Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore và Đài
Loan đã tránh được những kịch bản đen tối mà không cần phải hy sinh
kinh tế cũng như hoạt động của người dân. Đây là bài học cho châu Âu
cũng như nhiều nước khác.
COVID.19: Châu Âu học được gì từ châu Á? |
Việc
yêu cầu người dân chấp hành nghiêm ngặt lệnh phong tỏa liệu có phải là
biện pháp bắt buộc để tránh thảm họa khi đối phó với dịch COVID-19? Sau
gần hai tháng do dự, các nước châu Âu chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cuối
cùng cũng phải chấp nhận ý tưởng này và bắt chước Trung Quốc, nước đã áp
đặt các biện pháp hạn chế đi lại đối với 750 triệu dân, trong đó cách
ly toàn bộ 150 triệu dân, từ ngày 23/1. Thế nhưng, những “con hổ” kinh
tế châu Á - Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore và Đài Loan - đã lựa chọn con
đường khác.
Là
láng giềng của Trung Quốc, những quốc gia và vùng lãnh thổ này mặc
nhiên trở thành những ổ dịch đầu tiên. Khác với các nước phương Tây, cái
giá phải trả để ngăn chặn dịch bệnh là quá lớn đối với họ. Các nền kinh
tế vệ tinh của công xưởng thế giới, phải thu hút hàng nghìn vị khách
đến từ Trung Quốc vào các thương vụ làm ăn và hoạt động giải trí của họ
mỗi ngày. Nếu luồng khách này bị cản trở, họ sẽ rơi vào khánh kiệt và
khiến Bắc Kinh không hài lòng. Tại châu Á, cuộc chiến chống dịch bệnh
không hề đơn giản, với hệ thống vệ sinh dịch tễ và trình độ văn minh
cũng rất đa dạng. Như đã thấy trong bộ phim Parasite của Hàn Quốc mới
đoạt giải Oscar năm 2020, cư dân tại các khu phố bình dân với những khu
nhà ổ chuột không phải bao giờ cũng là những chiến binh chống dịch hoàn
hảo.
Săn tìm từng ca bệnh
Nhờ
dịch vụ y tế có chất lượng và khí hậu xích đạo, Singapore có thể tin
tưởng rằng họ nằm ngoài tầm với của dịch bệnh. Thế nhưng, nước này không
hề chủ quan. Các chuyến bay tới Vũ Hán đã bị cắt ngay từ ngày 23/1.
Ngày 31/1, Singapore đã cấm nhập cảnh đối với toàn bộ người nước ngoài
từng đi qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước khi đến nước này. Tuy
nhiên, trường hợp Italy cho thấy việc cắt toàn bộ các tuyến hàng không
không phải là một sự bảo đảm tốt.
Do
đó, Singapore đã cố gắng cắt đứt chuỗi lan truyền dịch bệnh, bằng cách
khoanh vùng các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm từ những bệnh nhân đã
được xác nhận. Ở khía cạnh này, nước Pháp có một món nợ đối với
Singapore. Từ ngày 20-22/1, công ty Anh Servomex đã tổ chức một cuộc hội
thảo tại khách sạn Grand Hyatt Singapore với sự tham dự của hàng trăm
nhân sự cấp cao, trong đó có nhiều người đến từ Trung Quốc. 12 người sau
đó đã bị lây bệnh; 1 người trong số đó đã sang Pháp du lịch và nghỉ tại
khu trượt tuyết Cantamines-Montjoie. Từ ngày 4/2, các cơ quan y tế
Singapore đã thông tin rộng rãi cho công chúng trong nước và cả Pháp về
các trường hợp nghi ngờ, cho phép xác định nhanh chóng tất cả những
người bị nhiễm từ bệnh nhân người Anh, từ châu Á đến châu Âu. Nếu không
có hành động như vậy, hội nghị này chắc chắn sẽ trở thành một sự kiện
siêu lây nhiễm với quy mô toàn cầu. Với nỗ lực không ngừng nghỉ,
Singapore với dân số 5,7 triệu trong vòng hai tháng qua chỉ ghi nhận 226
ca bệnh và chưa có ca nào tử vong tính đến ngày 19/3.
