Hôm 26 tháng 3 báo Tuổi Trẻ có bài
'Thượng viện Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế 2000 tỷ USD'. Bài báo cho
biết dự luật cứu trợ được Thượng viện Mỹ thông qua sau nhiều ngày tranh
cãi giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Dự luật sau đó sẽ được chuyển tới Hạ viện để xem xét phê chuẩn và có chữ ký của tổng thống mới chính thức có hiệu lực.
Bài
báo còn cho biết, khoản tiền 2000 tỷ USD sẽ được chia nhỏ thành các
khoản chi tiền mặt cho người dân, chi cho các bệnh viện, thiết lập nguồn
vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp lớn và một khoản khác cho doanh nghiệp
nhỏ.
Cũng
báo Tuổi trẻ, hôm mùng 1 tháng 4 có bài đưa tin về phiên họp thường kỳ
của Chính phủ Việt Nam họp bàn về dự thảo Nghị quyết hỗ trợ người dân
gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.
Dự
thảo đưa ra gói an sinh xã hội 2,6 tỷ USD với nhiều chính sách hỗ trợ
cụ thể cho người nghèo, người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của
dịch Covid-19.
Trình
bày dự thảo Nghị quyết, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc
có chính sách đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ những đối tượng bị tác động
là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, và đưa ra những nội dung hạng mục
hỗ trợ cho từng đối tượng.
Những thông tin nêu trên cũng được các báo truyền tải rộng rãi đến toàn thể người dân.
Nhưng hầu hết công chúng chỉ quan tâm đến số tiền được chi và khoản chi cho những ai được hưởng.
Hầu
như không có ai đặt ra câu hỏi vì sao ở Mỹ dự luật cứu trợ lại phải làm
như một dự luật, được thông qua bởi cả Thượng viện, Hạ viện và tổng
thống, trong khi đó ở Việt Nam chính sách cứu trợ lại chỉ cần một Nghị
quyết của Chính phủ là đủ tính hợp pháp.
Rất
ít công chúng hiểu được ý nghĩa quy trình về ban hành một chính sách
hay tính khoa học hợp lý xung quanh sự vận hành của bộ máy nhà nước.
Thiếu tri kiến
Tôi
may mắn hơn nhiều người là trước kia ở trường Đại học Luật Hà Nội tôi
đã được học các môn lý luận về nhà nước và pháp luật, lịch sử về nhà
nước và pháp luật, về mô hình các nhà nước trên thế giới, về luật hiến
pháp, về luật so sánh.
Từ
đó, tôi biết được là bên cạnh mô hình nhà nước như được thiết kế ở Việt
Nam thì trên thế giới còn có mô hình tổ chức nhà nước kiểu khác.
Đây
là điều mà nhiều người không được học ở đại học hoặc học các ngành khác
không ý thức được và thường chỉ biết duy nhất về những gì được tổ chức ở
Việt Nam.
Sau
này ra trường đi làm tôi có thêm thời gian để đọc sách báo, nhất là các
sách hồi ký của các nhà lãnh đạo trên thế giới ở Âu Mỹ, các tác phẩm
phân tích sự phát triển nền kinh tế các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc,
Singapore, Malaysia.
Nhờ
đó tôi hiểu thêm về mô hình tổ chức các nước, và hiểu ra sự ảnh hưởng
của mô hình nhà nước đến mức độ phát triển thịnh vượng của các quốc gia
ra sao, ví như qua nghiên cứu tác phẩm 'Sự thất bại của các quốc gia'.
Thường
xuyên xem báo thì thấy, trước mỗi sự vụ phát sinh trong đời sống xã
hội, báo chí hay dẫn lời các chuyên gia thỉnh thoảng đưa ra ý kiến phân
tích về cách thức tổ chức mô hình nhà nước, viện dẫn ví dụ về chức năng
vai trò của thiết chế ở các nước trên thế giới.
Sự quy chiếu về mô hình hệ thống được xem như là nguồn để tìm kiếm các gợi ý giải pháp cho các vấn đề phát sinh ở Việt Nam.
Nhưng đó chỉ là thiểu số tầng lớp chuyên gia ý thức được tính quan trọng của khoa học về tổ chức bộ máy.
Còn đa phần công chúng do thiếu tri thức cho nên thường không có ý kiến.
Lãng phí tài năng
Từ việc quan sát chính quyền và xã hội xử lý dịch cúm lần này tôi chợt nhận ra một điều.
Tôi thấy có một số nhà báo đưa tin tích cực và trách nhiệm cho thấy họ là người có năng lực, phẩm chất đáng trân trọng.
Với
quá trình cống hiến cùng với sự hiểu biết xã hội, đúng ra tới một thời
điểm họ hoàn toàn xứng đáng với một ghế dân biểu địa phương, đại biểu
hội đồng nhân dân của một tỉnh thành nào đấy.
