"Anh ơi, em chết đói thì có được tính là chết vì dịch không?" Người thợ hớt tóc quen cười buồn hỏi tôi.
Nhiều dự án ở Việt Nam còn đang dang dở |
Ngày 1 tháng 4, Việt Nam bắt đầu thực thi cách ly toàn xã hội, mọi hoạt động kinh tế sẽ bị đình trệ.
Những
người bị ảnh hưởng đầu tiên là tầng lớp lao động, trung lưu và kinh
doanh nhỏ lẻ, vốn đóng vai trò xương sống của nền kinh tế.
Câu hỏi của người thợ hớt tóc chưa học hết phổ thông cũng là trăn trở chung của hàng chục triệu người Việt Nam hiện tại.
Để
trả lời câu hỏi ấy một cách đầy đủ là điều không hề dễ dàng. Dĩ nhiên
nếu tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh trong 1-2 tuần thì chưa đến mức
người dân phải chết đói, nhưng dịch bệnh có khả năng sẽ còn kéo dài và
cả nền kinh tế đang chịu chung một số phận bấp bênh.
Khi
chưa biết đến khi nào khủng hoảng mới chấm dứt, vấn đề chính sách công
một lần nữa lại được quan tâm và đem ra mổ xẻ so sánh.
Chính phủ Việt Nam có chính sách gì?
Đối
với nhiều người Việt, họ chỉ biết một cách rất mơ hồ những khái niệm
kinh tế vĩ mô và bàn luận về chính sách chính phủ thậm chí còn bị coi là
vùng cấm.
Thế nhưng một cách mộc mạc giản đơn thì câu hỏi của người thợ hớt tóc làm bật lên vấn đề cấp bách là:
Chính phủ Việt Nam có chính sách gì để hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh?
Nhìn
vào những khoản trợ cấp xã hội và cứu nguy kinh tế mà các nước tiên
tiến tung ra để hỗ trợ người dân nước mình đặc biệt là người thất
nghiệp, người Việt có suy nghĩ gì?
Thủ
tướng Úc Scott Morrison đã quyết định tăng gấp đôi trợ cấp thất nghiệp
cho công dân Úc trong 6 tháng, những người mà theo ông sẽ chịu những hậu
quả kinh tế đầu tiên vì Coronavirus.
Ông
tuyên bố: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất trước
các tác động của khủng hoảng". Chỉ tính riêng gói hỗ trợ này đã có giá
trị lên đến 14 tỷ đô la.
Chính
phủ Pháp huy động hơn 300 tỷ Euro hỗ trợ thanh khoản cho các công ty bị
ảnh hưởng bởi các tác động kinh tế từ sự bùng phát của Coronavirus.
Pháp
cứu nguy cho các doanh nghiệp và người lao động bằng ba chương trình
tài chính riêng biệt, trong đó hai chương trình cho phép ngân hàng đầu
tư công Bpi France cung cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay thương
mại và tín dụng.
Chương
trình còn lại là viện trợ trực tiếp cho các công ty khi cho phép ngân
hàng nhanh chóng cung cấp nguồn tiền cho bất kỳ đơn vị nào cần.
Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Đường Hà Nội ngày 1/4
Chính
phủ Anh tung ra 330 tỷ Bảng Anh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và
người thu nhập dưới trung bình. Theo đó, khoản tiền gần 400 tỷ USD, bằng
15% GDP của Anh sẽ bao gồm nhiều khoản cho vay để giúp doanh nghiệp
vừa và nhỏ không suy sụp vì mất khách và nợ ngân hàng. Bất kỳ doanh
nghiệp nào cần tiếp cận với số tiền này sẽ có thể nhận được khoản vay
được chính phủ hỗ trợ theo các điều khoản ưu đãi thông qua Ngân hàng Anh
Quốc.
Ở
khu vực Châu Á, Nhật Bản bơm 14,2 tỷ USD vào thị trường trong một động
thái được đánh giá là "táo bạo và chưa có tiền lệ" nhằm kích thích tài
chính quy mô lớn.
Singapore cũng tung ra những gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp với tổng giá trị khoảng 38 tỷ USD, chiếm đến 11% GDP nước này.
Gần
sát Việt Nam thôi, đất nước mà trong tâm thức nhiều người Việt vẫn ở
một trình độ phát triển tương đồng hoặc không quá vượt trội so với Việt
Nam là Indonesia cũng đã công bố gói kích thích đầu tiên trị giá 120
nghìn tỷ Rupiah, tức 8,1 tỷ USD.