Giám sát biên giới và cách ly người nhập cảnh
Đài
Loan, vùng lãnh thổ với 23,6 triệu dân, suýt rơi vào thảm cảnh. Số
lượng khách du lịch Trung Quốc dù đã giảm kể từ năm 2015 nhưng vẫn còn
khá cao, ước tính khoảng 2,7 triệu người vào năm 2019. Ngoài ra, do áp
lực từ Bắc Kinh vốn coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ của họ, Đài
Loan không thể gia nhập Tổ chức y tế thế giới (WHO), khiến cho họ mất đi
sự giúp đỡ quý báu. Dù vậy, tính đến ngày 16/3, Đài Loan chỉ ghi nhận
59 ca lây nhiễm và 1 ca tử vong.
Bí
quyết nằm ở chỗ Đài Loan không có đường biên giới trên bộ, đã lợi dụng
biển để cắt đứt liên hệ với thế giới. Tuy nhiên, trong khi các tuyến
hàng không với Vũ Hán bị tạm dừng từ ngày 21/1, thì các tuyến bay khác
nối với Đại lục chỉ bị hạn chế từ ngày 10/2 và đường bay tới Bắc Kinh,
Thượng Hải cũng như nhiều sân bay lớn khác của Trung Quốc vẫn được duy
trì. Và phải đến ngày 6/2, sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán - giai đoạn cao
điểm của mùa du lịch giữa hai bên, Đài Loan mới cấm nhập cảnh đối với
công dân Trung Quốc.
Làm
thế nào Đài Loan tránh được thảm cảnh bị nhấn chìm? Đơn giản là họ đã
quan tâm tới dịch bệnh ngay từ ngày đầu tiên, khi căn bệnh này mới chỉ
là những tin đồn mà Bắc Kinh cố gắng dập tắt. Giáo sư Jasson Wang, Đại
học Stanford, nói: “Từ ngày 31/12/2019, khi WHO nhận được thông tin về
một loại bệnh phổi chưa rõ nguyên nhân tại Vũ Hán, các quan chức Đài
Loan đã lên máy bay để kiểm tra các tuyến bay trực tiếp với thành phố
này và xác định những người bị sốt, có triệu chứng bệnh phổi trước khi
hành khách được phép xuống máy bay”. Vị chuyên gia về y tế cộng đồng này
cùng với hai đồng nghiệp khác đã tiến hành phân tích chiến lược của Đài
Loan để đối phó với dịch bệnh. Ông nói: “Đài Loan đã kiểm soát thành
công khu vực biên giới vì đã tiến hành các biện pháp chủ động để xác
định sớm các ca bệnh dựa trên cơ sở các chỉ số nghi vấn”.
Hiện
nay, công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) cho phép “tìm kim trong bọc”.
Giáo sư Wang cho biết: “Đài Loan có cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm y
tế mà họ có thể tích hợp với các dữ liệu về nhập cảnh và hải quan, cũng
như các dữ liệu cộng đồng khác để theo dõi tình trạng lây nhiễm”. Ngay
sau khi một bệnh nhân đã được thăm khám trở về từ vùng có nguy cơ lây
nhiễm cao và bộc lộ những triệu chứng, các nhà điều tra của Trung tâm
kiểm soát dịch bệnh đã nhận được cảnh báo trực tiếp. Từ ngày 14/2, trung
tâm đã lập một hệ thống cách ly sau nhập cảnh. Tất cả các hành khách sẽ
phải khai báo y tế trên mạng trước khi đến. Những người có nguy cơ thấp
sẽ nhận được một tin nhắn như một dạng giấy thông hành cho phép họ di
chuyển nhanh chóng qua các trạm kiểm soát của cảnh sát biên giới. Những
người đến từ vùng có nguy cơ cao sẽ phải thực hiện cách ly tại nhà trong
vòng 14 ngày. Ai vi phạm có nguy cơ chịu 2 năm tù và khoảng 60.000 Euro
tiền phạt.