Vậy nhưng đa phần trong số họ sẽ mãi chỉ ở ngoài lề, không được tham dự vào bộ máy điều hành quốc gia.
Đây
là tình cảnh chung của nhiều nhân sự có năng lực ngoài xã hội, một sự
lãng phí năng lực rất lớn và đối ngược với những gì đã có trong quá khứ.
Nhìn
lại lịch sử trước đây thì thấy, nhiều người sau những nỗ lực trong vai
trò một nhà báo đã trở thành những nhà lãnh đạo đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một ví dụ, một người suốt đời viết báo.
Nhìn
sang các nước khác cũng thế, ông Gandhi bên Ấn Độ cũng từng viết báo,
Thủ tướng Anh hiện nay Boris Johnson là nhà báo, Tổng thống Trump thì là
chủ tịch công ty truyền thông trực tiếp tham gia vào nhiều chương trình
truyền hình ăn khách.
Lý
do nhiều nhà báo trở thành lãnh đạo quốc gia bởi vì tên tuổi của nhà
báo vốn dễ dàng được nhiều người biết đến và đó là điều hết sức quan
trọng cho những cuộc ứng cử bầu cử tự do.
Những bài báo hay, chất lượng, sẽ cho thấy năng lực viễn kiến, tầm nhìn của tác giả và ý thức trách nhiệm trước cộng đồng.
Những
người như vậy khi được công chúng biết đến sẽ rất thuận lợi trong bầu
cử, các đảng phái sẽ chọn ra những gương mặt như vậy để làm ứng viên
tiềm năng trong bầu cử.
Nhìn
lại cơ chế hiện nay ở Việt Nam thì thấy, việc tuyển chọn nhân sự không
khiến cho những người có danh tiếng xã hội có được ưu thế nữa.
Những nghề nghiệp vốn có tính công chúng như luật sư, nhà báo ít còn được ưu thế.
Thay
vào đó là rất nhiều nhân viên hành chính các ban ngành, ngồi mòn đít
quần ở các văn phòng quan liêu lại được cơ cấu làm dân biểu nghị viện
hay lãnh đạo các cơ quan.
Những
nhân viên hành chính vốn dĩ làm theo hợp đồng được trả lương lại được
cơ cấu vào chỗ ngồi của những người phải đạt được qua bầu cử.
Cách thiết lập bộ máy như vậy đã không phân biệt giữa năng lực chính trị và kỹ năng hành chính chấp pháp.
Trong đó, năng lực chính trị là tầm nhìn lãnh đạo, phẩm chất cá nhân, uy tín xã hội để có thể kêu gọi vận động cộng đồng.
Những điều này liệu còn bao nhiêu giá trị trong việc tuyển chọn người hiện nay?
Cơ
chế tuyển chọn nhân sự bất cập khiến gây ra thiệt đơn thiệt kép, người
có năng lực thì không được sử dụng, người chẳng thiết tha gì thì lại giữ
ghế.
Dẫn đến tình trạng vị trí vốn cần có tiếng nói thì lại không hề cất tiếng trước các vấn đề đất nước.
Qua
theo dõi báo chí và mạng xã hội từ khi bắt đầu dịch Covid-19 đến nay,
tôi chưa thấy một người nào xưng danh là đại biểu Hội đồng nhân dân một
tỉnh thành nào đấy nêu ý kiến chất vấn, hoặc đề xuất gợi ý giải pháp cho
các biện pháp phòng dịch.
Biết bao nhiêu ghế dân biểu như vậy đáng ra nên nhường chỗ cho những người xứng đáng.
Để
việc tham gia vào bộ máy quốc gia là một sinh hoạt chính trị lành mạnh
văn minh, là cuộc thi thố tài năng cống hiến của những người có phẩm
hạnh và tri thức, giúp ích cho đất nước phát triển. Thế mà chẳng được.
Tiếc thay.
Dịch
Covid-19 hiện nay sẽ định hình lại sự phát triển thế giới, định hình
lại lộ trình phương hướng phát triển nền kinh tế các nước, trong đó có
Việt Nam.
Đây
là một thách thức lớn mà muốn vượt qua được để mau chóng phát triển thì
một trong những việc cần làm là phải thiết kế lại tổ chức bộ máy nhà
nước.
Nếu không thì Việt Nam sẽ mãi loay hoay trong tình trạng một quốc gia chậm phát triển, mắc vào bẫy thu nhập trung bình.
Hoặc
vẫn giữ tình trạng như trước đây, mặc dù kinh tế phát triển nhưng thế
giới còn phát triển nhanh hơn và Việt Nam ngày càng tụt hậu cách xa so
với các nước.
LS Ngô Ngọc Trai
* Bài viết thể hiện ý kiến và lối hành văn riêng của Luật sư Ngô Ngọc Trai, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.
(BBC)
Không có nhận xét nào