Ít có sự kiện nào trong thế kỷ qua
lại nhấn mạnh sự cần thiết của lãnh đạo toàn cầu và khu vực rõ ràng như
sự lan rộng của COVID-19. Sự lây lan này đã vượt qua mọi rào cản – quốc
gia, văn hóa, tư tưởng và cá nhân. Nó cũng đã tấn công người giàu cũng
như người nghèo, kẻ mạnh lẫn kẻ yếu. Nó đã làm cho hầu như tất cả mọi
người trên hành tinh đều cảm thấy dễ bị tổn thương.
Căng thẳng Mỹ – Trung tại châu Á càng gia tăng sau đại dịch? |
Thông
thường, trong hoàn cảnh như vậy, Hoa Kỳ sẽ tiến lên để lãnh đạo, sử
dụng sức mạnh tập hợp lực lượng độc nhất và sức mạnh kinh tế, chính trị
và quân sự vô song của mình để huy động các nguồn lực, thúc đẩy các nỗ
lực quốc tế đi theo một hướng. Điều đó đã xảy ra sau thảm họa sóng thần
Đông Nam Á, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự bùng phát của
Ebola ở Đông Phi. Hoa Kỳ thường xem đây là một trò chơi có tổng dương,
ai cũng được lợi, để vượt qua những thách thức toàn cầu này cùng với
Trung Quốc. Điều này giờ không còn nữa.
Giờ
đây, nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ coi sự phối hợp với Trung Quốc
nhằm phản ứng với COVID-19 là một nỗ lực tự làm hại mình trong một cuộc
cạnh tranh có tổng bằng không (bên được bên mất) nhằm lãnh đạo toàn cầu.
Những nỗ lực như vậy, theo quan điểm của họ, mang lại sự chính danh cho
một ban lãnh đạo Trung Quốc không xứng đáng với điều đó.
Các
quan chức hàng đầu của Trung Quốc cũng không kém các đối tác Hoa Kỳ của
mình về tầm nhìn thiển cận, truyền bá các thuyết âm mưu bên lề về virus
có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc và cho rằng phản ứng của Bắc Kinh đối
với sự bùng phát virus cho thấy sự vượt trội của hệ thống quản trị nước
này. Những nỗ lực như vậy càng cho thấy sự bất an và điểm yếu của Trung
Quốc hơn là điểm mạnh. Chúng đóng vai trò như một lời nhắc nhở về phản
ứng ban đầu yếu kém của Trung Quốc khiến virus bùng phát ở Vũ Hán. Nhận
ra rủi ro về uy tín này, các nhà tuyên truyền Trung Quốc đang cố gắng
viết lại dòng quan điểm về COVID-19 nhằm đưa các nhà lãnh đạo của họ vào
một vị thế tích cực hơn.
Hậu
quả là hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới bị sa lầy trong một cuộc
chiến diễn ngôn về nguyên nhân gây ra đại dịch và đổ lỗi cho nhau đã gây
ra sự tàn phá toàn cầu. Những lập luận này có khả năng dẫn đến những
hậu quả hai bên cùng thua cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đại dịch càng lan
rộng và tàn phá các nền kinh tế thì cả hai nước càng bị thiệt hại nhiều
hơn.
Vòng
xoáy xuống đáy này chưa cho thấy dấu hiệu giảm nhiệt. Các quan chức
hàng đầu của Mỹ tin rằng họ có nghĩa vụ đạo đức phải làm nổi bật mối
liên hệ giữa phản ứng ban đầu sơ suất của Trung Quốc tại Vũ Hán với sự
lây lan của virus trên toàn cầu. COVID-19 càng tàn phá toàn cầu bao
nhiêu, các quan chức này càng củng cố niềm tin rằng họ phải cho thấy hệ
thống quản trị chuyên chế của Trung Quốc phải bị thách thức bấy nhiêu.
Những
niềm tin đạo đức như vậy có thể hòa lẫn với các động cơ chính trị trong
nước. Hoa Kỳ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 11 này. Bị tước mất
một thành tích kinh tế mạnh mẽ, đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia
tăng và không còn có thể “xử lý vũng lầy” ở Washington sau bốn năm cầm
quyền, Tổng thống Trump có thể phải đối mặt với áp lực phải chuyển hướng
sự bực dọc của Mỹ vào “virus Trung Quốc”.
