tất bật mỗi ngày 12 tiếng, Phương kiếm được khoảng 400 Bahts (khoảng 13 đôla) một ngày, và được chủ nuôi bữa ăn trưa. Còn người em trai, vì đang phụ việc nên chưa kiếm được bao nhiêu, ngày nhiều lắm là vài trăm Bahts. Hai chị em sống chen chúc trong căn hộ chung với 4 người Việt khác, mỗi tháng phần tiền nhà, điện nước, của họ là 2.500 Bahts (khoảng 83 đôla).
Phương làm một tuần bảy ngày, và như những người ở cùng nhà, chỉ ngày đi làm rồi tối về nhà lăn ra ngủ, chưa biết mặt mũi Thái Lan ra sao ngoài những nơi đi lại hàng ngày.
Cơ cực, nhưng sống tại đây chị đã có lúc cảm thấy vừa lòng với số phận. Trừ mọi chi phí, sau ba tháng dành dụm, hai chị em vừa gửi về nhà được hơn 700 đôla, số tiền mà chị Phương nói ở quê nhà Nghệ An, họ sẽ chẳng thể nào để dành được, vì công việc ở đó ''lúc có lúc không, mà có thì lương thấp hơn nhiều.''
''Cũng vì đồng tiền thôi, chứ ai mà muốn xa quê đâu chị.''
''Mà tụi em thiệt là xui. Hai chị em đang tính ráng trụ được ở đây lâu lâu, gom tiền đóng một cái xe bán trái cây, rồi kiếm chỗ bán cho đỡ cực. Làm cá cực lắm chị ơi.'' Phương chia sẻ giấc mơ tưởng nằm trong tầm tay với, nhưng hiện đang bị cơn bão virus corona biến thành một điều không tưởng.
Tuần trước, người chủ nói vắng khách quá nên phải cho chị nghỉ, điều mà chị đã thấy trước. Đứa em trai chị giờ cũng nằm nhà, vì hai người bà con có xe bán trái cây đã kéo nhau về Việt Nam tránh dịch sau những tuần dài ế ẩm.
Không có du khách, Bangkok uể oải như con nghiện thiếu thuốc. Và không có du khách người dân lao động kiếm cơm hàng ngày ở đây, cả Việt lẫn Thái, mặt hằn rõ những âu lo.
Được hỏi nếu có đủ tiền trả chi phí, chị có về Việt Nam lánh dịch lúc này không, Phương ngần ngừ một lúc rồi trả lời:
''Dạ muốn. Nghe bên Thái này dịch lan quá, em cũng muốn về, sợ mình ở đây rồi bị lây. Thấy người ta về hết em cũng nôn, nhưng vì không đủ tiền. Thằng em em thì nó nói có đủ tiền thì cũng để dành chứ không về. Đang ở đâu ráng ở đó đi, nó nói. Cùng quá hai chị em tìm chỗ xin ở nhờ, ăn thì đâu bao nhiêu, mua bịch gạo, vài thùng mì gói, mấy vỉ trứng là xong. Nó nói hổm giờ về tới cửa khẩu nghe đâu người ta nằm, ngồi chờ xe đông lắm, có khi còn bị dính cả đám.''
''Người Việt mình về đông lắm chị, nhà em ở, bốn người kia về hết rồi. Nghe nói đang ở cách ly ở bển. Mà kẹt lại cũng nhiều. Thôi ai sao mình vậy, hết tháng Tư rồi tính, chứ giờ biết sao?''
Đi không được ở cũng không xong
Phương không phải là lao động Việt duy nhất bị kẹt lại Thái trong thời gian nước này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và mọi thành phố gần như bị phong tỏa.
Nhiều người khác trong hoàn cảnh tương tự, không có tiền về nhà, buộc lòng phải ở lại mà không có công ăn việc làm cũng đang rất lo lắng cho ngày mai, nếu tình trạng này kéo dài.
Facebooker Li Ma đăng trên một trang Facebook của Người Việt ở Thái Lan hôm 27/3 câu viết ngắn:
''Ko có tiền về và tình hình tiền thì trả tiền phòng rồi, ko còn mấy nữa. Nhà có nhiều người cả con nhỏ nữa mà ai cũng thất nghiệp, khi lãnh lương thì ai cũng gửi về cho gd hết ,đi cũng ko được ở cũng ko xong, a c e nào về rồi mà chủ còn cần người làm chỉ giúp bọn mình với ,virus ko biết đến khi mô, nhưng chắc là chết đói trước.''
