Header Ads

  • Breaking News

    Năm quốc gia sẽ phục hồi nhanh nhất sau đại dịch Covid-19

    Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự bất ổn chưa từng thấy đối với nền kinh tế toàn cầu, với việc các nước trên thế giới phải gồng sức chống lại tình trạng truyền nhiễm lan tràn, thực hiện các chính sách giãn cách xã hội trên diện rộng và cố gắng can thiệp tài chính từ rất sớm nhằm bình ổn thị trường.
     Năm quốc gia sẽ phục hồi nhanh nhất sau đại dịch Covid-19


    10 quốc gia có nền kinh tế vững mạnh nhất, theo chỉ số đánh giá toàn cầu năm 2019

    1. Na Uy

    2. Đan Mạch

    3. Thuỵ sỹ

    4. Đức

    5. Phần Lan

    6. Thuỵ Điển

    7. Luxembourg

    8. Áo

    9. Miền trung nước Mỹ

    10. Anh Quốc

    Tuy việc tìm cách khống chế cuộc khủng hoảng y tế tức thời là điều có ý nghĩa sống còn và cần thiết để có thể ổn định kinh tế, nhưng các chuyên gia nay đã bắt đầu đánh giá bức tranh phục hồi khi virus được khống chế và những quốc gia nào sẽ trở lại đà phát triển tốt nhất.

    Để hiểu rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã xem xét Chỉ số Khả năng Phục hồi Toàn cầu năm 2019 do hãng bảo hiểm FM Global đưa ra, theo đó xếp hạng khả năng phục hồi của môi trường kinh doanh trên 130 quốc gia, dựa trên các yếu tố như ổn định chính trị, quản trị doanh nghiệp, mức độ rủi ro của môi trường và nguồn cung ứng, và yếu tố minh bạch.

    Kết hợp các bảng xếp hạng này với cách phản ứng ban đầu của mỗi quốc gia đối với đại dịch, chúng tôi xác định được các quốc gia có nhiều khả năng duy trì được sự ổn định và khả năng phục hồi trở lại nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng này.

    Chúng tôi đã nói chuyện với cư dân và các chuyên gia ở những nước này để tìm hiểu cách họ thích nghi với tình thế hiện thời và những mong đợi của họ trong thời gian sắp tới.

    Đan Mạch

    Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng, Đan Mạch đạt điểm cao nhờ chủ động được chuỗi cung ứng, và có mức độ tham nhũng thấp.

    Nước này cũng đã hành động nhanh chóng khi ban hành các biện pháp giãn cách xã hội trước sự lây lan của virus.

    Đan Mạch tuyên bố đóng cửa trường học và các doanh nghiệp tư nhân không thiết yếu vào ngày 11/3, và không cho công dân nước ngoài nhập cảnh kể từ 14/3. Đan Mạch có ít ca dương tính với Covid-19. Các động thái này đã cho thấy tính hiệu quả cao.

    "Bệnh cúm theo mùa giảm 70% so với năm ngoái, đó là chỉ dấu tốt về tác dụng của các biện pháp mà chính phủ áp dụng," Rasmus Aarup Christiansen, thành viên điều hành của hãng Pissup Tours có trụ sở tại Copenhagen, nói. "Lúc đầu thì tôi hoài nghi, nhưng khi chứng kiến việc hầu hết các quốc gia khác đã thực hiện các bước tương tự [như phong tỏa hoạt động và đóng cửa biên giới] ngay sau Đan Mạch, thì tôi thấy có vẻ như chính phủ đã làm đúng."

    Văn hóa Đan Mạch, theo đó người dân có xu hướng tin tưởng vào chính quyền và sẵn sàng sát cánh vì một mục đích chung, cũng có tác động đến hiệu quả của các biện pháp chống dịch.

    "Từ 'samfundssind' (trong tiếng Đan Mạch có nghĩa là 'ý thức xã hội', hay 'bổn phận dân sự') là một từ mới trở nên thông dụng ở Đan Mạch, trên cả phương tiện truyền thông báo đài và mạng xã hội. Hầu hết mọi người đều cảm thấy về mặt đạo đức là mỗi người cần có trách nhiệm hy sinh những nhu cầu cá nhân vì sức khỏe cộng đồng," Aarup Christiansen nói.

