Tàu hải cảnh Trung Quốc (trắng) và tàu cảnh sát biển Việt Nam trên Biển Đông vào thời điểm xảy ra xung đột vào năm 2014. |
Với
phát biểu và công hàm chính thức qua lại theo kiểu “ăn miếng trả miếng”
giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây liên quan đến vấn đề Biển Đông, một
số ý kiến cho rằng “cuộc chiến ngôn từ” giữa hai nước đang có nhiều khả
năng sẽ trở thành một cuộc chiến pháp lý chính thức khi Trung Quốc tiếp
tục gia tăng hoạt động khẳng định chủ quyền trong vùng biển tranh chấp.
Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia luật quốc tế, thì thời
điểm này chưa hẳn đã “chín muồi” để Việt Nam khởi kiện Trung Quốc.
Giải
thích rõ về nhận định này, Giáo sư Tạ Văn Tài, một cựu giáo sư Luật của
trường đại học danh tiếng Harvard của Mỹ, nói với VOA rằng cần phân
định vấn đề ra thành hai vụ kiện khác nhau. Thứ nhất là về vấn đề vùng
nước, thềm lục địa. Thứ hai là về các đảo, đá, chủ quyền lãnh thổ.
Chưa đủ “chín muồi”
Theo
GS. Tạ Văn Tài, những hành động khiêu khích nhằm khẳng định chủ quyền
của Bắc Kinh gần đây không đủ lý do để Việt Nam khởi kiện Trung Quốc.
Ông
giải thích: “Nó [Trung Quốc] đem tàu đến đi loanh quanh thôi thì theo
nguyên tắc tự do hàng hải, kể cả EEZ (vùng đặc quyền kinh tế ) của Việt
Nam, họ vẫn có quyền đi vô. Nhưng chỉ có Việt Nam mới có quyền khai thác
tài nguyên trong vùng nước đó mà thôi, chứ không cấm họ được. Chỉ có
khi nào đi vô vùng 12 hải lý của Việt Nam thì họ mới phải báo trước. Còn
việc họ đi vô lững thững như vậy thì chỉ có thể lên tiếng chứ không
kiện được”.
GS.
Phạm Văn Tài nói nếu giả sử Việt Nam muốn kiện Trung Quốc về vấn đề xâm
phạm vùng nước, thềm lục địa thì thời điểm này chưa đủ “chín muồi” để
thực hiện ngay hành động pháp lý chống lại Trung Quốc.
Theo
GS. Tài, chỉ khi nào Trung Quốc khai thác tài nguyên trong vùng biển
của Việt Nam, thì khi đó mới có đủ “cớ” để kiện Trung Quốc.
“Còn
nó chỉ đi mà chưa làm gì cả thì chưa có cớ để kiện. Tức là, theo án lệ
của nhiều nước, một vụ kiện chỉ có thể có đủ lý do nếu nó ‘chín muồi’.
Còn nó chưa đục khoét gì cả thì chưa thể kiện được, nhưng phải chuẩn bị
hồ sơ”, GS. Tạ Văn Tài nói thêm.
Ngay
cả hành động khiêu khích mới nhất của Trung Quốc là đặt “tên tiêu
chuẩn” cho 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển trong khu vực Biển
Đông, trong đó có nhiều bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế
của Việt Nam, thậm chí chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý, thì
cũng không thể đủ “cớ” cho Việt Nam kiện Trung Quốc. Bởi vì theo GS. Tạ
Văn Tài, việc đặt tên này cũng giống như việc các nước đặt tên khác
nhau cho một đảo, bãi đá ngầm của nước khác. Chẳng hạn như Việt Nam
trước đây gọi hải đảo Aloha hay Hawaii của Mỹ là Hạ Uy Di.
“Phải là hành động xâm phạm chủ quyền thì mới có tố quyền thiệt hại quyền lợi và lục địa”, GS. Tạ Văn Tài nói.
Tuy nhiên, GS. Tài cho rằng việc Việt Nam lên tiếng phản đối cũng là một điều nên làm để có lợi về mặt công luận, ngoại giao.