Những
nỗ lực như vậy đã trở nên rõ ràng khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo
khăng khăng, nhưng không thành, đòi các ngoại trưởng nhóm G7 gọi
COVID-19 là ‘Virus Vũ Hán’ trong một thông cáo chính thức và trong một
chỉ thị cho các nhà ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu chính phủ sở tại phải chỉ
trích phản ứng của Trung Quốc đối với sự bùng phát virus. Nếu xu hướng
hiện tại tiếp diễn, chiến lược ngoại giao của Mỹ ở châu Á trong năm tới
có thể bị hao tổn sinh lực bởi những nỗ lực nhằm đổ lỗi cho Bắc Kinh,
Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc nói chung.
Cũng
sẽ có những nỗ lực tiếp tục nhằm thúc đẩy những sáng kiến như Mạng
lưới Điểm Xanh của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một cách tiếp cận đa phương mới
để nâng cao chất lượng, tính minh bạch và sự bền vững của các dự án cơ
sở hạ tầng. Mỹ cũng sẽ tìm cách tăng cường nhóm tứ giác Hoa Kỳ – Nhật
Bản – Australia – Ấn Độ và củng cố tư thế quân sự của mình tại Châu Á.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ như Ngoại trưởng Pompeo và Bộ trưởng Quốc
phòng Mark Esper có thể sẽ tiếp tục thường xuyên công du khu vực. Nhưng
những sáng kiến này có thể bị lu mờ bởi chính quyền Trump khi họ tập
trung tìm cách cáo buộc lãnh đạo Trung Quốc chịu trách nhiệm về phản ứng
ban đầu đối với việc virus bùng phát.
Trọng
tâm như vậy sẽ khiến Hoa Kỳ lạc nhịp với hầu hết các quốc gia trong khu
vực. Mặc dù nhiều đối tác sẽ đồng cảm với những chỉ trích về hành vi
của Trung Quốc, nhưng ít ai sẽ coi việc tham gia một cuộc chiến công
luận công khai là phù hợp với lợi ích quốc gia của mình. Đặc biệt là sau
khi nền kinh tế Trung Quốc hồi phục trước nền kinh tế Hoa Kỳ và Châu
Âu, sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ trở nên quá lớn khiến các
nước láng giềng không thể bỏ qua.
Điều
này sẽ dẫn đến căng thẳng gia tăng trên toàn khu vực vì các vấn đề
tưởng như nhỏ nhặt như tên gọi cho đại dịch, các quyết định về các dự án
Sáng kiến Vành đai và Con đường, các tiêu chuẩn kỹ thuật cho mạng 5G
hoặc việc bỏ phiếu cho ứng cử viên lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của
Liên Hợp Quốc, sẽ trở thành thước đo sự ủng hộ của các nước dành cho
Washington hay Bắc Kinh. Mặc dù các nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ
và Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tuyên bố rằng họ không buộc các nước
khác phải chọn phe, không gian cho các quốc gia được duy trì sự trung
lập sẽ bị thu hẹp qua từng quyết định.
Vẫn
chưa rõ Washington có kiên trì vô thời hạn trong việc tăng cường cạnh
tranh với Bắc Kinh hay không. Các chính quyền tương lai có thể ưu tiên
phát triển một chiến lược châu Á để ứng phó với Trung Quốc, thay vì chỉ
tập trung vào một cuộc đối đầu song phương với Bắc Kinh.
Cũng
chưa chắc chắn liệu Trung Quốc có duy trì một vị thế đối ngoại khiêu
khích như vậy vô thời hạn hay không. Nhưng hiện tại, thực tế là như vậy.
Tất cả các nước cần chuẩn bị sẵn sàng bởi tình hình có thể xấu đi trước
khi được cải thiện.
Nguồn: Ryan Hass & Kevin Dong, “The US, China and Asia after the pandemic: more, not less, tension”, East Asia Forum, 01/04/2020.
Biên dịch: Phan Nguyên
*
Ryan Hass là Chủ tịch chương trình Chính sách đối ngoại tại Viện
Brookings. Kevin Dong là trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm John L Thornton
về Trung Quốc tại Viện Brookings.
(Nghiên cứu Quốc tế)
Không có nhận xét nào