    "Không ai muốn bị chỉ đích danh là kẻ gây nguy hiểm cho sự sống của người cao niên chỉ vì khăng khăng không chịu từ bỏ những thói quen xa xỉ thường ngày của mình."

    động với việc quyết định áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội

    Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Đan Mạch không tồn tại những thách thức.

    Aarup Christiansen đã tận mắt chứng kiến doanh số hoạt động du lịch của công ty ông giảm mạnh.

    Trong lúc đánh giá cao các gói hỗ trợ tài chính của chính phủ, được công bố vào ngày 14/3 (trong đó bao gồm cả việc hỗ trợ một phần chi phí trả lương nhân viên), nhưng ông thấy các quy định và hướng dẫn vẫn chưa đầy đủ, dẫn đến tình trạng bấp bênh và nhiều nhân viên mất việc làm.

    Các biện pháp, như trả 90% tiền lương cho các nhân công làm việc theo giờ và 75% lương cho những người được hưởng lương tháng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đang được ca ngợi như một mô hình đáng học tập đối với các nước khác trên thế giới. Về cơ bản đây là hình thức "đóng băng" nền kinh tế cho tới khi bão tố lắng xuống.

    Tuy nhiên, cái giá phải trả cho mô hình này không hề rẻ; các biện pháp đó được trông đợi là sẽ ngốn hết khoảng 13% tổng thu nhập quốc gia (GDP).

    Mô hình này còn có ý nghĩa ở chỗ, đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, và không nghi ngờ gì, khả năng phục hồi của Đan Mạch chắc chắn sẽ phụ thuộc vào cách mà phần còn lại của thế giới thích nghi và mở cửa giao thương ra sao.

    "Đan Mạch có thể được lợi thế tương đối bằng cách tránh được một số hậu quả nghiêm trọng hơn," Aarup Christiansen cho biết.

    Trên thực tế, nước này đã bàn về việc nới lỏng một số hạn chế trước lễ Phục sinh dựa trên kết quả kiềm chế dịch tính đến thời điểm đầu tháng Tư, theo tường thuật của Bloomberg.

    "Việc lĩnh vực dược phẩm của Đan Mạch phát triển tốt có thể là một lợi thế," Aarup Christiansen nói. "Tuy nhiên, tôi sẽ không thấy vẻ vang gì nếu kinh tế Đan Mạch tốt hơn nhờ vào việc các quốc gia khác còn đang phải chịu đựng khó khăn."

    Singapore

    Singapore đạt chỉ số xếp hạng cao do có nền kinh tế mạnh, rủi ro chính trị thấp, cơ sở hạ tầng tốt và mức độ tham nhũng thấp trong cuộc khảo sát, khiến nước này lên vị trí thứ 21 trong bảng khả năng phục hồi tổng thể.

    Singapore cũng hành động nhanh chóng trong việc kiềm chế virus và đã đạt được một trong những đường đồ thị diễn biến đại dịch phẳng nhất.

    được con số các ca nhiễm biện ở mức tương đối thấp và đạt được một trong những đường đồ thị diễn biến đại dịch phẳng nhất

    "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào chính phủ của mình, vốn tương đối minh bạch về mọi đường đi nước bước nhằm chống lại bệnh dịch này," cư dân Constance Tan, người làm việc cho nền tảng phân tích dữ liệu Konigle, nói. "Nguyên tắc chung là chính phủ đề ra quy định gì thì chúng tôi tuân thủ quy định đó."

    Nói vậy nhưng vẫn có những người phớt lờ nguyên tắc, và Singapore đã tịch thu hộ chiếu, thẻ lao động của những người vi phạm, theo tường thuật hôm 21/3 của kênh thời sự Channel News Asia.

    "Nói chung, chúng tôi đồng lòng cùng nhau và chúng tôi không cần phải lo lắng về tình trạng bất ổn xã hội, người chết trên đường phố hoặc kinh tế xáo trộn," Tan nói.

