Header Ads

  • Breaking News

    Trung tướng John W. O'Daniel - Việt Nam Tự Do: Phép lạ hiện đại

    Việt Nam Tự Do: Phép lạ hiện đại
    Tháng Ba 1959

    Vào ngày 3 tháng Sáu, 1958, trong cuộc viếng thăm 30 ngày miền Nam Việt Nam Tự Do, tôi đi đến thị xã Bạc Liêu cách Sài Gòn 160 cây số về hướng đông nam. Cùng với các viên chức viện trợ người Mỹ và người Việt, tôi chứng kiến cuộc chuyển giao khoảng 240.000 mẫu Anh đất từ những đại điền chủ sang những tá điền, khởi đầu chương trình cải cách điền địa. Chính phủ Việt Nam mua đất của những đại điền chủ rồi bán lại mỗi lô khoảng bảy mẫu Anh cho những nông dân nhỏ.

    Viện trợ Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho chương trình có ảnh hướng lớn lao này trở thành hiện thực. Người Việt nghiên cứu kế hoạch cải cách điền địa cùng với các chuyên viên của chúng ta và sự ủng hộ tài chánh của chúng ta.

    Chương trình này cuối cùng sẽ tạo ra sinh kế đủ sống cho ba triệu người Việt dựa trên tư hữu ruộng đất, và cho họ hưởng lợi ích thật sự trong tương lai và trong nền độc lập của quốc gia họ.

    Đây chỉ là một phần của phép lạ hiện đại đang diễn ra ở Đông Nam Á, tại Việt Nam Cộng Hòa, tiền đồn của Thế giới Tự do trên tuyến đầu của cuộc đấu tranh toàn thế giới chống lại chủ nghĩa đế quốc cộng sản.

    Quốc gia can trường này, ngay lúc giành độc lập vào 1954 sau cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ, đã phải đối mặt với có lẽ là những trở ngại đáng sợ nhất mà một quốc gia mới độc lập từng đương đầu. Những trở ngại này là những vật cản đường cực kỳ lớn mà người Việt Tự do phải vượt qua để vẫn tồn tại:

    1. Sự tàn phá của cuộc chiến tranh tám năm giữa thực dân Pháp và Việt Minh do cộng sản lãnh đạo.

    2. Chế độ thực dân và trước kia chế độ phong kiến Phương Đông truyền thống đã áp đặt tình trạng cô lập bắt buộc với những lợi ích của khoa học và kỹ thuật hiện đại.

    3. Khu vực cộng sản ở miền Bắc công khai đe dọa xâm lăng, kết hợp với tất cả những kỹ thuật lật đổ và phá hoại mà đặc trưng cho mối đe dọa cộng sản từ bên trong đối với bất kỳ quốc gia mới nào.

    4. Dòng người gần một triệu người Việt tỵ nạn ở miền Bắc chạy trốn vào Việt Nam Tự do sau Hội nghị Geneva vào 1954. Với dân số 11 triệu người ở miền Nam, điều này giống như Hoa Kỳ nhận vào cả toàn bộ dân số Canada trong vòng chưa đầy một năm.

    5. Cuộc phiến loạn vũ trang của các giáo phái chính trị được thiết lập dưới chế độ thực dân Pháp và lực lượng quân đội của họ đã gia nhập cuộc đấu tranh chống cộng sản nhưng về sau, qua giấc mơ của đế quốc, đã tiến hành cuộc nội chiến chống lại chính quyền mới.

    6. Mối đe dọa kinh tế suy sụp do hậu quả chiến tranh; thiếu kỹ nghệ (hầu như tất cả các nhà máy và hầm mỏ của Việt Nam đều ở miền Bắc cộng sản); thiếu nghiêm trọng các nhà chuyên môn, nhà quản lý và thương gia; và sự rút vốn nhanh chóng của người Pháp.

    7. Tinh thần chủ bại hiện diện khắp nơi trong Thế giới Tự Do: hầu như tất cả các "chuyên gia" đều tiên đoán sự diệt vong mau chóng của Chính phủ Việt Nam Tự Do, mà vào lúc đầu, chỉ có thể trông chờ vào sự ủng hộ nhỏ nhoi của Hoa Kỳ.

    Tuy nhiên Việt Nam Tự Do vẫn tồn tại và thịnh vượng. Vì sao phép lạ này đã có thể xảy ra? Là người đã quan sát trực tiếp và kỹ càng trong thời gian khai sinh và phát triển của Việt Nam Tự Do, tôi biết rõ ràng những nhân tố đã chứng tỏ là những nhân tố quyết định.

