Header Ads

  • Breaking News

    'Giãn cách xã hội' bao lâu thì chống được Covid-19?

    Vào lúc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất gần kết thúc, một dịch cúm bắt đầu lan rộng toàn cầu. Loại virus gây ra căn bệnh này, về sau này được đặt tên là cúm Tây Ban Nha, đã lan rộng đến một phần tư dân số thế giới.

    Ở một số nơi, người ta nghĩ ra nhiều sáng kiến để duy trì khoảng cách với người khác
    Với số lượng người tử vong ước tính từ 50 đến 100 triệu, đây là một trong những dịch bệnh chết người nhất trong lịch sử loài người.

    Giữa đại dịch đó, trong suốt tháng 9/1918, các thành phố khắp Hoa Kỳ đã lên kế hoạch cho những cuộc diễu hành cổ động mua trái phiếu tự do, bán ra để giúp cung cấp kinh phí cho hoạt động chiến tranh tại Châu u.

    Ở Philadelphia, bang Pennsylvania, nơi 600 binh lính đã bị nhiễm virus từ dịch cúm này, lãnh đạo thành phố khi ấy quyết định vẫn cho phép tổ chức diễu hành.

    Trong khi đó, thành phố Saint Louis, bang Missouri đã quyết định hủy diễu hành và đưa ra các biện pháp nhằm giới hạn đám đông tụ tập.

    Một tháng sau, hơn 10.000 người ở Philadelphia chết vì cúm Tây Ban Nha, trong khi đó số người tử vong ở Saint Louis chỉ dừng ở dưới con số 700 người.

    Diễu hành không phải là lý do duy nhất tạo ra sự khác biệt về tỷ lệ người chết, nhưng các con số cho thấy tầm quan trọng của biện pháp "giãn cách xã hội" trong thời điểm diễn ra đại dịch.

    "Giãn cách xã hội là cách tạo ra khoảng cách vật lý làm hàng rào giữa hai hoặc nhiều người, từ đó giúp tránh hoặc tạm dừng quá trình lây lan virus," Arindam Basu, phó giáo sư về dịch tễ học và sức khỏe môi trường tại Đại học Canterbury, New Zealand, cho biết.

    Một phân tích về phương pháp can thiệp thực hiện tại nhiều thành phố vòng quanh Hoa Kỳ trong năm 1918 cho thấy những nơi cấm tụ tập đông người, đóng cửa rạp chiếu phim, trường học và nhà thờ từ sớm có tỷ lệ chết người thấp hơn rất nhiều.

    Chỉ hơn 100 năm sau đó, thế giới một lần nữa lại đối diện với đại dịch, lần này là từ một loại virus khác - virus corona với tên gọi Covid-19.

    Ngày nay, dân số thế giới đông hơn so với thời 1918 hơn sáu tỷ người.

    Dù Covid-19 khác nhiều so với cúm Tây Ban Nha, đặc biệt là về nhóm người bị ảnh hưởng và tỷ lệ chết người, nhưng vẫn còn một bài học quan trọng, đó là phương pháp giãn cách xã hội có thể tạo ra sự khác biệt. Đó có thể là một trong những cách tốt nhất để chống lại đại dịch lần này.

    "Lần này, chúng ta không biết đến loại vaccine hiệu quả và an toàn nào, và ta cũng không biết liệu một loại thuốc an toàn và hiệu quả sẽ có tác dụng loại trừ được việc lây lan virus Covid-19 hay không," Basu cho biết. "Không có những yếu tố trên, thứ tốt nhất mà ta có thể đánh cược là phòng tránh."

    Nhiều quốc gia trên thế giới giờ đây đang trải qua các biện pháp khác nhau trong nỗ lực áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để làm giảm sự lây lan của Covid-19.

    Các biện pháp này có từ việc ngăn cản đám đông tụ tập, đóng cửa không gian công cộng như các trung tâm giải trí, quán rượu và sàn nhảy, đến việc đóng cửa trường học. Một số nơi còn áp dụng tình trạng giới nghiêm hoàn toàn, buộc mọi người phải ở nhà.

