Dịch cúm Covid-19 [Cô Vi] đã làm đảo
lộn các sinh hoạt đời sống từ văn hoá, thể thao, giải trí đến kinh tế,
chính trị tại Hoa Kỳ và thế giới trong một tháng qua. Đúng ra lúc này
tại Mỹ đang sôi nổi với các buổi vận động tranh cử của các ứng viên Đảng
Dân chủ, nhưng hiện không còn cuộc vận động nào của đảng này.
Tổng thống Trump ký ban hành luật trợ giúp dân và các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi nạn dịch hôm 27/3 |
Sau
ngày Super Tuesday đầu tháng Ba, với bầu cử sơ bộ ở hơn chục tiểu bang,
cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã vượt trội lên hơn hẳn Thượng Nghị sĩ
Bernie Sanders và gần như chắc chắn Joe Biden sẽ là ứng viên tổng thống
của Đảng Dân chủ.
Giấc
mơ xây dựng xã hội chủ nghĩa Hoa Kỳ của ông Sanders với các chính sách y
tế và giáo dục bậc đại học miễn phí cho mọi người sẽ không có cơ hội
thành hiện thực.
Thế
rồi tình hình đối phó với Cô Vi lây lan làm rúng động nước Mỹ. Lần
tranh luận sau cùng giữa Biden và Sanders hôm 15/3 diễn ra trong không
khí lo sợ dịch lây lan nên không có cử tri tham gia, hai ứng viên đứng
cách nhau có đến 3 mét, xa hơn khoảng cách 2 mét mà giới chức y tế liên
bang trong bang tham mưu phòng chống Cô Vi của tổng thống khuyến cáo.
Không
ai biết chắc sinh hoạt bình thường sẽ trở lại khi nào, một tháng hay
hai, ba tháng nữa. Nhiều tiểu bang phải đình hoãn các cuộc bầu cử sơ bộ
vì người dân được lệnh ở nhà.
Đảng Dân chủ đã phải dời ngày đại hội đảng lên lịch từ trước vào tháng Bảy sang tháng Tám.
Với Đảng Cộng hoà, đại hội đảng chỉ là hình thức vì Donald Trump sẽ tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Trong
ba năm lãnh đạo Hoa Kỳ, Tổng thống Trump ít gặp gỡ báo chí mà thường
dùng tweet để đưa những quan điểm, bình luận hay phác thảo chính sách,
có khi vào những giờ mà nhiều người còn đang ngủ say.
Sáng thức dậy, giới làm truyền thông cứ đọc rồi phê bình mà chẳng có cơ hội để hỏi trực tiếp lãnh đạo cho rõ.
Nhưng
trong gần một tháng qua, mỗi ngày kể cả cuối tuần Bạch Ốc đều có họp
báo với tổng thống cùng với ban tham mưu phòng chống Cô Vi, mỗi lần kéo
dài ít nhất cũng một tiếng đồng hồ, có hôm hai tiếng.
Báo
chí, truyền hình muốn trực tiếp hỏi Tổng thống Trump điều gì cũng được.
Thích hợp thì ông trả lời hay chuyển qua cho Phó Tổng thống Mike Pence,
Bác sĩ Anthony Fauci và những lãnh đạo y tế có mặt. Nhưng tổng thống
vẫn thích nói nhiều. Khi có câu hỏi ông không thích, Trump cho đó là
kiểu hỏi móc họng, soi mói tìm cách nói xấu ông hay làm cho dân lo sợ
thì ông sỉ vả lại phóng viên.
Trump vẫn là Trump ăn nói bốp chát bất cứ lúc nào từ xưa đến nay, chẳng sợ bị phê bình, chê trách.
Có
ai phê bình, Trump chẳng quan tâm, lúc nào ông cũng cho mình đang làm
đúng, có nhiều người ủng hộ, tự cho mình điểm A+ hay 10.
Giới
báo chí truyền hình Mỹ như CNN, MSNBC, New York Times, Washington Post
chỉ trích cách làm việc, chính sách của Trump trong suốt ba năm qua.
