Trong cuộc chiến chống khủng hoảng cúm tàu, nước Đức đã huy động một số tiền nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Nước Đức huy động 1200 tỷ euro để chống khủng hoảng cúm Tàu |
Con số này tương ứng với một phần ba sản lượng kinh tế, tức là tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại Cộng hòa Liên bang Đức trong một năm. Qua đó, Berlin đã đưa ra gói giải cứu lớn nhất trên thế giới, theo như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố trong tuần này.
Mới trước đây, chính phủ Đức còn tranh cãi gay gắt về một dự án như lương hưu cơ bản, chi phí ban đầu được cho là 1,3 tỷ – một phần ngàn khoản tiền hỗ trợ hiện đã được thông qua. Tại sao nhà nước Đức đột nhiên lại chi rất nhiều tiền như vậy?
Câu trả lời ngắn gọn: là vì sợ cái tồi tệ hơn nữa sẽ đến. Cho đến nay, hậu quả kinh tế của cuộc khủng hoảng cúm tàu chỉ hiện rõ dưới hình thức các cửa hàng đóng cửa. Nhưng đằng sau những cánh cửa bị đóng ấy, nhiều công ty từ lâu đã phải vật lộn cho sự tồn tại của họ. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK), một phần năm các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, và các ứng cử viên phá sản bao gồm các chủ doanh nghiệp nhỏ cũng như cả các hãng hàng không và câu lạc bộ bóng đá Bundesliga.
Ở các nước khác cũng không tốt hơn. Theo IMF, cuộc khủng hoảng cúm tàu toàn cầu có thể dẫn đến cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 90 năm qua. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ mang lại những hậu quả xã hội cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt là đối với người nghèo. Và nó đe dọa tài chính của nhà nước theo hai cách: thất thu hàng tỷ tiền thuế trong khi chi tiêu xã hội tăng vọt.
Để ít nhất là làm giảm thiểu các hiệu ứng này, giới chính trị gia đang cố lèo lái chống lại khả năng đó. Với các khoản vay, trợ cấp và các lợi ích thay thế tiền lương đã được mở rộng như tiền trợ cấp thất nghiệp ngắn hạn, chính phủ Đức đang cố gắng mang các công ty và và những người tự làm chủ vượt qua cuộc khủng hoảng. Ngoài ra, còn có các chi phí trực tiếp trong cuộc chiến chống lại virus Vũ Hán, chẳng hạn như đã chi thêm 11 tỷ cho các bệnh viện, thiết bị y tế, nghiên cứu và các chiến dịch thông tin.
Nhà nước Đức lấy tiền từ đâu ra?
Tất nhiên là bây giờ nước Đức không chi một ngàn tỷ euro trong một lần. Chỉ có khoảng 15% trong đó là những chi tiêu trực tiếp, bao gồm 50 tỷ euro tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và những người tự làm chủ. Một phần lớn là các khoản nhà nước cho vay hay bảo lãnh, đặc biệt là các chương trình viện trợ của ngân hàng nhà nước KfW. Đây là tiền mà trong trường hợp lý tưởng, nhà nước sẽ nhận lại, bao gồm cả tiền lãi.
Nhưng để chi trả cho những khoản còn lại, nhà nước Đức phải vay rất nhiều tiền. Trong năm nay, nước Đức phải vay thêm 156 tỷ euro bằng cách phát hành trái phiếu nhà nước. Nhưng hiện giờ thì đó là một vụ kinh doanh rất tốt cho nhà nước. Bởi vì lãi suất hiện đang rất thấp và trái phiếu Đức được coi là một khoản đầu tư an toàn, nên các nhà đầu tư thậm chí chấp nhận cả lãi suất âm. Họ từ bỏ một phần nhỏ trong số tiền mà họ cho nhà nước Đức vay. Nói cách khác, nhà nước thậm chí không phải trả lại toàn bộ số tiền mà họ đã vay từ các nhà đầu tư.
Do cuộc khủng hoảng cúm Tàu, mức nợ hiện nay, dưới 60% so với sản lượng kinh tế, sẽ tăng vọt trở lại, có thể là lên đến khoảng 75% vào cuối năm nay.
Đó chắc chắn là một bước lùi sau nhiều năm. Nhưng nó không phải một gánh nặng không thể chịu đựng nỗi. Nhà vô địch nợ thế giới Nhật Bản hiện có tỷ lệ khoảng 240% và vẫn có thể vay trên thị trường tài chính với giá khá rẻ. Pháp cũng không thể phá sản mặc dù có tỷ lệ nợ là 100%, trung bình của khu vực đồng euro là 86%.
“Người ta sẽ không hỏi mỗi ngày rằng những biện pháp này có ý nghĩa nào trong thâm hụt ngân sách”, bà Merkel đã nói ngay từ đầu cuộc khủng hoảng.
Cuối cùng thì ai phải trả món nợ này?
Cuộc tranh luận về đề tài này đã bắt đầu. Nữ lãnh đạo đảng cánh tả SPD, Saskia Esken, đề nghị đánh thuế một lần vào tài sản để chi trả cho cuộc khủng hoảng. Bộ trưởng Tài chính Scholz không loại trừ thuế cao hơn cho người giàu. Tuy nhiên, việc này đang bị phản đối quyết liệt từ các đảng liên minh. Ông Hans Michelbach của đảng CSU nói: “Thay vì chơi trò trong vũng bùn của ý thức hệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Liên bang nên tập trung vào việc chúng ta có thể tái khởi động nền kinh tế trở lại như thế nào.”
Wolfgang Schmidt, Quốc vụ khanh Tài chính và là cánh tay phải của Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, đã đưa ra một câu trả lời trung thực đáng chú ý trong podcast “Coronomics”: Mọi người bây giờ đang quá bận rộn với các vấn đề hiện tại để mà có thể thực sự tiến hành cuộc tranh luận này. Ngoài ra thì còn phải chờ tình hình của các công ty sau khủng hoảng, cho đến cả câu hỏi: “Những khu vực nào nói chung là vẫn còn tồn tại?”
Nó giống như sau một trận chiến các vì sao ở “Spaceship Enterprise”, Quốc vụ khanh Schmidt tiếp tục. “Rồi tới lúc thuyền trưởng Picard yêu cầu báo cáo tình hình và người ta đầu tiên là phải tìm hiểu xem: Cỗ máy nào không hoạt động nữa, vỏ bảo vệ nào bị hỏng?”
Phan Ba
Nguồn : https://phanba.wordpress.com/2020/04/19/
Không có nhận xét nào