    Là một nước nhỏ, Singapore phụ thuộc vào sự phục hồi của phần còn lại của thế giới để có thể trở lại đà phát triển thành công nhất, nhưng người dân nơi đây thường tin vào sức mạnh tương lai của nước mình.

    "Là một người dân, giống như mọi nơi khác, tôi nghĩ rằng việc sống sót qua đại dịch này sẽ khiến tất cả chúng ta trở nên kiên cường hơn," ông Justin Fong nói. "Một điều chắc chắn là cần phải áp dụng công nghệ để mang lại hiệu quả tốt cho người dân Singapore."

    Nhiều doanh nghiệp như công ty Konigle đã triển khai thực hiện các chính sách làm việc tại nhà một cách nhanh chóng, và chính phủ đã vận hành ứng dụng Trace Together để giúp theo dõi virus, một ứng dụng được nhiều người dân tải xuống dùng.

    Hoa Kỳ

    Để khảo sát được các vùng địa lý rộng lớn của Hoa Kỳ, quốc gia này đã được thành các khu vực miền Tây, miền Trung và miền Đông, nhưng nói chung, Hoa Kỳ đều có xếp hạng tốt (lần lượt là 22, 9 và 11) cho môi trường kinh doanh rủi ro thấp và chuỗi cung ứng mạnh.

    Việc làm sao để kiềm chế virus lây lan là thách thức ở các siêu đô thị như New York, và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức lịch sử, chủ yếu là do tác động của lệnh phong tỏa bắt buộc được áp dụng đối với hơn một nửa các tiểu bang.

    Lệnh phong toả ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với những người làm việc trong ngành dịch vụ nhà hàng, ngành bán lẻ, cũng như các doanh nghiệp phải dựa vào lượng khách thực sự bước chân vào cửa hàng.

    Nhưng chính phủ Hoa Kỳ cũng hành động nhanh chóng với việc thông qua các biện pháp kích thích để ổn định nền kinh tế, và áp dụng chính sách giãn cách xã hội ở nhiều nơi trong cả nước, điều tỏ ra đã có tác dụng làm giảm lây lan của virus, cho phép phục hồi kinh tế nhanh hơn.

    Các tổ chức tài chính như Goldman Sachs và Morgan Stanley dự đoán là sẽ xảy ra một cuộc suy thoái và phục hồi hình chữ V, với những tác động tiêu cực tức thời lớn chưa từng thấy (chúng ta đã thấy đáy của chữ V khủng khiếp thế nào trong những ngày qua), nhưng sự phục hồi sẽ tương đối nhanh trong các quý cuối năm.

    Các chuyên gia tư vấn như McKinsey thì có một cái nhìn thận trọng hơn, nhưng vẫn đưa ra quan điểm lạc quan về sự phục hồi dựa trên việc thực hiện thành công các biện pháp y tế công - như phong tỏa tại chỗ - và các chính sách can thiệp như gói kích thích 2000 tỷ đô la đã được công bố, mà có thể là sẽ còn có các biện pháp, chính sách khác nữa được đưa ra trong các bước tiếp theo.

    Mỹ có vị trị rất quan trọng đối với nền kinh tế chung, chiếm gần một phần tư GDP thế giới. Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào đường đi nước bước của Mỹ.

    "Nói chung, so với các nước khác trên thế giới thì nền kinh tế Hoa Kỳ có vị trí tốt hơn để phục hồi sau những cú sốc lớn và những thay đổi dài hạn. Dân số trung bình trẻ hơn và dễ huy động hơn nhiều so với các phần còn lại của thế giới, các hạn chế đối với thị trường lao động thì thường là nhẹ nhàng hơn, cho nên nước Mỹ có thể dễ dàng tái phân bổ nhân lực," Eric Sims, giáo sư kinh tế tại Đại học Notre Dame, nói.

