Việt Nam đã phản ứng một cách ‘nghiêm
túc’ về Covid-19 trước một đại dịch được cho là một sự kiện lớn nhất
thế giới từ năm 1945 tính tới nay, một nhà nghiên cứu xã hội học và
chính trị người Mỹ nói với BBC News Tiếng Việt hôm 01/4/2020 từ Đại học
Leiden, Hà Lan.
Trong
khi đó một nhà nghiên cứu và phân tích chính sách công từ Bộ Kế hoạch
và Đầu tư của Việt Nam cho rằng tác động của đai dịch corona virus là
rất lớn đối với Việt Nam nhưng không đến mức như có ý kiến nói là ‘sóng
thần’ về phá sản và thất nghiệp tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trước
hết hôm thứ Tư, từ Hà Lan, so sánh phản ứng của chính phủ Mỹ với chính
phủ Việt Nam trước đại dịch, PGS. TS. Jonathan London nói với BBC trực
tiếp bằng tiếng Việt:
“Nếu
chính phủ Mỹ phản ứng như chính phủ Việt Nam, tôi sẽ hài lòng hơn.
Chúng ta phải nhìn rất rõ là phản ứng của Việt Nam rất là nghiêm túc và
chẳng có chuyện bóp méo sự thật, nói dối v.v… Những chuyện đó không thấy
ở Việt Nam.
“Trước
đây khoảng 3 năm, chính trị của Mỹ đã rơi vào một khủng hoảng rồi và
chúng ta thấy rất rõ hiện nay hậu quả của nó là như thế nào.”
Mở rộng ra với phương Tây mà cụ thể là ở châu Âu, học giả người Mỹ này nói:
“Đặc
biệt với châu Âu, có một số độc giả, một số người đang xem chương trình
này đã hỏi sao mà châu Âu quá dở trong việc phản ứng.
“Như
tôi đã nói trước, có một số lý do. Thứ nhất là không có một kinh nghiệm
nào đối với đại dịch, chẳng hạn như trước đây thì không có.
“Thứ
hai, vấn đề của phương Tây nói chung là khoảng 30 năm – 40 năm, họ giới
thiệu những chính sách và cố gắng để thị trường hóa tối đa tất cả các
thị trường và không đầu tư mấy vào những vấn đề công cộng như y tế v.v…,
nên hiện nay ở bên châu Âu và Mỹ thì chúng tôi đang chịu hậu quả của
cái đó.”
Sự kiện lớn nhất từ 1945, gây đảo lộn Thế giới
Về
mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, trước câu hỏi liệu đây có
thể coi như một ‘Thế chiến III’ hay dẫn đến một sự kiện tương tự như thế
về độ trầm trọng, TS. Jonathan London nói:
“Nói đây như Thế chiến thứ III thì không phải, nhưng đúng đây là sự kiện lớn nhất kể từ năm 1945…
“Đại
dịch này tạo ra rất nhiều thách thức khác nhau, đối với cá nhân đó là
một khủng hoảng, con người thấy đó rất là buồn, chán và lo lắng nhiều,
và trong bối cảnh của mỗi nhà, thì mỗi cá nhân phải cố gắng điều chỉnh
các hành vi của họ.
“Đối
với cộng đồng, tôi nghĩ là vấn đề kết hợp cùng nhau khắp các cộng đồng
không phải là chuyện lạ với người Việt Nam, nhưng các nước phương Tây,
chẳng hạn châu Âu vân vân, họ mới phát hiện ra cộng đồng là một đơn vị
xã hội hết sức quan trọng.
“Mà
cuối cùng về tương lai chúng ta phải cố gắng xây những nền kinh tế,
chính trị mà có thể coi trọng hơn sức khỏe của người dân, bởi vì thực sự
ai cũng đều biết có một khả năng cực cao sẽ có một đại dịch từ rất lâu
rồi, nhưng bây giờ mới đến, thì chúng ta gặp rất nhiều khó khăn.
“Nên
tôi nghĩ là đó là một cơ hội, một dịp cho toàn thế giới và các nước cụ
thể khác nhau để tập trung vào việc nâng cao hiệu quả của hệ thống kinh
tế đối với vấn đề dịch.”