Kỳ tích Hong Kong
Đặc
khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc cũng đã làm tốt công tác phòng
chống dịch khi chỉ có 155 ca lây nhiễm và 4 ca tử vong tính đến ngày
16/3, cho dù họ phải đối mặt với tình thế tương đối phức tạp. Năm 2019,
mỗi ngày có khoảng 300.000 người di chuyển giữa Hong Kong và Đại lục qua
14 trạm kiểm soát. Được sự cố vấn của các chuyên gia giỏi nhất, từ ngày
3/2, Chính quyền Hong Kong đã lập các trạm kiểm soát thân nhiệt thường
xuyên. Sau một thời gian do dự chưa muốn cắt đứt giao thông, đầu tháng
2, Hong Kong đã quyết định chỉ mở một cửa khẩu duy nhất nhưng giới hạn
lưu lượng qua lại xuống còn 750 người mỗi ngày và những người này phải
bị cách ly tại các trung tâm. Gần đây, những người đến từ các nước như
Iran hay miền Bắc Italy sẽ được đưa tới những trung tâm này; trong khi
đó, những người đến từ khu vực Schengen, Mỹ và Anh bị cách ly tại nhà.
Tuy
nhiên, việc đóng cửa biên giới chỉ là một phần của giải pháp. Tại đô
thị có mật độ dân cư lớn nhất thế giới này, việc giữ khoảng cách xã hội
là một nghệ thuật. Dịch SARS năm 2013 đã làm 200 người thiệt mạng và để
lại một vết sẹo hằn sâu trong tâm trí người dân Hong Kong – hơn cả Đài
Loan và Singapore, nhưng nó cũng giúp họ chuẩn bị tâm lý tốt hơn. Tại
các bệnh viện, 1.000 giường trong các phòng cách ly áp lực âm đã sẵn
sàng cho dịch bệnh. Những người hùng của cuộc chiến năm 2003, giáo sư
Gabriel Leung và Yuen Kwok-Yung, đều thuộc Đại học Hong Kong và là những
nhà khoa học đáng kính, đã được mời đến. Lời nói của họ trở thành mệnh
lệnh.
Là
chuyên gia dịch tễ, từ 27/1, giáo sư Gabriel Leung đã cung cấp cho các
nhà chức trách nhiều dự báo toán học cho thấy nguy cơ của một đại dịch
chết người và khuyến khích chính quyền nhanh chóng đưa ra quyết định
đóng cửa các trường học và yêu cầu bắt buộc làm việc từ xa đối với toàn
bộ công chức và phần lớn lao động trong lĩnh vực tư nhân. Yuen
Kwok-Yung, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đã đến Vũ Hán với tư cách cá
nhân hôm 17/1 và không ngừng yêu cầu áp đặt các biện pháp để duy trì
khoảng cách xã hội (khoảng cách giữa hai người) và các biện pháp nghiêm
khắc, chẳng hạn như đeo khẩu trang tại nơi công cộng, kể cả với những
người cho rằng mình khỏe mạnh và những người trên thực tế đã có hoặc
trước khi có những triệu chứng. Quan điểm này đã đạt được sự đồng thuận ở
Hong Kong, cho dù bị phương Tây phản bác. Bác sĩ Ivan Hung, Trưởng khoa
bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Queen Mary nói: “Tất cả các công dân của
chúng tôi đều nhận thức được mối đe dọa của virus và tất cả đều đeo khẩu
trang”. Nói cách khác, việc đeo khẩu trang là sự thể hiện rõ ràng cam
kết của mỗi người trong cuộc chiến chống virus.
Con đường hồi phục khó khăn
Singapore,
Đài Loan và Hong Kong sẽ khó thoát khỏi dịch bệnh mà không hề hấn gì.
Những biện pháp mà họ áp dụng sẽ phải được tiếp tục trong một thời gian
dài. Thế nhưng, chúng chắc chắn sẽ không tốn kém bằng giải pháp ngưng
toàn bộ nền kinh tế mà Trung Quốc đã áp dụng trên diện rộng khi dịch
bệnh tăng phi mã. Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế về các thị trường mới
nổi của Ngân hàng Natixis nói: “Ở các nền kinh tế được mệnh danh là
những ‘con hổ’ châu Á, hoạt động kinh tế chưa bị đình trệ hoàn toàn. Các
doanh nghiệp không bị buộc phải đóng cửa. Nhu cầu không bị giảm đáng kể
như ở các nước bị phong tỏa toàn bộ. Việc phong tỏa từng phần chỉ kéo
dài trong một thời gian nhất định. Hoạt động kinh tế được cho là sẽ phục
hồi vào tháng 4, tức là hai tháng sau khi bị gián đoạn. Nhưng quá trình
phục hồi này sẽ không diễn ra nhanh chóng, theo hình chữ V, mà sẽ từ từ
theo hình chữ U”.