    "Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Trung ương Anh Quốc (cả hai định chế này đều chưa đưa ra chính sách áp dụng mức lãi suất âm) có tiềm lực tài chính hùng hậu hơn trong việc hỗ trợ tiền tệ so với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, chẳng hạn như Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB hoặc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản."

    một số thành phố của Mỹ như Seattle dường như đang giúp làm phẳng đường đồ thị diễn biến dịch

    Để tăng cường hơn nữa sức mạnh phục hồi của Hoa Kỳ, chính quyền liên bang đã đề xuất chia cả nước thành các khu vực khác nhau, theo đó các vùng bị ảnh hưởng ít hơn bởi đại dịch sẽ được phép hoạt động làm ăn như lúc bình thường.

    "Tôi nghĩ rằng những biện pháp này có thể áp dụng lâu dài để cuối cùng sẽ tạo điều kiện cho việc phục hồi kinh tế mạnh mẽ," Peter C Earle, chuyên viên tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ, một tổ chức nghiên cứu tư vấn phi lợi nhuận, nói. "Chúng tôi muốn có tiền, hàng hóa, dịch vụ, lao động và muốn được thoải mái tự do đi lại, không chỉ trong nước mà cả quốc tế nữa."

    Sự thiếu hụt lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phổ quát tại Hoa Kỳ là điều bị chỉ trích về năng lực xử lý khủng hoảng của chính quyền, và là một vấn đề cần phải được xem xét đến khi nguòiw ta cân nhắc tới khả năng phục hồi trong tương lai.

    "Tôi nghĩ cuối cùng thế giới có thể bật dậy mạnh mẽ hơn sau đại dịch này, và tôi tin rằng Hoa Kỳ cũng vậy. Nhưng tất cả phụ thuộc vào những bài học kinh nghiệm mà chúng ta rút ra được," ông Michael Merrill, kinh tế gia và là sử gia về lao động tại Trường Quản trị Kinh doanh và Quan hệ Lao động Rutgers, nói.

    "Chúng ta sẽ phải đầu tư vào các hình thức mới của lĩnh vực y tế công, tạo ra các hình thức bảo vệ xã hội bền vững và khả năng ứng phó tốt của các cơ quan này nếu chúng ta quay trở lại đời sống xã hội với các hoạt động thương mại dày đặc, liên kết đan xen mật thiết với nhau như chúng ta đã từng như thế chỉ mới một tháng trước đây."

    Rwanda

    Chúng tôi tin rằng chính phủ Rwandan có khả năng sẽ xử lý tình huống tốt hơn nhiều so với chính phủ ở nhiều nước khác.

    Do những cải thiện gần đây trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, Rwanda đã đạt được một số bước nhảy vọt cao nhất trong chỉ số xếp hạng trong những năm gần đây.

    Nước này thăng 35 điểm, lên thứ hạng hiện tại với vị trí là quốc gia thứ 77 có nền kinh tế có sức bật tốt nhất thế giới (và xếp thứ tư ở châu Phi).

    Quan trọng nhất, nền kinh tế này có vẻ đặc biệt thuận lợi để thoát khỏi đại dịch Covid-19 khi Rwanda đã ngăn chặn thành công Ebola bên ngoài biên giới khi dịch này bùng phát ngay tại nước láng giềng là Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 2019.

    Với sự kết hợp giữa hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ quát, dùng thiết bị bay tự động (drone) để cung cấp đồ dùng y tế, và kiểm tra thân nhiệt tại các cửa khẩu biên giới, Rwanda được trang bị tốt để duy trì sự ổn định trong suốt cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực.

    "Rất nhiều sinh viên nước ngoài như tôi ở lại vì chúng tôi tin tưởng rằng chính phủ Rwandan sẽ xử lý tình huống tốt hơn ở nước chúng tôi," Garnett Achieng, người Kenya, phụ trách nội dung kỹ thuật số cho Baobab Consulting và sinh viên tại Đại học Lãnh đạo Châu Phi, hiện sống ở Kigali, cho biết.