Trung Quốc với Covid-19 và Biển Đông
Nhân
dịp này, nhà nghiên cứu xã hội học và chính trị từ Đại học Leiden Hà
Lan đề cập vấn đề trách nhiệm để xảy ra đại dịch Covid-19 như thế giới
chứng kiến đến nay và một số hành vi gây quan ngại của một siêu cường ở
khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngay trong thời điểm đại dịch chưa chấm
dứt.
“Hiện
nay cũng là một tình trạng rất là nhạy cảm trên toàn thế giới, tôi tin
rằng, chẳng hạn, lực lượng của Mỹ còn để ý rất nhiều đến những hành vi
động thái (quyết đoán trên Biển Đông và khu vực) của Trung Quốc, không
bỏ qua chút nào, nên về chuyện đó cũng không lo,” Tiến sỹ London, người
từng có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy ở Hong Kong nói.
“Nhưng
về vấn đề chính trị thế giới sẽ như thế nào trong lúc đại dịch còn tiếp
diễn và trong tương lai nữa, thì còn sớm, nhưng tôi cho rằng là các
nước phương Tây sẽ vẫn có một thái độ phù hợp đối với Trung Quốc.
“Bởi
vì đó là một đất nước mà cách đây hơn 17 năm có SARS-1 ở Trung Quốc,
Trung Quốc vẫn cho phép thị trường bán những động vật (hoang dã) vân vân
hoạt động bình thường, như đã nói trước đây.
“Và
đại đa số người Việt thì hiểu rất rõ, trách nhiệm của Trung Quốc đối
với đại dịch này thì không thể tránh được, đó là chắc chắn rồi.
“Nhưng
mà vấn đề là nó gây ảnh hưởng chính trị chẳng hạn ở Biển Đông vân vân,
thì tôi nghĩ Việt Nam, Mỹ, Úc v.v… vẫn theo dõi Trung Quốc, đó là một sự
lo lắng có thể hiểu được, nhưng tôi nghĩ các nước khác vẫn theo dõi
những hành động của Trung Quốc.”
Phố du lịch ở Hà Nội giờ vắng vẻ vì dịch Covid-19 |
Rất khó khăn, nhưng không đến mức ‘sóng thần’
Về
tình hình Covid-19 ở Việt Nam vào thời điểm chính quyền ban hành chỉ
thị về cách lý toàn xã hội, trước câu hỏi liệu đại dịch có thể gây ra
một cơn song thần về phá sản và thất nghiệp hay không, từ Học viện Chính
sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, PGS. TS.
Phạm Quý Thọ nói:
“Tôi
có thể nói rằng tác động rất nhiều mặt của đại dịch đến thế giới nói
chung và đến Việt Nam rất lớn, mặc dù chính phủ Việt Nam vẫn cho rằng có
thể GDP vẫn còn có lạc quan, thậm chí Ngân hàng Thế giới cho rằng có
thể tăng đến 4,9% năm 2020.
“Tuy
nhiên, chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề, tôi nghĩ như thế nó sẽ đúng
hơn. Ở Việt Nam chúng ta biết là có đến 90%, hơn 90% các doanh nghiệp
là vừa và nhỏ.
“Cho
nên khi các doanh nghiệp này phá sản, người ta ‘chết lâm sàng’ như
chúng ta nói, thì nó có thể không gây ra một sự sốc đặc biệt đối với xã
hội ngay lập tức, nhưng nó âm thầm và nó kéo dài.
“Điều
đó là một đặc điểm chúng ta sẽ chứng kiến trong thời gian tới. Nếu như
các doanh nghiệp lớn, thí dụ như một doanh nghiệp nào đấy lớn về bất
động sản hay ngân hàng v.v…, thì chúng ta có thể thấy ngay được, nhưng
mà làn sóng thất nghiệp của những doanh nghiệp nhỏ này cũng xảy ra,
nhưng âm thầm.
“Chứ không phải nó như một làn sóng như ý kiến của một vị khán, thính giả nào đó nói, nên chúng ta cũng không nên lo lắng quá.”