    Những nhân tố này là:

    1. Lòng can đảm, sức mạnh và sức sống của nhân dân Việt Nam. Vì họ đã chịu đựng bao hậu quả tai hại của chính sách khủng bố của cộng sản và bất công của thực dân, nên tình yêu tự do mãnh liệt của họ sống mãi và đấy ý nghĩa. Họ đã hy sinh rất nhiều mới giành được tự do; họ sẵn sàng cứu tự do khỏi ách chuyên chế của Mạc Tư Khoa hay Bắc Kinh.

    2. Quan trọng nhất đối với sự sinh tồn của Việt Nam Tự Do là sự lãnh đạo khôn khéo, quả quyết và nhìn xa trông rộng của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Thật là vô cùng may mắn cho Việt Nam và cho toàn thể Thế giới Tự do là trong thời khắc nguy cấp nhất Việt Nam Tự do đã sản sinh ra một nhà lãnh đạo rất năng động. Tổng thống Ngô Đình Diệm từ lâu đã nổi tiếng trong dân chúng là người quên mình vì tự do. Ngay từ năm 1932 ông đã từ bỏ chức vụ cao trong chính quyền vì nhà cầm quyền thực dân từ chối cho phép ông đưa ra những cải cách rất cần thiết cho nhân dân ông. Ông cũng đã cự tuyệt một cách khinh bỉ những lời đề nghị của quân đội chiếm đóng Nhật Bản trong Đệ Nhị Thế chiến. Nhưng ông cũng nổi tiếng không kém là cương quyết chống lại cộng sản mà đã giam cầm ông và giết anh ông. Tuy nhiên Tổng thống Ngô Đình Diệm và nhân dân Việt Nam Tự do tự mình không thể nào tồn tại nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ và hào phóng của Chính phủ Hoa Kỳ và nhân dân Mỹ.

    Khi Ngô Đình Diệm về Việt Nam vào năm 1954, nước ông gần như là vô chính phủ. Mặc dù ông là người yêu nước liêm khiết rất nổi tiếng, nhưng nhân vật lãnh đạo cộng sản đầy mờ ám, Hồ Chí Minh, đang hiện ra to lớn hơn nhiều trên chính trường Việt Nam.

    Hơn nữa, Ngô Đình Diệm không phải là người có sức lôi cuốn lớn đối với đám đông. Do bản tính và ý thích, ông không bao giờ có thể dùng công cụ của những kẻ mị dân. Cho đến ngày nay, những bài diễn văn của ông có vẻ thuyết trình hơn là diễn thuyết. Ngô Đình Diệm nghiêm khắc dạy nhân dân ông hãy làm việc cần cù hơn và nhắc cho họ nhớ về thực tại ở đây-và-bây giờ, chứ không phải về viễn cảnh tươi đẹp của thiên đường không tưởng.

    Hơn bất kỳ người nào khác mà tôi đã từng gặp, Tổng thống Ngô Đình Diệm biết nhân dân ông và quốc gia ông. Hầu như trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình, ông đã đi khắp nơi từ thung lũng rất nhỏ đến núi cao và cao nguyên mênh mông. Ông thậm chí trò chuyện với bộ tộc miền núi bán khai bằng tiếng của họ.

    Trong chuyến thăm viếng Việt Nam gần đây nhất của tôi, một người Mỹ kể cho tôi nghe chuyện một kỹ sư Mỹ trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm xem xét đồ án tổng quát cho hệ thống dẫn thủy nhập điền tại một vùng hẻo lánh của Việt Nam. Các chuyên gia có tài năng đã mất nhiều tháng trời để thực hiện các địa đồ này. Tổng thống nhìn chăm chú các địa đồ, ngẫm nghĩ một lát, rồi chỉ vào bàn đồ, nói: "Ông sẽ phải chuyển hồ chứa nước từ thung lũng này đến thung lũng đó vì chưa từng bao giờ có mưa ở thung lũng đầu tiên."

    "Nhưng, thưa Tổng thống " viên kỹ sư nói, "xây hồ chứa nước ở thung lũng đầu tiên sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc, mà cũng chỉ cách nơi Tổng thống gợi ý có vài cây số. Làm sao Tổng thống có thể biết chỗ ấy không có mưa?"

    "Tôi đã đến đấy," Tổng thống nói và trong mắt ông hơi ánh lên vẻ thích thú. "Còn ông đến chưa?"

    "Chưa," viên kỹ sư đáp. "Các địa đồ của chúng tôi được vẽ từ các bản đồ không ảnh."

    "Vậy bây giờ hãy đi đến đấy," Tổng thống nói xong liền quay trở lại làm việc.