Những công nhân sản xuất với thu nhập ít hơn 13 nghìn USD một năm cũng sẽ được hưởng chính sách giảm thuế mới.
Dĩ
nhiên, việc so sánh chính sách của các nước phát triển với Việt Nam là
khập khiễng vì quy mô nền kinh tế và trình độ phát triển khác nhau.
Nhưng tại sao người Việt phải đói nghèo?
Nguyên
nhân đầu tiên đến từ sự độc quyền và thua lỗ của các tập đoàn nhà nước
trong lĩnh vực kinh tế, dẫn đến kềm hãm sự phát triển tư nhân và gây tổn
thất cho xã hội.
Từ lúc mở cửa thị trường năm 1992, các số liệu về phát triển của Việt Nam chủ yếu được tô hồng thông qua tăng trưởng GDP.
Tuy
nhiên, GDP không phản ánh được chất lượng tài sản và dịch vụ được tạo
ra, cũng không nói lên được sự hiệu quả của việc gia tăng phúc lợi toàn
dân. Sự công nghiệp hoá và mở cửa của nước nhà đáng buồn thay lại là cơ
hội để một bộ phận lãnh đạo biến chất, thông qua các tập đoàn nhà nước,
làm giàu cho bản thân bằng cách bán tài nguyên và khoáng sản của Việt
Nam đến các nước phát triển hơn.
Theo
Kiểm toán Nhà nước năm 2018, lỗ lũy kế đến hết năm 2017 của Tổng công
ty CP Xây lắp dầu khí là 3.377 tỉ đồng; Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi dầu
khí âm vốn 1.780 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung
Quất âm vốn 1.159 tỉ đồng. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đầu
tư vào 8 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư dài hạn khác, lỗ lũy kế
315 tỉ đồng. Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cũng đầu tư
vào 7 công ty, lỗ lũy kế 105 tỉ đồng. Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN)
nợ 547 tỷ đồng. Khi quy về công ty mẹ, có những tập đoàn ôm khoản nợ khó
đòi hàng chục nghìn tỷ đồng như của PVN, lên đến 11.368 tỷ đồng. Tập
đoàn này còn "mất không" 773 triệu USD cho 24 dự án ở nước ngoài.
Những
tập đoàn nhà nước được ví như tay chân của nền kinh tế, được hưởng
nhiều chính sách ưu đãi và tiếp cận được nguồn tín dụng lớn. Tuy nhiên
nhóm này liên tục làm ăn thất thoát, khai báo lỗ và phí phạm nguồn lực
của xã hội. Như vậy ngay đầu vào của ngân sách đã không đảm bảo.
Nguyên nhân thứ hai khiến ngân sách cạn kiệt là do để xảy ra tình trạng bòn rút ngân sách và đầu tư công không hiệu quả.
Giai
đoạn 2013 đến 2019, nếu như thu ngân sách tăng thêm 572 nghìn tỷ đồng
thì chi ngân sách tăng hơn 600 nghìn tỷ đồng, tổng cộng đạt hơn 1,66
triệu tỷ đồng.
Điều
này có nghĩa là tuy tăng thu nhưng tốc độ tăng chi còn cao hơn. Nếu
tính riêng năm 2019 thì thu không đủ bù chi, thâm hụt ngân sách quốc gia
222.000 tỷ đồng, chiếm 3,6% GDP.
Năm
2018 cũng đã thâm hụt ngân sách 204.000 tỷ đồng, chiếm 3,7% GDP và dự
kiến năm 2020 vẫn tiếp tục thâm hụt 234.000 tỷ đồng, tuy nhiên với tình
hình khủng hoảng hiện tại thì thâm hụt sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Trong
khi đó, các đại dự án có giá trị hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng
liên tục thất bại, không tạo được phúc lợi cho xã hội mà còn gây ra
nhiều hệ luỵ cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Ở
ngành Giao thông Vận tải, Đường sắt đô thị TPHCM và đường sắt Cát Linh -
Hà Đông vẫn còn đang đắp chiếu, chưa biết chính xác khi nào mới đưa vào
hoạt động.
