Tại cuộc họp lần thứ 27 của Ủy ban
Pháp luật của Quốc hội, diễn ra vào ngày 16/4, Bộ trưởng Tư pháp Lê
Thành Long cho hay Chính phủ đưa ra đề nghị chưa nghiên cứu Luật Đất đai
sửa đổi trong năm 2020. Lý do vì nội dung của dự luật này còn một số
vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh
giá kỹ hơn.
Thêm
vào đó, ông Bộ trưởng Lê Thành Long còn cho biết sau Đại hội Đảng toàn
quốc lần thứ XIII, Trung ương sẽ ban hành nghị quyết mới mang tính chiến
lược, toàn diện về phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn mới, trong
đó có nội dung về đất đai. Do đó, Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên-Môi
trường tiếp tục phân tích, đánh giá Luật Đất đai để định hướng, sửa đổi,
bổ sung toàn diện cho luật này sau Đại hội Đảng XIII.
Bộ
Tài nguyên-Môi trường được Chính phủ yêu cầu trong năm 2020 tập trung
sửa 7 nội dung lớn của Luật Đất đai bao gồm chính sách thuế đất đai;
chính sách thu hồi đất; chính sách đất trồng lúa và an ninh lương thực;
hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá
nhân; quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; chính sách
quản lý, sử dụng đất tôn giáo; đất có yếu tố nước ngoài.
Báo
giới quốc nội, trong cùng ngày 16/4 cho biết đề nghị chưa nghiên cứu
Luật Đất đai sửa đổi trong năm 2020 của Chính phủ được Ủy ban Kinh tế
tán thành. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế ủng hộ Luật Đất đai sửa đổi trình
Quốc hội sau khi có Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII.
Vào
tối ngày 16/4, cựu Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông lên tiếng với RFA
rằng theo quan điểm của ông thì đề nghị này của Chính phủ là phù hợp.
Ông Lê Văn Cuông lý giải:
“Nhu
cầu cuộc sống thì đòi hỏi phải khẩn trương ban hành để ổn định xã hội
và để giải quyết bức xúc của người dân. Thế nhưng, sự chuẩn bị của các
cơ quan chức năng để trình Quốc hội có khi chưa đáp ứng kịp thời. Nếu
như đưa ra Quốc hội để bàn luận hoặc thông qua mà chưa đáp ứng được nhu
cầu cuộc sống thì bị trở lại luật ban hành cần phải chỉnh sửa nữa, làm
cho tuổi thọ của luật không được tốt. Cho nên các cơ quan chức năng căn
cứ vào sự chuẩn bị thì cũng có thể báo cáo với Quốc hội để lùi lại. Mặc
dù đấy là nguyện vọng chính đáng của người dân, nhưng mà các cơ quan
chức năng chuẩn bị chưa chu đáo thì vấn đề này cần phải có sự thông cảm
và tiếp tục xúc tiến để nhanh chóng được Quốc hội thông qua.”
Phản đối đề nghị của Chính phủ
Đài
RFA ghi nhận, tại cuộc họp lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật của Quốc
hội, cũng có ý kiến của Đại biểu Quốc hội không tán đồng đề nghị lùi
thời gian nghiên cứu Luật Đất đai sửa đổi. Điển hình, báo giới dẫn lời
của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh, tỉnh Hòa Bình, đề nghị Chính phủ
cần quyết tâm nghiên cứu nội dung trong năm 2020 với nhấn mạnh đây là
luật cơ bản để sử dụng nguồn lực và nếu không sửa thì e rằng khó thực
hiện những luật khác liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Đối tác công
tư (PPP) do vướng mắc Luật Đất đai.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, vào tối ngày 16/4 khẳng định với RFA rằng:
“Tôi
nghĩ rằng Luật Đất đai phải sửa một cách căn bản. Đây là một đòi hỏi
rất bức xúc của người dân Việt Nam suốt nhiều chục năm qua. Nếu người ta
lờ đi hoặc rút đi vì bất kể một lý do gì thì đấy là điều rất đáng lo
ngại.”
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A nhắc lại Luật Đất đai hiện hành gây ra rất nhiều hệ
lụy về kinh tế-xã hội trong hàng chục năm qua ở khắp nơi tại Việt Nam và
hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn qua các vụ tranh chấp đất đai gây
chấn động dư luận trong và ngoài nước như ở Văn Giang, Dương Nội, Đắk
Nông, Lộc Hưng, Thủ Thiêm…và mới nhất là vụ Đồng Tâm xảy ra hồi tháng 1
năm 2020, dẫn đến sự phẫn nộ tột cùng trong công luận cho rằng Chính
quyền Việt Nam đã gây ra tội ác với dân chúng tại Đồng Tâm.