    Và người bạn Mỹ bảo tôi, "Ông biết không, Tổng thống hoàn toàn đúng. Khi kỹ sư ta đến đấy ông ấy mới phát hiện ra rằng thung lũng ấy đã không có mưa trong nhiều đời."

    Nói không ngoa rằng đây là một con người phi thường. Và phải cần người phi thường để đối phó với những thử thách đặt ra trong năm độc lập đầu tiên của Việt Nam.

    Ngô Đình Diệm đã đấu tranh một cách can đảm ngoan cường chống lại các giáo phái đánh thuê lần lượt từng giáo phái một và đến đầu năm 1956 quyền lực của họ bị đập tan. Nơi nào cần ngoại giao và mưu chước thì Ngô Đình Diệm dùng đến những cách thức này. Nhưng khi chọn lựa duy nhất là lực lượng vũ trang, ông không ngần ngại thử thách lòng tin của ông vào quân đội quốc gia mới của Việt Nam bằng cách dàn trận đánh nhau với quân đội của các giáo phái.

    Sau những thắng lợi quan trọng đầu tiên của Ngô Đình Diệm chống lại các giáo phái, Hoa Kỳ đồng ý viện trợ cho ông trực tiếp thay vì thông qua Pháp. Vào tháng Hai, 1955, Nhóm Cố vấn Trợ giúp Quân sự Hoa Kỳ, mà tôi vinh hạnh chỉ huy, bắt đầu giúp đào tạo Quân đội Việt Nam. Đến cuối năm ấy viện trợ Mỹ ủng hộ Việt Nam Tự do trên phạm vi lớn, chủ yếu để xây dựng quân đội hùng mạnh và tái định cư người tỵ nạn.

    Vào thánh Sáu năm này, 1958, tôi thấy những tân binh luyện tập thiện xạ. Họ tài giỏi không thua kém bất kỳ ai tôi từng thấy ở bất kỳ đâu. Việt Nam hiện nay có mười sư đoàn bộ binh được huấn luyện kỹ, hầu hết họ đều đã qua thử thách chiến đấu.

    Nhưng Ngô Đình Diệm không dừng lại ở đấy. Để chứng tỏ sự tận tâm của ông với độc lập và tự do, Ngô Đình Diệm kêu gọi trưng cầu dân ý toàn quốc vào ngày 23 tháng Mười. 1955 để chọn Quốc Trưởng. Trong cuộc bầu cử tự do phổ thông lần đầu tiên ở Việt Nam, Ngô Đình Diệm đánh bại Hoàng đế Bảo Đại với số phiếu hơn 98 phần trăm. Ba ngày sau ông tuyên bố Việt Nam là nước cộng hòa và trở thành vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam.

    Vào tháng Ba, 1956, cuộc tổng tuyển cử được tổ chức để chọn các dân biểu cho Quốc Hội để thảo ra hiến pháp đầu tiên của Việt Nam, mà được công bố vào tháng Mười sau đấy. Hiên pháp này chịu ảnh hưởng sâu sắc của Hiến pháp Hoa Kỳ.

    "Hạn chót" Geneva nổi tiếng sẽ diễn ra vào tháng Bảy,1956. Hai năm trước, ở cuộc đàm phán Geneva, bất chấp sự phản đối đáng lưu tâm của phái đoàn Việt Nam Tự Do và Hoa Kỳ, những người tham dự hội nghị đã đề nghị hai miền Nam Bắc Việt Nam đàm phán về một hiệp định thống nhất hai miền qua cuộc tổng tuyển cử. Họ đề nghị bầu cử diễn ra vào tháng Bảy, 1956. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, người Việt Tự do từ chối tham gia cho đến khi nào có thể thực hiện bầu cử thật sự tự do ở miền Bắc mà có dân số lớn hơn miền Nam.

    Khi Tổng thống Ngô Đình Diệm củng cố sức mạnh, ông càng ngày càng được dân chúng mến mộ. Đến 1956, cộng sản với mối đe dọa quân sự của một quân đội lớn gấp mấy lần lực lượng 150.000 người của Việt Nam Tự Do bắt đầu tấn công Việt Nam Tự Do trên mặt trận ngoại giao bằng những cuộc đả kích nặng nề Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhưng dần dần Thế giới Tự Do chuyển sang ủng hộ Tổng thống Ngô Đình Diệm, và công nhận ông. Ngay cả Ấn Độ và Miến Điện trung lập cũng bắt đầu quan hệ thân hữu với Việt Nam Tự Do.

