Hình minh hoạ. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông hồi tháng 12/2016 |
Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng
Thời
gian gần đây, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự và
triển khai các khí tài quân sự cỡ lớn tới Biển Đông, đồng thời tuyên bố
đạt những bước tiến mới trong lĩnh vực khai thác các nguồn năng lượng
đang có tranh chấp ở vùng biển giàu nhiên liệu hóa thạch này.
Trong
khi một số người coi việc tuyên truyền của Trung Quốc cho các hoạt động
trên là một hình thức để cổ vũ người dân trong giai đoạn dịch bệnh khó
khăn, thì nhiều người khác lại nhìn nhận các cuộc diễn tập hải quân ngày
càng hung hăng của nước này là mưu toan nhằm lợi dụng tình hình suy yếu
của Mỹ để giành thêm lợi thế tại khu vực được coi là một trong những
điểm nóng trên thế giới.
Mặt
khác, sự bùng phát của dịch COVID-19 cũng khiến các quốc gia Đông Nam Á
có yêu sách ở Biển Đông đối mặt với nhiều khó khăn chiến lược.
Philippines
và Malaysia, hai nước có những tranh chấp về lãnh thổ trên biển với
Trung Quốc, gần đây đã phải ra lệnh phong tỏa thủ đô hành chính và
thương mại của mình trong vài tuần, và giao cho quân đội trách nhiệm
thực thi lệnh phong tỏa.
Tổng
thống Philippines Rodrigo Duterte và một số quan chức an ninh hàng đầu
bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đang phải tự cách ly,
trong khi Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) Felimon
Santos Jr gần đây đã xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Mỹ,
quốc gia bảo đảm trật tự dựa trên luật pháp trong khu vực, hiện đang
vật lộn với tình hình đại dịch tồi tệ nhất trên thế giới, khiến Nhà
Trắng phải thực hiện các biện pháp đặc biệt, bao gồm gói kích thích kinh
tế lớn nhất trong lịch sử.
Lầu
Năm góc cũng được huy động để chống lại dịch bệnh theo Đạo luật sản
xuất quốc phòng, cho phép quân đội Mỹ cung cấp các dịch vụ y tế quan
trọng, sản xuất và chuyển các thiết bị y tế cấp thiết cho các cơ quan và
cơ sở dân sự. Trong tình hình đó, Trung Quốc đang cố lợi dụng tình hình
dịch bệnh trên nhiều mặt trận.
Một
mặt, Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch viết lại câu chuyện về đại
dịch, bao gồm tuyên truyền ý kiến của các quan chức hàng đầu Trung Quốc
cho rằng quân đội Mỹ đã đem virus tới Trung Quốc.
Mặt
khác, Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy chia rẽ ngoại giao giữa Mỹ và các đồng
minh xuyên Đại Tây Dương truyền thống, trong đó có một nước gần đây đã
cam kết gửi các tàu hải quân tham gia các hoạt động tự do hàng hải do Mỹ
lãnh đạo ở Biển Đông.
Trung
Quốc đã thổi phồng ảnh hưởng của lệnh cấm du lịch mang tính chiếu lệ
của Mỹ đối với các quốc gia châu Âu có dịch COVID-19, trong khi “thể
hiện” động thái được gọi là “ngoại giao khẩu trang” bằng hành động cung
cấp thiết bị y tế cần thiết cho các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất
như Italy và Tây Ban Nha.
Trong
khi tự xưng là nhà lãnh đạo toàn cầu vào thời điểm khủng hoảng, Bắc
Kinh đang thúc đẩy việc mở rộng các ảnh hưởng chiến lược và kinh tế ở
Biển Đông.
Theo
Bộ Tài nguyên Trung Quốc, nước này gần đây đã khai thác thành công khí
tự nhiên từ băng cháy tại khu vực phía bắc Biển Đông, trở thành quốc gia
đầu tiên ở Biển Đông khai thác băng cháy dưới đáy đại dương bằng phương
pháp kỹ thuật khoan giếng ngang. Quá trình sản xuất diễn ra trong
khoảng thời gian từ 17/2 đến 18/3, khi dịch COVD-19 bắt đầu lây lan mạnh
tại các quốc gia trên khắp thế giới.
