Hình mình hoạ. Đường phố Hà Nội giữa dịch COVID-19 hôm 22/4/2020 |
Dự
thảo các báo cáo trình Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản
Việt Nam, vốn được soạn thảo xong trước đại dịch COVID-19, nay cần thiết
phải bổ sung, chỉnh sửa đặc biệt là đánh giá tình hình và phương hướng
phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Có rất nhiều nội dung cần làm
mới, trong đó, theo tôi, trước hết cần một tư duy và chính sách kinh tế
cấp bách trong ngắn hạn, nhưng thân thiện với thị trường, tái cơ cấu
trong dài hạn, coi đại dịch này như một động lực thay đổi.
Khủng hoảng nặng nề và kéo dài
Tính
đến ngày 22/4/2020 trên thế giới đã có gần 2,6 triệu ca mắc COVID-19,
số ca tử vong hơn 177 nghìn người… Khởi phát từ Trung Quốc từ tháng
12/2019, nay trung tâm đại dịch là Mỹ và châu Âu với số ca nhiễm và số
tử vong cao nhất, được đánh giá chưa đến đỉnh, tuy nhiên các quốc gia
đang chuẩn bị cho các phương án nới lỏng và dỡ bỏ lệnh ‘giãn cách xã
hội’ để phục hồi kinh tế.
Nhiều
nhận định rằng thế giới đang và sẽ chịu cuộc khủng hoảng kép: tổn thất
lớn do đại dịch và khủng hoảng kinh tế nặng nề, thậm chí là suy thoái,
còn hơn các khủng hoảng mà thế giới từng trải qua trong thế kỷ trước và
gần đây, như Cuộc đại khủng hoảng năm 1929-1933 hay Khủng hoảng tài
chính 2008-2009…
Đây
là cuộc khủng hoảng ‘kinh tế thực’. Mọi hoạt động, từ sinh hoạt cộng
đồng, vui chơi giải trí đến hoạt động kinh tế bị đột ngột dừng bởi các
lệnh ‘giãn cách xã hội’, thậm chí là phong toả để chống coronavirus lây
lan. Tình trạng ‘đóng băng’ nền kinh tế bị dự báo khủng khoảng nghiêm
trọng và kéo dài.
Quỹ
tiền tệ quốc tế (IMF), một Tổ chức có uy tín quốc tế và vốn thường có
dự đoán lạc quan, thì nay đã đưa ra cảnh báo ‘u ám’ trong Báo cáo "Viễn
cảnh kinh tế thế giới”, cho rằng kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng
-3%, thấp hơn 6,3% so với mức dự đoán 3,3% hồi tháng 1 vừa qua. Nền
kinh tế thế giới có thể sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ‘tồi tệ nhất’ trong
vòng 90 năm trở lại đây, thấp hơn cả mức tăng trưởng -0,1% của năm 2009,
bùng phát khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong đó, các nền kinh tế của
Mỹ, Nhật, EU sụt giảm mạnh từ 20 đến 30% so với GDP năm 2019, và châu Á
năm nay sẽ dần chậm lại và dừng hẳn (tăng trưởng GDP = 0%), lần đầu
tiên trong 60 năm qua. GDP củaTrung Quốc cũng sụt giảm còn khoảng 2% từ
mức 6,1% năm 2019.
Không
ít bình luận bi quan rằng, ‘cuộc khủng hoảng này là một bước ngoặt
trong lịch sử’, ‘làm biến đổi nền kinh tế thế giới’, ‘cả hệ thống kinh
tế sẽ thay đổi’, và ‘nền kinh tế bình thường sẽ không bao giờ quay trở
lại’… Hơn thế, cựu ngoại trưởng Mỹ, TS. Henry A. Kissinger, người được
cho là có vai trò cố vấn ‘bình thường hoá’ quan hệ giữa Mỹ với Trung
Quốc, cho rằng ‘Đại dịch COVID-19 sẽ thay đổi trật tự thế giới mãi mãi’…
Các chính khách và các nhà nghiên cứu phân tích ‘các hệ lụy của đại
dịch này đối với thế giới, châu Á, trong đó cả Đông Nam Á là rất nặng
nề’, cảnh báo không nên ‘đánh giá thấp sự suy thoái của đại dịch này’ và
kêu gọi coi đây là ‘thời khắc’ để thay đổi tư duy và hành động.
