Nhờ con virus Vũ Hán mà
toàn dân mới biết, một vấn đề quốc gia hệ trọng như Dự trữ Lương thực Quốc gia
lại có “Phận bé hơn chiếc móng tay”!
Ai chịu trách nhiệm về dự trữ gạo quốc gia năm 2020 mới chỉ mua được 7700 tấn? |
1. TỔNG CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC MỚI
MUA ĐƯỢC 4% LƯỢNG GẠO DỰ TRỮ QUỐC GIA NĂM 2020
1. Vấn đề nằm ở chỗ, khi họa
xâm nhập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long đang hành hoành, làm ảnh hưởng đến hàng
chục ngàn héc ta lúa, thì tình hình xuất khẩu gạo lại gia tăng, đột biến là cho
thị trường Trung Quốc. Dư luận xã hội lo sợ dịch bệnh covid kéo dài có thể dẫn
đến thiếu lương thực trên toàn thế giới, nên việc xuất khẩu gạo có thể gây ra mối
nguy hại tiềm tàng cho Việt Nam. Báo động của xã hội mạnh đến nỗi, Bộ Công
Thương “đã hoảng hốt” đề nghị Thủ tướng Chính phủ ngừng xuất khẩu gạo. Dựa trên
đề nghị của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ ra lệnh ngừng xuất khẩu gạo
(Công văn số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020)). Nhưng ngay sau đó một ngày, Bộ Công
Thương lại đề nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo lại (Công văn số 2101/BCT-XNK
ngày 24/3/2020). Ngày 10/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu 400
000 tấn gạo trong tháng 4/2020. Và 0h ngày 12/4/2020 chỉ sau 3 giờ, Tổng cục Hải
quan đã cho phép xuất khẩu 400 000 tấn gạo.
2. Trong khi Tổng cục Hải quan
của Bộ Tài chính cho phép xuất khẩu 400 000 tấn gạo chỉ trong 3 giờ, thì Tổng cục
Dự trữ Nhà nước (TCDTNN), cũng của Bộ Tài chính, lại không mua được gạo dự trữ.
Ngày 10/4/2020 Bộ Tài chính có công văn (hỏa tốc) gửi Bộ Công Thương cho biết
TCDTNN chỉ mới mua được có 7700 tấn gạo. Số lượng này chỉ chiếm 4% trong tổng số
190 000 tấn gạo cần phải dự trữ trong năm 2020.
Lý do mà TCDTNN không mua được
gạo là vì các nhà thầu trúng thầu mua gạo cho TCDTNN đã từ chối thực hiện hợp đồng.
Cụ thể là “ngày 10/4/2020, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây
Nguyên đã hủy kết quả lựa chọn nhà thầu với các gói thầu cung cấp gạo nhập kho
dự trữ quốc gia năm 2020. Theo đó, có 5 nhà thầu (trúng 6 gói thầu nhập kho dự
trữ gạo quốc gia) bị hủy kết quả với các lý do: “Nhà thầu từ chối ký hợp đồng”
và “Nhà thầu từ chối nộp đảm bảo thực hiện hợp đồng”. Đó là 5 nhà thầu: Cty CP
Lương thực Hà Nam Ninh, Cty CP Lương thực Cao Lạng, Cty CP Lương thực Hà Tĩnh,
Cty TNHH Phát Tài và Cty cổ phần Mỹ Tường”
(https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btc/r/dn/ttdt/tbmt/tbmt_chitiet?dDocName=MOFUCM175316&_afrLoop=63379884622131502#!%40%40%3F_afrLoop%3D63379884622131502%26dDocName%3DMOFUCM175316%26_adf.ctrl-state%3D5ynl8zyae_9).
II. DỰ TRỮ LƯƠNG THỰC QUỐC GIA-
PHẬN BÉ HƠN CHIẾC MÓNG TAY
Có nguồn tin thông báo, trong
quý I năm 2020 Trung Quốc đã thu mua tích trữ hơn 50 triệu tấn gạo. Giá lương
thực thế giới vì thế mà đang lên cao. Đó cũng là lý do mà các thương lái gạo ở
Việt Nam đang hối hả xuất khẩu gạo.
Được mùa, có gạo dư thừa trong
dân, có gạo dư thừa trên thị trường, thì xuất khẩu là đúng. Nhưng cứ nghĩ
đến kho gạo dự trữ quốc gia chỉ có 4% - gồm chỉ 7700 tấn gạo, mà rùng
mình. Rõ ràng số phận dự trữ gạo quốc gia đã bị xem nhẹ đến mức “bé hơn chiếc
móng tay”.
Thế nào là dự trữ gạo quốc gia?