Không
thể áp dụng bài học thành công của những nước tiên phong này ở giai
đoạn giữa chừng. Để có kết quả, chiến lược của họ phải được thực hiện từ
ngày đầu. Benjamin Cowling, chuyên gia dịch tễ cùng êkíp làm việc với
giáo sư Gabriel Leung cho rằng đã quá trễ để châu Âu ngăn chặn sự lây
lan của dịch bệnh. Theo ông, các nước châu Âu hiện nay cần ưu tiêu chiến
lược giảm nhẹ nhằm làm chậm sự lây lan của dịch bệnh và giảm bớt áp lực
đối với các dịch vụ y tế then chốt, nhất là cơ sở hạ tầng dành cho điều
trị tích cực. Nếu không, những gì đã thấy ở miền Bắc Italy sẽ tái diễn ở
những nước châu Âu khác. Việc giữ khoảng cách xã hội thông qua biện
pháp phong tỏa chặt chẽ không thay thế hoàn toàn các biện pháp cần phải
thực hiện nhanh chóng như kiểm soát biên giới, đeo khẩu trang và truy
tìm các chuỗi lây nhiễm, nhất là những nguồn bệnh đến từ nước ngoài. Vì
dịch bệnh đã lan ra hầu hết các nước, những nước đã đánh bại làn sóng
thứ nhất sẽ phải chú ý để không bị thua làn sóng thứ hai vào mùa Thu
tới.
Châu
Âu sẽ phải quay sang học tập Hàn Quốc. Sau khi đánh bại dịch MERS năm
2015, trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19 nước này đã cố gắng ngăn
chặn sự lây lan bằng biện pháp kiểm soát chặt biên giới. Thế nhưng, dịch
bệnh đã bùng phát từ một ổ lây nhiễm trong giáo phái Tân Thiên Địa.
Trong số hơn 8.000 ca nhiễm mà nước này đã ghi nhận, 60% là tín đồ của
giáo phái này. Thay vì áp đặt lệnh phong tỏa đối với toàn bộ dân cư,
chính quyền đã lựa chọn giải pháp truy tìm các chuỗi lây nhiễm qua một
cuộc rà soát trên quy mô lớn. Trong khi các bác sỹ phương Tây bị quá tải
và phải buông tay, chỉ tiến hành xét nghiệm đối với những trường hợp
nghiêm trọng, các bác sĩ Hàn Quốc đã thực hiện tổng cộng 250.000 xét
nghiệm, hơn 15.000 xét nghiệm trong một ngày để cách ly cả những người
có ít dấu hiệu. Người dân có thể yêu cầu xét nghiệm tại hơn 50 điểm di
động, giống như đặt mua một khẩu phần ăn nhanh khi đang lái xe. Đà tăng
đột biến của dịch bệnh tại Hàn Quốc đã chững lại đột ngột vào đầu tháng
3; tới nay, số trường hợp nhiễm mới được phát hiện mỗi ngày đã giảm
xuống dưới 100 ca. Tỷ lệ tử vong rớt xuống dưới 1% - do xét nghiệm đại
trà làm tăng mẫu số tính toán, nhưng một phần cũng vì bệnh nhân được
phát hiện và theo dõi từ rất sớm và do đó giảm bớt nguy cơ bệnh nặng
hơn. Chiến lược của Hàn Quốc trái ngược hoàn toàn với biện pháp mà các
bệnh viện Pháp đang áp dụng hiện nay.
Jérémy André
* Jérémy André là nhà báo của Le Point và La Croix. Bài viết được đăng trên tạp chí Le Point
(Nghiên cứu Biển Đông)
Không có nhận xét nào