Giá
dầu ngày 20/4 trong hợp đồng tương lai tháng 5 thấp kỷ lục, -37,63$/
thùng, cho thấy sự hoảng loạn của giới đầu tư, nhưng nó cũng là chỉ báo
rõ ràng về thu hẹp phạm vi và năng lực sản xuất và tiêu dùng trên toàn
cầu. Làn sóng thất nghiệp và đóng cửa các doanh nghiệp sẽ lan rộng không
loại trừ quốc gia nào... Để kết nối lại các mạng lưới rộng khắp và phức
tạp về cung, cầu và quan hệ xã hội đòi hỏi thời gian và chi phí, bởi
vậy các chính sách công, trước hết chính sách cứu trợ, có vai trò quan
trọng.
Ưu tiên chính sách ngắn hạn, tái cơ cấu trong dài hạn
Là
nước nhỏ về quy mô kinh tế nhưng có độ mở nền kinh tế cao, Việt Nam
chắc sẽ không tránh khỏi ‘khủng hoảng kép, y tế và kinh tế’. Sau hơn 3
tháng nỗ lực và chủ động phòng chống dịch, tổng số ca nhiễm vẫn chỉ là
268, sáu ngày liền chưa có ca nhiễm mới, 222 được chữa khỏi và chưa có
tử vong. Thế giới đánh giá cao sự thành công với ‘chi phí thấp’ như bài
học đối với nhiều nước đang phát triển.
Chính
phủ Việt Nam đã coi ‘chống dịch như chống giặc nhưng cứu kinh tế phải
hơn cứu hoả’. Các đánh giá tác động của đại dịch đến kinh tế và kịch bản
tăng trưởng được đưa ra thay đổi theo mức độ nghiêm trọng của nó trên
toàn cầu, trong đó phương án xấu có thể xảy ra là tỷ lệ tăng GDP năm
2020 khó đạt 5%.
Các
chuyên gia cho rằng tác động là nghiêm trọng, và dù là nước nghèo nhưng
Việt Nam vẫn có đủ nguồn lực để tạo "vùng đệm rủi ro" để giữ ổn định
kinh tế vĩ mô. Cũng theo dự báo nêu trên từ IMF, Việt Nam sẽ ‘lạc quan
hơn’ nhiều quốc gia trên thế giới với tăng trưởng GDP của năm 2020,
nhưng vẫn suy giảm xuống còn 2,7% từ mức 7,02% của năm 2019, đồng thời
dự kiến sẽ phục hồi lên 7% vào năm 2021.
Các
chính sách cứu trợ tập trung vào: Hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì việc làm
và thu nhập cho người lao động và Trợ cấp cho các đối tượng chính sách,
người nghèo, yếu thế, lao động tự do. Chính phủ ngày 04/3/2020 đã ban
hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về ‘các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ
khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với
dịch COVID-19’ với tổng kinh phí khoảng 285 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng
6% GDP.
Khác với
các nước phát triển tung ra những gói cứu trợ lớn chưa từng có, chiếm
tới trên 10% GDP như Mỹ, Việt Nam với nguồn lực còn hạn chế, dự kiến thu
ngân sách có thể giảm, việc ban hành và thực thi chính sách cứu trợ là
một khó khăn. Ngoài ra, việc xác định các đối tượng như lao động tự do
trong khu vực phi kết cấu là một thách thức và hiện tượng trục lợi luôn
rình rập bởi một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức suy thoái, tham
nhũng trong hệ thống chính quyền các cấp.
Sau
cùng, gói cứu trợ 62 nghìn tỷ cũng được xác định vào đầu tháng 4/2020,
sẽ trợ cấp cho mỗi lao động từ 1 đến 1,2 triệu đồng/tháng. Ở đây, khuyến
cáo về chính sách tài khoá, tiết kiệm chi được vận dụng từ cả ngân sách
trung ương và địa phương, riêng khoản chi cho các chuyến công tác nước
ngoài của công chức, viên chức và hội họp, hội thảo… ‘đã cắt giảm được
khoảng 700 tỷ đồng’, Bộ trưởng Tài chính cho biết. Việc huy động nguồn
lực xã hội cho hoạt động từ thiện, cứu trợ cũng được đẩy mạnh. ‘Máy ATM
gạo’ là một sáng kiến được cổ vũ và áp dụng.
