Header Ads

  • Breaking News

    Tuyên bố thành lập “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” của TQ đã vi phạm luật quốc tế như thế nào Hoàng Sa?

    Hình minh hoạ. Người lính hải quân Việt Nam đứng canh ở đảo Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa hôm 7/1/2013
    Trung Quốc tiếp tục hung hăng trên biển Đông

    Nhân dịp dịch COVID 19 vẫn chưa thuyên giảm, cả thế giới đang tập trung vào chống dịch, đặc biệt là Hoa Kỳ đang căng thẳng với dịch bệnh, thậm chí trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt mới ghé thăm Việt Nam hồi đầu tháng 3 cũng đang nhiều ca nhiễm. Đây là cơ hội để Trung Quốc tăng thêm các hành động hung hăng. Chắc chắn giờ đây Trung Quốc có thể phản ứng mà không lo sợ bất kỳ hậu quả gì, kể cả sự chỉ trích của truyền thông.

    Thêm nữa, tình hình chính trị Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề nội bộ, với sự khởi phát virus Sars Cov 2 từ Vũ Hán rồi lan sang các địa phương khác, rồi sau đó bùng phát trên toàn thế giới. Việc chính quyền Trung Quốc che giấu dịch bệnh trong 6 ngày quan trọng nhất để có thể khống chế dịch bệnh, cùng với các thông tin bất nhất về con số thực người chết vì virus này ở Trung Quốc, cũng như tác hại của COVID 19 đối với nền kinh tế Trung Quốc là những nguyên nhân khiến các phe phái chính trị tấn công vị trí của Tập Cận Bình.

    Trước các vấn đề chính trị nội bộ như vậy, cách Trung Quốc thường làm để xoa dịu dư luận trong nước đó là thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người dân Trung Quốc, và chỗ mà các lãnh đạo Trung Quốc thường nhắm tới đó là biển Đông.

    Một loạt các hành động hung hăng của Trung Quốc tại khu vực này kéo dài liên tiếp từ nhiều năm trước. Năm 2019, Trung Quốc đã cho tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm phạm vùng biển của Việt Nam hơn 100 ngày. Trong năm này, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Malaysia, Philippines Cũng chưa hết, cuối 2019 đầu 2020, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Indonesia. Đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam.

    Trong thời gian này, tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng một số tàu hải cảnh và tàu cá đang lượn lờ khảo sát tại khu vực biển của Malaysia, và nhiều nhà nghiên cứu đang dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục giở trò, trong khi “giương đông kích tây”. Và điều ấy cũng đang bắt đầu.

    Trong khi Nhóm tàu HD8 đang được các nước trong khu vực và quốc tế theo dõi sát khi tiến hành khảo sát khu vực gần vùng biển của Malaysia thì ngày 18/4/2020, Trung Quốc lại có hành động vi phạm chủ quyền của các nước khi Bộ Dân chính ngang nhiên thông báo Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là "Khu Tây Sa" và "Khu Nam Sa" trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam. Cũng theo phía Trung Quốc đưa tin thì:

    - Khu Tây Sa quản lý các đảo thuộc quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa) và Bãi Macclesfield (quần đảo Trung Sa) và vùng nước phụ cận, chính quyền khu Tây Sa đóng tại đảo Phú Lâm - cấu trúc lớn nhất thuộc Hoàng Sa,.
    - Khu Nam Sa quản lý các đảo thuộc quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và vùng nước phụ cận, chính quyền khu Nam Sa đóng tại Đá Chữ Thập - một cấu trúc thuộc Trường Sa mà Trung Quốc đã quân sự hoá gần đây.

    Việc tuyên bố các chính quyền quận này hoàn toàn không có giá trị pháp lý vì những lý do sau đây:

    1. Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đã nhiều lần Việt Nam đã khẳng định về chủ quyền đối với hai quần đảo này. Mới đây nhất, trong Công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc ngày 30/3/2020 Chính phủ Việt Nam đã nhắc lại: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

    Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (Công ước) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Theo đó, Việt Nam đã có chủ quyền lâu đời trên hai quần đảo này, và được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý.

    2. Mặc dù Trung Quốc đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc thuộc Trường Sa, nhưng vì Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng nên đã vi phạm luật quốc tế, cụ thể là Điều 2 (4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc, theo đó “Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc.” Ngoài ra, Nghị Quyết 2625 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1970 cũng quy định rõ không chấp nhận việc dùng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác. Và vì vậy, cho dù Trung Quốc đang thực tế chiếm đóng các cấu trúc này, nhưng Trung Quốc vẫn không thể có chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc này.

    3. Tuyên bố này của Trung Quốc cũng vi phạm luật biển quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS). Trong Công hàm ngày 30/3/2020, Việt Nam cũng tuyên bố rõ ràng: : ““các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng". Quan điểm này dựa trên nguyên tắc quan trọng của luật biển quốc tế “đất thống trị biển”. Đây là một nguyên tắc chung của luật quốc tế, được phát triển từ luật tập quán quốc tế và qua các phán quyết của các toà án quốc tế. Khởi đầu từ Vụ Thềm lục địa Biển Bắc năm 1969, được nhắc lại trong nhiều phán quyết sau này của Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) sau đó, nguyên tắc này đã được pháp điển hoá trong quy định tại Điều 121 (2) của UNCLOS 1982. Theo nguyên tắc này, các cấu trúc lúc chìm lúc nổi cùng các cấu trúc luôn chìm dưới mặt nước biển không thể là lãnh thổ để yêu sách chủ quyền tại đó, bởi vì, chủ quyền chỉ có thể được yêu sách đối với đất liền và đảo (islands)- được coi là một vùng đất tự nhiên nhưng có nước bao bọc xung quanh và luôn nổi trên mặt nước khi thuỷ triều lên. Chính vì vậy, việc yêu sách chủ quyền đối với các cấu trúc lúc chìm lúc nổi và các bãi ngầm luôn chìm dưới mặt nước biển của Chính phủ Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng đến luật biển quốc tế. Chúng ta nên nhớ, Bãi Macclefiled mà Trung Quốc gọi là Trung Sa là các cấu trúc luôn chìm dưới mặt nước biển. Chính vì vậy, việc tuyên bố thành lập chính quyền quản lý các khu vực này của Trung Quốc là một trò hề, đi ngược lại luật quốc tế.
    Việt Nam cần làm gì?

    Việt Nam cần phải triệu hồi đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam để gửi công hàm phản đối vấn đề này. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối các hành động vô lý, vi phạm luật quốc tế như vậy.

    Với cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, Việt Nam cần triệu tập một cuộc họp của ASEAN để ra tuyên bố về sự vi phạm này của Trung Quốc.

    Việt Nam cũng cần kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng lên tiếng để phản đối các hành động hung hăng, bất chấp luật pháp và lẽ phải như vậy.

    Hoàng Sa

    * Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

    (RFA)

    Không có nhận xét nào