GS Ngô Vĩnh Long -
chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH Maine (Hoa Kỳ)
(PLO)- Mặc dù bị phản ứng
mạnh vì những hành xử phạm pháp nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn cố tình thách thức
các nước ở biển Đông.
Hôm 18-4, khi được hỏi về việc
tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc (TQ) hiện diện ở vùng biển
Malaysia, Bộ Ngoại giao Mỹ nói với truyền thông quốc tế: "Mỹ bày tỏ
quan ngại trước các báo cáo về những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của
TQ đối với hoạt động khai thác dầu và khí đốt của các bên khác (ở biển Đông).
TQ nên chấm dứt hành vi bắt nạt và loạt hoạt động khiêu khích, gây bất ổn
này
Trung Quốc xây dựng trái phép ở
đảo Phú Lâm. Ảnh: REUTERS
Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm, các
hành động của TQ đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm suy yếu thị trường
năng lượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Thông báo này xuất hiện
chưa lâu sau khi Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và nhiều nghị sĩ Mỹ chỉ trích TQ
về việc để tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Cùng ngày, truyền thông TQ đưa
tin chính quyền nước này phê chuẩn thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa quản lý
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam
theo luật pháp quốc tế). Bình luận về vụ việc này, GS Ngô Vĩnh Long - chuyên
gia quan hệ quốc tế tại ĐH Maine (Hoa Kỳ) cho rằng: "TQ đang cố tình thách
thức các quốc gia có lợi ích ở biển Đông".
Vừa thách thức, vừa dò xét
. Phóng viên: Ông đánh giá
như thế nào về mưu đồ của TQ phía sau động thái thiết lập các chính quyền phi
pháp quản lý các đảo ở biển Đông?
+ GS Ngô Vĩnh Long: Tôi thấy
đây không phải là chuyện hoàn toàn mới. Tháng 6-2012, chính phủ TQ đã công bố
việc thiết lập cái mà nước này gọi thành phố Tam Sa. Tại thời điểm đó, Tam Sa
là một thành phố cấp phủ (chứ không phải cấp huyện) đặt ở đảo Phú Lâm để quản
lý Tây Sa (cách TQ gọi hai quần đảo Hoàng Sa), Nam Sa (cách TQ gọi
hai quần đảo Trường Sa) và Trung Sa (cách TQ gọi tên bãi cạn Scarbourough
và bãi ngầm Macclesfield gần đảo Luzon của Philippines).
Vào ngày 24-7-2012, “thành phố
Tam Sa” đã chính thức công bố rằng thành phố này đã thành lập một chính quyền cấp
phủ. Cùng ngày, Quân đội nhân dân TQ cũng công bố sẽ thiết lập một căn cứ quân
sự ở Tam Sa, mục đích là phục vụ như một cơ quan chỉ huy tất cả đơn vị vũ trang
hoạt động trên toàn khu vực biển Đông. Lúc đó Bộ chỉ huy hạm đội Nam Hải, cũng
chính là hạm đội hùng hậu nhất của TQ, được thành lập năm 1949 với hơn 20.000
quân, còn đang đóng quân ở đảo Hải Nam.
Như vậy, sự kiện TQ lập ra hai
huyện đảo trái phép ở biển Đông lần này đã nằm trong một chuỗi sự kiện mà Bắc
Kinh đã tính toán từ trước. Ý đồ của chính phủ TQ khi cho CGTN thông báo tin
trên là muốn khẳng định sự kiểm soát và chủ quyền trên toàn khu vực mà họ đã
khoanh vùng (còn được gọi là đường chín đoạn hay “đường lưỡi bò”) ở biển Đông.
Năm 2016, Tòa Trọng tài quốc tế đã bác bỏ tính pháp lý của yêu sách đường chín
đoạn mà TQ đưa ra. Như vậy có thể thấy, hành động lần này của TQ là cố tình
thách thức các nước trong khu vực có quyền lợi và chủ quyền ở biển Đông, cũng
như dò xét phản ứng của các nước trên thế giới đã và đang lưu thông qua khu vực
này như thế nào.
. Nhiều học giả, chính trị gia
cho rằng TQ lợi dụng dịch bệnh để đẩy nhanh quá trình bành trướng của họ trên
biển? Ông có nghĩ như vậy không?
+ Đúng là TQ đang lợi dụng việc
các nước trên thế giới đang phải tập trung tâm trí và sức lực đương đầu với sự
hoành hành của đại dịch COVID-19 để tiến hành các bước leo thang. Tuy nhiên,
tôi nghĩ TQ làm vậy cũng là để xem phản ứng của các nước trong khu vực như thế
nào, đồng thời kiểm tra xem liệu các nước ngoài khu vực có quyết tâm ủng hộ việc
chống lại cách hành xử phi pháp của TQ trong khu vực hay không.
TQ không thể đẩy nhanh quá trình
bành trướng của họ trên biển nếu có sự đối kháng cương quyết của các nước ven
biển trong khu vực Đông Nam Á, cũng như của các nước khác có lợi ích ở biển
Đông. Các phản kháng vừa qua của Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam,
cùng với sự ủng hộ của các nước ngoài khu vực gần đây trong việc chống lại TQ
là rất quan trọng để Bắc Kinh cân nhắc trong hành động.
Phải tăng sức mạnh chống lại ý
đồ xấu
. Phản ứng của công luận rất
quan trọng nhưng có vẻ thời gian qua TQ vẫn phớt lờ chỉ trích của các nước và
liên tục gây hấn?