    "Trong số các sinh viên châu Phi nước ngoài, điều phải suy nghĩ duy nhất là lo lắng cho gia đình chúng tôi ở quê nhà không được trong tình trạng an toàn tương tự như chúng tôi ở Rwanda."các cuộc khủng hoảng y tế tương tự, và đã quản lý ngăn chặn thành công Ebola ngoài biên giới đất nước vào năm 2019

    Rwanda là quốc gia đầu tiên ở Hạ Sahara, châu Phi, áp dụng phong tỏa hoàn toàn, và đã phân phối thực phẩm miễn phí đến tận cửa cho người dân ở những vùng quê xa xôi dễ bị tổn thương nhất.

    Mặc dù du lịch dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì Rwanda là một điểm đến phổ biến cho nhiều hội nghị và triển lãm quốc tế, nhưng Achieng hy vọng rằng đất nước này sẽ có tương đối ít tổn thất vì virus, khiến cho họ có đà tốt để phục hồi nhanh chóng.

    New Zealand


    Xếp thứ 12 trong số các nền kinh tế có sức bật tốt nhất, New Zealand đạt điểm đặc biệt cao trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và chuỗi cung ứng.

    Quốc gia này cũng đã điều chỉnh nhanh chóng để ngăn chặn sự lây lan của virus bằng cách đóng cửa biên giới với khách du lịch quốc tế vào ngày 19/3 và áp lệnh đóng cửa các hoạt động kinh doanh không thiết yếu vào ngày 25/3.

    "Là đảo quốc, New Zealand dễ dàng hơn trong việc kiểm soát biên giới - nguồn lây nhiễm virus chính. Vì vậy, việc đóng cửa biên giới hiệu quả có ý nghĩa quan trọng," giáo sư Shamubeel Eaqub, kinh tế gia tại công ty tư vấn Sense Partners, cho biết. "So với các nước khác thì phản ứng ở New Zealand quyết liệt và dứt khoát."

    Theo tường thuật của báo Guardian thì các biện pháp này đã đem lại kết quả xứng đáng, vì một số nhà dịch tễ học thấy rằng New Zealand có khả năng trở thành một trong số ít các quốc gia còn lại có thể coi là "bình thường", loại bỏ được tình trạng lây nhiễm bệnh nếu các biện cứng rắn vẫn được áp dụng thêm vài tuần nữa trong tháng Tư.

    Với du lịch và xuất khẩu là hai ngành trọng yếu của nền kinh tế, New Zealand sẽ phải đối mặt với các thử thách kinh tế trong thời gian tới, nhưng điều này không nhất thiết là chuyện xấu.

    "Trong giai đoạn cách ly, chúng tôi sẽ có thời gian để điều chỉnh lại," ông Ron Bull, cư dân Dunedin, giám đốc phát triển chương trình giảng dạy tại Đại học Bách khoa Otago, nói.

    "Chúng tôi đã bắt đầu cân nhắc về tác động của những du khách đi cắm trại và du lịch ba lô đối với môi trường, và điều này cho chúng tôi thời gian để cân nhắc những gì quan trọng đối với làn sóng đô la đến từ du lịch."

    quyết liệt, đóng cửa biên giới và phong tỏa đất nước khiến nơi đây trở nên an toàn để phục hồi kinh tế ổn định

    Nhìn chung, nước này có vị thế tốt để phục hồi ổn định, với mức nợ chính phủ thấp và khả năng áp dụng việc nới lỏng chính sách tiền tệ để giữ lãi suất thấp.

    "Chúng tôi có ít ràng buộc hơn trong việc phải làm giảm nhẹ tác động của việc đối phó với [đại dịch] và nâng khả năng phục hồi," Eaqub nói. "Quan trọng nhất, New Zealand vẫn là một quốc gia có độ tin cậy tương đối cao. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để phục hồi sau cú sốc y tế và kinh tế lớn nhất trong nhiều thế hệ qua."

    Bull đồng ý rằng đất nước có khả năng hồi phục mạnh mẽ.

    "Giống như một gia đình sống cùng nhà, bạn phải tìm hiểu nhau," ông nói. "Đây là khoảng thời gian để ngồi xuống như một gia đình New Zealand, bàn bạc xem chúng tôi muốn trở thành đất nước như thế nào, và đưa ra một số quyết định để làm cho chúng tôi mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn."

    Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.


    Nguồn : https://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-52377031

    Không có nhận xét nào