1. Dự trữ gạo quốc gia là kho
quốc gia dự phòng để cung cấp lương thực cho cả nước khi cần thiết. Nó phải có
khả năng cung cấp lương thực cho cả nước suốt một thời gian dài, trong thời chiến,
hay trong thảm họa thiên nhiên như dịch bệnh, hạn hán, lụt lội, mất mùa…
Không năm nào không có thiên
tai. Thiệt hại do thiên tai gây ra hàng năm có thể lên đến nhiều ngàn tỷ đồng.
Không năm nào không phải cứu trợ. Đó là chưa nói đến hàng triệu hộ nghèo thường
xuyên phải cứu đói.
Nay cả nước (đến 10/4/2020) mới
thu mua được chỉ có 7700 tấn gạo dự trữ, thì không đủ cứu trợ nội trong 1 ngày,
trách nhiệm này thuộc về ai?
Trách nhiệm trước tiên là của
ông Tổng cục trưởng TCDTNN. Trách nhiệm cao hơn nữa là ông Bộ trưởng Bộ Tài
chính.
2. Chưa hết, dự trữ gạo quốc
gia là để thúc đẩy sản xuất lương thực.
Khi mà trong xã hội thiếu gạo,
thì gạo trong kho dự trữ được xuất ra. Đó là điều đương nhiên. Nhưng vai trò của
kho gạo dự trữ quốc gia còn quan trọng ở mặt khác nữa. Đó là khi mà mùa màng được,
thì gạo dư thừa phải đổ vào kho dự trữ. Nghĩa là, kho dự trữ gạo quốc gia còn
là để trữ gạo cho nông nghiệp khi dư thừa
gạo. Không phải là mua bóp chẹt,
mà mua đúng giá. Như thế mới không làm thiệt hại cho người sản xuất, nhờ đó mà
khuyến khích được sản xuất lương thực.
Sản lượng gạo được mùa dư thừa
phải được Tổng cụ Dự trữ Nhà nước mua hết vào kho gạo dự trữ. Mua đúng giá để
người sản xuất không bị thua thiệt. Chức năng này của TCDTNN chưa bao giờ được
làm đúng.
3. Vai trò điều tiết xuất khẩu.
Kho gạo dự trữ quốc gia thực ra
là một kho trung chuyển. Gạo trong kho phải được thường xuyên thay đổi mới. Lượng
gạo cũ đến thời hạn, phải được xuất ra. Hoặc xuất ra xã hội hoặc xuất khẩu đi
nước khác.
Sản lượng gạo hàng năm của Việt
Nam hiện dao động trong khoảng 25-30 triệu tấn. Khi được mùa, dôi ra có thể đến
cả triệu tấn gạo. Lượng gạo dư thừa này, một mặt là tăng thêm cho lượng gạo xuất
khẩu, phần còn lại cần được thu mua vào kho dự trữ lương thực nhà nước.
Nhu cầu tiêu thụ gạo của cả nước
1 tháng xấp xỉ 1 triệu tấn gạo. Từ đó để thấy, dự trữ lương thực quốc gia phải
có khả năng tàng chứa từ 3 – 5 triệu tấn gạo. Đó là không tính đến năng lực hệ
thống kho chứa gạo của người sản xuất và các thương lái.
Sẽ có ý kiến khác nhau về khả
năng tàng chứa gạo cho dự trữ nhà nước. 1 triệu, 3 triệu, 5 triệu, hay thậm chí
7 triệu tấn – còn tùy thuộc vào tầm nhìn ở mỗi người và vai trò của TCDTNN
trong ván cờ thương lái gạo.
III. QUỐC TẶC THƯƠNG LÁI
1. Tham nhũng là quốc tặc.
Nhưng Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với nhiều quốc tặc khác nữa - nguy hiểm
không kém quốc tặc tham nhũng. Trong số đó, thương lái là quốc tặc nguy hiểm loại
1.
Không ai phủ nhận rằng, dịch vụ
thu mua là công đoạn mang tính quy luật trong hoạt động kinh tế. Nhưng dịch vụ
thu mua ở Việt Nam trong lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp đang bị lũng đoạn ở mức
quốc tặc.
Việt Nam đã trải nghiệm vô số
thí dụ thực tế đớn đau do quốc tặc thương lái gây ra. Chỉ vài chục thương lái
tung tin thu mua một loại sản phẩm nào đó là cả một vùng rộng lớn chạy theo thu
mua. Hậu quả là hàng ngàn gia đình sạt nghiệp, hàng trăm héc ta cây trồng bị
thiệt hại. Chưa bao giờ bọn thương lái lại dễ dắt mũi người làm nông nghiệp Việt
Nam như trong giai đoạn hiện nay.
2. Điều nguy hiểm là bọn thương
lái mang đến nhiều tổn thất nhất lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây quả thật là
một yếu huyệt - đến mức có thể làm tử vong cả nền kinh tế Việt Nam.
3. Trong hỗn loạn vừa qua của
việc dừng rồi xuất khẩu gạo - có bàn tay thương lái. Chiến dịch cấp phép xuất
khẩu thần tốc 400 000 tấn gạo trong đêm, lúc 0h ngày 12/4/2020, cũng không thể
không có bàn tay thương lái.