Đồng
thời với chủ trương nới lỏng ‘giãn cách xã hội’ với việc phân chia các
địa phương thành 3 nhóm nguy cơ cao, trung bình, thấp, Chính phủ đang
‘tái khởi động’ nền kinh tế bằng các chính sách đầu tư công, tập trung
vào các công trình trọng điểm quốc gia. Việc sản xuất thiết bị y tế như
máy trợ thở, khẩu trang, nghiên cứu sản xuất bộ xét nghiệm virus… được
lưu ý. Tuy nhiên, việc thúc đẩy hoàn thành các bệnh viện dở dang vẫn
chưa được nhắc đến.
Theo
tôi, Chính phủ cần lưu ý bài học chính sách ‘nóng vội’ phục hồi kinh
tế, thúc đẩy tài khoá có thể dẫn tới khủng khoảng tài chính, hay ít nhất
là lạm phát tăng cao. Giá tiêu dùng trong quý I và tháng đầu quý 2 đã
tăng cao hơn cùng kỳ năm 2019. Một nền kinh tế có thể ‘tự cung tự cấp’
nhu cầu cấp thiết về ăn, mặc, ở… có thể kích thích ‘tâm lý’ ảo tưởng về
phục hồi kinh tế.
Chính
sách dài hạn về tái cơ cấu kinh tế cần được hoạch định chủ động và tập
trung. Ngoài việc gỡ bỏ các biện pháp hành chính kiểu ‘thời chiến’;
Chính sách đã từng được ‘Chính phủ kiến tạo’ áp dụng cần khởi động lại,
thúc đẩy và được hỗ trợ bởi các chính sách tạo lập các nguyên tắc thị
trường, trong đó có sở hữu tư nhân và quyền tài sản; Đa dạng hoá chuỗi
cung sản xuất và thị trường tiêu thụ, bớt lệ thuộc vào Trung Quốc cần
được xem xét nghiêm túc trong chiến lược phát triển…
Hiệu
lực và hiệu quả của chính sách kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc thực
thi bởi bộ máy chính quyền các cấp với nhiều cán bộ đảng viên suy thoái,
biến chất, lợi ích nhóm, tham nhũng… Nếu đối với chính sách cứu trợ
ngắn hạn để phục hồi kinh tế việc trục lợi là nguy cơ hiện hữu, thì đối
với chính sách tái cơ cấu kinh tế dài hạn nguy cơ chính là tư tưởng bảo
thủ, ý thức hệ giáo điều – một kẻ thù có vẻ vô hình nhưng nguy hiểm.
Kết luận
Người
dân Việt từng trải qua những tình huống khẩn cấp, và các nhà hoạch định
chính sách thường tự an ủi ‘trong nguy cơ, có cơ hội’, khi bị ‘dồn đến
chân tường’ thì ý tưởng chính sách có thể xuất hiện.
Nhiều
nhà nghiên cứu chính sách hẳn còn nhớ ‘bài học lịch sử’, kể lại rằng
vào đầu những năm 20 của thế kỷ 20, để cứu sự sụp đổ của nền kinh tế và
chính quyền nước Nga Xô Viết non trẻ, khi đó lãnh tụ cộng sản V. I. Lê
Nin đã bãi bỏ ‘Chính sách Cộng sản Thời chiến’ trưng thu lương thực của
nông dân và thay bằng ‘Chính sách Kinh tế Mới’ giải phóng sức sản xuất
của người dân.
Nền kinh tế chỉ huy, tập trung, thể hiện bản chất chế độ cộng sản, khó thay đổi trong những điều kiện thời bình.
Đại
dịch COVID-19 rồi sẽ qua đi, hậu quả nặng nề là khó tránh khỏi, nhưng
hy vọng rằng ‘di chứng’ từ các chính sách ‘thời chiến’ không ‘kéo dài’
ưu thế cho bộ phận lãnh đạo có tư tưởng giáo điều, cơ hội, bảo thủ và sẽ
sớm được thay thế bởi các chính sách kinh tế thân thiện với thị trường
và phong cách lãnh đạo năng động hướng tới người dân và vì dân.
TS. Phạm Quý Thọ
Gửi từ Hà Nội, ngày 22/04/2020
(RFA)
Không có nhận xét nào