Những
tiến bộ của Trung Quốc trong công nghệ phát triển năng lượng sẽ chỉ
củng cố nỗ lực của nước này nhằm thống trị, nếu không nói là độc quyền,
các mỏ dầu khí khổng lồ chưa được khai thác trong phạm vi được gọi là
“đường 9 đoạn” chiếm gần 85% diện tích Biển Đông và chồng lấn với vùng
biển ngoài khơi quần đảo Natuna phía bắc Indonesia.
Cũng
nhằm mục đích đó, Trung Quốc gần đây đã tiến hành các cuộc tập trận
quân sự tại các khu vực tranh chấp, trong đó có các cuộc tập trận chống
tàu ngầm được tổ chức ngay sau khi Lầu Năm góc triển khai tàu khu trục
tên lửa dẫn đường USS McCampbell thực hiện hoạt động tự do hàng hải tại
khu vực Biển Đông trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng ở
Mỹ.
Gia tăng cường độ hung hăng trên biển Đông
Quân
đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng đã phô trương sức mạnh
của các lực lượng hải quân trong khu vực thông qua các cuộc tập trận
quân sự với sự tham gia của tàu sân bay đầu tiên của nước này, tàu Liêu
Ninh, tiếp theo sau các cuộc tập trận ở phía Bắc Biển Đông.
Những
động thái của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang
phá. vỡ cái gọi là sự trỗi dậy hòa bình của nước này. Với việc
Philippines hủy bỏ Hiệp định Thăm viếng quân sự (VFA) với Mỹ, các nhà
lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thấy đã đến lúc phải xác định
những không gian chiến lược của Bắc Kinh thông qua việc sử dụng sức mạnh
quân sự. Vào tháng 10/2019, sau một loạt sự cố ở Bãi Tư Chính vốn thuộc
Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Trung Quốc đã dịch chuyển
trọng tâm sang Cụm đảo Sinh Tồn (Union Banks), một nhóm cấu trúc và đảo
nhỏ ở gần khu vực trung tâm của Biển Đông hơn, để Bắc Kinh có thể kiểm
soát các tuyến đường biển ở Biển Đông.
Hồi
đầu tháng này, máy bay quân sự Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn
tập chống tàu ngầm ở những vùng biển bị tranh chấp này. Hành động của
Bắc Kinh là nhằm đáp trả việc chiến hạm USS Mc Campbell của Mỹ đi qua
khu vực bị tranh chấp. Thêm vào đó, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập
trận chung vào giữa tháng 3/2020 mặc dù họ biết rất rõ các cuộc tập
trận có nguy cơ gây khó chịu cho những quốc gia có yêu sách khác. Trung
Quốc cũng đã kích hoạt lực lượng dân quân biển của họ, vốn có số lượng
đông hơn số lượng tàu đánh cá của tất cả các nước có yêu sách khác ở
Biển Đông cộng lại. Lực lượng dân quân biển bao gồm “các ngư dân” này
lâu nay đều được các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc hộ tống nhằm phô
trương sức mạnh.
Vào
đầu tháng 3/2020, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cùng với một khu
trục hạm hiện đại của Mỹ đã thực hiện chuyến thăm tới Đà Nẵng để kỷ niệm
25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt –Mỹ. Trung Quốc coi chuyến
thăm Đà Nẵng của tàu USS Theodore Roosevelt là biểu hiện chứng tỏ sự gần
gũi ngày càng tăng giữa Mỹ và Việt Nam bởi vì đây là chuyến thăm thứ
hai của một nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ tới Việt Nam. Đầu tuần
trước (ngày 24/3), tàu khu trục mang theo tên lửa điều khiển USS Barry
(DDG 52) của Hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển
Đông đã bắn một quả tên lửa nhằm phô diễn khả năng tấn công của nó.
Một
ngày trước đó (23/3), chiếc máy bay trinh sát Lockheed EP-3E của Hải
quân Mỹ đã thực hiện các phi vụ trinh sát ở khu vực giữa Đài Loan và
Philippines (Eo biển Bashi). Điều này là để đáp trả lại hành động xâm
phạm không phận Đài Loan của các máy bay quân sự Trung Quốc hồi đầu
tháng Hai. Các động thái đáp trả cũng như các cuộc tập trận bắn đạn thật
của Mỹ đã khiến Trung Quốc khó chịu đến mức Bắc Kinh đã cho chiếu tia
laser vào các máy bay do thám của Mỹ đồng thời thực hiện nhiều phi vụ
trên không ở Biển Đông bằng các máy bay vận tải quân sự Shaanxi Y-8.
Mới đây, ngày 2/4 tàu Hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam tại khu vực Hoàng Sa.