Chậm nhưng đã bắt đầu ‘để ý đến dân’
Trước
câu hỏi chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới bỏ tiền ra để chu cấp,
hỗ trợ cho người dân, trong khi chính phủ, nhà nước Việt Nam lại dường
như kêu gọi người dân bỏ tiền ra đóng góp chống dịch, liệu điều này là
do chính phủ Việt Nam ‘hết tiền’ hay không, PGS. TS. Phạm Quý Thọ nói:
“Đó
là một câu hỏi hay, chính phủ lúc đầu tiên cũng chỉ tập trung vào
285.000 tỷ VNĐ cho những doanh nghiệp chính thức, có nghĩa là ngân hàng,
hay những cái chúng ta nhìn thấy như là chịu ảnh hưởng chính thức về
mặt pháp luật.
“Còn những gì mà ảnh hưởng không chính thức và âm thầm, thì chúng ta (Việt Nam) chưa nhìn thấy được, đặc biệt là về cầu.
“Các
nước khác, nền kinh tế thị trường, người ta rất chú ý đến cầu, đặc biệt
là ở Mỹ. Tiêu dùng ở Mỹ sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế rất là nhanh, bởi
vì chính phủ không can thiệp nhiều vào kinh tế thị trường.
“Đặc
biệt ở Mỹ, cầu rất quan trọng đối với tăng trưởng, cho nên họ tuyên bố
ngay trong gói hai nghìn tỷ USD mà vừa được Tổng thống Donald Trump ký
quy định rất rõ là mỗi người dân mà thu nhập dưới 75.000 USD một năm,
thì mỗi người dân có thể được 1.200 USD và các giải pháp tương tự.
“Nhưng
ở Việt Nam, đó là những thứ gì mà chúng ta chưa từng thấy, ngay cả
những cuộc khủng hoảng trước, thì cũng chưa bao giờ có những giải pháp
mà gọi là ‘phát tiền’ cho dân cả. Nhưng lần này, tôi thấy mặc dù chậm,
mặc dù cách nhìn nhận của Chính phủ chậm, nhưng cũng bắt đầu để ý đến.
“Hôm
nay đã họp bàn Chính phủ và tôi nghĩ chỉ trong một vài ngày tới sẽ có
những quyết định, mặc dù rất ít, chưa phải là thỏa đáng đối với mọi
người, nhưng mà rõ rằng nó cũng hỗ trợ thêm một phần, nhưng chủ yếu là
lấy lại một niềm tin cho chính sách, cho nhà nước, là tất cả những chính
sách, đặc biệt là trong lúc khủng hoảng phải chú ý đến người dân.”
‘Điều cốt lõi và đáng hoan nghênh’
Và ông Phạm Quý Thọ, chuyên gia về chính sách công, nói thêm:
“Điều này là cái cốt lõi của mọi chính sách công, điều đó tôi thấy là đáng hoan nghênh.
“Còn
ở Việt Nam nghèo lắm, Việt Nam bây giờ ngân sách còn rất là thiếu, bây
giờ trong trường hợp nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc chết lâm sàng
hàng loạt, rồi xin hoãn v.v…, thì nguồn thu trong năm tới rất ít và kể
cả số dự trữ ngoại tệ rất khó có thể thực hiện những giải pháp như một
số nước giàu có.
“Mà đặc biệt là ở Mỹ, chúng ta thấy là công bố công khai mức được hưởng của mỗi người dân, rồi cặp vợ chồng.
“Nhưng
mà trong cái nghèo đó, thì nên lưu ý rằng Việt Nam cũng đã hết sức cố
gắng, bởi vì lúc đầu tiên chúng ta cũng tương đối ‘xông xênh’, tôi nói
theo ý tức là tất cả việc cách ly là nhà nước lo v.v…, có những cái thậm
chí là những tuyên truyền về quá an toàn, nên khiến một dòng người từ
các nước đổ về làm cho ngân sách cũng bị khó khăn thêm.
“Đến
bây giờ, người ta đã có những phương án là làm sao đấy để hài hòa, cân
đối trong tình trạng nguồn lực khan hiếm như Việt Nam, thì vẫn chú ý đến
chính sách xã hội,” nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công thuộc Học
viện Chính sách và Phát triển nói với BBC từ Hà Nội.
(BBC)
Không có nhận xét nào