Bài đăng của Li Ma được nhiều người biểu đồng tình và một số người kể hoàn cảnh tương tự.
Facebooker Lê Thị Thủy, viết trên trang Hội Người Việt ở Thái:
''Đi được 15 ngày chưa có cv làm, ở cũng dở về cũng k xong , buồn cả vạt mn nhỉ.''
Anh Bùi Đình Anh, người Hà Tĩnh, cùng vợ là chủ một xưởng may nhỏ, sinh sống và làm việc tại Thái Lan đã hơn 14 năm, cho BBC News Tiếng Việt biết hôm 27/3:
"Thợ của em 7, 8 người về hết rồi, em và vợ phải đóng xưởng may, nhưng vẫn phải trả tiền nhà. Nhà mướn 6 phòng ngủ vừa cho thợ ở vừa làm xưởng, bây giờ để không, nhưng em vẫn phải trả tiền.''
''Đang lo tình hình kéo dài lâu thì sẽ phải ăn hết vào vốn, hay kéo dài lâu hơn nữa thì phải đóng xưởng may, trả nhà lại nhưng em mong không đến nỗi thế,' Bùi Đình Anh tâm sự.
Anh Nguyễn Quỳnh, có vợ Thái, sau một thời gian sống ở đây, làm dịch vụ đưa người Việt Nam qua đây du lịch, cho BBC News Tiếng Việt biết vợ anh có một cửa tiệm cắt tóc, hiện đã phải đóng cửa từ hôm 18/3.
''Tụi em ở nhà cách ly thôi. Tiệm đóng cửa vẫn phải trả tiền nhà. Tiệm em tiền thuê cả điện nước 20.000 Bahts một tháng nên cũng nặng. May là tụi em ở trên lầu của tiệm nên cũng đỡ.''
"Nhưng đang lo chứ chị, dù tiệm đóng cửa vẫn phải trả tiền sở hụi. Em cũng không có khách du lịch. Một hai tháng thì không sao, chỉ sợ cả hai vợ chồng cùng không kiếm được tiền trong thời gian dài thì rất nguy hiểm.'' Anh Quỳnh nói.
Trưa 29/3 ở nhà buồn, Bùi Đình Anh cho biết vừa đi thăm mấy nhà xung quanh về và kể với BBC:
''Có hai nhà bán cá mú, cá thả, hiện cũng không bán được vì không có người ăn, nhưng chủ cũng phải ở lại để lo trả tiền nhà, em hỏi gia đình có ý định về không thì họ nói chắc hết tháng này nếu mà cứ như vậy thì cũng phải đi thuê phòng để cất đồ và trả nhà để về chứ ở lại cũng chết.''
''Còn một số làm quán thì bây giờ quán đóng nhưng cũng phải ở lại và chờ tới ngày mở quán rồi ra làm tiếp chứ về nhà rồi sang cũng khó, mà lỡ chủ họ không nhận làm nữa. Họ mua mì tôm và cá hộp dự trữ trong phòng, và nói về nhà cũng phải cách ly, cho nên ở đây cũng cách ly nhưng sẽ bớt tiêu pha.''
Bùi Đình Anh kể thêm:
''Nhiều người có hộ chiếu chết [Visa đã hết hạn - BBC] cũng không về được vì tiền bạc không đủ để trả cho người đưa về và họ nói bây giờ cứ ở như vậy đến đâu tính đến đó chứ không biết phải làm sao, em đi vào thăm, thấy họ ăn cơm với canh mì tôm cũng rất tội.''
Chi phí phải trả cho người đưa về trong thời gian này là một khoản lớn, nhất là với những người Visa đã hết hạn, mà người Việt lao động ở Thái hay gọi là ''hộ chiếu chết.''
Dịch vụ đưa người có ''hộ chiếu chết'' về đến cửa khẩu Việt Nam được một số người quảng cáo trong trang Facebook Người Việt ở Thái giá 9.700 Baths, số tiền lớn trong lúc không có công ăn việc làm.
Sở dĩ giá đắt như vậy là vì thay vì xuất cảnh qua cửa khẩu Thái Lan sẽ bị phạt nặng vì Visa quá hạn, người có ''hộ chiếu chết' được đưa đi đường vòng qua sông để tránh bị phạt.
Cảnh sống của người Việt lao động ở Thái
Theo một nghiên cứu đầu thập niên 2010 của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lan, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Hà Nội, có hơn 500.000 lao động Việt Nam ở nước ngoài, trong đó khoảng 50.000 người ở Thái Lan.
