Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc lớn tiếng bác bỏ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông



    Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay (21/4) tuyên bố họ đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc nhằm bác bỏ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, theo Reuters.



    Trung Quốc lớn tiếng bác bỏ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông


    Hãng tin này cho biết, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đưa ra tuyên bố này trong một cuộc họp báo hàng ngày. Ông ta nói rằng tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông là “bất hợp pháp” và việc Việc Nam cố gắng chối bỏ chủ quyền của Trung Quốc sẽ đi đến thất bại.

    Bắc Kinh gần đây liên tiếp có các hành vi gây hấn ở Biển Đông, trong đó có việc đâm chìm tàu ngư dân của Việt Nam ở trong vùng biển của Việt Nam vào ngày 2/4. Chưa đầy hai tuần sau, vào ngày 14/4, Bắc Kinh ngang nhiên cho tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

    Trước đó, Việt Nam đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông và nhận được sự ủng hộ từ cả trong và ngoài nước. Hoa Kỳ sau đó lên án chính quyền Trung Quốc không được lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để thúc đẩy lập trường ở Biển Đông.

    Bắc Kinh đang tiếp tục bảo vệ yêu sách đường 9 đoạn ở Biển Đông, phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế ở La Hay vào năm 2016 bác bỏ cơ sở pháp lý cho yêu sách này.

    Báo Channel News Asia đưa tin hôm 21/4, ông Bill Hayton, nhà nghiên cứu tại tổ chức Chatham House của Anh bình luận: “Không nước nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể dưới nước trừ khi chúng ở trong phạm vi 12 hải lý tính từ đất liền. Vì vậy, Trung Quốc không biết gì về điều này hay cố tình đảo lộn luật pháp quốc tế?”

    Biển Đông : Mỹ điều hai chiến hạm đến gần khu vực Trung Quốc, Malaysia đối đầu

    Chiến hạm USS America của Mỹ (P) trong đợt thao diễn với Hải quân Nhật ở Biển Hoa Đông ngày 13/01/2020. © U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Vincent E. Zline

    Ngày 21/04/2020, Hải quân Mỹ xác nhận đã điều hai chiến hạm ra Biển Đông và theo Reuters, hai tàu này hoạt động gần khu vực mà Trung Quốc và Malaysia đang đối đầu.

    Hồi tuần trước, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã bị phát hiện đang tiến hành khảo sát gần khu vực mà tàu thăm dò của công ty dầu khí nhà nước của Malaysia Petronas đang hoạt động. Hành động của Hải Dương Địa Chất 8 giống với những gì tàu này đã làm ở vùng biển Việt Nam vào năm ngoái.

    Vụ khảo sát gần khu vực của Petronas đã khiến Hoa Kỳ phải kêu gọi Trung Quốc ngừng các « hành vi dọa nạt » tại những vùng biển tranh chấp, đồng thời nêu lên những quan ngại về hành động khiêu khích của Bắc Kinh nhắm vào các hoạt động dầu khí tại những khu vực này.

    Trong email gởi cho hãng tin Reuters, bà Nicole Schwegman, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, hôm nay cho biết tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã được triển khai ở Biển Đông. Bà tuyên bố : « Thông qua sự hiện diện liên tục ở Biển Đông, chúng tôi nỗ lực thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, và bảo đảm các nguyên tắc quốc tế vốn là nền tảng của an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương ».

    Thiếu tướng hải quân Fred Kacher, chỉ huy cụm tàu USS America, nói với Reuters rằng lực lượng của ông đã có tương tác với Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông trong tuần này. Viên sĩ quan này khẳng định : « Mọi tương tác của chúng tôi tiếp tục được thực hiện một cách an toàn và chuyên nghiệp với Trung Quốc ».

    Thiếu tướng hải quân Kacher không cho biết chính xác vị trí các chiến hạm Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông, nhưng theo Reuters, các các nguồn tin an ninh cho rằng tàu Mỹ đang ở gần khu vực mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc được cho là đang đối đầu với tàu khoan thăm dò West Capella của công ty Petronas, Malaysia. Tuy nhiên khi được Reuters hỏi, Trung Quốc đã bác bỏ thông tin, khẳng định tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang « tiến hành các hoạt động bình thường ». Còn bộ Ngoại Giao Malaysia và Petronas đều chưa trả lời về vụ này.