    Tuy tự cách ly cũng được coi là một hình thức giãn cách xã hội, nhưng có sự khác biệt quan trọng ở đây.

    Tự cách ly và cách ly nhằm mục đích tránh không để người đã nhiễm bệnh hoặc người đã có liên hệ với người nhiễm bệnh có thể truyền virus cho người khác.

    Giãn cách xã hội là biện pháp rộng hơn, nhằm mục đích tránh tình trạng mọi người lẫn lộn vào nhau khiến tình trạng lây nhiễm lan rộng trong dân chúng.

    Và ta có thể sẽ cần giữ khoảng cách với người khác trong một khoảng thời gian nữa.

    Một nghiên cứu do máy tính lập mô hình từ Đại học Havard, dù vẫn chưa được xuất bản trên tạp chí khoa học, đã cảnh báo rằng biện pháp giãn cách xã hội tùy giai đoạn có thể sẽ tiếp tục được duy trì đến năm 2022 ở Hoa Kỳ, nếu không có những phương pháp can thiệp khác như vaccine, có thuốc điều trị và các biện pháp cách ly nghiêm ngặt.

    Đó là vì dù cách ly xã hội một lần có thể trì hoãn đỉnh dịch bệnh cho đến cuối năm nay, nhưng nhiều khả năng là số ca nhiễm bệnh sẽ tăng trở lại lần nữa nếu virus có một số biến thể theo mùa.

    Nhưng có lý do tốt để lý giải vì sao giãn cách xã hội lại là chiến lược quan trọng để kiềm chế đại dịch Covid-19.

    Tỷ lệ chết người ở Philadelphia và St Louis trong dịch cúm Tây Ban Nha 1918 cho thấy tầm quan trọng của phương pháp giãn cách xã hội
    Ngăn chặn việc lây nhiễm cấp số nhân

    Mỗi người bị nhiễm coronavirus Covid-19 được cho là có thể lây truyền cho trung bình từ hai đến ba người trong giai đoạn đầu của bệnh dịch. Sự lây lan này được các nhà dịch tễ học sử dụng làm "con số lây lan".

    Để so sánh, thì bệnh cúm mùa có tỷ lệ lây lan là từ 1,06-3,4 tùy thuộc vào chủng. Cúm Tây Ban Nha được cho là có tỷ lệ lây lan khoảng 1,8 do một nghiên cứu thực hiện. Rhinovirus, là loại virus gây ra bệnh cảm phổ biến, có tỷ lệ lây lan là 1,2-1,83. Đa số ước tính là Covid-19 có tỷ lệ lây lan khoảng 1,4-3,9.

    Giai đoạn ủ bệnh là thời gian từ khi nhiễm bệnh cho đến khi triệu chứng xuất hiện, với Covid-19 là khoảng năm ngày, dù có thể mãi đến 14 ngày sau triệu chứng bệnh mới xuất hiện, theo một nghiên cứu từ Trung Quốc.

    Nếu bạn bị nhiễm và vẫn tiếp tục giao tiếp xã hội như thông thường, khả năng cao là bạn sẽ truyền virus cho hai đến ba người bạn hoặc người thân trong gia đình, và mỗi người trong số họ sẽ tiếp tục có thể lây nhiễm cho 2 -3 người khác.

    Trong vòng một tháng, một ca bệnh có thể dẫn đến 244 ca bệnh khác theo cách lây truyền này, và trong hai tháng, số người nhiễm bệnh sẽ tăng vọt lên con số 59.604 người.

    Tình hình còn phức tạp hơn nữa do virus này được cho là có thể lây truyền từ người đã nhiễm bệnh nhưng không có bất cứ triệu chứng gì.

    Một nghiên cứu do Lauren Ancel Meyers từ Đại học Texas ở Austin ước tí rằng sự lây truyền trong âm thầm này có thể xảy ra với khoảng 10% số ca bệnh.

    Ước tính có khoảng 1-3% người nhiễm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng gì.

    Những người này có thể không biết để mà tự cách ly, nhưng nếu họ thực hiện tốt những yêu cầu giãn cách xã hội, họ sẽ giúp tránh tình trạng vô ý khiến virus lây lan đi.