Con số này có thể thấp so với thực tế, vì số người Việt nhập cư bất hợp pháp, người ở lại sau khi Visa hết hạn, vì thế cũng có nơi ước lượng số số người này cao hơn nhiều. Dẫu sao 50.000 đã ngẫu nhiên trở thành một con số bán chính thức mà nhiều người nhắc đến.
Linh mục Anthony Lê Đức, thuộc dòng Truyền giáo Ngôi Lời, sống ở Thái Lan đã hơn 13 năm, hiện giảng dậy tại Đại Chủng Viện Quốc gia Bangkok, trong phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt hôm 27/3, cũng nói:
''Con số người Việt lao động ở Thái giao động khoảng 50.000 người, lúc cao nhất, khi công việc ổn định, nhưng khi không có việc thì có thể giảm xuống nhiều. Đa số sống ở quanh Bangkok, nhưng cũng nhiều người sống ở các thành phố du lịch khác.''
Được hỏi về hoàn cảnh sống của người Việt lao động ở đây, vị linh mục sinh hoạt rất gần gũi với người Việt quanh vùng tóm lược:
''Họ đa số đến đây theo diện du lịch, rồi ở lại làm việc bất hợp pháp. Vì Visa du lịch chỉ có hiệu lực trong 30 ngày, họ mỗi tháng phải ''đi tò,'' tức là ra khỏi Thái Lan, vào một nước khác như Lào, rồi lại từ Lào trở lại Thái, đóng dấu nhập cảnh lại, rồi cứ thế mỗi tháng.''
''Nghề phổ biến nhất của họ là phục vụ quán ăn, quán rượu. giữ xe, trông xe, làm thợ may, rồi có điều kiện thì mở xưởng may, rồi thuê thợ. Nhiều người khác sống bằng nghề bán trái cây, hoa quả, bán nước trái cây, bán kem, bán cơm rang.''
Linh mục Đức giải thích lý do nhiều người Việt kéo đến đây:
''So với mức lương Việt Nam, thì tiền kiếm được ở Thái hơn nhiều, tuy không nhiều như ở Đài Loan hay Đại Hàn, nhưng ngược lại chi phí qua đây cũng ít tốn kém, chỉ tốn vài ngàn Bahts, để từ Việt Nam qua đây. Qua đây, người Việt mình gặp anh chị em bà con bạn bè họ giới thiệu nâng đỡ cho, không cần phải qua môi giới hay dịch vụ này dịch vụ kia. Rồi nếu có công việc gì ở quê thì đi đi về về. Cho nên không phải đầu tư nhiều cho mỗi chuyến đi. Nếu công việc có thì đời sống lao động ở Thái Lan tương đối là thoải mái so với những nơi khác.''
Về khả năng thích ứng được với tiếng Thái của người Việt, linh mục Đức nhận định:
''Đặc biệt, người Việt làm trong quán ăn nói tiếng Thái được hết, nói khá là giỏi. Một cái hay nữa là các bạn không qua trường lớp gì hết, cứ học nhau, mới vào thì rửa bát, tập khi đi làm, rồi ngày càng nói giỏi hơn thôi. Đi bán hàng ngoài đường cũng vậy, nhiều bạn nói rất là lưu loát mà tự học hoàn toàn, không hề đến trường ngày nào.''
Trung bình một người lao động Việt ở đây để dành được khá nhiều tiền để gửi về Việt Nam.
Linh mục Đức chia sẻ với với BBC ước lượng của ông, theo lời kể của những giáo dân ông có liên lạc mật thiết:
''Người làm nghề may khi có hàng, có thể để dành một tháng từ 10.000, đến 15.000 (khoảng 500 đôla), thậm chí nếu có hàng đều và làm nhanh có thể để dành được đến 20.000 Bahts (gần 700 đôla). Người bán quán ăn, cũng để kể cả tiền tip cũng dành được khoảng đó. Đi bán kem, bán trái cây, hay nước trái cây ngoài đường cũng có thể để dành được số tiền đó.''
So với lương trung bình khoảng 15.000 Bahts một tháng của công nhân không có tay nghề cao ở Thái Lan, người Việt lao động có vẻ làm ăn khá hơn, nhưng số tiền họ phải chi ra cũng nhiều hơn.