Trong khi đó Fox News, National Review và New York Post có khuynh hướng bênh vực ông.
Dưới
thời Tổng thống Barack Obama thì ngược lại. Fox News tấn công Obama
hàng ngày, chỉ trích những chính sách theo hướng xã hội chủ nghĩa, điển
hình là bảo hiểm y tế cho toàn dân mà Tổng thống Obama đã phải vất vả
vận động mới thông qua được.
Khi
Trump lên làm tổng thống, ông muốn huỷ Obamacare nhưng không được, vì
một phiếu chống của cố Thượng Nghị sĩ John McCain, người cùng đảng, nên
Trump còn ấm ức mãi.
Nhiều chính sách khác của Obama như TPP, về di dân, hay liên quan đến Iran, Cuba, biến đổi khí hậu, Trump đã đảo ngược lại.
Kiểu
làm chính sách của Tổng thống Trump có người phê phán chẳng ra đầu đuôi
thế nào, có người khen như thế mới cho đối phương ngạc nhiên, không
biết đâu mà đối phó.
Nhiều
cử tri Mỹ đã bực mình, chán ngán với Trump lắm rồi và muốn một ai khác
lên thay. Chính sách của Trump có được ủng hộ hay không thì đến ngày bầu
cử 3/11 sẽ rõ.
Hiện
tình bệnh dịch Cô Vi lây lan từ Trung Quốc ra toàn thế giới trong những
tuần qua đã làm kinh tế Mỹ và toàn cầu suy sụp. Hiện có đến 4 tỉ người
trên thế giới đang bị giới hạn đi lại và Cô Vi đang làm cho kinh tế toàn
cầu đóng băng.
Từ
hôm 13/3 khi Tổng thống Trump công bố tình trạng khẩn trương quốc gia
để đối phó, vài hôm sau có chính sách cấm tụ họp và giữ khoảng cách giao
tiếp xã hội.
Xếp hàng trước cửa siêu thị Costco ở vùng Vịnh San Francisco |
Nhiều
tiểu bang cũng đã có chính sách shelter-in-place, nghĩa là cấm ra đường
nếu không có việc cần thiết như đi chợ, đổ xăng, đến ngân hàng, các
trung tâm y tế.
Hiện
có 311 triệu dân Mỹ, 96% dân số, đang sống trong cảnh cấm túc. Tuy
nhiên một số tiểu bang vẫn chưa có lệnh cho toàn tiểu bang cấm dân ra
đường, như Iowa, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South
Dakota, Utah, Wyoming.
Trong
các cuộc họp báo, nhiều lần phóng viên hỏi sao ông Trump không ra lệnh
cấm túc cả nước. Bác sĩ Anthony Fauci cũng muốn có lệnh này cho toàn
quốc, nhưng ông Trump nói chính quyền liên bang chỉ khuyến cáo dân không
ra đường, việc có lệnh cấm ông để cho từng thống đốc quyết định theo
tình hình địa phương.
Đúng
là trên bảo dưới không nghe. Có những nét giống Việt Nam, cũng như
những chữ XHCN mà ứng viên Bernie Sanders thường nhắc đến, nhưng với
người Việt thì có nhiều diễn nghĩa khác nhau.
Ở
đây tôi muốn nói đến nghĩa "xếp hàng cả ngày" mà người Mỹ trong những
ngày qua đang trải nghiệm, nhưng mức độ chờ đợi không lâu hay căng thẳng
như ở Việt Nam thời bao cấp.
Dân
Mỹ xếp hàng dài ở nhiều nơi, đông nhất là ở những siêu thị để mua gạo,
giấy vệ sinh, mua nước, thuốc rửa tay, không đến mức phải chờ cả ngày để
mua được những thứ mình muốn, nhiều lắm cũng một hay hai giờ đồng hồ là
nhiều.
Cảnh
xếp hàng ở Mỹ, tôi chỉ nhớ xem được trên tivi trong những ngày Apple
trình làng điện thoại cầm tay mới, hay trong ngày Black Friday sau lễ
Thanksgiving, từ đêm trước đã có người mang túi ngủ hay lều ra dựng
trước cửa tiệm để mua được món hàng ưng ý.
