Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam bắt đầu ‘nếm đòn’ vì virus Corona

    Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định rằng Việt Nam “đã bắt đầu nếm đòn từ sự biến động khôn lường” của thị trường tài chính toàn cầu hiện nay vì chủng virus Corona mới (COVID-19) và tăng trưởng kinh tế có thể sẽ giảm xuống còn 4,9% cũng như "tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm 2020”.

    Một người vô gia cư nhận đồ ăn từ một tình nguyện viên.
    Giữa lúc các ca lây nhiễm virus đang gây khủng hoảng trên thế giới, World Bank nói rằng “Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19” trong bối cảnh “hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu”.

    “Trong mấy tháng đầu năm 2020, áp lực lạm phát vẫn tồn tại do giá lương thực và thực phẩm ở mức cao dịp cuối năm kết hợp với khả năng hàng hóa thiếu hụt do những biện pháp hạn chế thương mại nhằm ứng phó dịch COVID-19. Các ngành chế tạo chế biến, du lịch và vận tải suy giảm đột ngột trong hai tháng đầu năm 2020”, World Bank nhận định trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế có tựa đề “Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19”, ra ngày 31/3.

    “Việt Nam đã bắt đầu ‘nếm đòn’ từ sự biến động khôn lường của nền tài chính toàn cầu hiện nay, giá cổ phiếu tụt dốc, độ rủi ro tín nhiệm quốc gia tăng lên, và dòng vốn đầu tư suy giảm”.

    Tổ chức tài chính quốc tế này nhận định thêm rằng “với dư địa chính sách trong tay, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế đang diễn ra”, nêu dẫn chứng về việc “trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng 8%, dòng vốn FDI đổ vào lên đến 2,5 tỷ USD, ngành bán lẻ tăng trưởng 5,4%”.

    World Bank cho rằng dù viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi trong trung hạn, nhưng tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế “có thể giảm còn khoảng 4,9% năm 2020”.

    Ngoài ra, “áp lực lạm phát dự báo sẽ tăng lên tạm thời, phản ánh bất định về giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu, cũng như khả năng bị gián đoạn thương mại”.

    “Trong điều kiện nhiều hộ gia đình hiện nay sinh sống phụ thuộc vào lương, kể cả ở các vùng nông thôn, suy giảm trong các ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng, sản xuất và chế biến có thể tạm thời làm tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm 2020”, World Bank nhận định.

    “Nỗ lực củng cố tình hình tài khóa dự kiến sẽ tiếp diễn từ năm 2021 trở đi, qua đó tiếp tục làm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP. Trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và hội tụ quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục. Nền kinh tế sẽ lại bật lên sau đại dịch virus Corona toàn cầu”.

    Không chỉ riêng Việt Nam, theo nhận định của World Bank, các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương khác cũng “đang phải đối mặt với nhiều tình huống bất lợi”.

    “Khu vực vẫn đang hồi phục từ căng thẳng thương mại kéo dài, giờ phải chống chọi với dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, và có nguy cơ phải đối mặt với viễn cảnh suy thoái toàn cầu chưa có tiền lệ. Để vượt qua giai đoạn cam go này, các quốc gia cần có những hành động quyết liệt, hợp tác quốc tế sâu rộng và sự hỗ trợ lớn từ bên ngoài”, Ngân hàng Thế giới nhận định.

    Cuối năm ngoái, trước khi COVID-19 bùng phát mạnh, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự một hội nghị của chính phủ và đề cập mức tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% trong năm 2019 dù “gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn”, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”.

    Ông Trọng dẫn một tuyên bố của Ngân hàng Thế giới, nói rằng “mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam”.

    Theo Cổng thông tin chính phủ, đến chiều ngày 5/4, Việt Nam ghi nhận thêm một ca nhiễm, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 241, và chưa có ca tử vong nào vì virus đã làm hơn một triệu người nhiễm trên toàn thế giới.

    (VOA)

    Không có nhận xét nào