Những
hành động với cường độ ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc đã buộc
Nhật Bản và Việt Nam phát triển hơn nữa các quan hệ quốc phòng và chiến
lược song phương.
Nhằm đe doạ Việt Nam
Các
hành động hung hăng của Trung Quốc dường như một phần là nhằm đe doạ
Việt Nam khi quốc gia này càng ngày càng phát triển quan hệ với phía Mỹ.
Thái độ của Hà Nội trước các sự kiện Trung Quốc gây hấn trên biển Đông
đang có những thay đổi đáng ngạc nhiên. Nếu như hồi năm ngoái trong sự
kiện căng thẳng tại khu vực Bãi Tư chính, các cơ quan truyền thông của
Đảng im tiếng, thì trong sự kiện Trung Quốc đâm tàu cá ngày 2/4, báo
Nhân Dân - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có
bài viết lên tiếng chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ.
Do
tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở Đông Nam Á, khả năng tổ chức một
phiên họp khẩn cấp của ASEAN đang bị loại trừ. Có lẽ một vài cuộc đối
thoại thông qua hình thức trực tuyến sẽ được tổ chức nhằm giải quyết
tình hình dưới sự chủ trì của Việt Nam. Tuy nhiên, việc này có thể không
thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Dường như các động thái của
Trung Quốc cũng là nhằm đe dọa Việt Nam để Hà Nội không đưa ra một tuyên
bố mạnh mẽ chống lại Trung Quốc, cũng như nhằm phù hợp với “những mệnh
lệnh” của Bắc Kinh tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN mà rốt cuộc nhiều khả
năng có thể bị trì hoãn.
Với
tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, thật là khó khăn cho Việt Nam khi
không thể phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay, cùng với các chiến
dịch ngoại giao nhằm thúc đẩy vị thế của Việt Nam để gây sức ép lên Bắc
Kinh.
Trung
Quốc đang lên kế hoạch cho một số kiểu hành động quân sự nào đó thông
qua việc huy động lực lượng dân quân biển, lực lượng bảo vệ bờ biển và
hải quân cũng như các máy bay chiến đấu. Chiến thuật dùng sức mạnh cưỡng
ép nhằm vào những bên yếu hơn hơn sẽ giúp Trung Quốc thực hiện các cuộc
đàm phán song phương, khiến những nước như Việt Nam phải tham gia đàm
phán. Tuy nhiên, Việt Nam cần làm rõ lập trường của mình rằng tất cả các
cuộc đàm phán phải được thực hiện ở cấp độ đa phương. Các chiến thuật
mà Trung Quốc đang sử dụng là nhằm tuyên bố những vùng biển xung quanh
Biển Đông là “ao nhà” của họ, cũng như nhằm hoàn thành giấc mơ “đường 9
đoạn”. Trung Quốc đã và đang tăng cường đầu tư kinh tế cho Lào và
Campuchia thông qua các dự án thuộc Sáng kiến “Vành đai và Con đường”
(BRI), đồng thời cũng xây dựng các cảng biển và những cơ sở hạ tầng như
đường băng và căn cứ quân sự để quân đội của họ sử dụng vào thời điểm
khủng hoảng. Trung Quốc cũng đã triển khai khoảng 12 tàu ngầm không
người lái ở Ấn Độ Dương để giám sát hoạt động của các tàu và tàu ngầm
của Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Dường
như Trung Quốc muốn Việt Nam thay đổi ý định trước các biện pháp cưỡng
ép của họ và không đưa ra một tuyên bố lên án hành động của Bắc Kinh ở
Biển Đông. Nhưng các chiến lược gia và học giả tin rằng ASEAN có thể
đoàn kết với nhau trước khi Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra cũng như
có thể đưa ra một tuyên bố với những ngôn từ mạnh mẽ chống lại các hoạt
động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tất nhiên, với vai trò là Chủ tịch của
ASEAN, Việt Nam sẽ đảm bảo chắc chắn rằng thông cáo của ASEAN sẽ coi các
hoạt động của Trung Quốc là mối một đe dọa lớn. Hy vọng tuyên bố của
Chủ tịch ASEAN năm nay sẽ tương tự như tuyên bố của năm 2019, hoặc thậm
chí có thể sử dụng những từ ngữ mạnh hơn để tỏ rõ thái độ trước Trung
Quốc.
Nguyễn Hải Quân
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
(RFA)
Không có nhận xét nào