Header Ads

  • Breaking News

    Y Chan - Dự báo hậu COVID-19: Phúc lợi cao hơn cho người có thu nhập thấp

    Bài viết này nằm trong chuỗi bài dự báo về tác động của đại dịch COVID-19 tới cuộc sống của con người.
    Y Chan - Dự báo hậu COVID-19: Phúc lợi cao hơn cho người có thu nhập thấp


    Bên cạnh việc nhận ra giá trị của những lao động làm trong các lĩnh vực “xương sống” của nền kinh tế, dịch bệnh còn là dịp để chúng ta nhìn thấy hậu quả của việc bỏ rơi những con người kém may mắn.

    Các thống kê từ tình hình dịch bệnh COVID-19 cho thấy nhóm đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất là những người lớn tuổi và có sẵn bệnh lý.

    Những con số đó không bao quát được một nhóm người khác trong xã hội: những người có địa vị kinh tế xã hội thấp (low socioeconomic status).

    Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có thu nhập thấp có tỷ lệ cao mắc phải các chứng bệnh nghiêm trọng như tiểu đường và bệnh tim. Khi bất bình đẳng gia tăng, sự khác biệt về tình trạng sức khỏe càng bị nới rộng.

    Những người có thu nhập cao hưởng lợi từ các dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng tốt cùng các kiến thức phòng ngừa bệnh tật. Ngược lại, những người thu nhập thấp có nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe sớm hơn khoảng từ 5 đến 15 năm so với các nhóm khác.

    Đặt trong bối cảnh dịch bệnh lần này, điều đó có nghĩa rằng trong khi những người bình thường trên 70 tuổi có nguy cơ tử vong lớn nhất khi mắc bệnh, thì những người thu nhập thấp mới ở tuổi 55 đã trở thành đối tượng dễ tổn thương nhất.

    Đó không chỉ là rủi ro đối với riêng họ. Những người có thu nhập thấp phần lớn làm những công việc không có hợp đồng, không bảo hiểm, lương tính theo giờ. Khi dịch bệnh bùng phát, những người khác có thể làm việc từ xa, hoặc ít nhất nghỉ phép có lương, thì họ buộc phải ra ngoài tiếp tục chạy ăn từng bữa.

    Khi nước Ý bùng phát dịch bệnh, những công nhân làm trong nhà máy, các nhân viên phục vụ bàn hay những tài xế taxi không thể ở nhà dù chỉ một ngày. Họ phải trả đủ thứ hóa đơn, tiền thuê nhà, tiền mua thức ăn, tiền ăn tiền học cho những đứa trẻ.

    Tại Mỹ, nếu chia số lao động ra bốn bậc thu nhập từ cao đến thấp, 90% những người ở bậc cao nhất được trả lương khi nghỉ bệnh (paid sick leave). Ở bậc thấp nhất, chỉ có 47% được hưởng chế độ này.

    Một khảo sát của Gallup vào năm 2019 chỉ ra trong bốn người Mỹ, có một người từ chối dịch vụ chăm sóc sức khỏe vì không trả nổi tiền. Trong một khảo sát khác cũng tại Mỹ, cứ bốn người được hỏi thì có một cho biết là người thân trong gia đình họ đã không thực hiện các xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ vì không có tiền.

    Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đối với những người làm ở ngành dịch vụ ăn uống cho thấy, cứ năm người thì có một thừa nhận vẫn đi làm khi có các triệu chứng nôn mửa hay tiêu chảy. Đó là các triệu chứng đặc trưng khi nhiễm phải norovirus, một loại virus gây viêm dạ dày và ruột cấp tính, cực kỳ dễ lây. Họ buộc phải đi làm vì sợ mất việc. Hệ quả là họ trở thành những người truyền nhiễm bệnh cho người khác.

    Điều tương tự cũng diễn ra trong dịch cúm H1N1 vào năm 2009-2010 tại Mỹ, lấy đi sinh mạng của 12.469 người. Khảo sát của Viện Nghiên cứu Chính sách dành cho Phụ nữ chỉ ra trong 10 người lao động có triệu chứng của H1N1, ba người vẫn tiếp tục đi làm vì không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và sợ mất việc.

    Khi những người có thu nhập thấp, lại không có bảo hiểm y tế, bị buộc phải mạo hiểm tính mạng bản thân để ra ngoài tiếp tục làm việc kiếm sống khi dịch bệnh lây lan, cả xã hội đều bị đặt vào vòng nguy hiểm, và cả xã hội đều có phần của mình trách nhiệm trong đó.

    Chẳng vậy mà mới đây, chính quyền Mỹ phải cấp tốc thông qua gói luật đối phó khẩn cấp với dịch bệnh (coronavirus emergency relief package), trong đó lần đầu tiên trong lịch sử quy định bắt buộc những người tuyển dụng lao động phải trả lương nghỉ bệnh cho người lao động.

    Cùng với những biện pháp khẩn cấp khác (như trực tiếp cung ứng tiền hỗ trợ cho cá nhân và doanh nghiệp, miễn phí tiền xét nghiệm virus), nước Mỹ có lẽ cuối cùng cũng nhận ra, bảo vệ những người khác cũng chính là bảo vệ bản thân mình.

    Dù rằng đạo luật bắt buộc trả lương nghỉ bệnh trên chỉ có thời hạn tới hết năm 2020, và vẫn không áp dụng cho toàn bộ người lao động tại Mỹ, nó vẫn là một bước tiến để người Mỹ giải quyết vấn đề bất bình đẳng của mình.

    Đó không phải chỉ là chuyện riêng của nước Mỹ. Đại dịch lây lan khắp toàn cầu là cơ hội để tất cả phải nghiêm túc nghĩ về những đồng loại của mình trong xã hội.

    Số phận của họ cũng chính là số phận của chúng ta.

    Luật Khoa

    Không có nhận xét nào