Theo ông, nếu muốn kiện, Việt Nam nên theo nguyên tắc “Trung Quốc vi phạm gì thì mình kiện cái đó”.
Kiện xâm phạm chủ quyền
Cựu
giáo sư Luật của Harvard cho rằng riêng về vấn đề chủ quyền trên các
đảo, đá, thực thể ở Biển Đông, Việt Nam có thể chuẩn bị hồ sơ để khởi
kiện Trung Quốc.
Ông
nói: “Kiện về vấn đề đảo, đá, chủ quyền đất đai mà họ chiếm Hoàng Sa
vào năm 1974 và đảo Gạc Ma vào năm 1988 thì nếu muốn kiện là phải kiện
ra Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice) theo nguyên
tắc thiết lập từ năm 1947. Hồi đó có nguyên tắc quốc gia đi kiện thì họ
phải công nhận chủ quyền của tòa án thì mới kiện họ được”.
GS.
Tạ Văn Tài cho rằng ngay cả khi Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án Công
lý Quốc tế, thì Trung Quốc vẫn có thể tuyên bố tòa “không có thẩm
quyền”. Tuy nhiên, ông vẫn khuyến nghị Việt Nam nên thực hiện biện pháp
này cho dù tòa án chưa có quyền xử một khi Trung Quốc chưa chấp nhận ra
tòa trong tư cách bên bị kiện.
Chuẩn bị hồ sơ kiện
Theo
GS. Tạ Văn Tài, nếu Trung Quốc tiếp tục có hành động dẫn tới vụ kiện về
vùng nước, thềm lục địa thì Việt Nam sẽ dễ dàng giành phần thắng vì đã
có Công ước về Luật biển năm 1982 phân định rất rõ về các quyền lợi, lợi
ích của các quốc gia liên quan.
Ông
nói thêm: “Kiện về vùng nước, thềm lục địa thì không cần phải chuẩn bị
các bằng chứng lịch sử nhiều, bởi vì đó là quyền đương nhiên được hưởng
của quốc gia duyên hải theo luật quốc tế”.
Riêng
vụ kiện về chủ quyền trên các đảo, đá ở Biển Đông, theo GS. Tài, vấn đề
này không tuân theo Công ước năm 1982, mà theo Luật quốc tế cổ truyền
đã có từ 400 năm về vấn đề xác lập chủ quyền lãnh thổ, trong đó có yếu
tố quan trọng là chủ quyền lãnh thổ của một nước được xác lập qua việc
“chiếm ngụ một cách bình thường” (không phải bằng vũ lực) những khu vực
vô chủ và “quản lý liên tục” các khu vực đó từ nhiều năm nay.
“Vì
thế cho nên Việt Nam có thể nêu rõ chủ quyền lãnh thổ ở Hoàng Sa và một
ít ở Trường Sa là đã có từ thời nhà Lê với các đội hải quân gọi là Bắc
Hải, đội Hoàng Sa mà các chúa Nguyễn đã gửi ra các mỏm đá, đất đó để xác
lập chủ quyền. Thành ra việc chuẩn bị hồ sơ lịch sử là chuẩn bị về vấn
đề chủ quyền lãnh thổ”, GS. Tạ Văn Tài nói với VOA.
Về
thời điểm tiến hành kiện Trung Quốc, một số ý kiến trong công luận Việt
Nam hiện nay bày tỏ lo ngại rằng nếu Hà Nội không kiện Bắc Kinh trong
thời gian 50 năm kể từ khi mất Hoàng Sa vào năm 1974, thì Việt Nam sẽ
mất quần đảo này vĩnh viễn. Tuy nhiên, GS. Tạ Văn Tài cho rằng mối lo
ngại này là không thỏa đáng.
Ông
giải thích: “Việt Nam đã liên tục phản đối rồi. Phản đối có nghĩa là
không công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Thế thì chủ quyền của Việt Nam
không bị thời tiêu sau 50 năm. Đã phản đối thì giống như mình giữ tố
quyền của mình thì không mất”.
(VOA)
Không có nhận xét nào