    Có một số bằng chứng cho thấy việc ở nhà, và duy trì khoảng cách an toàn với người khác có thể giúp làm giảm tốc độ lây lan và ngăn chặn hiệu ứng domino.

    Nghiên cứu tìm hiểu về tình trạng lây nhiễm tại Vũ Hán cho thấy rằng khi áp dụng biện pháp kiểm soát trên quy mô lớn, người ta thấy tỷ lệ lây lan trong thành phố giảm từ 2.35 xuống còn gần 1.

    Khi tỷ lệ lây nhiễm tiến đến 1, số ca mắc bệnh sẽ ngừng tăng thấy rõ vì mỗi người nhiễm bệnh chỉ lây virus cho một người khác mà thôi.

    Mô hình mà Trung Quốc thực hiện cho thấy mức độ giãn cách xã hội ở quy mô lớn chính là then chốt làm giảm con số lây lan ở Vũ Hán và rộng hơn là ở vùng Hồ Bắc.

    Điều này kết luận rằng biện pháp phong tỏa được áp dụng ở trung tâm dịch bệnh càng sớm bao nhiêu thì dịch bệnh sẽ càng thu hẹp lại bấy nhiêu.

    Một trong những mục đích chính của giãn cách xã hội là "đè thấp đường cong", nghĩa là làm chậm lại quá trình lây lan của virus đến người.

    Đây là việc kéo dài thời gian virus lây lan trong một cộng đồng dân cư, và đẩy lùi đỉnh dịch khiến số ca nhiễm bệnh trong cùng một thời điểm ở mức cao nhất sẽ chậm xuất hiện.

    Một bảng biểu cho thấy số người nhiễm sẽ lên tới đỉnh nhanh hơn rất nhiều nếu không có giãn cách xã hội.

    Với giãn cách xã hội, đường cong tăng trên biểu đồ thấp hơn nhiều, điều đó có nghĩa là vào bất cứ thời điểm nào thì số người nhiễm, và từ đó dẫn đến số người cần chăm sóc cấp cứu và cần sử dụng tài nguyên, sẽ thấp hơn.

    Nhiều quốc gia trên thế giới đã ứng dụng những biện pháp khích lệ sự giãn cách xã hội
    Nhưng cách này nếu thực hiện trong thực tế sẽ thế nào?

    Các quốc gia có cách tiếp cận khác nhau trong biện pháp phòng tránh.

    Anh Quốc là một trong số những quốc gia tăng cường nỗ lực phản ứng theo một báo cáo bằng cách sử dụng mô hình máy tính dự đoán xem virus có thể lây lan ra sao, do các nhà nghiên cứu từ Đại học Imperial College London thực hiện và được công bố vào ngày 16/3.

    Các nhà nghiên cứu này tìm hiểu hai phương pháp tiềm năng có thể chống lại đại dịch trên mô hình dân số Anh Quốc và Hoa Kỳ.

    Đầu tiên là mô hình giảm nhẹ, chỉ tập trung vào nỗ lực cô lập những người dễ có nguy cơ nhiễm bệnh nhất và cách ly người có triệu chứng bệnh.

    Tiếp đến là ngăn chặn triệt để, theo đó toàn bộ dân chúng cùng tự thực hiện giãn cách xã hội, trong khi đó những người có triệu chứng và những người khác trong gia đình sẽ tự cách ly tại nhà.

    Nghiên cứu này nhận thấy nếu không có bất cứ biện pháp nào, Anh Quốc có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng có 510.000 người chết, trong khi Hoa Kỳ con số này có thể là 2,2 triệu chết vì Covid-19.

    Dù họ ước tính chiến lược giảm nhẹ ban đầu có tiềm năng sẽ giúp giảm nhu cầu với bệnh viện xuống còn hai phần ba và giảm nửa số người chết, thì vẫn sẽ dẫn đến hàng trăm ngàn người chết.

    Chiến lược này cũng vẫn có thể làm quá tải bệnh viện, đặc biệt là ở mảng cấp cứu, "nhiều lần".