    Covid-19 : Đại Hội Đồng LHQ thông qua nghị quyết phân phối vác-xin

    Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (193 thành viên) hôm qua 20/04/2020 đã nhất trí thông qua nghị quyết đảm bảo vác-xin phòng chống virus corona trong tương lai sẽ được phân phối công bằng cho các quốc gia.

    Dự thảo nghị quyết được soạn thảo theo ý tưởng của Mêhicô và được sự ủng hộ của Mỹ. Nghị quyết kêu gọi quốc tế, kể cả giới tư nhân, tăng cường hợp tác nghiên cứu để chống dịch Covid-19. Nghị quyết nhấn mạnh tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cần hành động để đảm bảo là các xét nghiệm, dụng cụ trang thiết bị phòng ngừa dịch bệnh, thuốc men và vác-xin chống Covid-19 … sẽ được phân phối một cách công bằng, bình đẳng, hiệu quả cho mọi quốc gia có nhu cầu, nhất là các nước đang phát triển.

    Nghị quyết cũng lưu ý về vai trò lãnh đạo hàng đầu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) trong bối cảnh định chế này đang bị Mỹ chỉ trích về cách đối phó với dịch bệnh Covid-19.

    WHO khẳng định không giấu diếm Mỹ về dịch Covid-19

    Liên quan đến định chế y tế của Liên Hiệp Quốc, đáp lại cáo buộc của Washington, WHO hôm qua khẳng định « đã không che giấu bất cứ điều gì với Mỹ » về dịch Covid-19. AFP cho biết, trong cuộc họp báo thường nhật qua cầu truyền hình, tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus nhiều lần nhấn mạnh « Không có bí mật gì ở Tổ Chức Y Tế Thế Giới », « Chúng tôi đã báo động ngay từ ngày đầu tiên ».

    Còn giám đốc các chương trình khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Michael Ryan, cho biết ngày từ ngày 01/01 đã có khoảng 15 đại diện của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC), được biệt phái đến trụ sở của WHO tại Genève, Thụy Sỹ, trong khuôn khổ chương trình đối phó với Covid-19.

    Chấm dứt phong tỏa : Cảnh báo của WHO

    Về biện pháp chấm dứt phong tỏa, Tổ Chức Y Tế Thế Giới hôm nay lưu ý việc dỡ biện pháp phong tỏa nên được triển khai dần dần, vì nếu được áp dụng quá sớm, virus corona có nguy cơ lây lan nhanh trở lại.

    Takeshi Kasai, giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cho Reuters biết : « Các biện pháp phong tỏa đã cho thấy là có hiệu quả và người dân các nước phải chuẩn bị thích nghi với lối sống mới để kiểm soát được virus corona (…) Chính phủ các nước có ý định dỡ bỏ lệnh phong tỏa nên tiến hành thận trọng và từng bước một ». Quan chức WHO cũng lưu ý là chừng nào virus corona vẫn còn lan truyền thì không một quốc gia nào tránh được nguy cơ bị dịch bệnh tàn phá.

    Trung Quốc và Nhật Bản lên tiếng về tình hình của Kim Jong Un

    Reuters đưa tin, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay nói rằng, Bắc Kinh đã biết việc truyền thông đưa tin về sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, nhưng không biết được những bản tin đó lấy nguồn từ đâu. Ông Cảnh Sảng cũng không bình luận về việc Trung Quốc có nắm được thông tin gì về tình hình của Kim Jong Un hay không.

    Cùng ngay, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho hay, Tokyo sẽ nỗ lực thu thập và phân tích thông tin liên quan đến sức khỏe của Kim Jong Un.

    “Chúng tôi muốn tiếp tục nỗ lực hết sức để thu thập và phân tích thông tin trong khi hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các quốc gia khác”, ông Motegi phát biểu trong cuộc họp báo.