+ Tôi nghĩ TQ rất lo ngại
phản ứng của các nước trong khu vực và các chỉ trích của dư luận quốc tế. TQ gửi
các đội tàu vào biển Đông để thử xem phản ứng của các quốc gia khác như thế
nào. Những phản ứng vừa qua của thế giới, dù chưa đủ mạnh nhưng đã làm cho TQ
thấy mình đang “chơi với lửa” nên có phần nào chùn chân hơn. Bằng chứng là họ
cho các nhóm tàu hải cảnh và tàu địa chất Hải Dương 8 chạy lòng vòng nhưng
không dám cắm neo như họ đã làm vào tháng 7-2019. Các nước ven biển Đông càng
lên tiếng mạnh mẽ trong lúc này thì sức ép từ dư luận sẽ lớn hơn và từ đó phần
nào ép TQ thoái lui.
. Hành xử phạm pháp bất chấp
chính TQ là một thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)
năm 1982, liệu Bắc Kinh sẽ trả giá?
+ Qua hành động lần này ở biển
Đông, TQ lại càng để lộ bộ mặt cơ hội cùng thái độ bất chấp an ninh và lợi ích
chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. Các quốc gia sẽ phải suy
nghĩ lại về việc liệu họ có thể đặt niềm tin đối với TQ đến mức nào. Nói cách
khác, suy giảm niềm tin của công luận quốc tế với chính quyền Bắc Kinh là không
thể tránh khỏi. “Gian mà lại không ngoan” thì TQ khó mà được nước khác tin cậy,
khó mà “bình thiên hạ” được.
. Việt Nam lên tiếng phản đối
TQ. Liệu trong bối cảnh hiện nay, những bước đi nào là cần thiết để Việt Nam bảo
vệ chủ quyền, nhất là khi TQ dường như có mưu đồ hoàn thành chiếm cứ biển Đông
trước 2021, thời hạn dự kiến để Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) hoàn thành?
+ Bộ giải pháp sẽ bao gồm cả
(i) mặt trận chính trị-ngoại giao (như lên tiếng phản đối, gửi công hàm phản đối,
bày tỏ thái độ trên các diễn đàn chính trị-ngoại giao, kêu gọi các quốc gia
khác ủng hộ và tham gia vào việc đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông); (ii) mặt
trận an ninh-quốc phòng (như tăng cường hơn nữa năng lực của ngư dân, của cảnh
sát biển và lực lượng hải quân); (iii) mặt trận kinh tế (như giảm sự phụ thuộc
vào kinh tế TQ, đa dạng hóa mối quan hệ thương mại với các nước. Nói nôm na là
phải mạnh lên thì mới đối ứng được; và (iv) mặt trận pháp lý (sẵn sàng đưa TQ
ra các tòa quốc tế hay bên thứ ba phù hợp để giải quyết các bất đồng, xung đột).
Tất cả các bước nêu trên cần thực
hiện liên hoàn nhưng tùy hoàn cảnh của mỗi nước mà Việt Nam cần nhấn mạnh bước
nào trước, bước nào sau. Đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và phần lớn các nước châu
Âu thì quan hệ kinh tế và ngoại giao nên để ở hàng đầu. Đối với Mỹ hiện nay thì
vấn đề an ninh-quốc phòng tương đối quan trọng hơn, và nên được ưu tiên. Đây là
những vấn đề cần phải phân tích và áp dụng một cách linh hoạt để đối đầu với
TQ. Tôi nghĩ nếu làm tốt thì mưu đồ của TQ - hoàn thành việc chiếm cứ biển Đông
trước hay sau 2021 - là sẽ không thể nào thành hiện thực.
. Nhiều cơ quan, bộ ngành và
các nhà lập pháp Mỹ đã liên tục chỉ trích TQ “bắt nạt” các nước ở biển Đông.
Trên thực địa, Mỹ cũng có những động thái cụ thể, bao gồm tập trận, tuần tra tự
do hàng hải (FONOPs), ngoại giao tàu sân bay... Mỹ cần gia tăng hành động ra
sao để góp phần kiềm chế TQ?
+ Từ năm 2009 đến nay, TQ cố
tình chĩa mũi dùi vào Mỹ để tuyên truyền với quần chúng trong nước và để thị
oai với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cảnh báo từ Mỹ từ đó đến nay lại làm
cho giới tuyên truyền TQ thích thú và dùng các việc chỉ trích của Mỹ để đánh
“võ miệng”. Bắc Kinh rêu rao Mỹ mới chính là phía bắt nạt TQ, can dự vào biển
Đông - nơi mà TQ vẫn khẳng định là chuyện riêng của TQ với từng quốc gia trong
khu vực. TQ biện hộ cho những hành động sai trái của mình, như quân sự hóa các
thực thể nước này chiếm giữ, cải tạo trái phép ở biển Đông, là để phòng thủ trước
Mỹ.
Chính vì vậy, tôi cho rằng “có
tiếng thì phải có miếng.” Mỹ không thể cứ nói suông mãi hoặc hành động chưa đủ
mạnh. Mỹ cần nâng cao quan hệ an ninh-quốc phòng với các nước trong khu vực
Đông Nam Á để củng cố lòng tin của các nước này đối với Mỹ, cũng như để bảo vệ
lợi ích của Mỹ về lầu dài.
Nguồn : https://plo.vn/quoc-te/
Không có nhận xét nào