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A quả quyết rằng Nhà nước Việt Nam càng kéo dài thời
gian sửa đổi Luật Đất đai bao nhiêu thì càng cho thấy bản chất thật sự
của Đảng CSVN lãnh đạo bấy nhiêu trong vấn đề đất đai.
“Mua
đất của nhân dân là phải mua theo giá của thị trường. Không để cho
chuyện doanh nghiệp dùng bàn tay của chính quyền thu hồi đất một cách rẻ
mạt của người dân, rồi để cho các đại gia làm giàu. Trớ trêu là chính
Đảng CSVN là một tổ chức luôn to mồm nói rằng phấn đấu cho sự công bằng
xã hội, nhưng thực sự là họ tiếp tay cho sự tích tụ tư bản một cách man
rợ, lấy của những người nghèo để cho những người giàu.”
Ba
nông dân (từ trái qua) Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường
tại phiên tòa sơ thẩm ở Đắk Nông ngày 03/01/2018. Tòa án tuyên lần lượt
các bản án tử hình, 20 năm tù giam và 12 năm tù giam đối với ba nông dân
này.
Chúng
tôi đề cập với Tiến sĩ Nguyễn Quang A về một trong những nguyên nhân mà
Chính phủ Việt Nam đề nghị rút khỏi Chương trình năm 2020 dự Luật Đất
đai sửa đổi là do lo ngại có khả năng các thế lực thù địch lợi dụng,
kích động khiếu kiện gia tăng, gây ảnh hưởng đến ổn định chính trị, trật
tự xã hội vì trùng với thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp. Tiến sĩ
Nguyễn Quang A khẳng định thêm liên quan viện dẫn này của Chính phủ Việt
Nam:
“Tất
cả những gì mà họ không muốn làm thì họ đổ cho rằng thế lực thù địch
lợi dụng gây bất ổn. Họ là thế lực thù địch lớn nhất của chính họ.”
Đài
RFA cũng liên lạc với một số người dân ở Thủ Thiêm và được họ chia sẻ
rằng Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm kéo dài 2 thập niên qua mà các dân
oan ở đây vẫn oằn mình tuân thủ pháp luật trong việc đi khiếu nại, khiếu
kiện từ địa phương đến Trung ương thì không có lý cớ nào mà “chụp mũ”
dân chúng Thủ Thiêm nói riêng, hay dân oan khắp Việt Nam bị lợi dụng hay
bị kích động khiếu kiện. Ông Cao Thăng Ca, một nạn nhân trong dự án Khu
đô thị mới Thủ Thiêm, nhấn mạnh:
“Đó là lý do nực cười. Nói như vậy để lợi dụng chụp mũ, trù dập những người tố cáo, phản ảnh sai phạm của cán bộ.”
Ông
Cao Thăng Ca còn bày tỏ thêm rằng đối với người dân Thủ Thiêm, nếu như
Luật Đất đai không bị lùi thời gian nghiên cứu sửa đổi và Luật Đất đai
sửa đổi vẫn tồn tại quy định “sở hữu toàn dân” thì cũng không giải quyết
được vấn đề gì.
“Nếu
họ thực hiện đúng Luật Đất đai từ trước đến giờ mà họ đã ban hành và có
hiệu lực thì người dân cũng đã mừng rồi. Tuy nhiên, Luật Đất đai Nhà
nước ban hành đã tụt hậu và không đáp ứng lại sự mong muốn của người dân
mà người ta vẫn không thực hiện được. Còn bây giờ sửa luật mới thì vẫn
không thực hiện thành ra chúng tôi chả hy vọng gì nhiều. Tại vì Luật Đất
đai quy định là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý. Nếu
Luật Đất đai tiếp tục còn quy định đó thì người dân vẫn không có quyền
hạn gì trong sở hữu đất đai hết.”
Luật
sư Trịnh Vĩnh Phúc, thuộc nhóm luật sư hỗ trợ pháp lý cho người dân
vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế đất đai nhà cửa hồi đầu tháng 1 năm 2019,
từng đưa ra nhận định với RFA rằng Luật Đất đai vẫn còn tồn tại quy
định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý thì đất nước
Việt Nam tiếp tục sẽ là “một cường quốc dân oan”.
Trong
khi đó, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên thuộc Cục Thống kê Liên
Hiệp Quốc cũng khẳng định với RFA rằng Việt Nam không bỏ quy định sở hữu
đất đai toàn dân trong Luật Đất đai thì không thể ổn định xã hội và
phát triển kinh tế bền vững được.
(RFA)
Không có nhận xét nào