    Trước đó, CNN đưa tin rằng Kim đang trong tình trạng nguy hiểm sau khi phẫu thuật, trong khi hai nguồn tin của chính phủ Hàn Quốc lại nói rằng Kim không bị bệnh nặng.

    Hơn 5.000 người Mỹ kiện Trung Quốc vì dịch Covid-19

    Tờ ABC ngày 20/4 cho biết hơn 5.000 người Mỹ nhiễm hoặc có thân nhân chết vì Covid-19 đã ký vào đơn kiện đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường hàng tỷ USD.

    Theo tuyên bố của Tập đoàn Luật Berman có trụ sở tại Miami, vụ kiện nhằm “tìm kiếm khoản bồi thường hàng tỷ USD cho những người chịu tổn hại cá nhân, tử vong không đáng có, thiệt hại tài sản và các thiệt hại khác do Trung Quốc không ngăn chặn Covid-19 dù họ có khả năng ngăn chặn dịch bệnh ở giai đoạn đầu”.

    Trên website của mình, công ty luật Berman cho biết đơn kiện của họ được nộp vào ngày 12/3 và hiện đang chờ xử lý tại tòa án quận Nam Florida.

    Phát ngôn viên Tập đoàn Luật Berman nói rằng tính đến cuối tháng 3, hơn 5.000 người Mỹ đã ký vào đơn kiện.

    Tổng thống Trump thông báo sẽ đình chỉ nhập cư vào Mỹ

    “Trước sự tấn công của kẻ thù vô hình, cũng như sự cần thiết phải bảo vệ việc làm cho những công dân Mỹ ưu tú của chúng ta, tôi sẽ ký một sắc lệnh hành pháp để tạm đình chỉ việc nhập cư vào Mỹ”, Tổng thống Trump viết trên Twitter vào tối 20/4.

    Nhà Trắng từ chối cung cấp thêm thông tin về sắc lệnh hành pháp này. Bộ An ninh Nội địa đã không đưa ra bình luận nào.

    Hai bác sĩ Vũ Hán chuyển màu da nâu vì nhiễm Covid-19

    Daily Mail cho biết, hai bác sĩ Yi Fan và Hu Weifeng, đều 42 tuổi, thuộc Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, có làn da chuyển màu nâu sau một thời gian chống chọi với Covid-19.

    Theo CCTV, ông Yi và ông Hu đều được xác định dương tính hôm 18/1, ban đầu được đưa vào Bệnh viện Phổi Vũ Hán điều trị, sau đó chuyển viện hai lần.

    Bác sĩ Li Shusheng, người điều trị cho cả ông Yi và ông Hu, cho biết da của họ chuyển thành màu nâu do nCoV gây tổn hại gan, dẫn tới mất cân bằng hormone. Ngoài ra, ông cũng nghi ngờ một loại thuốc mà họ tiếp nhận ở giai đoạn điều trị ban đầu có tác dụng phụ, làm sẫm màu da.

    Ông Li dự kiến da của hai bệnh nhân này sẽ trở lại bình thường sau khi chức năng gan của họ cải thiện.

    Ý dự kiến nới phong tỏa vào 4/5

    Theo Reuters, Thủ tướng Ý Conte trong tuần này sẽ công bố kế hoạch dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa chống Covid-19, áp dụng từ ngày 4/5.

    “Tôi ước tôi có thể nói ‘Hãy mở cửa lại tất cả ngay lập tức. Chúng ta sẽ bắt đầu vào sáng mai’. Nhưng đó sẽ là quyết định vô trách nhiệm. Nó sẽ khiến đường cong của dịch tăng mất kiểm soát và mọi nỗ lực của chúng ta đến nay trở thành công cốc”, Thủ tướng Ý, Giuseppe Conte đăng trên Facebook hôm nay, cho biết kế hoạch nới phong tỏa sẽ được công bố trước cuối tuần này.

    Chính phủ Ý đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 9/3. Hiện quốc gia này là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu và thứ 3 thế giới.