Lúc
này còn có những chỗ có xét nghiệm bệnh dịch Cô Vi với hàng xe nối đuôi
xếp hàng chờ đến lượt mình. Nhìn đoàn xe tôi nhớ lại những ngày khủng
hoảng xăng dầu ở Mỹ năm 1979, khi đó xe nối đuôi nhau chờ tại trạm xăng
vì người dân chỉ được đổ xăng theo bảng số xe, số lẻ đổ xăng ngày lẻ, số
chẵn đổ ngày chẵn.
Còn
đi siêu thị thì chưa bao giờ phải xếp hàng như lúc này. Thực ra những
loại thực phẩm dân muốn mua không thiếu, nhưng vì phải giữ khoảng cách 2
mét nên các siêu thị kiểm soát số người được vào để tránh cảnh phải đi
đứng san sát bên nhau.
Cô
Vi xuất hiện đầu tiên ở Mỹ vào cuối tháng Một vừa qua. Ngay sau khi
người Việt California tưng bừng đón Tết Canh Tí và xem xong trận đấu
Super Bowl vào chiều ngày 2/2 tôi đã có bài viết đầu tiên về Cô Vi.
Lúc
đó tình hình vẫn yên tĩnh, California mới có 6 ca nhiễm và chưa ai tử
vong, không ai lo gì nên vẫn tụ họp vui xuân, đón tết, xem thể thao.
Ngày
17/2 ứng cử viên Bernie Sanders đến vùng San Francisco vận động tranh
cử và đã có đến năm nghìn người tham dự, nghe ông hứa hẹn bảo hiểm y tế
toàn dân, xoá nợ học phí, lương tối thiểu trên toàn quốc 15 đôla một
giờ, ban hành chính sách xanh bảo vệ môi sinh.
Một
tháng rưỡi sau nước Mỹ đã khác. Hiện có hơn ba trăm nghìn người Mỹ
nhiễm Cô Vi, hơn 10 nghìn tử vong. Cả thế giới đã có 1 triệu 300 nghìn
ca nhiễm, 70 nghìn tử vong.
Nhiều
bệnh viện không có đủ máy trợ thở, trang thiết bị cho bác sĩ, y tá để
chuẩn bị đương đầu với đại dịch đang bùng phát và tuần này sẽ lên đến
cao điểm.
Không
phải chỉ Mỹ thiếu các dụng cụ y tế cần thiết lúc này mà các nước Đức,
Pháp cũng thiếu và đang tranh nhau mua hàng từ Trung Quốc.
Kinh
tế tê liệt. Đường phố vắng tanh. Mười triệu người Mỹ xin trợ cấp thất
nghiệp trong hai tuần qua. Chính phủ Mỹ đã chi ra trên 2 nghìn tỉ đôla
để cứu nguy.
Tập
Cận Bình đang nhắm đánh Donald Trump? Hay đó là hệ quả của chính sách
toàn cầu hoá trong ba thập niên qua, giúp cho Trung Quốc phát triển và
bây giờ là lúc con rồng lớn nhất châu Á vẫy vùng.
Hơn
hai chục năm qua người Hoa đã bị tư bản bóc lột, làm gia công cho thiên
hạ tiêu dùng hàng giá rẻ. Xã hội chủ nghĩa cũng phải đầu hàng, tạm thời
không còn giương cao ngọn cờ kêu gọi công nhân vùng lên chống tư bản
bóc lột.
Cô
Vi làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc sụp thì sẽ
kéo theo Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Úc và cả thế giới như đang diễn ra.
Sau cơn đại dịch Cô Vi, chắc chắn những nhà làm chính sách trên thế giới sẽ phải đặt lại vấn đề kinh tế toàn cầu hoá.
Trong
khi chờ đợi cơn dịch qua đi thì chỉ biết ở nhà, rửa tay thường xuyên
với xà-phòng, không đưa tay chạm mắt, mũi, miệng và trong lòng thầm cầu
nguyện ơn trên.
Bùi Văn Phú
(BBC)
Không có nhận xét nào