    Trước khi báo cáo này được công bố, Anh Quốc định áp dụng biện pháp "miễn dịch cộng đồng", là tình huống khi số lượng đáng kể dân cư trong xã hội trở nên miễn dịch, nhờ việc họ được tiêm vaccine hoặc do họ đã và khỏi bệnh. Bằng cách làm cho xã hội tràn ngập người nhiễm bệnh, cách miễn dịch cộng đồng này có thể tạm dừng tình trạng lây lan nhanh hơn của virus một cách hiệu quả và nhanh hơn nhiều.

    "Khi miễn dịch cộng đồng được dùng làm chiến lược, những người sử dụng cách này sẽ cho phép một số hành vi diễn ra, dù biết chắc là nó có thể gây lan rộng sự lây nhiễm," Basu giải thích.

    "Những việc như tụ tập đông người vẫn được phép, với quan điểm cho rằng những người tham dự đám đông khỏe mạnh hơn và 'kiên cường' hơn, sẽ hồi phục và trong quá trình đó sẽ đem lại cả sự miễn dịch cho người khác."

    Basu cho biết, khi nói đến Covid-19, ta vẫn còn biết rất ít về hệ quả ngắn hạn và dài hạn của việc lây nhiễm. Người ta cũng chưa rõ liệu người bị nhiễm sẽ phát triển miễn dịch tới đâu sau khi họ hồi phục (mặc dù một số thí nghiệm trên khỉ cho thấy khỉ có thể phát triển miễn dịch sau khi bị nhiễm bệnh).

    "Việc cố ý để những người khỏe mạnh bị phơi nhiễm và để tình trạng lây nhiễm lan rộng, trong khi việc áp dụng biện pháp tự cách ly hoặc phong tỏa có tác dụng, là điều có thể gây nguy hiểm," Basu cho biết. "Nếu người bị nhiễm bệnh lây nhiễm cho người dễ bị tổn thương sống gần họ, thì tình hình có thể nhanh chóng trở nên nghiêm trọng."

    Để phản hồi với nghiên cứu của trường Imperial, chính phủ Anh thay đổi lời khuyên, đưa ra các biện pháp kiểm soát và lệnh cấm ngày càng nghiêm khắc với doanh nghiệp và công chúng.

    Vẫn hiệu quả dù dân số già

    Tuổi tác của dân cư cũng như lối sống của mọi người trong xã hội có tác động to lớn đến cách mà Covid-19 lây truyền, theo nhiều nghiên cứu từ Đại học Oxford và Trường Nuffield College.

    Jennifer Dowd và đồng nghiệp đã tìm hiểu về nhân khẩu học và quá trình lây lan của căn bệnh ở nhiều nơi trên thế giới.

    Ở Ý, nơi dân số già và gia đình nhiều thế hệ có xu hướng sống gần nhau, Covid-19 khiến nhiều người chết hơn.

    Đó là vì tỷ lệ chết của người trên 80 tuổi ước tính vào khoảng 14,8%, so với chỉ 0,4% ở người từ 40-49 tuổi, theo nghiên cứu về số ca bệnh và ca chết tính đến ngày 13/3.

    Nhưng thậm chí dù ở Ý, thì giãn cách xã hội có vẻ như cũng có tác dụng. Những chiến lược khác nhau được áp dụng ở hai thành phố - Bergamo và Lodi - đã dẫn đến số ca lây nhiễm hoàn toàn khác biệt.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Ở Palembang, miền Nam Sumatra, ghế ngồi trên tàu đã được đánh dấu chéo màu đỏ để mọi người biết giữ khoảng cách

    Ở Lodi, ca nhiễm virus corona đầu tiên được phát hiện vào ngày 21/2, và sau đó hai ngày lệnh cấm đi lại đã được ban hành. "Vào ngày 24/2, tất cả trường học, đại học, các sự kiện thể thao, giải trí và văn hóa đã bị hủy," Dowd cho biết.

    "Các ca nhiễm bắt đầu được phát hiện tại Bergamo vào ngày 23/2 ở một vài đô thị, và báo chí đã thảo luận về lệnh cấm tương tự, nhưng lệnh cấm này không được áp dụng mãi đến khi lệnh phong tỏa rộng hơn được ban hành vào ngày 8/3."