    Bắc Kinh nói thế giới hãy lo chống dịch thay vì đòi bồi thường

    Hôm thứ Hai, Bắc Kinh đã lên tiếng kêu gọi Washington ngừng lên án họ trong vấn đề dịch bệnh Covid-19, nói rằng Trung Quốc “cũng là một nạn nhân” của virus Vũ Hán, theo SCMP.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, trong một phát biểu trước truyền thông đã đưa ra lời khuyên rằng cộng đồng thế giới nên đồng lòng chống dịch thay vì đổ lỗi hoặc yêu cầu bồi thường.

    Ông Cảnh lưu ý, mọi người ở Mỹ nên hiểu rằng kẻ thù của họ là virus Vũ Hán chứ không phải Trung Quốc. “Trung Quốc đã bị virus tấn công và cũng là nạn nhân của virus này. Chúng tôi không phải là thủ phạm, cũng không phải là đồng phạm của virus”, ông Cảnh nói.

    WHO khen Mỹ minh bạch thông tin về tình hình Covid-19

    Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, hôm thứ Hai, nói rằng Hoa Kỳ đã minh bạch và không có gì “giấu giếm” trong hoạt động ứng phó với Covid-19, và rằng các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu của Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng vào nỗ lực của WHO, theo Reuters.

    Ông Tedros đưa ra lời khen này sau khi Tổng thống Trump đình chỉ nguồn tiền Mỹ tài trợ cho WHO, chỉ trích tổ chức này thiên vị Trung Quốc và yếu kém trong cách phản ứng với dịch viêm phổi Vũ Hán.

    Chính phủ Mỹ đã cử khoảng 15 nhân viên của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đến phối hợp chống dịch Covid-19 cùng với WHO từ tháng Một, bên cạnh hai quan chức chính phủ Mỹ làm việc dài hạn tại tổ chức này.

    Bắt thêm nghi can vụ 39 người Việt trong xe đông lạnh

    Hôm thứ Hai, cảnh sát Ireland đã bắt giữ Ronan Hughes, 40 tuổi, một nghi phạm liên quan tới cái chết của 39 người Việt trong thùng đông lạnh ở Essex, thuộc vùng đông nam nước Anh, hồi tháng 10/2019, cảnh sát cho biết trong một tuyên bố, Reuters đưa tin.

    Hughes đã bị buộc tội ngộ sát cũng như vi phạm quy định nhập cư, cảnh sát Essex thông tin. Anh này sẽ xuất hiện tại Tòa án Tối cao Dublin vào thứ Ba.

    Vào đầu tháng này, tài xế người Bắc Ailen, Maurice Robinson, người cầm lái chiếc xe tải đông lạnh chở 39 người Việt, đã nhận tội ngộ sát.

    Mỹ yêu cầu Bắc Kinh ngừng ngược đãi luật sư Vương Toàn Chương

    Chính phủ Hoa Kỳ hôm thứ Hai kêu gọi Bắc Kinh cho phép luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang) đoàn tụ với người thân sau nhiều năm ông Vương bị cầm tù mà “không được xét xử”, SCMP đưa tin.

    Luật sư Vương bị bắt giữ trong chiến dịch đàn áp nhân quyền của Bắc Kinh hồi năm 2015 và chỉ mới được thả ra khỏi nhà tù vào hai tuần trước tại Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Tuy nhiên, ông Vương vẫn không được chính quyền Trung Quốc cho gặp lại người thân, theo thông tin từ vợ của ông Vương, bà Lý Văn Túc.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus cho biét: “Chúng tôi vẫn rất quan ngại về các báo cáo cho biết tình trạng sức khỏe và tinh thần suy giảm của ông ấy, và về những gì ông ấy bị đầy đọa trong nhà tù”.

    Trung Quốc đưa máy bay tuần tra săn ngầm tới quần đảo Trường Sa

    Những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc gần đây đã triển khai máy bay tuần tra săn ngầm KQ-200 tới bãi Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

    Hôm 20/4, công ty vệ tinh dân sự ISI – ImageSat International (Israel) đã tiết lộ thông tin này trên Twitter thông qua các bức ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 10/4.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào