Trong tất cả các thành viên gia đình
có thể thay thế nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, em gái ông dường
như là sự lựa chọn rõ ràng nhất.
Kim Yo Jong, người có thể kế nhiệm Kim Jong Un, là ai? |
Kim
Yo Jong, mới hơn 30 tuổi, đã ở cạnh anh trai mình trong hội nghị thượng
đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình, ngồi sau Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi đại diện cho Triều Tiên
tại Thế vận hội Mùa đông năm 2018, và trở thành thành viên trực hệ đầu
tiên của gia đình họ Kim đến thăm Seoul, nơi cô gửi một thư riêng của
anh trai mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới dự một hội nghị thượng
đỉnh.
Trở
ngại tiềm tàng lớn nhất là việc cô là một phụ nữ trong một xã hội bị
đàn ông kiểm soát chặt chẽ. Trong khi nhiều người theo dõi Triều Tiên
nói rằng huyết thống quan trọng hơn giới tính, những người khác lại nghi
ngờ điều đó.
“Vai
trò của Yo Jong có thể sẽ chỉ tối đa là một đại thần nhiếp chính” do
chế độ gia trưởng phong kiến của Triều Tiên, theo lời Yoo Ho-yeol,
chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc và trước đây là cố
vấn cho Bộ Thống nhất và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. “Không chỉ tầng lớp
lãnh đạo do đàn ông thống trị mà cả những người dân bình thường cũng sẽ
chống lại một nhà lãnh đạo nữ.”
Câu
hỏi liệu Kim Yo Jong có trở thành nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của Triều
Tiên hay không đột nhiên trở thành mối quan tâm chủ chốt khi các nghi
ngờ về sức khỏe của anh trai cô tăng lên. Kim Jong Un đã không xuất hiện
trên các phương tiện truyền thông nhà nước trong hai tuần qua, làm xuất
hiện một loạt các báo cáo cho rằng ông có thể đang bị bệnh nặng.
Triều
đại họ Kim đã cai trị Triều Tiên trong ba thế hệ kể từ khi được thành
lập sau Thế chiến II, khi Liên Xô và Hoa Kỳ chia nhau quyền kiểm soát
Bán đảo Triều Tiên. Trong thời gian đó, họ đã xây dựng một trong những
chế độ sùng bái cá nhân mạnh nhất thế giới – tuyên bố tính chính danh
cho chế độ độc tài dựa vào huyết thống được cho là xuất phát từ ngọn núi
thiêng Paektu gần biên giới với Trung Quốc.
Khi
Kim Jong Un lên nắm quyền sau cái chết của cha mình năm 2011, câu hỏi
lớn là liệu một nhà lãnh đạo ở độ tuổi 20 có thể cai trị một quốc gia
luôn coi trọng thâm niên hay không. Ông ta sớm khẳng định quyền lực của
mình đối với các tướng lĩnh lớn tuổi và loại bỏ các đối thủ tiềm tàng:
Ông đã xử tử người dượng và phó tướng một thời của mình, Jang Song
Thaek, và bị nghi ngờ đã ra lệnh ám sát người anh cùng cha khác mẹ đang
lưu vong của mình là Kim Jong Nam ở Malaysia.
Theo
nhiều cách, Kim Yo Jong – người đã làm việc gần một thập niên trong bộ
máy nhà nước – đã được chuẩn bị tốt hơn anh mình để đảm nhận vai trò
lãnh đạo hàng đầu. Cô cũng có thể gây một sự ngạc nhiên tương tự cho bất
kỳ ai nghi ngờ khả năng điều hành đất nước của mình, theo Soo Kim, một
nhà phân tích chính sách tại Rand Corp, chuyên nghiên cứu về các vấn đề
liên quan Bán đảo Triều Tiên.
‘Bắt đầu và kết thúc’
“Tôi
không nghĩ rằng cô ấy cần phải lo lắng về việc được thừa nhận vai trò
lãnh đạo từ người dân Triều Tiên nhờ vào dòng máu gia đình họ Kim của cô
ấy”, Soo Kim nói. “Số phận của Triều Tiên bắt đầu và kết thúc cùng gia
đình họ Kim”.
Những
người thừa kế nam tiềm năng khác của nhà họ Kim đều trẻ hơn hoặc ít
kinh nghiệm hơn. Anh trai Kim Jong Chol không có chức danh chính thức
nào và dường như thích chơi guitar hơn làm chính trị, trong khi cháu
trai Kim Han Sol đã tố cáo chế độ và được cho là đang sống ở nước ngoài.
Truyền
thông Hàn Quốc đưa tin Kim Jong Un có một cậu con trai 10 tuổi, nhưng
không có đứa con nào của ông được nhắc đến chính thức trên truyền thông
nhà nước. Thae Yong Ho, cựu phó đại sứ của Triều Tiên tại London, người
đã đào thoát sang Hàn Quốc, nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát
thanh rằng một người kế vị tiềm năng là Kim Pyong Il, người con trai duy
nhất còn sống của người sáng lập Bắc Triều Tiên Kim Il Sung (Kim Nhật
Thành), ông đã về nước năm ngoái sau bốn thập niên làm cán bộ ngoại giao
ở nước ngoài.
“Những
người đang phục vụ Kim Jong Un đều thuộc thế hệ đầu tiên ở độ tuổi 60
đến 80, do đó họ có ít nhất một khoảng cách 30 tuổi so với Yo Jong.
Trong mắt họ, Yo Jong chỉ hàng con cháu”, Thae nói. Lập luận tương tự
cũng được đưa ra khi Kim Jong Un lên nắm quyền, nhưng vấn đề tuổi tác
không ngăn cản sự vươn lên nắm quyền kiểm soát của ông đối với các quan
chức lớn tuổi.
Dù
thế nào đi nữa, Kim Yo Jong vẫn là người thừa kế nổi bật nhất. Theo một
cuốn tiểu sử về Kim Jong Un có tựa đề “Người thừa kế vĩ đại” của Anna
Fifield, cô sinh năm 1988 hoặc 1989, từng là một cô gái mũm mĩm má
phính, yêu nhảy múa và được gọi là “công chúa Yo Jong” bởi cha cô, cố
lãnh đạo Kim Jong Il. Cô đã cùng anh trai theo học tại một trường ở
Bern, Thụy Sĩ, cho đến khoảng năm 2000, trước khi về học ở Triều Tiên.
Gia tăng uy tín
Sự
xuất hiện của cô bên cạnh anh trai mình vào lúc cha họ qua đời giúp
công chúng Triều Tiên biết cô là một phần của dòng máu Paektu. Cô sớm có
một vị trí trong Ban Tuyên truyền và Cổ động của Đảng Lao động, nơi cô
chịu trách nhiệm quản lý hình ảnh cho anh mình trên phương tiện truyền
thông nhà nước – một vị trí đăng tương tự như vị trí của cha cô trước
khi ông được chọn làm người kế vị.
Cô
dần dần vươn lên và trở thành một người thân tín gần gũi hơn với anh
mình, đi cùng anh trai trong các chuyến thị sát nhà máy, trang trại và
các đơn vị quân đội. Sau đó, sự xuất hiện trên trường quốc tế, bao gồm
các nhiệm vụ đơn giản như giúp anh mình dập điếu thuốc đang hút dở trong
một lần dừng tàu ở Trung Quốc, cũng giúp củng cố vị thế của cô.
“Một
khi Kim Yo Jong đã lên được tầm này, cô ấy không còn được coi là một
người phụ nữ nữa mà là một nhà lãnh đạo thừa hưởng tính chính danh để
cai trị hơn so với những người khác”, theo lời Chun Yungwoo, cựu đặc
phái viên của Hàn Quốc tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân quốc tế với
Triều Tiên. “Triều Tiên chắc chắn là một trong những xã hội trọng nam
khinh nữ nhất thế giới, nhưng huyết thống cùng với vị thế trong Đảng Lao
động Triều Tiên có thể giúp bù đắp cho vấn đề giới tính.”
Ảnh
hưởng của Kim Yo Jong đã được thể hiện vào tháng trước khi cô đích thân
trả lời thư của Trump đề nghị hỗ trợ chống Covid-19. Trong một tuyên bố
của Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên, cô nói rằng mối quan hệ
thân thiết giữa Trump và anh trai không đủ để giải quyết sự khác biệt
giữa hai kẻ thù lâu đời – điều mang lại một cái nhìn thoáng qua về cách
cô sẽ xử lý mối quan hệ Mỹ – Triều nếu lên nắm quyền.
‘Hùng mạnh hơn’
“Chúng
tôi cố gắng hy vọng vào ngày mà mối quan hệ song phương sẽ tốt đẹp như
mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng cần thời gian và theo dõi thêm
để biết liệu điều đó có thực sự xảy ra hay không”, cô nói. “Tuy nhiên,
chúng tôi sẽ không bao giờ mất hoặc lãng phí thời gian cho những điều vô
ích, mà sẽ tiếp tục thay đổi bản thân để trở nên hùng mạnh hơn trong
thời gian đó giống như cách chúng tôi đã làm trong hai năm qua.”
Kim
Hong-gul, con trai út của cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và là
một nghị sĩ mới đắc cử, cho biết Kim Yo Jong trông có vẻ kiểm soát tình
hình khi một phái đoàn từ Seoul đến thăm Bình Nhưỡng tham dự hội nghị
thượng đỉnh giữa hai nước hồi năm 2018.
“Tôi
nhìn thấy từ xa, tại sân bay khi chúng tôi vừa đến và tại bữa tiệc ở
Bình Nhưỡng, Yo Jong tỉ mẫn quản lý mọi thứ gần anh trai mình,” Kim
Kim-gul nói. “Có vẻ cô ấy là người phụ trách giám sát tại chỗ”.
Trên
giấy tờ, không có gì ngăn một phụ nữ lên nắm quyền ở Triều Tiên, mặc dù
quốc hội của họ đa phần là đàn ông lớn tuổi – cho thấy đây là một trong
những quốc gia ít phụ nữ làm chính trị nhất trên thế giới. Hiến pháp
nói rằng “phụ nữ có địa vị xã hội và các quyền bình đẳng với nam giới.”
Tuy
nhiên, một số nhà phân tích không nghĩ Kim Yo Jong có thể kiểm soát các
tướng lĩnh, những người chỉ huy chương trình vũ khí hạt nhân, điều mà
nhiều người ở Bình Nhưỡng cho là thanh bảo kiếm bảo vệ họ chống lại sự
thay đổi chế độ thông qua chiến tranh từ Mỹ. Ra Jong-yil, cựu phó giám
đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, nói rằng nhiều khả năng đất nước
này sẽ được điều hành bởi một chính quyền quân sự hơn là bởi Kim Yo
Jong.
Kiểm soát cuộc chơi
Lee
Byong-chul, cựu cố vấn của tổng thống Hàn Quốc về các vấn đề an ninh
quốc gia, hiện là giáo sư tại Viện nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul, nói
rằng “hầu như không thể tưởng tượng được việc có một nữ lãnh đạo nữ ở
Triều Tiên.” Ông đặt câu hỏi liệu cô ta có thể kiểm soát được các vị
tướng già nếu không có ảnh hưởng từ anh trai mình hay không, và suy đoán
nhiều khả năng là người chú Kim Pyong Il hoặc Chủ tịch đoàn Chủ tịch
Hội nghị Nhân dân Tối cao Choe Ryong Hae sẽ tiếp quản vai trò lãnh đạo.
Tuy
nhiên, “hệ thống sùng bái cá nhân” của Triều Tiên khiến việc để một
thành viên gia đình họ Kim lãnh đạo trở nên cần thiết, và Kim Jo Yong
“đã cho thấy cô ta biết cách thực hiện quyền hành”, theo Sung-Yoon Lee,
chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher
tại Đại học Tufts ở Massachusetts.
“Những
vị tướng có ảnh hưởng đều có lợi ích trong việc bảo vệ quyền lực của
mình và họ hiểu rằng quyền lực đó chảy qua gia đình họ Kim,” ông nói.
“Cô ta sẽ có thể nắm giữ quyền lực thông qua sự pha trộn giữa khủng bố
và việc thăng chức cho họ. Cô ta biết cách kiểm soát trò chơi của mình”.
Nguồn: “Will a Woman Run North Korea? Kim’s Sister Outshines Male Rivals”, Bloomberg, 26/04/2020.
Biên dịch: Phan Nguyên
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
Không có nhận xét nào