    Vào ngày 7/3 cả hai thành phố đều có khoảng 800 ca nhiễm bệnh, nhưng đến ngày 13/3, số ca nhiễm tại Bergamo đã lên tới 2.300 ca, trong khi Lodi chỉ có số lượng ca nhiễm ít hơn một nửa con số trên, là 1.100 người.

    Cả hai tỉnh đều có cấu trúc tuổi tác dân cư tương tự nhau, với khoảng 21% dân số trên 65 tuổi, Dowd cho biết.

    "Dù nói chung Bergamo có dân số đông hơn Lodi, nhưng các cụm đô thị có số ca bệnh khởi nhiễm có kích cỡ tương tự và vì vậy có thể so sánh với nhau khi tìm hiểu về giai đoạn diễn tiến ban đầu của dịch bệnh," Dowd giải thích.

    Tình huống có vẻ như cực kỳ tương tự với những gì đã xảy ra tại Philadelphia và Saint Louis, nhưng vẫn còn quá sớm để nói liệu lịch sử có lặp lại hay không, các nhà nghiên cứu cho biết.

    Một khác biệt lớn là con số người ta đang so sánh ở các thị trấn tại Ý là số ca nhiễm bệnh chứ không phải số người chết.

    "Cũng có thể có những điều khác nhau trong các bối cảnh trên như những sự kiện siêu lây nhiễm, mạng lưới xã hội khác nhau," Dowd chia sẻ.

    "Nhưng nói về sự tương tự về nền tảng và biện pháp can thiệp quyết liệt diễn ra tại Lodi, chúng tôi cho rằng những biện pháp này cực kỳ có tác dụng."

    Dowd cho biết, nói chung nói biện pháp giãn cách xã hội có hiệu quả là khá an toàn. "Chúng ta đã thấy bằng chứng thực tế về hiệu quả của các biện pháp này."

    Một nghiên cứu khác ở Bang Washington State tìm hiểu về tình trạng lây nhiễm của các loại virus gây bệnh hô hấp nói chung - nhưng không đề cập đến Covid-19 - cho thấy giãn cách xã hội có thể làm giảm thiểu tình trạng lây bệnh về lâu dài.

    Đợt tuyết rơi kéo dài bất thường vào tháng 2/2019 dẫn đến nhiều trường học và nơi làm việc phải đóng cửa, và điều này khiến người ta thấy số lượng ca nhiễm giảm từ 3-9% trong thời gian còn lại của mùa.

    Rắc rối là, khi mọi người bắt đầu gặp gỡ nhau trở lại, thì virus cũng bắt đầu lan rộng và số lượng ca nhiễm có vẻ sẽ tăng.

    Đó là lý do mà ta thấy các nước có thể áp dụng rồi nới lỏng rồi lại áp dụng quy định giãn cách xã hội hoặc các biện pháp kiểm soát khác, cho phép số ca bệnh tăng lên rồi lại áp dụng lại biện pháp nghiêm ngặt hơn để mức độ lây nhiễm chỉ xảy ra trong phạm vi mà hệ thống y tế đối phó được. Điều này giống như bật và tắt vòi đại dịch Covid-19 để đảm bảo bệnh viện và nhân viên y tế không bị quá tải.

    Tất nhiên, phải xa cách bạn bè và gia đình la điều không dễ chút nào, đặc biệt là trong tình huống đại dịch toàn cầu.

    Có thể một số hậu quả không lường trước được sẽ xảy ra khi tránh gặp gỡ mọi người. Về lâu dài, tình trạng cô độc trong các nhóm xã hội sẽ dẫn đến bệnh tim, trầm cảm và mất trí nhớ.

    Nhưng giãn cách xã hội không hẳn là ngưng mọi liên hệ. Không giống như năm 1918, ngày nay có rất nhiều cách mà mọi người có thể giữ liên lạc với người thân yêu.

    Công nghệ đã đem đến cho ta mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin và gọi điện thoại video trên mạng.

    Và nếu như việc đó giúp người ta yêu quý được an toàn, thì rốt cuộc đó là việc đáng làm.

    Abigail Beall

    (BBC)

    Không có nhận xét nào