Nếu
như tuyến Metro số 1 dời ngày hoạt động dự kiến đến cuối năm 2021, thì
tuyến Metro số 2 phải dời đến tận 2026 mà đại diện ban quản lý dự án vẫn
phải thừa nhận rằng "tiến độ của dự án rất khó đảm bảo". Cát Linh - Hà
Đông còn thê thảm hơn khi chưa đi vào sử dụng đã xuống cấp.
Ở
ngành Công Thương, các đại dự án thua lỗ nổi bật là Nhà máy Sản xuất
đạm Hà Bắc, từ năm 2016 đến 2019 lỗ khoảng 2700 tỷ đồng. Nhà máy sản
xuất đạm Ninh Bình chỉ tính đến hết 2018 lỗ luỹ kế gần 5000 tỷ đồng, vốn
chủ sở hữu nhà nước âm hơn 2600 tỷ đồng. Hàng loạt dự án khác phải đình
trệ, tranh chấp hợp đồng và ngưng sản xuất.
Cả 2 nguyên nhân dẫn đến cạn kiệt ngân sách ở Việt Nam đều có mẫu số chung là cơ chế quản lý yếu kém.
Bởi
chính vì cơ chế quản lý lỏng lẻo, ở Việt Nam xuất hiện sự vun vén của
cải bằng các tổn thất xã hội qua các nhóm lợi ích vốn chiếm độc quyền và
hưởng nhiều đặc lợi trong mọi lãnh vực mà họ tham gia. Hệ thống tiền tệ
của Việt Nam lại được vận hành thông qua các ngân hàng trực thuộc trung
ương, nguồn vốn vay vì thế cũng chỉ có thể được tiếp cận một cách sâu
rộng nhất bởi những nhóm quyền lực chứ không phải tầng lớp lao động.
Những
nhóm có đặc quyền đã sử dụng khả năng tiếp cận tín dụng lớn của họ mà
kiểm soát các nền kinh tế thông qua những ngành nghề khác nhau. Tổ chức
xã hội Việt Nam như được tạo ra để phục vụ riêng cho các nhóm lợi ích
này và điều đó cần phải được thay đổi. Trong khung pháp lý hiện tại, cho
dù chính phủ Việt Nam có muốn tung ra gói trợ cấp cho người nghèo thì
cũng khó mà đến tay họ, điều này đã xảy ra vào năm 2015 ở gói tín dụng
hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ.
Nợ
công dự kiến năm 2020 sẽ chiếm đến 23% so với ngân sách, cao nhất trong
6 năm gần đây. Cũng trong giai đoạn này, nhà nước Việt Nam phải liên
tục vay nợ mới để trả nợ cũ và điều này là cực kì nguy hiểm do Việt Nam
sẽ không còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về lãi vay trong thời
gian tới. Dịch bệnh lần này đã làm phơi bày những mặt tối trong mô hình
vận hành xã hội cũng như làm nổi bật một sự thật rằng đất nước đang rất
thiếu nội lực.
Cho
dù Bộ y tế đã có những nỗ lực lớn trong công tác chống dịch, sự cố gắng
đó là không đủ để bù lại những hạn chế về tiềm lực quốc gia, điều chỉ
được vun vén một cách bài bản qua hàng chục năm phát triển.
Thực
tế cho thấy rằng sự phát triển của Việt Nam trong 30 năm qua đi kèm với
việc nới lỏng những định chế cho kinh tế tư nhân và áp dụng nhiều quy
luật vận hành căn bản của nền kinh tế thị trường, tức là thay đổi cơ chế
quản lý. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, cải cách chính trị đã đi sau
cải cách kinh tế.
30
năm mở cửa, những người lãnh đạo Việt Nam lại đứng trước bài toán đặt
ra ở thời bao cấp: đổi mới hay là chết. Dịch bệnh rồi sẽ qua, điều quan
trọng là Việt Nam có đủ dũng cảm để nhìn nhận và khắc phục những điểm
yếu của nước nhà. Để có thể đương đầu với những thử thách và khủng hoảng
tất yếu trên con đường phát triển, một mô hình nhà nước tiến bộ hơn qua
đó tích luỹ và phát huy được sức mạnh quốc gia vẫn là lời giải vẹn toàn
nhất.
Việt Nam rồi vẫn tiếp tục đói nghèo hay sẽ biết trở mình để thịnh vượng hơn?
Ngô Trường Anh Vũ
Doanh nhân, blogger ở TPHCM
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
(BBC)
Không có nhận xét nào