4. Trong thất bại của TCDTNN về
mua gạo chỉ được 4% cũng hoàn toàn là do bị thương lái lũng đoạn. Đừng viện ra
các lý do khác. Nó phơi bày sự yếu kém đến tệ hại của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
IV. GIẢI PHÁP
An ninh lương thực là vấn đề tối
quan trọng. Phải chấm dứt số phận “bé hơn chiếc móng tay” của dự trữ gạo quốc
gia hiện nay. Muốn vậy phải thay đổi căn bản vai trò và tổ chức của Tổng cục Dự
trữ Nhà nước. Hàm chứa các điểm cốt lõi sau đây.
1. TCDTNN phải trở thành người
chơi chính trong hệ thống thương lái gạo toàn quốc.
Hiện nay TCDTNN đang phụ thuộc
hoàn toàn vào thương lái. Đó là bởi vì TCDTNN đứng ngoài cuộc chơi kinh doanh gạo.
Vì đứng ngoài cuộc chơi nên phụ thuộc. Và hậu quả là không đảm bảo được dự trữ
gạo cho an ninh quốc gia.
Khi trở thành mắt xích chủ đạo
trong hệ thống thương lái gạo, TCDTNN sẽ là người “cất giọng” ra giá gạo thu
mua từ người nông dân, và ra giá gạo rao bán trên thị trường trong và ngoài nước.
Lúc đó mới thể hiện đúng vai trò điều tiết của Nhà nước, đảm bảo được an ninh
lương thực, và may ra, mới có thể góp phần thực hiện chức năng công bằng
“ Xã hội Chủ nghĩa”.
2. Tổng cục Dự trữ Nhà nước phải
thay đổi cách mua gạo dự trữ. Cụ thể là trở thành người mua trực tiếp từ bà con
nông dân. Mua đúng giá chứ không phải mua ép giá.
Đây là điều rất quan trọng. Vì
nó đảm bảo được quyền lợi hợp lý của người sản xuất gạo. Nó tránh được sự o ép
từ thương lái đối với người sản xuất gạo. Và do đó, nó không làm giảm sút ham
muốn sản xuất lúa gạo của bà con nông dân.
Bà con nông dân là lực lượng chủ
lực bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia, là người nuôi sống toàn quốc.
Nhưng họ luôn bị đối xử không công bằng. Họ bị thương lái o ép, thậm chí có người
còn phải bán cả lúa non.
Nói đến sự thiệt thòi của nông
dân, không thể không nhắc lại Di chúc của Hồ Chủ Tịch để làm bài học. Ngay cả
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về miễn thuế nông nghiệp cho nông dân sau chiến
tranh, cũng bị thực hiện chậm trễ, mãi đến năm 1990-1991 mới thực hiện. Nhưng dẫu
muộn còn hơn không.
Học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh
trước hết là học tập về lòng thương yêu bà con nông dân. Bà con nông dân là lực
lượng quyết định sản lượng lương thực nuôi sống cả quốc gia. Bà con nông dân
cũng là lực lượng quyết định nhân lực bảo vệ đất nước. Không thể để bà con nông
dân mãi chịu cảnh thiệt thòi. Càng không thể để bọn thương lái nước ngoài đến
phá hoại đời sống của nông dân Việt Nam.
Làm tốt 2 mục nêu trên, Tổng cục
Dự trữ Nhà nước chẳng những đã hoàn thành trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực,
mà còn góp phần ổn định đời sống của người dân nông nghiệp.
3. Phải đặt TCDTNN vào tình thế
tự chủ. Chỉ có như vậy TCDTNN mới có thể hoạt động hiệu quả. Trong trường hợp
này, phải thay đổi cơ chế tổ chức và cơ chế quản lý TCDTNN một cách tương ứng.
Khi đặt TCDTNN vào tình thế như
trên, chắc chắn ông Tổng cục trưởng TCDTNN hiện nay sẽ tự nguyện từ chức vì
không thể đảm đương nổi.
Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ
Nhà nước phải là một “Tướng Chiến trường”. Người đứng đầu TCDTNN không thể là một
công chức “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về” ở Bộ Tài chính.
Đã lâu rồi, chưa tìm thấy ai
trong số các bộ trưởng Việt Nam có tư chất của “Tướng Chiến trường”. Đừng nói đến
hàng ngũ tổng cục trưởng.
Ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc, không biết có ai trong Bộ Chính Trị đã “giật mình” khi nghe tin dự trữ gạo
quốc gia năm 2020 chỉ mới mua được có 7700 tấn gạo hay không?
Sự bàng quang về dự trữ gạo quốc
gia tỷ lệ thuận với sự thờ ơ trước vận mệnh đất nước.
Nguyễn Ngọc Chu
Không có nhận xét nào