Ông Cao Lâm, một người Việt từng sống ở Thái 16 năm, và cũng có xưởng may với nhiều thợ, rất rành rẽ về những khoản tiền này. Ông nói với BBC News Tiếng Việt hôm 27/3:
''Hàng tháng những người Việt sống ở đây hơn 30 ngày phải ''đi tò'' tức đi làm mới Visa, tốn khoảng trên dưới 1.000 Bahts mỗi tháng tùy theo họ biết cách tự đi hay nhờ xe đưa đi.''
''Chưa hết, muốn yên ổn làm ăn họ phải trả tiền hối lộ cho cảnh sát đủ loại và đủ cấp. Tùy theo mình làm ăn khá hay không. Phải chi trả cho có khi 4, 5 loại công an, gồm địa phương, di trú mấy cấp, kiểm tra địa bàn. Mỗi anh phải trả từ 500 Bahts đến 1.000 Bahts tùy trường hợp. Khi mình có thợ, thì phải trả cho thợ, tính theo đầu người, còn giữa mình với thợ thì mình thỏa thuận với nhau. Tổng cộng mỗi người có khi hai, ba ngàn Bahts, có khi năm, bảy ngàn, tùy vùng, tùy hoàn cảnh nữa.''
Làm sao để có thể giúp họ?
Cô Phan Thị Thùy Tiên, cựu du học sinh ở Thái, hiện đang làm việc tại phòng nhân viên của Assumption University, chia sẻ kinh nghiệm bán quán hồi còn là sinh viên với BBC News Tiếng Việt hôm 28/3:
''Nghề bán quán, thường người chủ không trả tiền, hay nhiều lắm là được một 100, 200 Bahts một ngày. Nhưng mình sống là vào tiền tip. Hồi còn là sinh viên, có khi em được ngày 300, 400 Bahts, có khi lên đến 700 Bahts, một ngày cao nhất em được 1.000 Bahts.''
Kể về sinh hoạt của mình hiện giờ, Thùy Tiên nói sau giờ làm việc, cô thường dành thì giờ giúp Linh mục Anthony Lê Đức nghiên cứu những thông cáo của chính quyền Thái, dịch ra Tiếng Việt, rồi đăng lên Facebook để ''giúp đồng bào mình.''
''Đa số lao động người Việt qua đây chưa tốt nghiệp trung học chị ơi. Họ giao tiếp với nhau bằng văn bản tiếng Việt cũng đã là khó rồi. Văn bản tiếng Thái hay tiếng Anh thì ngay cả sau khi dịch ra tiếng Việt, họ cũng vẫn không hình dung là phải làm như thế nào. Họ cần rất nhiều giúp đỡ.'
Được hỏi muốn giúp đỡ họ thì nên làm gì, Phan Thị Thùy Tiên trả lời:
''Người qua đây lao động, họ đa số là những người trẻ đi từ những thành phố nghèo như Hà Tĩnh, Nghệ An và Vinh. Họ đi vì ở nhà nghèo quá kiếm không ra việc, làm không đủ ăn. Họ nói đi đâu cũng đi miễn là kiếm được tiền gửi về cho gia đình. Họ không chỉ đi Thái, mà còn mạo hiểm đi những nơi khác như Đức, Pháp, Anh. Khi nào ở quê không có việc cho người ta làm thì người ta phải đi sống chui sống nhủi.''
Hiện thời các nhà thờ, và tổ chức cộng đồng người Việt quanh đây đang cố gắng đùm bọc những người đang kẹt lại ở Thái cho qua cơn bão dịch. Nhưng xem ra, muốn giúp được họ cần có một giải pháp lâu dài.
Người lao động Việt Nam được cho là nhóm công nhân quan trọng giúp cho ngành du lịch của Thái Lan. Họ vui vẻ, chịu thương chịu khó, lanh lẹ, nhiều sáng kiến, và thường cung cấp cho chủ nhân những kỹ năng vượt trội, và hiệu quả trong công việc.
Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiết yếu và có giá trị này hiện chưa được chính quyền Thái Lan hoan nghênh đúng mức. Họ bị trả lương thấp, bị chủ nhân đôi khi ngược đãi, và thường xuyên phải trốn chui trốn nhủi vì sợ bị chính quyền bắt giữ.
Chính phủ Việt Nam có thể giúp họ bằng cách thương thảo với chính quyền Thái Lan làm sao để số giấy phép lưu trú được cung cấp dồi dào hơn, và quyền làm việc hợp pháp tại đây được rộng mở. Nếu không, người Việt lao động ở Thái muôn đời sẽ là thành phần ít được quan tâm nhất trong xã hội, không có điều kiện để ứng phó với trường hợp cấp bách như lúc này.
(BBC)
Không có nhận xét nào