    Rồi cộng sản phát động cuộc tấn công lớn về kinh tế kết hợp với những chiến dịch tuyên truyền và khủng bố tàn bạo. Số vốn khổng lồ của Nga và Trung Cộng đã đổ vào Bắc Việt (nhiều ước tính là lên tới hai tỷ đô la) để biến miền Bắc thành "tủ kính trưng bày chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á." Cùng với chiến dịch đàn áp và bây giờ tập thể hóa, họ đang xây dựng khu kỹ nghệ liên hợp ở Bắc Việt mà tất yếu khiến hầu hết mọi người Châu Á khâm phục.

    Ngược lại, Tổng thống Ngô Đình Diệm và người Việt Tự do đã đặt cược chính quyền họ vào sáng kiến cá nhân. Chính tự do kinh doanh được hiến pháp Việt Nam bảo đảm. Vào tháng Ba,1957 Tổng thống đã làm một việc chưa từng có trong lịch sử cho Châu Á khi tuyên bố chính sách mới nhằm khuyến khích cả kinh doanh cá nhân và tư bản ngoại quốc ở Việt Nam Cộng Hòa. Trong vòng một năm rất nhiều kế hoạch đầu tư ngoại quốc cá nhân đã được Chính phủ chấp thuận với vốn từ Nhật, Pháp, Trung Hoa Dân Quốc, Hoa Kỳ và nguồn vốn từ cá ngân và chính phủ Việt Nam.

    Như chính Tổng thống Ngô Đình Diệm là người đầu tiên thừa nhận, phương pháp này tự nhiên chậm hơn những phương pháp của cộng sản dựa trên vũ lực và kiểm soát nhà nước. Nhưng đấy là sự chọn lựa có ý thức và khó khăn có lợi cho tự do hơn nhưng thiệt thòi, ít ra trong thương lai gần, cho sản xuất lớn. Nhưng Việt Nam Tự Do đang trong cuộc đua với địch thủ cộng sản cho nên họ không thể nào bị bỏ rơi quá xa ở phía sau. Hơn nữa Bắc Việt lại được ưu đãi hơn rất nhiều với quặng mỏ và nguyên liệu mà kỹ nghệ hóa có thể dựa vào. Miền Nam chủ yếu là nông nghiệp nhưng được may mắn là có nhiều ruộng đất và mưa cho nên đói kém không phải là vấn đề quan trọng.

    Những tiến bộ Việt Nam Tự Do đã đạt được trong hai năm qua thật là phi thường. Hầu hết tất cả mọi người tỵ nạn từ miền Bắc đều có công việc sản xuất ổn định, hầu hết ở những vùng đất mới khai hoang ở miền trung. Viện trợ Mỹ đã góp phần đạt được điều này trong vòng chưa đầy hai năm.

    Một lần nữa cũng với sự giúp đỡ của viện trợ Mỹ, hàng chục ngàn người Việt khác từ những vùng quá đông đúc đang được tái định cư ở Cao nguyên dọc theo biên giới Cao Miên. Tổng thống Ngô Đình Diệm, lại không nghe theo lời khuyên của các cố vấn thân cận, nhấn mạnh rằng công việc tái định cư này là một nhiệm vụ phi thường. Điều này tựa như thể toàn bộ phong trào khai khẩn của Mỹ đến định cư ở những vùng miền Tây của chúng ta đã bị rút xuống chỉ còn trong hai hay ba năm. Xe ủi đất và máy kéo do ICA cung cấp đang san bằng những khu vực rừng rậm rậm rạp và, ngay khi đất vừa vỡ hoang xong thì máy bay liền chở các gia đình đến. Khoảng 40.000 người đã được tái định cư trong những khu vực này trong năm đầu tiên. Hy vọng đến cuối năm thứ hai sẽ có 50.000 người khác đến.

    Những nỗ lực cải cách điền địa đang được ủng hộ bởi những đề án của chính quyền nhằm cải thiện những phương pháp làm nông nghiệp, chăn nuôi và ngư nghiệp; bởi sự du nhập những phương tiện tiếp thị và tín dụng; bởi các chương trình về y tế, xóa mù chữ, và các dịch vụ xã hội khác. Hoàn cảnh của nhân dân Việt Nam với hơn 80 phần trăm sống bằng nghề nông, đang thăng tiến ngoạn mục về mọi phương diện-mà chính mắt tôi đã nhìn thấy "trước và sau".

    Vì nhiều lý do khác nhau sự phát triển trong lĩnh vực kỹ nghệ lại không nhanh chóng bằng. Trước tiên, bản thân người Việt hầu như không có vốn và kỹ năng quản lý cần thiết cho những công ty thương mại như thế. Họ cũng không có truyền thống đầu tư lâu dài. Thứ hai, có thể hiểu là họ do dự về sự đầu tư của Pháp, nguồn vốn khả thi nhất. Tuy nhiên sự đột phá đã diễn ra vào mùa đông qua.

    Thứ ba, Chính phủ chúng ta đã không có điều khoản về giúp đỡ đầu tư lâu dài và đòi hỏi tất cả các công ty kỹ nghệ phải là tư nhân, cho dù không có nguồn vốn nào khác có sẵn. Rồi Quốc hội cũng đặt ra nhiều hạn chế về chương trình viện trợ đến nỗi những người ở thực địa thiếu sự linh hoạt để hoạt động nhanh hơn thường lệ. Những điều luật của Quốc hội thường yêu cầu những thủ tục và tiêu chuẩn mà không thực tế đối với quốc gia mới xuất hiện như Việt Nam Tự Do. Và những quan tâm thuần túy về kinh tế thắng thế.

    Cuối cùng, tư bản tư nhân Mỹ đã không thật sự vội vàng đổ xô đến Việt Nam với túi tiền căng phồng. Dù sao, người Việt Nam vẫn hy vọng thu hút tư bản từ Hoa Kỳ, và họ coi công dân Mỹ là bạn hữu chứ không phải là kẻ bóc lột. Thật vậy, vào tháng Mười Một vừa qua, người Việt đã ký một loạt hiệp ước với Hoa Kỳ để bảo đảm tất cả đầu tư của tư nhân Mỹ không bị sung công và quốc hữu hóa, rủi ro chiến tranh và phong tỏa tiền tệ.

    Một nguy cơ nghiêm trọng đối với sự phát triển vũng vàng ở Việt Nam là sự gia tăng khủng bố và cướp bóc gần đây ở những khu vực ngoại ô. Rõ ràng cộng sản đứng đằng sau những biến cố này và các gián điệp cộng sản từ Bắc Việt, Lào và Cao Miên đang xâm nhập qua biên giới để cung cấp tiền bạc và vũ khí cho những nhóm cướp và một vài người bất đồng chính kiến. Cộng sản thậm chí xúc tiến một chiến dịch nhằm tái nhóm các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo trên cơ sở quân sự thuần túy. Việc cộng sản đã từ bỏ những phương thức thuần túy chính trị để chọn khủng bố và phá hoại chứng tỏ rõ ràng sự thành công và ổn định của chế độ Ngô Đình Diệm.

    Một vài các quan sát viên ngoại quốc (nhiều người có mục đích giấu kín) đã chỉ trích chính quyền Ngô Đình Diệm là không tiến bộ đủ nhanh trong lĩnh vực các quyền tự do dân sự. Sự chỉ trích này chứng tỏ một sự ngây thơ về chính trị đáng kinh ngạc khi ta nhận thức rằng Việt Nam hầu như không có truyền thống về các thể chế dân chủ và rằng cách đây bốn năm chẳng một ai tiên đoán quốc gia này sẽ còn tồn tại. Và như Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ ra, " Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh. Cộng sản đã thề tiêu diệt chúng ta và chúng đang tập trung trên biên giới chúng ta. " Tạm thời, Tổng thống Ngô Đình Diệm không thể nào đánh liều với những người bất đồng chính kiến những người mà chứng tỏ rằng quyền lợi duy nhất của họ là quyền lực cá nhân và ai trả giá cao nhất thì có thể mua được lòng trung thành của họ.

    Nhưng trên hết, trong cuộc đấu tranh toàn lực chống lại mối đe dọa cộng sản này, chúng ta nợ bản thân, con cháu và nhân loại cho nên chúng ta phải chiến đấu cho đến khi thắng trận. Việt Nam Tự Do, bất chấp bao khó khăn tưởng chừng như không thể nào vượt qua được, đang làm tròn vai trò của mình là một đồng minh khí phách và là thành trì của Thế giới Tự Do ở Đông Nam Á.

    Trung tướng John W. O'Daniel
     
    Trần Quốc Việt dịch 
    Dịch giả gửi tới Dân Luận

    Cựu Trung tướng quân đội Mỹ John W. O'Daniel là Chủ tịch hội American Friends of Vietnam. Ông từng là Tùy viên Quân sự ở Mạc Tư Khoa (1948-50); Chỉ huy Quân đoàn Một ở Triều Tiên; Chỉ huy Quân đội Thái Bình Dương (1952-54); và Chỉ huy Nhóm Cố vấn Quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam (1954-55). Ông góp phần quan trọng xây dựng nên Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

    Nguồn: Dịch từ tạp chí Mỹ The American Mercury số tháng Ba 1959.

    (Dân Luận)

    Không có nhận xét nào